Quân cảng Ream của Campuchia và nguy cơ Hải cảnh Trung Quốc xuống Vịnh Thái Lan
August 19, 2024
Phía nam căn cứ hải quân Ream đang dần hình thành những thiết bị cho phép tàu ngầm neo đậu. Hình chụp vệ tinh hồi tháng Sáu, 2024.
Quân cảng Ream ở Campuchia, theo ghi nhận từ dịch vụ vệ tinh Planet Labs đang ngày càng hoàn thiện, đủ sức cho tàu ngầm neo đậu đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu về an ninh khu vực. Cùng với đó, việc Trung Quốc chào bán tàu ngầm cho Indonesia và Thái Lan cũng khiến giới quan sát nghĩ đến một bức tranh rộng hơn trong chiến lược bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng.
Theo một số nhà nghiên cứu, các động thái này của Trung Quốc có hàm ý địa chính trị và quân sự không chỉ ở khu vực Vịnh Thái Lan, Đông Nam Á mà cả Đông Bắc Á mà tâm điểm là Đài Loan.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sỹ về quân sự và an ninh tại Đại học Paris 2 Pantheon, cho rằng các nhà quan sát nên chú ý tới một khả năng khác là Trung Quốc chào bán tàu ngầm cho các nước Đông Nam Á không chỉ với mục tiêu tăng cường ảnh hưởng địa chính trị trong vùng mà còn với mục tiêu quân sự cụ thể. Ông nhắc lại vấn đề eo biển Đài Loan có độ sâu khá nông, không thuận lợi cho tác chiến tàu ngầm. Do đó, nếu Trung Quốc muốn đưa tàu ngầm vào tác chiến trong một chiến dịch tấn công Đài Loan trong tương lai, họ cần một khu vực biển nông tương tự để cho tàu ngầm luyện tập.
Vì lý do đó, ông Trần Bằng cho rằng, nếu Trung Quốc phát triển được năng lực huấn luyện tác chiến ở vùng biển nông phía Nam biển Đông và vịnh Thái Lan thì tốt cho họ. Ngoài ra, nhắc lại việc Trung Quốc liên tục chào bán tàu ngầm cho Thái Lan, một nước ở Vịnh Thái Lan, rồi hiện nay, Trung Quốc lại chào bán cho Indonesia, một nước ở nam biển Đông và cũng gần vịnh Thái Lan, nhà nghiên cứu Trần Bằng đặt ra giả thuyết, đó là Trung Quốc có thể ẩn giấu hoạt động huấn luyện cho hải quân của mình thông qua hoạt động huấn luyện cho các nước mua tàu ngầm của mình. Ông nói tiếp:
“Vùng phía nam biển Đông không sâu vì phù sa sông Mekong đổ ra đó. Ngay cả thời tiền sử thì có tài liệu nói vùng Indonesia ngày nay nối liền với Đông Nam Á lục địa, tức là sau này khi nước biển dâng lên thì nó vẫn là vùng biển nông. Khu vực rãnh biển giữa biển Đông mới sâu chứ vùng phía nam biển Đông và vịnh Thái Lan thì không sâu cho nên không dùng để tác chiến tàu ngầm được. Ngay cả khi Thái Lan trước đây định mua tàu ngầm Trung Quốc thì người Thái cũng có ý kiến đặt câu hỏi là Vịnh Thái Lan không dùng cho tàu ngầm được.”
Tôi nghĩ rằng nếu có sử dụng tàu ngầm thì đó là một cách để cho Trung Quốc thực tập tàu ngầm tác chiến ở vùng biển nông. Họ muốn tránh bị soi mói, phát hiện. Họ muốn có một môi trường tương đối gần với eo biển Đài Loan để thực tập ở đó. Bây giờ giả sử Thái Lan, Indonesia, hay thậm chí Campuchia mua tàu ngầm Trung Quốc nhưng cho Trung Quốc thuê lại. Trung Quốc cứ thế sử dụng tàu ngầm với danh nghĩa tàu của Campuchia chẳng hạn. Họ sẽ tránh được sự soi mói việc Trung Quốc tập luyện tác chiến ở eo biển Đài Loan. Độ nông ở vịnh Thái Lan cũng tương đương eo biển Đài Loan. Mà ở đây thì Mỹ không đặt hệ thống theo dõi cảnh báo thường trực như ở Đài Loan, Hàn Quốc được.”
Về khả năng Trung Quốc bán tàu ngầm cho Indonesia rồi mượn tàu ngầm đó để tập trận trong khu vực biển nông như Vịnh Thái Lan hay eo biển Lompok của Indonesia, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở TP. HCM cho rằng, khả năng đó là có, nhưng ít xảy ra vì rất khó thực hiện. Ông nói:
“Điều đó có thể xảy ra nhưng không nhiều. Bây giờ những thông tin về vũ khí, quốc phòng, mua tàu của ai, mặc dù ai cũng muốn giữ kín nhưng khó bí mật. Ngay cả bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cũng từng nói là mặc dù Việt Nam không công bố nhưng báo chí nước ngoài cũng đăng hết việc Việt Nam mua cái gì, như thế nào. Với Trung Quốc cũng vậy thôi. Nếu Trung Quốc bán tàu ngầm cho Thái Lan, Indonesia rồi sau đó sử dụng lại thì các quốc gia khác cũng nhanh chóng phát hiện ra chứ không dễ gì giữ bí mật được.”
Các nhà quan sát hiện nay đang chú ý tới giả thuyết tàu ngầm có thể hiện diện ở Vịnh Thái Lan với quân cảng Ream. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Sydney, một khi quân cảng Ream được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nguy cơ trước mắt chưa phải là tàu ngầm mà là sự hiện diện của lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong khu vực Vịnh Thái Lan. Ông nói:
“Về việc cái âu tàu có thể sử dụng cho tàu ngầm, ngoài điều nhà nghiên cứu Trần Bằng đã nói thì tôi muốn bổ sung một ý nữa là cái âu tàu đó bên cạnh dùng cho hải quân, nó có thể dùng cho tàu hải cảnh Trung Quốc.
Trong thời điểm hiện tại, kịch bản chiến tranh tuy có nhưng hiện các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines lo ngại nhiều hơn là sự hiện diện của hải cảnh, tức là chấp pháp biển, chứ không phải hải quân. Quân cảng Ream giúp cho Trung Quốc đưa hải cảnh hiện diện nhiều hơn ở Vịnh Thái Lan và eo biển Malacca.
Đối với Việt Nam thì hải cảnh là mối đe dọa nhãn tiền, hơn là việc tàu ngầm xuất hiện, ở thời điểm hiện tại.”
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM đồng ý với nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương về nguy cơ lực lượng chấp pháp biển của Trung Quốc sẽ hiện diện ở Vịnh Thái Lan trong tương lai, khi quân cảng Ream hoàn thiện. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng đặt vấn đề là hải cảnh Trung Quốc không đi một mình mà phải đi theo đội hình rộng lớn hơn thì mới gây sức ép thực sự lên các quốc gia láng giềng. Ông nói:
“Về vấn đề hải cảnh Trung Quốc thì tôi chưa hiểu là họ xuống vùng Vịnh Thái Lan thì sẽ thế nào. Nếu Trung Quốc dùng chiến thuật vùng xám thì phải dùng ba lớp: tàu cá, hải cảnh và hải quân. Còn nếu chỉ một mình hải cảnh thì chưa phải là vấn đề.”
Ông Hoàng Việt nhấn mạnh, quân cảng Ream với quy mô xây dựng như hiện nay đã đủ để tàu hải quân, hải cảnh, tàu ngầm đóng quân. Đương nhiên, tàu cá cũng có thể ở đó hoặc ở cảng Sihanoukville gần đó. Đối với khả năng Trung Quốc triển khai cả tàu cá xuống Vịnh Thái Lan để phối hợp với tàu hải quân, hải cảnh, ông Hoàng Việt cho rằng khả năng đó là có thể xảy ra trong tương lai. Bởi vì tàu cá Trung Quốc đã đi tới tận Nam Mỹ, Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, nếu họ hiện diện ở Vịnh Thái Lan thì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực và sẽ bị phản đối. Việt Nam, Thái Lan thậm chí Campuchia cũng sẽ không dễ gì chấp nhận lợi ích của mình bị thiệt hại.
Nguồn: RFA