Mỹ – Ấn thắt chặt hợp tác với các đảo quốc Thái Bình Dương nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc
May 22, 2023
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ( áo xanh) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương dự thượng đỉnh FIPIC tại Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 22/05/2023. AP.
Hoa Kỳ và Ấn Độ tìm cách thắt chặt quan hệ với các đảo quốc ở Thái Bình Dương để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngày 22/05/2023, thủ tướng Narendra Modi tham dự thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ-Các đảo Thái Bình Dương (FIPIC) tại Port Moresby, Papua New Guinea. Cùng ngày, ngoại trưởng Mỹ cũng ký một hiệp định quốc phòng quan trọng với Papua New Guinea.
Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Ấn Độ-Các đảo Thái Bình Dương lần này chủ yếu bàn về phát triển và chống biến đổi khí hậu, sau 8 năm gián đoạn. Tại thượng đỉnh, ông Modi nhấn mạnh Ấn Độ « chia sẻ niềm tin vào chủ nghĩa đa phương » với các nước trong vùng, « ủng hộ một khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và rộng mở » và « tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia ».
Theo giới chuyên gia được AFP trích dẫn, New Delhi gia tăng cam kết với các đảo quốc ở Thái Bình Dương do vị trí chiến lược của những nước này và do lo sợ Trung Quốc lấp khoảng trống mà các cường quốc khác để lại. Nhà nghiên cứu Mihai Sora của Viện Lowy (Úc) cho rằng, « song song với vai trò ngày càng quan trọng trong Bộ Tứ – QUAD, Ấn Độ muốn thể hiện vai trò là một cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương và muốn được quốc tế công nhận như vậy ».
Hiệp định Quốc Phòng Mỹ – Papua New Guinea
Cũng trong ngày 22/05, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc Phòng Papua New Guinea đã ký một hiệp định quốc phòng quan trọng cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận với các sân bay và hải cảng của đảo quốc này. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng hai nước có thể lên thăm tàu của nhau, chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và cùng nhau « tuần tra (ngoài khơi) tốt hơn ».
Dự lễ ký kết hiệp định, thủ tướng James Marape khẳng định Papua New Guinea « nâng cấp » mối quan hệ với Hoa Kỳ nhưng cũng để ngỏ khả năng ký những thỏa thuận tương tự với các nước khác, trong đó có Trung Quốc.
Thỏa thuận được ký ngay trước cuộc họp giữa Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo của 14 đảo quốc Thái Bình Dương ở thủ đô Port Moresby. Sau hai hiệp định quốc phòng đã ký với Palau và Micronesia, hiệp định với Papua New Guinea có vai trò quan trọng vào lúc Washington gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng với Bắc Kinh ở vùng Thái Bình Dương.
Nguồn: RFI/Thu Hằng