Chuyên gia: Miến Điện trở thành mặt trận mới cho cuộc đối đầu Hoa Kỳ-Trung Quốc
March 26, 2021
Ông Daisuke Kondo, một chuyên gia về Trung Quốc tại Nhật Bản, gần đây đã viết một bài báo về việc Miến Điện quan trọng như thế nào đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng giống như tầm quan trọng của Đài Loan đối với hai cường quốc này. Theo ông Kondo, tình hình ở Miến Điện hiện nay đáng được quan tâm hơn nữa khi Bắc Kinh đang cố gắng giành lại ảnh hưởng đã mất đối với Miến Điện từ tay Hoa Kỳ, sau cuộc đảo chính quân sự.
Kể từ cuộc đảo chính ở Miến Điện (tên chính thức là Myanmar), Bắc Kinh đã yêu cầu trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo của đảng chính trị Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã ngăn chặn Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quân đội Miến Điện. Hãng thông tấn nhà nước Trung Cộng Tân Hoa Xã đã tránh gọi đây là “cuộc đảo chính,” thay vào đó họ gọi nó là “cuộc cải tổ nội các.”
Chiến dịch đàn áp của quân đội đối với những người biểu tình vẫn tiếp tục. Theo Reuters, hôm 14/03, ít nhất 40 người đã thiệt mạng tại khu công nghiệp Hlaing Tharyar của [thành phố] Yangon trong các cuộc biểu tình chống đảo chính. Sự giận giữ đã được trút vào các công ty Trung Quốc ở Miến Điện vì những cáo buộc cho rằng giới chức Trung Cộng đã ngấm ngầm hỗ trợ quân đội nước này. Cùng ngày, một số nhà máy đã bốc cháy, bao gồm Global Fashion, một công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc và Tsang Yih, một hãng sản xuất giày thuộc sở hữu của Đài Loan.
Theo Reuters, hôm 16/3, hàng nghìn cư dân đã chạy trốn khỏi khu công nghiệp này, trong bối cảnh lo ngại sẽ có thêm thương vong và sau khi quân đội đặt khu vực này và 5 thị trấn khác ở thành phố Yangon trong tình trạng thiết quân luật sau vụ bạo lực vào cuối tuần (13-14/3).
Trung Cộng đã bị cáo buộc là bảo vệ chính quyền quân sự của Miến Điện vì vị trí địa chiến lược của quốc gia này – đó là nơi Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á giao nhau, và nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước lớn trong khu vực. Trung Quốc đã xây dựng một dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt Trung-Miến ở Miến Điện, được khai trương vào năm 2013, và đã trở thành một trong những thành trì cho sự bành trướng kinh tế và quân sự của Trung Cộng.
Là một thành viên đặc biệt của ban biên tập Shukan Gendai (Tuần báo hiện đại), một tờ tuần báo khổ nhỏ của Nhật Bản, ông Kondo đã viết rằng với việc Hoa Kỳ và Trung Quốc một lần nữa đối đầu tại đất nước [Miến Điện], chính phủ ông Biden sẽ cần phải từ bỏ các chính sách nhượng bộ của mình để kiềm chế Trung Cộng.
Với tư cách là một ký giả, ông Kondo đã đến thăm Bắc Hàn hai lần cùng với cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi. Ông Kondo đã học tại Đại học Bắc Kinh trong khoảng 1995-1996, và sau đó làm đại diện của Kodan Press tại Bắc Kinh. Ông từng viết bài cho The Economic Observer, một tạp chí kinh tế nổi tiếng ở Trung Quốc, và là tác giả của những cuốn sách về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng am hiểu tình hình chính trị ở Đông Nam Á, và đã thực hiện các cuộc phỏng vấn ở Miến Điện cũng như các nước Đông Nam Á khác trong nhiều năm.
Ông Kondo đã bày tỏ sự không chắc chắn về việc liệu Trung Cộng có đứng sau cuộc đảo chính này hay không. Ông tin rằng sau khi quân đội Miến Điện bắt đầu thực hiện dân chủ hóa vào năm 2011, quân đội này cũng bắt đầu tiếp cận Hoa Kỳ, chuyển từ “thân Trung Quốc” sang “thân Hoa Kỳ và thân Trung Quốc”. Mặt khác, Trung Cộng đã tham gia vào chính sách ngoại giao bình đẳng giữa quân đội Miến Điện và Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi để duy trì ảnh hưởng của mình ở Miến Điện, ông Kondo nói thêm.
Sự chuyển hướng của quân đội Miến Điện
Ông Kondo chỉ ra rằng vào năm 2011, Miến Điện đã chấm dứt chế độ quân sự và thực hiện chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Trong thập kỷ sau đó, các vấn đề đối nội và đối ngoại của Miến Điện đã thay đổi. Quân đội và đảng chính trị NLD đã phân chia lại quyền và lợi ích của họ, trong quá trình đó liên tục xảy ra các xung đột.
Trong quan hệ quốc tế, trước đây Bắc Kinh có ảnh hưởng to lớn đối với Miến Điện, nhưng Hoa Kỳ cũng đã bắt đầu có ảnh hưởng. Nguyên nhân là do cựu Tổng thống Thein Sein, vốn là một tướng về hưu, đã thực hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại. Ông Kondo cho rằng ông Thein Sein đã chuyển từ cách tiếp cận “ủng hộ một chiều cho Bắc Kinh” sang cách tiếp cận “Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn.”
Chẳng hạn như, hồi tháng 09/2011, ông Thein Sein tuyên bố đình chỉ dự án Đập Myitsone, vốn được Trung Quốc và Miến Điện ký kết vào tháng 12/2009, khi đó ông Tập Cận Bình còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc. Sự đình chỉ này của Miến Điện có thể đã khiến ông Tập bối rối.
Theo ông Kondo, hai tháng sau khi dự án trên bị đình chỉ, ông Tập đã yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao Miến Điện đương thời đến Bắc Kinh để giải thích tình hình. Vào ngày 28/11, ông Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh của Miến Điện, và là người đã khởi xướng cuộc đảo chính hồi tháng Hai năm nay (02/2021), đã đến Bắc Kinh để giải thích, nhấn mạnh nhiều lần rằng “mối bang giao với Trung Quốc sẽ không bị lung lay trong tương lai” để xoa dịu cơn giận của ông Tập.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đương thời, đã được Tổng thống Thein Sein mời thăm Miến Điện. Bà Clinton trở thành ngoại trưởng Hoa Kỳ đầu tiên đặt chân đến đất nước này sau 56 năm. Năm sau đó, vào tháng 11/2012, Tổng thống đương thời là Barack Obama đã đến thăm Miến Điện, và có bài diễn văn tại Đại học Yangon.
Ông Kondo cho hay chính quyền quân sự của Miến Điện đã thay đổi một loạt các chính sách đối ngoại, khiến Trung Cộng không được ủng hộ, trong khi ảnh hưởng của Hoa Kỳ bắt đầu mở rộng nhanh chóng.
Được biết, việc xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt Trung-Miến chính thức bắt đầu vào tháng 6/2010 tại Miến Điện. Đường ống này phù hợp với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, cho phép Trung Quốc nhập cảng dầu thô, mà không phải đi qua eo biển Malacca đông đúc. Tổng chiều dài của đường ống dẫn dầu là khoảng 479 dặm (771 km), nối cảng nước sâu Kyaukphyu của Miến Điện trong vịnh Bengal, với Côn Minh ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Các đường ống dẫn khí tự nhiên sẽ mở rộng hơn nữa, từ Côn Minh đến Quý Châu và Quảng Tây ở Trung Quốc, với tổng chiều dài là 1,700 dặm (2,806 km). Đường ống này đã bắt đầu cung cấp khí vào năm 2013, và dầu vào năm 2017.
Sự nhượng bộ của chính phủ TT Biden
Sau cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện, Hoa Thịnh Đốn đã áp đặt các lệnh trừng phạt vào ngày 01/02/2021 đối với 10 quân nhân và 3 công ty con của công ty Myanmar Economic Holdings Limited (MEHL) trực thuộc quân đội. Hai tướng quân đội nữa đã bị đưa thêm vào danh sách này hôm 22/02.
Ngày 19/2, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tham dự cuộc họp G7 đầu tiên sau khi nhậm chức, trong đó tập trung sự chú ý vào cách giải quyết vấn đề Miến Điện. Tuy nhiên, từ “Myanmar” thậm chí không được đề cập trong tuyên bố của G7 đưa ra sau cuộc họp này, điều này đã dẫn đến nhiều bình luận khác nhau. Một quan điểm cho rằng chính phủ TT Biden lo ngại rằng quá nhiều áp lực lên quân đội Miến Điện có thể khiến họ xích lại gần Bắc Kinh hơn. Về vấn đề này, ông Kondo cho rằng các biện pháp trừng phạt đối với 10 tướng lĩnh quân đội Miến Điện và các biện pháp khác có vẻ khắc nghiệt, nhưng trên thực tế, chúng chẳng mấy ảnh hưởng tới quân đội Miến Điện. Chính phủ TT Biden đã thể hiện các đặc điểm của một “chính phủ nhượng bộ” trong việc đối phó với Miến Điện.
Sau khi suy xét về việc chấm dứt dự án đập Myitsone, Bắc Kinh đã áp dụng một chiến lược ngoại giao cân bằng đối với bà Aung San Suu Kyi cùng đảng NLD của bà, và quân đội Miến Điện. Chiến lược này đã đạt được kết quả mong muốn. Vào tháng 04/2017 và tháng 04/2019, bà Suu Kyi đã tham dự hội nghị “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh, trong đó bà đã bày tỏ sự ủng hộ tích cực của mình. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đã đến thăm Miến Điện vào năm 2020, thời điểm mà theo Tân Hoa Xã, là ông Tập và bà Suu Kyi đã đồng thuận về một “cộng đồng vì một tương lai chung cho Trung Quốc và Myanmar” (“cộng đồng vì một tương lai chung” là khẩu hiệu chính trị của Trung Cộng).
Theo ông Kondo, sau cuộc đảo chính quân sự, kế hoạch của Trung Cộng là tiếp tục chính sách ngoại giao cân bằng này, trong đó [Bắc Kinh] đóng vai trò trung gian giữa hai bên, để dẫn dắt giải quyết vấn đề Miến Điện, và trong quá trình đó thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở quốc gia này.
Tình hình ở Miến Điện đang trở nên tồi tệ hơn, khi cuộc đàn áp của quân đội đối với người dân tiếp tục leo thang. Số lượng người biểu tình bị lực lượng an ninh sát hại đang tiếp tục tăng lên. Ông Kondo cho rằng khi Miến Điện trở thành mặt trận mới cho cuộc đối đầu Hoa Kỳ-Trung Quốc, các nước dân chủ và tự do như Hoa Kỳ và Nhật Bản cần phải thực hiện các hành động hiệu quả chống lại quân đội [Miến Điện] để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Miến Điện.
Do Ben Zhao và Angela Bright thực hiện
Yến Nhi@ePochTimes biên dịch