Việt Nam cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng
May 20, 2022
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng bị kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Photo Thanh Tra.–
Bộ Tài chính Việt Nam vừa cách chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, hãng tin Reuters, Bloomberg và truyền thông Việt Nam loan tin hôm 20/5, giữa lúc quốc gia này tăng cường trấn áp tệ tham nhũng.
Ông Trần Văn Dũng, 57 tuổi, bị kỷ luật bằng hình thức cách chức do “đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác”, Bộ Tài Chính cho biết trong một quyết định ngày 19/5, nhưng không nêu chi tiết.
Quốc gia Đông Nam Á này hồi tháng 3 kêu gọi đẩy mạnh chống tham nhũng, tập trung vào thị trường tài chính, đấu giá đất, chứng khoán.
Hàng loạt vụ bắt giữ giới chức cấp cao trong ngành tài chính với cáo buộc thao túng thị trường đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc, mất 40 tỷ đôla và làm lung lay niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển.
Ông Fred Burke, cố vấn cấp cao tại công ty luật Baker McKenzie, cho hãng tin Bloomberg biết việc xử lý này là một hành động cần thực hiện và tất cả đều nên được công khai. “Việc cách chức này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: tuân thủ luật pháp về giao dịch nội gián, tính minh bạch và việc thực thi các quy tắc đó”. Ông nói thêm rằng đây có lẽ là đợt xử lý lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Vào đầu tuần này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM Lê Hải Trà và cảnh cáo hàng loạt các quan chức khác do đã có “những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức Đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội”.
Ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào tháng 7/2017, theo trang web của Bộ Tài chính. Trước đó, ông là Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội kiêm Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh.
“Một số người tỏ ra hoài nghi và nói rằng đó chỉ là mục đích chính trị. Những người khác nói rằng nó thể hiện một bước tiến trong tính chuyên nghiệp của cơ quan quản lý, ” ông Burke nói với hãng tin Blooomber. “Bất kể động cơ là gì, thị trường nhìn nhận nó như thế nào, chúng ta phải tuân thủ các quy tắc và các quy tắc này nên được thực thi nghiêm túc.”
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hồi tháng 3 nêu ra hàng loạt sai phạm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dẫn đến một số cá nhân, tổ chức thao túng thị trường, thu lợi bất chính khi Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”.
Nguồn: VOA Tiếng Việt