Cựu cố vấn Ngoại trưởng: ‘Đừng để những kẻ tuyên truyền của Trung Cộng lợi dụng các vị’
March 29, 2021
Cố vấn về Trung Quốc của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng phái đoàn của Bắc Kinh đến Alaska để “sắp đặt tuyên truyền rẻ tiền” trong khi nỗ lực chuyển hướng sự chú ý của quốc tế khỏi những hành vi lạm dụng [nhân quyền] của Trung Cộng.
Tuần trước (15-21/03), Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã tổ chức một cuộc họp kéo dài hai ngày tại Anchorage để đón tiếp những người đồng cấp đến từ Trung Quốc là Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì.
Kể từ đó, điều làm người ta nhớ đến các cuộc đàm phán song phương này không phải là những gì hai bên đã nói, mà là cách phái đoàn Trung Cộng thể hiện một cơn thịnh nộ ngoại giao trong cuộc gặp mặt trực tiếp này. Đặc biệt, ông Dương đã gạt bỏ các nghi thức ngoại giao thông thường và đả kích cái mà ông cho là nền dân chủ chật vật của Hoa Kỳ và việc đối xử tồi tệ với người thiểu số.
Cơn giận dữ công khai của ông Dương kể từ đó đã vấp phải những lời chỉ trích nặng nề từ một số nhà lập pháp và các cựu quan chức Hoa Kỳ. Trong khi đó, các hãng thông tấn nhà nước của Trung Cộng lại ca ngợi rằng cuộc gặp này là một thắng lợi ngoại giao của Bắc Kinh. Tờ Hoàn Cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận diều hâu của Trung Cộng gọi đây là “một cuộc phô trương sức mạnh của Trung Quốc” trong một bài báo đăng ngày 20/03.
Ông Miles Yu, một học giả gốc Hoa, người đã giúp định hình chính sách Trung Quốc dưới thời chính phủ cựu TT Trump, nêu rõ phái đoàn Trung Cộng không đến Alaska với ý định giải quyết các vấn đề cơ bản của mối bang giao song phương này, mà là để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của Trung Cộng.
“Về cơ bản, họ ở đây là để cố gắng làm mất uy tín của nền dân chủ Hoa Kỳ, cố gắng lợi dụng điểm yếu của Hoa Kỳ để đưa ra những lời chỉ trích bất công,” ông Yu nói trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “American Thought Leaders” (Các nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ) của The Epoch Times.
Các cuộc đàm phán ở Alaska diễn ra vào một “thời điểm rất đặc biệt,” khi chế độ Trung Cộng “bị cô lập chưa từng có trên bình diện quốc tế,” ông Yu nhận xét.
Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới ngày càng trở nên lo ngại về cách Trung Cộng gây ra mối đe dọa đối với hệ thống quản trị, kinh tế và an ninh quốc gia của họ khi Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán hơn.
Công chúng ở nhiều nước cũng có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Vào tháng 10/2020, một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy quan điểm tiêu cực về Trung Quốc ở 9 quốc gia, bao gồm Úc, Canada, Hàn Quốc, Anh Quốc và Hoa Kỳ-đã đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Tại Hoa Kỳ, chính phủ cựu TT Trump đã dành bốn năm để đẩy lùi các ảnh hưởng độc hại của Trung Cộng, bao gồm cả các hoạt động thương mại không công bằng và gián điệp.
Vào tháng 03/2021, một cuộc thăm dò khác của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy hơn 70% người dân Hoa Kỳ nói rằng Hoa Thịnh Đốn nên đứng lên chống lại Trung Cộng vì hồ sơ nhân quyền của họ, ngay cả khi điều đó sẽ làm tổn hại liên kết kinh tế song phương [giữa hai nước].
Sự che giấu ban đầu của Bắc Kinh về virus Trung Cộng, nguyên nhân gây ra căn bệnh COVID-19, cũng đã góp phần gây ra phản ứng dữ dội trên toàn cầu đối với chế độ Trung Cộng. Vào giai đoạn đầu của đại dịch, Bắc Kinh đã bịt miệng các bác sĩ tố giác, những người đã cố gắng cảnh báo công chúng về một dạng bệnh viêm phổi mới.
Kết quả là, theo ông Yu, phái đoàn Trung Cộng đã đến Alaska để trút cơn giận giữ, cố gắng đổ lỗi rằng Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất phải chịu trách nhiệm về tình trạng bị quốc tế cô lập của Trung Quốc.
“Về cơ bản, họ đến đây để chuyển trọng tâm của vấn đề thực sự của thời đại, đó là những thách thức toàn cầu do Trung Cộng đặt ra,” ông Yu nói thêm.
Chính sách Ngoại giao của Trung Cộng
Theo ông Yu, về một khía cạnh nào đó, sự giận dữ công khai của phái đoàn Trung Cộng cũng có ích lợi.
“Đối với tôi, dường như người Trung Quốc đã mất đi sự uyển chuyển, khéo léo trong ngoại giao và sự tự tin, nhưng thực chất điều đó giúp cho phần còn lại của thế giới hiểu được các nhà ngoại giao Trung Quốc thực sự hoạt động như thế nào,” ông Yu nhận xét.
“Các nhà ngoại giao Trung Quốc không thực sự là các nhà ngoại giao, mà họ thực chất là những người đại diện cho ý chí của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông Yu nói thêm, đề cập đến cơ quan bao gồm các lãnh đạo hàng đầu của Đảng này.
Ông Yu cho hay ông Dương Khiết Trì được biết đến như một người có kỹ năng chính trị, nhưng việc ông ta cư xử như vậy trước công chúng cho thấy ông ấy chỉ đơn giản là hành động theo lệnh của lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng, để cư xử như một kẻ bắt nạt hoặc một kẻ “chiến lang” ở Alaska. Trung Cộng ngày càng thực thi một hình thức ngoại giao hung hăng được mệnh danh là “chiến lang” trong nỗ lực chống lại sự chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế về các hành động gây hấn của họ.
Tuy nhiên, ông Yu cho rằng ông thấy việc phái đoàn Trung Cộng lên lớp Hoa Kỳ về đạo đức dân chủ là điều “hoàn toàn điên rồ,” khi xét đến hồ sơ vi phạm nhân quyền của Trung Cộng đối với những người bất đồng chính kiến, các nhóm tôn giáo, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công, và hoạt động mổ cướp nội tạng đối với các tù nhân lương tâm do nhà nước hậu thuẫn.
Vào tháng 01/2021, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khi đó là ông Mike Pompeo đã tuyên bố rằng Bắc Kinh đã phạm “tội diệt chủng” và “tội ác chống lại loài người” đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Hôm 22/03, Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đã cùng công bố các biện pháp trừng phạt đối với 6 quan chức Trung Cộng phải chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Khi các quan chức Trung Cộng đưa ra những lời chỉ trích tại Hoa Kỳ, điều đó rất khác với việc người dân Hoa Kỳ chỉ trích đất nước của chính họ, ông Yu nói.
“Người dân Hoa Kỳ chúng ta chỉ trích hệ thống của mình vì chúng ta mong muốn hệ thống của mình tốt hơn,” ông Yu tuyên bố.
“Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích hệ thống của Hoa Kỳ, họ không mong muốn điều tốt đẹp cho chúng ta. Họ thách thức nền tảng của nền dân chủ Hoa Kỳ. Về cơ bản, họ cố gắng phá hủy toàn bộ hệ thống tự do và dân chủ. Họ [ĐCSTQ] hoàn toàn khác [với chúng ta].”
Nhìn lại các cuộc hội đàm này, ông Yu cho rằng phái đoàn Trung Cộng đã bỏ lỡ cơ hội hợp tác với chính phủ ông Biden vì chính phủ này thực sự muốn “tìm kiếm những lĩnh vực chung để hợp tác với Trung Quốc.”
Để kết luận, ông Yu nói rằng chính phủ ông Biden nên rút ra một bài học từ các cuộc đàm phán ở Alaska.
“Các ông phải đối phó với Trung Quốc bằng sự trung thực, bằng sức mạnh, bằng sức mạnh không chút do dự và sự tự tin vào hệ thống dân chủ của chính chúng ta. Đừng để những kẻ tuyên truyền Trung Quốc lợi dụng các vị,” ông Yu nêu rõ.
Do Jan Jekielek và Frank Fang thực hiện
Yến Nhi @epochtimes biên dịch