Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 21, 2024

Bắc Kinh bị buộc phải trì hoãn thỏa thuận an ninh Thái Bình Dương sâu rộng


Bức ảnh do Samoa Observer công bố hôm 28/05/2022 cho thấy Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) đến dự cuộc gặp với Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mataafa và tham dự lễ ký kết thỏa thuận giữa hai nước tại Apia. (Ảnh: Junior Sami/Samoa Observer/AFP qua Getty Images).–

Sự thiếu đồng thuận từ các quốc gia Thái Bình Dương đã buộc Bắc Kinh phải tạm hoãn một thỏa thuận kinh tế và an ninh sâu rộng với khu vực này, sau một cuộc họp giữa các ngoại trưởng hôm 30/05.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang thực hiện chuyến công du 8 quốc gia của khu vực nơi Bắc Kinh đang nỗ lực thắt chặt liên minh với những quốc đảo.

Tầm nhìn Phát triển Chung của Trung Quốc và các Quốc đảo Thái Bình Dương, đã bị rò rỉ vào tuần trước bàn về sự hợp tác giữa 10 quốc gia Thái Bình Dương trong các lĩnh vực thương mại tự do, nghề cá, an ninh, mạng và lập bản đồ hàng hải, và sẽ là một bước tiến quan trọng đối với các tham vọng của ĐCSTQ trong khu vực.

Tuy nhiên, ông Vương Nghị và Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama, sau đó đã xác nhận trong một cuộc họp báo rằng thỏa thuận đã bị hoãn lại do thiếu sự đồng thuận.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (trái) đến thăm và Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama tham dự cuộc họp báo chung tại thủ đô Suva của Fiji hôm 30/05. (Ảnh: Leon Lord/AFP qua Getty Images)

Trong tương lai, Bắc Kinh cho biết họ sẽ “công bố quan điểm của riêng mình” về hợp tác với các đảo ở Thái Bình Dương. Ông Vương cũng cam kết “các cuộc thảo luận và tham vấn chuyên sâu để tạo ra sự đồng thuận hơn” trong việc hợp tác.

Thủ tướng Fiji nhắc lại cách tiếp cận “trước hết là sự đồng thuận” đối với các thỏa thuận khu vực trong khu vực này. Trong khi đại sứ của Bắc Kinh tại Fiji cho biết sau đó đã có “sự ủng hộ chung” cho thỏa thuận, theo bình luận từ The Guardian.

Tuy nhiên, ông David Panuelo, chủ tịch Liên bang Micronesia, đã lên tiếng phản đối thỏa thuận khu vực nói trên. Ông viết thư cho 21 nhà lãnh đạo Thái Bình Dương nói rằng hiệp ước này có thể gây ra một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới giữa Bắc Kinh và các quốc gia dân chủ.

Ông cảnh báo thỏa thuận có thể thu hút các quốc gia Thái Bình Dương “tiến rất gần vào quỹ đạo của Bắc Kinh, về bản chất, ràng buộc toàn bộ nền kinh tế và xã hội của chúng ta với họ.”

Ông nói, “Tuy nhiên, những tác động thực tế của việc Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, lãnh hải của chúng ta và các nguồn tài nguyên trong đó cũng như không gian an ninh của chúng ta, ngoài các tác động đến chủ quyền của chúng ta, còn làm tăng khả năng Trung Quốc xung đột với Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và New Zealand.”

Các nhà lãnh đạo Úc và Hoa Kỳ đã tiến hành các bước để chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh ở khu vực này, bao gồm việc khai triển Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng để thúc đẩy thương mại và trao đổi kinh tế giữa các quốc gia.

Bộ trưởng Ngoại giao mới của Úc Penny Wong cũng đã đến thăm Fiji chỉ vài ngày sau khi Đảng Lao Động giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang. Bà Wong cam kết về một “kỷ nguyên mới” trong việc gắn kết với khu vực và cũng có nhiều viện trợ hơn cho các sáng kiến ​​về biến đổi khí hậu.

Trong khi thỏa thuận khu vực lớn không được tiến hành, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vẫn cố gắng đạt được các cam kết hơn nữa từ các chính phủ Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa và Fiji để thắt chặt hợp tác.

Bức ảnh do Samoa Observer công bố hôm 28/05/2022, cho thấy Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) và Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mataafa đang tham dự lễ ký kết thỏa thuận giữa hai nước tại Apia. (Ảnh: Vaitogi Asuisui Matafeo/Samoa Observer/AFP qua Getty Images)

Hôm 26/05, ông Vương và Bộ trưởng Ngoại giao Quần đảo Solomon cho biết trong một tuyên bố rằng tất cả các thỏa thuận ký kết giữa các chính phủ đã được “thực hiện hiệu quả”, đồng thời cam kết hợp tác trong các dự án Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, nông nghiệp, ngư nghiệp, và các lĩnh vực khác.

Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon đã bị chỉ trích vì đưa đất nước đất nước của mình tham gia một thỏa thuận an ninh với ĐCSTQ vốn có thể mở đường cho Bắc Kinh đóng quân, vũ khí và tàu hải quân trong khu vực — cuối cùng là mở ra cánh cửa cho hoạt động quân sự hóa tại Nam Thái Bình Dương.

Đảo Guadalcanal là địa điểm diễn ra các cuộc giao tranh lớn trong Đệ nhị Thế chiến giữa Lực lượng Đồng minh và Đế quốc Nhật Bản vì vị trí chiến lược và tầm ảnh hưởng của nó đối với các tuyến đường biển xung quanh.

Hôm 27/05, ông Vương của Bắc Kinh đã gặp Phó Chủ tịch Kiribati Teuea Toatu và cố gắng đạt được một sự cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ. Đại sứ Kiribati tại Trung Quốc David Teaabo tiết lộ các nhà lãnh đạo sẽ ký tới 10 biên bản ghi nhớ, theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Thời Báo Hoàn Cầu.

Ngày càng có nhiều người lo ngại rằng Bắc Kinh có thể tài trợ và nâng cấp một đường băng từ thời Đệ nhị Thế chiến ở Kiribati – cũng có thể là một chỗ đứng chiến lược khác cho Bắc Kinh trong khu vực.

Trong khi đó, hôm 28/05, Thủ tướng Samoa Fiame Naomi Mata’afa cam kết hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với đại dịch, biến đổi khí hậu và giáo dục. Sau khi nhậm chức, bà Mata’afa đã hủy bỏ thỏa thuận Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường trị giá 100 triệu USD ở thủ đô Apia, tuy nhiên vị thủ tướng này vẫn muốn tiếp tục xây dựng quan hệ với Bắc Kinh.

Nguồn:  Daniel Y. Teng @ ePochTimes, Nhật Thăng 

Tags:

Click to listen highlighted text!