Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 24, 2024

Bản lĩnh mẹ con Cấn Thị Thêu hay thêm một thất bại của “án bỏ túi”


Bà Cấn Thị Thêu và các con trai Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương cùng các gia đình chống cưỡng chế đất ở Dương Nội sẽ đi vào lịch sử như những anh hùng nông dân áo vải thời Cộng sản Việt Nam (CSVN) tiến hành đàn áp từ Bắc chí Nam, để cướp đất của người dân. Không giết được Bà Thêu như Cụ Kình, CSVN phải đưa Bà ra xử cũng là nhằm “đơn nhất hóa” tội ác Đồng Tâm. Chính quyền muốn xóa luồng dư luận đang lên án họ tiến hành một cách có hệ thống các vi phạm nhân quyền và khủng bố dân chúng.

“Đả đảo cộng sản…”

Ngày 5/5/2021, tại Toà án tỉnh Hoà Bình, khi Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên 16 năm tù với bà Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư, cả hai mẹ con đã đồng thanh hô to: “Đả đảo cộng sản! Đả đảo cộng sản”! Cách đây hai năm, ngày 17/4/2019, trước cổng Trụ sở Tiếp dân tại số 1 Ngô Thị Nhậm, Hà Nội, một đoàn người chủ yếu là phụ nữ, có cụ tóc đã bạc trắng, mặc trên người những bộ quần áo bạc phếch, tay giương cao các biểu ngữ đòi đất, từng diễu hành và đã thu hút sự chú ý của dân chúng thủ đô.

Bà Cấn Thị Thêu, người đại diện cho những người dân mất đất, lúc bấy giờ cũng đã hô vang các khẩu hiệu “Dương Nội quyết tử giữ đất!”, “Đả đảo cộng sản độc tài tham nhũng!” Đám đông đồng thanh đáp lại: “Đả đảo! Đả đảo!” và “Quyết tử! Quyết tử!”. Phải sống trong lòng một chế độ tham lam và tàn ác, mới thấy hết cái bản lĩnh của người dân Dương Nội giữ đất suốt hơn 10 năm trời. Nay, trước HĐXX, Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư cũng không hề nao núng, đã khẳng khái ứng đối, bác bỏ một cách sắc bén các cáo buộc của Tòa.

Cấn Thị Thêu từng hai lần bị chính quyền CSVN “ném” vào tù trong các năm 2014 và 2016, do đã bền bỉ và kiên quyết đấu tranh giữ đất tại Dương Nội, nơi chính quyền địa phương có kế hoạch cướp đất để giao cho các công ty “tư bản thân hữu” một cách phi pháp. Bà Thêu và hai con trai là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư cùng một người dân Dương Nội khác là Nguyễn Thị Tâm bị bắt từ ngày 24/6/2020. Suốt trong 272 ngày, chính quyền đã không hề cho những người bị giam giữ được tiếp xúc với Luật sư.

Đặng Đình Mạnh là một trong bốn luật sư tham gia bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư tại phiên xử, đã thuật lại với truyền thông quốc tế: “Cả hai người đều chuẩn bị tốt cho phiên tòa; họ điềm đạm, kiên định, mạnh mẽ. Tôi từng tham gia nhiều vụ án chính trị nhưng chưa thấy ai như họ…”. “Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ… Chúng tôi hết sức khâm phục đối với những người phải mang tội danh như vậy”.

Cảm ơn Luật sư Đặng Đình Mạnh đã biểu đạt phần nào nỗi uất hận nhưng bất lực của một bộ phận còn lương tri trong xã hội Việt Nam thời mạt, hậu cộng sản. Những ngày này hãy cùng nhau dành một khoảnh khắc nào đó để suy nghiệm, để cho nước mắt chảy vào trong. Hãy hướng về gia đình Cấn Thị Thêu, bà con Dương Nội – Đồng Tâm và biết bao người dân Việt Nam khác đã/đang bị chính quyền này đàn áp, cướp đất giao cho các “tư bản thân hữu”!

Tại sao Toà xử nặng?

Lý do vì sau hơn 10 năm giữ đất ở Dương Nội, gia đình bà Thêu vừa qua còn vận động trực tuyến, đấu tranh chống lại lệnh thu hồi đất ngày 9/1/2020 ở Đồng Tâm. Tại đấy, Cụ trưởng thôn Lê Đình Kình, 84 tuổi, đã bị giết trong cuộc tập kích của công an. Bà Thêu và các con đã góp phần trung thực tố cáo tội ác của chính quyền ở Đông Tâm trên Facebook và YouTube. Chỉ riêng FB của Trịnh Bá Phương đã có khoảng 50.000 người theo dõi. Không chỉ sợ mẹ con bà, chính quyền còn sợ khối nông dân đứng sau cuộc đấu tranh của gia đình bà.

000_IL7JS.jpg
Bà Cấn Thị Thêu tại phiên toà ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP

Không chỉ đương đầu trực diện với chính quyền chống lại những thủ đoạn gian manh trong chiếm dụng đất đai và trong nhiều bất công xã hội khác, bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư còn là những người tích cực ủng hộ Nhà xuất bản Tự do. Cơ sở xuất bản độc lập này từng giành được Giải thưởng Prix Voltaire 2020 từ Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế. Người đồng sáng lập Nhà xuất bản này, nhà báo Phạm Đoan Trang cũng đã bị bắt vào tháng 10/2020.

Bản lĩnh của bà Cấn Thị Thêu không chỉ dám chống lại mọi bạo lực của nhà cầm quyền, mà còn sáng ngời nghĩa khí, khi đã không để bị lung lạc bới âm mưu mua chuộc của công an. Ra tù năm 2018, bà Thêu cho biết mình “từ nhà tù nhỏ trở về nhà tù lớn” và tuyên bố đấu tranh đến cùng vì dân chủ và quyền của người dân mất đất. Công an cho “chân rết” đến thuyết phục nếu bà ngừng đấu tranh thì sẽ đền bù cho nhà bà bạc tỷ. Hiển nhiên là bà đã thẳng thừng khước từ.

Theo “Dự án 88” – tổ chức nhân quyền Việt Nam – hơn 250 cá nhân hiện bị cầm tù vì hoạt động vận động nhân quyền. Trong số người này, có 40 người đã bị kết án theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự (tuyên truyền chống Nhà nước). Con số này chưa tính những trường hợp như anh Trịnh Bá Phương đã bị buộc tội nhưng đang chờ xét xử. Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế, 21 trong số 27 tù nhân lương tâm bị bỏ tù tại Việt Nam vào năm 2020 đã bị truy tố vì các hoạt động trực tuyến của họ.

Phải nhắc lại, gia đình Cấn Thị Thêu không chỉ bảo vệ quyền lợi của riêng mình, mà còn đấu tranh để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các cộng đồng, từ Dương Nội đến Đông Tâm, từ Văn Giang đến Thủ Thiêm. Nhiều người dân ở Việt Nam biết rõ về tấm gương bất khuất của gia đình bà chống lại bạo quyền và khủng bố. Sợ đánh động dư luận thủ đô, chính quyền để một toà án tỉnh lẻ xử hai mẹ con. Bản án 16 năm tù mà chỉ xử trong một ngày! Lại thêm một vụ án nữa xoáy vào nỗi đau khôn nguôi cho những người nông dân bị cướp đất.

Dư luận quốc tế

Việt Nam phải ngăn chặn ngay lập tức và vô điều kiện hành vi quấy rối tư pháp đối với bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư. Hãy chấm dứt sự đàn áp liên tục đối với những tiếng nói độc lập và hãy trả tự do cho tất cả những người hiện đang bị giam giữ theo các điều trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Hơn nữa, Bộ luật này phải được sửa đổi cho phù hợp với Luật Nhân quyền quốc tế. Truyền thông xã hội hãy chống lại mọi áp lực từ các cơ quan chức năng để không trở thành tòng phạm cho các hành động vi phạm nhân quyền”.

Ngay trước phiên tòa, Tổ chức “Theo dõi Nhân quyền” (HRW) đã phát đi thông cáo báo chí nói trên, kêu gọi chính quyền thả ngay lập tức bà Thêu và hai con trai, đồng thời bãi bỏ mọi cáo buộc đối với họ. Các tổ chức quốc tế khác cũng nhiều lần kêu gọi Hà Nội sửa BLHS để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Có đến bốn báo cáo viên đặc biệt của LHQ từng chỉ rõ, điều 117 của BLHS quá rộng, nhằm mục đích khoá miệng những người tìm cách thực hiện quyền được tự do bày tỏ quan điểm và chia sẻ thông tin với người khác.

000_13P7H7.jpg
Bà Cấn Thị Thêu cùng những người biểu tình phản đối phiên toà xử các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ ở Hà Nội hôm 5/4/2018. AFP

Phiên xét xử hai nhà hoạt động trong chỉ một ngày đã bị các tổ chức nhân quyền khác mạnh mẽ lên án. “Ân xá Quốc tế” (Amnesty International) nhận định những cáo buộc của Tòa án tỉnh Hòa Bình đối với hai mẹ con là “ngụy tạo” và nhằm trừng phạt, trả thù đối với hoạt động ôn hòa phơi bày bất công và những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

Hai tổ chức nhân quyền là “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” và “Người Bảo vệ Nhân quyền” nhận xét rằng “việc bắt giữ bà Thêu cùng hai con trai của bà là độc đoán, chỉ vì các hoạt động nhân quyền ôn hoà của họ. Họ bị biệt giam trong giai đoạn điều tra, không có sự chứng kiến của luật sư trong các cuộc hỏi cung, và bị đối xử vô nhân đạo, thậm chí đe dọa bởi cán bộ của cơ quan tố tụng, như anh Tư khẳng định trong phiên toà”.

John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của HRW lên tiếng: “Cấn Thị Thêu và gia đình bà là những người bảo vệ nhân quyền dám lên tiếng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam nên lắng nghe những người như gia đình dũng cảm này, không nên ném họ vào tù”. Thông cáo của HRW cũng cáo buộc chính quyền Việt Nam “đã vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế khi đã không cho phép Luật sư gặp bà Thêu và anh Trịnh Bá Tư trong suốt chín tháng, đồng thời không cho phép gia đình họ được thăm nuôi hay gặp mặt”.

Sửa luật Đất đai: nói và làm

Những người CSVN hiểu rằng, câu chuyện Cấn Thị Thêu chỉ là một trong hàng trăm những xung đột do những bất cập về chính sách đất đai gây ra. Trong các vụ khiếu kiện nói chung có đến 70% xuất phát từ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Trước hôm xử bà Thêu một ngày, hôm 4/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tổng kết việc thi hành luật Đất đai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện “luật Đất đai” và xây dựng dự án “luật Đất đai sửa đổi”, lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên chuyển từ bị động sang chủ động, tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm thiểu phiền hà và sai phạm.

Đặc biệt ông Chính buộc phải lưu ý, kêu gọi tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận trong dân, đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà, trong đó chú trọng việc tạo đồng thuận. Nhưng thưa Thủ tướng, nếu tất cả tiêu chí ông nêu trên mà thành tựu, thì phần lớn các thành viên nội các của ông sẽ nhất loạt đâm đơn từ chức! Tại sao ư? Đối với các quan chức cộng sản, nếu pháp luật và hạ tầng pháp lý minh bạch, họ còn “ăn” giải gì nữa?

Ngay “Tạp chí Cộng sản” cũng phải thừa nhận, 35 năm tiến hành Đổi mới (từ năm 1986 đến năm 2020), Việt Nam đã bốn lần sửa đổi luật Đất đai, nhưng những lần sửa đổi đó vẫn không giải quyết được cái gốc của vấn đề và chính sách, pháp luật đất đai được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Sau sáu năm thực hiện, luật Đất đai năm 2013 tiếp tục bộc lộ nhiều bất cập. Quá trình thực thi luật về đất đai đã bộc lộ nhiều “kẽ hở”, tạo điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng.

Ngôn ngữ trên đây của Tạp chí phần nào bộc lộ khoảng cách giữa lời nói và việc làm của chính quyền về luật Đất đai. Vấn đề không phải là những “kẻ hở” nhỏ như Tạp chí đề cập. Đối với chính quyền CSVN, quy chế sở hữu và tình trạng luật pháp càng tù mù bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Chính quyền rất cần những “kẽ hở” ấy, càng lớn càng tốt. Đó là lý do tại sao những lời kêu gọi chống lạm quyền, chống tham nhũng, lãng phí, bè phái và lợi ích nhóm sẽ không bao giờ thành tựu. Chúng sẽ thất bại như chính các “bản án bỏ túi”, như bản án đối với gia đình Cấn Thị Thêu.

Nguồn: RFA

Tags:

Click to listen highlighted text!