Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN: Nhà Trắng thông báo hỗ trợ 150 triệu đôla cho Đông Nam Á
May 13, 2022
Trước thềm Nhà Trắng, Joe Biden đón lãnh đạo ASEAN. Ảnh ngày 12/05/2022. AP – Susan Walsh
Hôm 12/05/2022, tổng thống Joe Biden đã đón tiếp các lãnh đạo Đông Nam Á dự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và trong ngày đầu tiên của thượng đỉnh, Nhà Trắng đã thông báo các dự án cụ thể trị giá tổng cộng 150 triệu, vài ngày trước khi tổng thống Mỹ chính thức công bố một sáng kiến mới về thương mại.
Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đã bắt đầu hôm qua bằng một bữa dạ tiệc, trước các cuộc gặp hôm nay giữa tổng thống Biden với các lãnh đạo Đông Nam Á. Đây sẽ là dịp để tổng thống Dân Chủ Biden chứng tỏ Washington vẫn xem châu Á là khu vực ưu tiên trong chính sách ngoại giao, sau nhiều tháng phải tập trung vào cuộc chiến tranh Ukraina.
Theo hãng tin AFP, cố vấn chủ chốt của tổng thống Biden về châu Á, ông Kurt Campbell, cho biết Hoa Kỳ sẽ thảo luận với lãnh đạo các nước Đông Nam Á về hợp tác trong các lĩnh vực như phòng chống đại dịch Covid-19.
Nhà Trắng đã thông báo nhiều dự án cho Đông Nam Á, trị giá tổng cộng 150 triệu đôla, một số tiền khiêm tốn so với 40 tỷ đôla viện trợ cho Ukraina mà Thượng Viện Mỹ chuẩn bị thông qua. Theo lời một quan chức Mỹ, trong 150 triệu đôla này, 60 triệu sẽ được dành trợ giúp các nước ASEAN về an ninh hàng hải, nhất là nhằm ngăn chận nạn đánh bắt cá trái phép. Washington cũng sẽ đầu tư 40 triệu đôla vào các năng lượng sạch, nhưng hy vọng sẽ huy động vốn từ khu vực kinh tế tư nhân để đạt được 2 tỷ đôla đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này.
Trong bối cảnh Trung Quốc đã qua mặt Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN, Washington chuẩn bị đề ra một sáng kiến thương mại mới mang tên Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (Indo-Pacific Economic Framework, IPEF). Sáng kiến này đã được ngoại trưởng Antony Blinken thông báo vào cuối năm 2021 và sẽ được tổng thống Biden chính thức công bố vào tuần tới nhân chuyến công du ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước đây, tổng thống Barack Obama, cũng thuộc đảng Dân Chủ, đã đề ra hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng người kế nhiệm là tổng thống Cộng Hòa Donald Trump sau đó lại rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định mà ông cho là bất lợi cho người lao động Mỹ. Joe Biden, mặc dù từng là phó tổng thống của Obama, cũng không mấy hứng khởi với các hiệp định tự do mậu dịch lớn, thể hiện quan điểm bảo hộ mậu dịch không khác gì Donald Trump.
Theo các chuyên gia được AFP trích dẫn, IPEF chỉ nhằm tạo khuôn khổ cho Hoa Kỳ làm việc với các đối tác về các ưu tiên kinh tế hiện nay, ví dụ như cải thiện các chuỗi cung ứng bị xáo trộn do đại dịch Covid-19, đẩy mạnh chống tham nhũng và phát triển các năng lượng sạch. Nhưng khác với các hiệp định thương mại bình thường, sáng kiến nói trên không bảo đảm việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Nguồn: RFI/Thanh Phương