Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 26, 2024

Sự tự tin của Tập vào hàng không mẫu hạm Trung Quốc bị lung lay


Chiếc Liêu Ninh quý giá của Trung Quốc được sản xuất ở Ukraine thời Liên Xô, cũng giống như chiến hạm Moskva xấu số của Nga.

Hồi ký của một sĩ quan Nga trên soái hạm của Hạm đội Baltic thuộc Đế quốc Nga, chiếc Knyaz Suvorov, đã mô tả một cách sinh động hồi kết của con tàu trong Trận Tsushima.

Cuốn sách của Vladimir Semenoff, The Battle of Tsushima, tả lại cảnh ông đi về phía mũi tàu, chỉ để thấy rằng các tháp pháo cỡ nhỏ đã bị thổi bay hoàn toàn.

Trận chiến diễn ra ở Biển Nhật Bản vào ngày 27 và 28 tháng 05 năm 1905, chính thức kết thúc Chiến tranh Nga-Nhật.

Đảo Tsushima, một phần của tỉnh Nagasaki, vẫn mang những dấu ấn của trận hải chiến. Một bức phù điêu khổng lồ dựng trên một ngọn đồi, mô tả cảnh người chỉ huy bị thương của Hải đội Thái Bình Dương Thứ hai, Zinovy Rozhdestvensky, đang được Heihachiro Togo, Tổng tư lệnh Hạm đội Liên hợp của Nhật Bản, đến thăm tại một bệnh viện hải quân ở Sasebo.

Đó là một cảnh cảm động. Một giai thoại nổi tiếng khác được lưu truyền qua nhiều thế hệ là câu chuyện về những chiếc thuyền cứu sinh chở 143 thủy thủ bị thương của Hạm đội Baltic đến Tsushima sau khi giao tranh kết thúc. Các thủy thủ đã được cư dân trên đảo chào đón, được phép ở trong nhà của họ, và được các bác sĩ điều trị.

Vụ chìm tàu Moskva ở Biển Đen vào tuần trước là thiệt hại về soái hạm trong chiến tranh đầu tiên của Nga kể từ khi mất tàu Knyaz Suvorov.

Kể từ sau Thế chiến II, chỉ có duy nhất một vụ việc tương tự. ARA General Belgrano, một tàu tuần dương của hải quân Argentina, đã chìm trong Chiến tranh Falklands năm 1982, giữa Argentina và Vương quốc Anh

Điều đáng chú ý là vụ chìm tàu Moskva có tác động không nhỏ đến suy nghĩ của các quan chức an ninh Trung Quốc.

Tàu Moskva có lẽ đã chìm sau khi bị hai tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine bắn trúng, dù người Nga không muốn thừa nhận điều đó. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận tuyên bố của Ukraine.

“Nếu điều đó là sự thật, nghĩa là sức mạnh hải quân được ca tụng hết mực của Trung Quốc chẳng qua chỉ là một con hổ giấy,” một nguồn tin Trung Quốc than thở.

Tại sao người ta lại thấy khó chịu? Lịch sử đan xen vào nhau theo những cách thật bí ẩn.

Năm 2005, 100 năm sau vụ chìm tàu Knyaz Suvorov, tin tức bắt đầu lan truyền, rằng hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc đang được chế tạo tại một nhà máy đóng tàu ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.

Trung Quốc đã mua lại xác tàu sân bay Varyag, vốn được chế tạo từ năm 1985, nhưng sau đó bị đình trệ do Liên Xô sụp đổ.

Tàu Varyag được đóng tại Xưởng Đóng tàu Biển Đen nổi tiếng ở Mykolaiv, miền nam Ukraine. Trùng hợp thay, Moskva cũng được chế tạo tại một xưởng đóng tàu ở Mykolaiv.

Người Ukraine đã tách rời các mảnh thiết bị khác nhau của Varyag và bán chúng như đồ phế liệu cho một công ty bình phong có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Xác tàu sau đó được kéo đến Đại Liên và được cải tạo lại, và hiện đã trở thành tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Đại Liên thực ra có một số liên hệ với Nga. Sau khi thuê mũi phía nam của bán đảo Liêu Đông vào thời nhà Thanh, người Nga đã đặt tên cho ngôi làng nghèo khổ ấy là “Dal’nii,” trong tiếng Nga có nghĩa là “xa xôi.”

Trung Quốc còn mua hai tàu sân bay cũ khác của Liên Xô – Kiev và Minsk – để phục vụ mục đích nghiên cứu. Kiev, giống như Varyag, cũng được chế tạo ở Mykolaiv trước khi được chuyển về một công viên giải trí ở Thiên Tân, Trung Quốc.

Khi tôi đến tham quan tàu Kiev vài năm trước, con tàu để lại ấn tượng rằng nó là một tàu sân bay hạng nhẹ tương đối nhỏ và lạc hậu, chủ yếu được sử dụng để chở trực thăng.

Tàu Kiev được chế tạo tại Mykolaiv, Ukraine, hiện đang nằm tại một công viên giải trí tại Thiên Tân, Trung Quốc.

Theo những người trong cuộc, Trung Quốc đã có thể ‘thiết kế ngược’ phần lớn các bộ phận của những tàu sân bay Liên Xô cũ, và dần dần cải tiến các công nghệ liên quan của chính họ – dù trước đó không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Nhưng nếu lớp giáp của tàu Varyag dựa trên các tiêu chuẩn của Liên Xô trước đây, thì việc tàu Moskva bị đánh chìm sẽ chỉ khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc thêm lo lắng về khả năng tàu dễ bị tổn thương trước các tên lửa tiên tiến.

Kể từ khi đi vào hoạt động hồi năm 2012, tàu Liêu Ninh được coi là một trong những tài sản chủ chốt của Hải quân Trung Quốc. Nó thường di chuyển đến gần Đài Loan, bao gồm cả đi qua Eo biển Đài Loan.

Tuy nhiên, sau cuộc chiến ở Ukraine, nếu Chủ tịch Tập Cận Bình, người cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, thì Liêu Ninh có thể bị đánh giá là quá dễ bị tổn thương để có thể triển khai tác chiến.

Có lẽ hàng không mẫu hạm thứ hai của Trung Quốc, Sơn Đông – con tàu sân bay đầu tiên được sản xuất trong nước – sẽ có khả năng phòng thủ tốt hơn. Hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc hiện vẫn đang ở xưởng đóng tàu, nhưng được tin là sẽ sớm hạ thủy.

Tài Liêu Ninh rời Hong Kong ngày 11/07/2017. Hệ thống phòng thủ tên lửa của tàu, giống như tàu Moskva, được dựa trên các tiêu chuẩn thời Liên Xô.

Tuy nhiên, nếu các tàu sân bay Trung Quốc đến gần Đài Loan, hoặc cố gắng tiến vào Thái Bình Dương, chúng sẽ bị các tên lửa chống hạm trong khoảng cách rất gần tấn công.

Trung Quốc, vốn không loại trừ khả năng thống nhất với Đài Loan bằng vũ lực, hẳn đã bị sốc trước sự yếu kém của lực lượng Nga. Bắc Kinh nghĩ rằng, Nga áp đảo khả năng phòng thủ của Ukraine về mọi mặt, vì nước này có thiết bị, quân số, và ngân sách vượt trội hơn.

Nếu quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, Tập có thể mắc phải sai lầm tương tự như Tổng thống Nga Putin đã mắc phải tại Ukraine. Mục tiêu của Tập thậm chí còn khó đạt được hơn vì nó nằm bên kia eo biển.

Ngoài ra, Đài Loan, với nhiều ngọn núi dốc và cao, có thể được xem là một pháo đài tự nhiên, ít nhất là ở phần trung tâm của hòn đảo. Nếu Trung Quốc không nhanh chóng giành được chiến thắng trong các trận đánh đầu tiên, quân tiếp viện từ Mỹ và các quốc gia khác sẽ đến.

Phương Tây sẽ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc và có thể sẽ tiến hành phong tỏa hải quân. Quốc gia đông dân nhất thế giới, phụ thuộc vào các nước khác về năng lượng và lương thực, sẽ phải hứng chịu một đòn giáng nặng nề hơn những gì Nga đang trải qua hiện nay.

Trung Quốc đã dựa vào nhiều công nghệ quân sự của Liên Xô. Thậm chí khi người Nga từ chối bán vũ khí cho họ, Trung Quốc đôi khi vẫn tìm cách kiếm được vũ khí từ tay Ukraine.

Trung Quốc được cho là đã phát triển thành công máy bay chiến đấu Thẩm Dương J-15, sau khi mua lại công nghệ liên quan đến máy bay trên tàu sân bay từ một nguyên mẫu của máy bay Sukhoi Su-33 do Liên Xô phát triển – thuộc sở hữu của Ukraine.

Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine có phần giống với quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Kết cục cuối cùng của cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine có thể sẽ có ảnh hưởng đến tận Eo biển Đài Loan.

Vụ chìm tàu Moskva gây chấn động – diễn ra 117 năm sau Trận Tsushima – chắc chắn sẽ tác động đến cách giải quyết căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Xi’s confidence in aircraft carriers shaken after Moskva sinking,” Nikkei Asia, Bản dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng @ Nghiên Cứu Quốc Tế

Tags:

Click to listen highlighted text!