[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine
April 14, 2022
Nga tuyên bố một vụ nổ làm soái hạm hư hại nghiêm trọng, Ukraine tuyên bố đó là tấn công bằng hỏa tiễn
Hôm thứ Năm (14/04), Nga thông báo soái hạm của hạm đội Biển Đen của họ đã bị hư hại nghiêm trọng và thủy thủ đoàn của họ đã phải di tản sau một vụ nổ mà một quan chức Ukraine cho là kết quả của một cuộc không kích bằng hỏa tiễn.
Hãng thông tấn Interfax đưa tin trích dẫn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một vụ hỏa hoạn trên tàu tuần dương hỏa tiễn Moskva đã khiến kho đạn nổ tung.
Bộ không nói rõ nguyên nhân gây ra hỏa hoạn nhưng ông Maksym Marchenko, thống đốc Ukraine khu vực xung quanh cảng Odesa trên Biển Đen, cho biết tàu Moskva đã bị trúng hai hỏa tiễn hành trình chống hạm Hải Vương (Neptune) do Ukraine sản xuất.
Ông nói trong một bài đăng trực tuyến: “Các hỏa tiễn Hải Vương bảo vệ Biển Đen đã gây ra thiệt hại rất lớn.”
Bộ Quốc phòng Ukraine đã không phúc đáp yêu cầu bình luận và The Epoch Times không thể xác minh tuyên bố của cả hai bên.
Hoa Kỳ viện trợ quân sự cho Ukraine thêm 800 triệu USD, bổ sung vũ khí hạng nặng
Hôm thứ Tư (13/04), chính phủ Tổng thống Joe Biden đã thông báo viện trợ quân sự thêm 800 triệu USD cho Ukraine, mở rộng phạm vi của các hệ thống được cung cấp trước một cuộc tấn công rộng lớn hơn của Nga dự kiến sẽ diễn ra ở miền đông Ukraine.
Gói mới nhất, nâng tổng số viện trợ quân sự kể từ khi quân đội Nga xâm lược vào tháng Hai lên hơn 2.5 tỷ USD, bao gồm các hệ thống pháo, đạn pháo, xe bọc thép chở quân, và các tàu phòng thủ ven biển không người lái, ông Biden cho biết trong một tuyên bố sau cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tổng thống Biden cho biết ông cũng đã chấp thuận việc chuyển giao thêm trực thăng, nói rằng thiết bị cung cấp cho Ukraine “rất quan trọng” khi họ đối mặt với cuộc xâm lược.
Theo Bộ Quốc phòng, gói hỗ trợ an ninh mới bao gồm 11 trực thăng Mi-17 đã được trang bị cho Afghanistan trước khi chính phủ được Hoa Kỳ hậu thuẫn sụp đổ và 18 lựu pháo 155 mm, cùng với radar phản pháo và 200 xe bọc thép chở quân.
Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ cung cấp lựu pháo cho Ukraine.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết một số hệ thống, như hệ thống lựu pháo và radar, sẽ cần được đào tạo thêm cho các lực lượng Ukraine.
Khoản viện trợ mới sẽ được tài trợ bằng cách sử dụng Quyền Rút Vốn của Tổng thống, hoặc PDA, theo đó tổng thống có thể cho phép chuyển các vật phẩm và thiết bị từ kho hàng của Hoa Kỳ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội để ứng phó với trường hợp khẩn cấp.
Nga: Các đoàn xe chở vũ khí của Hoa Kỳ-NATO ở Ukraine là các mục tiêu hợp pháp
Nga sẽ coi các đoàn xe vận chuyển vũ khí từ các quốc gia NATO đến Ukraine là mục tiêu hợp pháp cho quân đội khi họ đến lãnh thổ Ukraine, Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư (13/04).
Nhà ngoại giao này cho biết, đối với Nga việc liên lạc thường xuyên với Hoa Kỳ là không thể, vì “sự ủng hộ không e dè của Hoa Thịnh Đốn đối với các ý định quân sự của chính quyền Kyiv, việc các thành viên NATO đổ vũ khí hiện đại” vào nước này. Mục tiêu của Moscow hiện nay là làm cho Hoa Kỳ và các đồng minh hiểu rõ ràng rằng Nga sẽ sử dụng các biện pháp mạnh để đáp trả những nỗ lực gây tổn hại cho quân đội của họ ở Ukraine.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang cảnh báo rằng các chuyến vận tải của Hoa Kỳ-NATO chở vũ khí qua lãnh thổ Ukraine được coi là các mục tiêu quân sự hợp pháp.”
Phần Lan hướng tới quyết định đăng ký thành viên NATO ‘trong vòng vài tuần’
Hôm thứ Tư (13/04), Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết Helsinki đang hướng tới quyết định đăng ký làm thành viên liên minh quân sự NATO “trong vòng vài tuần chứ không phải trong vài tháng.”
Bà Marin cho biết trong một cuộc họp báo chung hôm 13/04 với người đồng cấp Thụy Điển ở Stockholm: “Tôi sẽ không đưa ra bất kỳ loại thời biểu về việc khi nào chúng tôi sẽ đưa ra quyết định của mình, nhưng tôi nghĩ nó sẽ diễn ra khá nhanh, trong vòng vài tuần chứ không phải trong vài tháng.”
Bà Marin đã đưa ra thông báo này trong cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tại thủ đô của nước này. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cách thức tăng cường an ninh của cả hai nước Bắc Âu trong môi trường an ninh đang thay đổi.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ukraine giải thích quyết định từ chối Tổng thống Đức
Ukraine sẽ chào đón bất kỳ “quan chức cao cấp” ngoại quốc nào miễn là họ đi kèm với “đề nghị cụ thể liên quan đến hỗ trợ kinh tế hoặc quân sự”, một phụ tá của Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với tờ Die Welt, giải thích quyết định từ chối chuyến thăm tới Kyiv của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
“Ngày nay bất kỳ chuyến thăm nào diễn ra đều mang lại một kết quả [cụ thể],” phó tổng tham mưu của Tổng thống Ukraine Igor Zhovkva nói với hãng thông tấn Đức này, đồng thời nói thêm rằng Kyiv rất muốn gặp mặt “bất kỳ chính trị gia cao cấp nào” đến Ukraine “mang theo” những “kết quả” như vậy với họ. Sau đó, ông tiếp tục nói rằng, trong trường hợp của Đức, nước này có thể áp đặt “lệnh cấm vận đối với dầu [của Nga]” hoặc cung cấp “bảo đảm” cho việc Ukraine gia nhập EU hoặc cung cấp “các thiết bị hạng nặng”.
Phụ tá của tổng thống cũng ám chỉ rằng Berlin có thể không kiên định trong việc ủng hộ Ukraine như Kyiv mong muốn. Tất cả các quốc gia “thân thiện” với Ukraine “thể hiện thái độ tương tự đối với Nga và giới lãnh đạo Nga,” ông Zhovkva nói và cho biết thêm rằng họ không “đưa ra bất kỳ ngoại lệ nào đối với lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực ngân hàng hoặc một số thành viên trong chính giới [của Nga].”
Tuy nhiên, chính phủ Đức đang bảo vệ tổng thống của đất nước sau vụ từ chối ngoại giao này.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, nguyên thủ quốc gia chủ yếu trên nghi thức, cho biết hôm thứ Ba (12/04) rằng sự hiện diện của ông dường như “không được mong muốn ở Kyiv.” Ông cho biết người đồng cấp Ba Lan đã gợi ý rằng cả hai cùng đến Ukraine cùng với tổng thống của ba nước Baltic.
Phát ngôn viên chính phủ Wolfgang Buechner đã bảo vệ ông Steinmeier, nói rằng ông ấy “rõ ràng đã đứng về phía Ukraine.”
Tổng thống Putin nói Nga có thể chuyển hướng xuất cảng năng lượng khỏi phương Tây
Nga có thể dễ dàng chuyển hướng xuất cảng các nguồn năng lượng lớn của mình từ phương Tây sang các nước thực sự cần, đồng thời tăng mức tiêu thụ năng lượng trong nước, Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm thứ Tư (13/04).
“Khi nói đến dầu, khí đốt, và than đá của Nga, chúng tôi sẽ có thể tăng tiêu thụ những sản phẩm này trên thị trường nội địa và kích thích chế biến sâu các nguyên liệu thô,” ông Putin nói tại một cuộc họp về sự phát triển của vùng Bắc Cực thuộc Nga.
Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng sẽ tăng cường cung cấp các nguồn năng lượng cho các khu vực khác trên thế giới, nơi chúng thực sự được cần đến.”
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh lệnh cấm nhập cảng dầu mới nhất của Nga do Hoa Kỳ, Canada, Anh, và Úc áp đặt nhằm đáp trả hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine. Lệnh cấm nhập cảng năng lượng là một phần của các biện pháp trừng phạt chống Nga rộng lớn hơn nhằm loại nền kinh tế nước này khỏi hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu.
Ông Putin cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở Âu Châu là do các nước từ chối “hợp tác bình thường với Nga, do đó tác động đến hàng triệu người Âu Châu.”
“Tất nhiên chúng tôi cũng đang phải đối mặt với những vấn đề nhưng điều này mở ra những cơ hội mới,” ông nói.
Kyiv: Moscow gây áp lực lên các cuộc đàm phán hòa bình bằng những ‘tuyên bố công khai’
Hôm thứ Ba (12/04), cố vấn tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak cáo buộc Nga gây áp lực lên tiến trình hòa đàm thông qua việc đưa ra “một số tuyên bố công khai”. Nhận xét này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận các cuộc đàm phán đã đi vào “bế tắc”.
“Các cuộc đàm phán đang vô cùng khó khăn. Các nhóm nhỏ đang làm việc trực tuyến. Nhưng đàm phán vẫn tiếp tục. Rõ ràng là nền tảng cảm xúc trong quá trình đàm phán hôm nay là đen tối. Rõ ràng là phái đoàn Ukraine làm việc hoàn toàn trong một khuôn khổ ủng hộ Ukraine và minh bạch,” ông Podolyak nói với truyền thông địa phương, đồng thời cáo buộc Moscow cố tình làm phức tạp quá trình này.
Những nhận xét trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga thừa nhận rằng các cuộc đàm phán đã đi vào “bế tắc”. Ông Putin đổ lỗi cho phía Ukraine về sự bế tắc này, nói rằng Kyiv đã bội ước về những gì đã được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng Ba.
Nga: Hơn 1,000 thủy quân lục chiến Ukraine đã đầu hàng ở Mariupol
Hôm thứ Tư (13/04), Bộ Quốc phòng Nga cho biết 1,026 binh sĩ thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine, trong đó có 162 sĩ quan, đã đầu hàng tại thành phố cảng Mariupol bị bao vây của Ukraine.
Mariupol, nơi đã bị quân đội Nga bao vây trong nhiều tuần, đã chứng kiến cuộc giao tranh ác liệt nhất và sự tàn phá toàn diện nhất kể từ khi Nga xâm lược vào ngày 24/02.
Cảng chính ở Biển Azov nầy là mục tiêu lớn nhất ở khu vực phía đông Donbas mà Moscow hiện gọi là trọng tâm của chiến dịch, và nếu bị chiếm sẽ là thành phố lớn đầu tiên thất thủ kể từ khi chiến tranh nổ ra. Việc chiếm giữ thành phố này sẽ giúp Nga giành được một lối đi trên bộ giữa các khu vực phía đông do quân ly khai nắm giữ và Crimea, mà Nga đã chiếm giữ và sáp nhập vào năm 2014.
“Tại thị trấn Mariupol, gần Xưởng Gang Thép Ilyich, nhờ các cuộc tấn công thành công của các lực lượng vũ trang Nga và các đơn vị dân quân Cộng hòa Nhân dân Donetsk, 1,026 binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn 36 Thủy quân lục chiến đã tự nguyện hạ vũ khí đầu hàng,” bộ cho biết trong một tuyên bố.
Reuters không thể xác minh một cách độc lập việc đầu hàng. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksandr Motuzyanyk cho biết ông không có thông tin về việc này và không có bình luận ngay từ văn phòng tổng thống Ukraine hoặc bộ tổng tham mưu Ukraine.
Hôm thứ Hai (11/04), một bài đăng trên trang Facebook của lữ đoàn thủy quân lục chiến Ukraine cho biết đơn vị này đang chuẩn bị cho trận chiến cuối cùng ở Mariupol mà sẽ kết thúc bằng cái chết hoặc bị bắt vì quân đội của họ đã hết đạn dược.
“Hôm nay có lẽ sẽ là trận chiến cuối cùng, bởi vì chúng tôi không còn đạn,” bài đăng cho biết. “Sau đó: sẽ có các cuộc chiến đấu tay đôi. Sau nữa, một số người có thể thiệt mạng, một số sẽ bị bắt.”
Một số quan chức Ukraine vào thời điểm đó cho biết bài đăng này có thể là giả mạo và quân đội vẫn đang cầm cự.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết 151 binh sĩ Ukraine bị thương đã được điều trị tại chỗ và đưa đến bệnh viện thành phố Mariupol.
Trước đó, hôm thứ Tư (13/04), lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, người nói rằng lực lượng của ông đang đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến giành Mariupol của Nga, cho biết hơn 1,000 thủy quân lục chiến Ukraine đã đầu hàng. Ông kêu gọi các lực lượng còn lại đang ẩn náu trong nhà máy thép Azovstal ra đầu hàng.
Nga: Các nhà lãnh đạo Bắc Âu phản bội lợi ích quốc gia của họ
Nga đã chỉ trích cáo buộc rằng họ đe dọa Thụy Điển và Phần Lan khi những nước này bất ngờ mong muốn gia nhập NATO. Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia Bắc Âu gần đây đã bày tỏ mong muốn gia nhập khối quân sự do Hoa Kỳ đứng đầu sau cuộc tấn công quân sự của Moscow vào Ukraine.
“Những tuyên bố này [cáo buộc về việc Nga đe dọa] là không sáng suốt. Chúng không dựa trên sự thật. Chúng thuộc lĩnh vực tuyên truyền và khiêu khích. Chúng đi ngược lại lợi ích quốc gia của những quốc gia đó,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với Đài Sputnik hôm thứ Tư (13/04). “Tôi tin rằng sẽ là sai lầm nếu coi những tuyên bố này như một ý kiến độc lập,” bà nói thêm.
Chủ tịch Thượng viện: Nga sẽ không quốc hữu hóa tài sản của các công ty ngoại quốc
Hôm thứ Tư (13/04), Thượng nghị sĩ hàng đầu của Nga cho biết nước này sẽ không quốc hữu hóa tài sản của các công ty ngoại quốc rút khỏi Nga. Trình bày trước Nghị viện, bà Valentina Matvienko đã bình luận về các kế hoạch quốc hữu hóa các công ty năng lượng được cho là ở Đức.
“Chúng tôi không muốn biến thành phường trộm cướp giống như đối thủ của chúng tôi. Quốc hữu hóa tài sản của người khác là không thể chấp nhận được,” bà nói và cho biết thêm rằng Nga đã áp dụng một cách tiếp cận tế nhị nhưng hành động cứng rắn hơn đối với từng trường hợp có thể sẽ cần thiết. Các ngành công nghiệp cần phải tiếp tục phát triển để người dân và công việc được bảo vệ, bà nói thêm.
Tổng thống Macron từ chối gọi hành động của Nga ở Ukraine là tội ác diệt chủng
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tránh việc gọi các hành động của Nga ở Ukraine là tội ác diệt chủng.
Khi được hỏi trên kênh truyền hình France-2 hôm thứ Tư (13/04) về việc Tổng thống Joe Biden sử dụng thuật ngữ này, ông Macron nói:
“Tôi có thể nói rằng Nga đã mở ra một cuộc chiến tranh tàn bạo quá mức theo cách đơn phương. Người ta đã xác định rằng tội ác chiến tranh đã được thực hiện bởi quân đội Nga,” ông Macron nói. “Chúng ta phải tìm ra những người chịu trách nhiệm và đưa họ ra trước công lý.”
“Nhưng tôi thận trọng với các thuật ngữ ngày nay… Diệt chủng có một ý nghĩa. Nhân dân Ukraine và nhân dân Nga là các dân tộc anh em. Những gì đang diễn ra ngày nay thật điên rồ. Đó là sự tàn bạo không thể tin được và là một sự quay trở về với chiến tranh ở Âu Châu,” Tổng thống Pháp nói.
“Nhưng đồng thời tôi cũng nhìn vào sự thật, và tôi muốn tiếp tục cố gắng hết sức để có thể chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình. Tôi không chắc liệu sự leo thang về ngôn từ có phục vụ cho mục đích của chúng ta hay không. ”
Việc Ukraine từ chối tiếp đón ông Steinmeier gây ra phản ứng dữ dội ở Đức
Chính phủ Đức đang bảo vệ tổng thống của nước này sau khi Ukraine từ chối tiếp đón ngoại giao.
Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, nguyên thủ quốc gia chủ yếu trên nghi thức, cho biết hôm thứ Ba rằng sự hiện diện của ông dường như “không được mong muốn ở Kyiv.” Ông cho biết người đồng cấp Ba Lan đã gợi ý rằng cả hai cùng đến Ukraine cùng với tổng thống của ba nước Baltic.
Tờ Bild của Đức dẫn lời một nhà ngoại giao Ukraine ẩn danh cho biết ông Steinmeier không được chào đón ở Kyiv vào thời điểm hiện tại vì ông có quan hệ thân thiết với Nga trong quá khứ. Ông Steinmeier trước đây là ngoại trưởng Đức và gần đây đã thừa nhận những sai lầm trong chính sách đối với Nga.
Hôm thứ Tư (13/04), Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết bà rất lấy làm tiếc vì ông Steinmeier không thể đến thăm.
Đại sứ Ukraine tại Đức cho biết Thủ tướng Olaf Scholz sẽ được hoan nghênh, nhưng một số nhà lập pháp Đức cho rằng thái độ lạnh nhạt đối với ông Steinmeier sẽ làm phức tạp thêm điều đó.
Phát ngôn viên chính phủ Wolfgang Buechner đã bảo vệ ông Steinmeier, nói rằng ông ấy “rõ ràng đã đứng về phía Ukraine.”
Anh trừng phạt 178 người Nga hỗ trợ các khu vực ly khai
Anh đã công bố một vòng trừng phạt mới liên quan đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhắm vào 178 cá nhân đã giúp hỗ trợ các khu vực ly khai được Điện Kremlin hậu thuẫn ở miền đông nước này.
Ngoại trưởng Liz Truss cho biết hôm thứ Tư (13/04) rằng các lệnh trừng phạt được phối hợp với Liên minh Âu Châu. Hành động này diễn ra sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhằm vào dân thường ở miền đông Ukraine.
Xuất cảng của Trung Quốc sang Nga giảm sau cuộc xâm lược Ukraine
Theo dữ liệu chính thức hôm 13/04, xuất cảng của Trung Quốc sang Nga đã giảm trong tháng Ba — một dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc có thể đang thận trọng hơn khi giao dịch với Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng Hai.
Dữ liệu cho thấy các công ty Trung Quốc đã bán hàng hóa trị giá 3.8 tỷ USD cho Nga trong tháng Ba, giảm 7.7% so với một năm trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 05/2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, nhập cảng từ Nga tăng 26.4% so với một năm trước.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Một quan chức Ukraine đe dọa lãnh đạo phe đối lập thân Nga bị bắt
Hôm thứ Tư (13/04), một cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine nói với truyền hình Ukraine rằng lãnh đạo phe đối lập Viktor Medvedchuk nên nhanh chóng bị xét xử, kết án, và hành hạ thể xác trước khi thực hiện nỗ lực hoán đổi ông ta lấy binh lính Ukraine bị Nga bắt giữ. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề nghị một cuộc trao đổi sau khi thông báo về vụ bắt giữ chính trị gia này hôm thứ Ba (12/04).
Ông Vadim Denisenko nói về chính trị gia bị bắt giữ ở Ukraine: “Chí ít thì ông ta phải thú nhận vì ông ta biết rất nhiều về việc ai ở Nga đã trả bao nhiêu và trả cho ai để tạo ra một nhóm nội gián” ở Ukraine.
“Nhiều nhất… thì ông ta cần được xét xử nhanh chóng, nhận án tù, bị tra tấn để cung cấp một số lời khai nhất định và sau đó mới được trao đổi,” ông nói thêm.
Nhận xét của ông Denisenko, đặc biệt là ngụ ý rằng ông Medvedchuk có thể bị ép buộc hợp tác bằng bạo lực, đã bị một số quan chức Nga chỉ trích.
Ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, đã đưa ra một lời đe dọa không che giấu khi nói rằng những người ủng hộ những ý tưởng như vậy “nên chú ý xung quanh và khóa cửa suốt đêm để chính họ không bị đưa vào danh sách những cá nhân đủ điều kiện làm tù nhân hoán đổi.”
Lợi nhuận của JPMorgan giảm 42% khi ghi giảm tài sản Nga
JPMorgan Chase đã ghi giảm tài sản 1.5 tỷ USD khi ngân hàng báo cáo kết quả hàng quý, phần lớn là vì ngân hàng này có các tài sản ở Nga và Ukraine.
Việc ghi giảm tài sản Nga vào thứ Tư (13/04) đã phần nào khiến JPMorgan báo cáo sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận trong quý đầu tiên và khiến số liệu sai so với ước tính của Wall Street.
JPMorgan là ngân hàng đầu tiên trong số các ngân hàng lớn của Wall Street báo cáo kết quả hoạt động của mình. Các nhà phân tích kỳ vọng các ngân hàng lớn sẽ ghi giảm hàng tỷ USD tài sản có liên kết với Nga.
Latvia sẽ huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng phi cơ không người lái
Latvia cho biết họ sẽ huấn luyện quân đội Ukraine cách sử dụng phi cơ không người lái.
“Hiện tại, chúng ta phải làm mọi cách có thể để thúc đẩy chiến thắng của Ukraine và bảo vệ các nguyên tắc tự quyết và chủ quyền của Ukraine,” Bộ trưởng Quốc phòng Artis Pabriks nói.
Ông nói thêm rằng hai công ty Latvia đã chuyển giao phi cơ không người lái.
Bộ trưởng Quốc phòng cho biết cùng với các mặt hàng tiếp tế khác, Latvia đã cung cấp hệ thống phòng không Stinger cho Ukraine cũng như vũ khí, thiết bị cá nhân, thực phẩm khô, đạn dược, vũ khí chống tăng, trị giá hơn 200 triệu euro.
Lãnh đạo của Ba Lan và các nước Baltic tới Kyiv thảo luận về hỗ trợ quân sự
Các tổng thống của Ba Lan, Lithuania, Latvia, và Estonia đang trên đường đến Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, một cố vấn của lãnh đạo Ba Lan cho biết hôm thứ Tư (13/04).
Bốn nhà lãnh đạo này đã bổ sung cho một số lượng ngày càng tăng các chính trị gia Âu Châu đến thăm thủ đô Ukraine kể từ khi quân đội Nga bị rút khỏi miền bắc nước này hồi đầu tháng.
“Chúng tôi đang tới Kyiv với một thông điệp mạnh mẽ về sự ủng hộ chính trị và hỗ trợ quân sự,” Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda viết trên Twitter hôm thứ Tư (13/04), đính kèm bức ảnh chụp các tổng thống bên cạnh một đoàn tàu.
Một phát ngôn viên của Tổng thống Estonia Alar Karis cho biết cuộc gặp sẽ tập trung vào các cách thức hỗ trợ dân thường và quân đội ở Ukraine, cũng như điều tra về tội ác chiến tranh.
Diễn biến này xảy ra một ngày sau khi Tổng thống Joe Biden nói rằng cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine tương đương với tội ác diệt chủng, trong khi Tổng thống Vladimir Putin thề rằng Nga sẽ “nhịp nhàng và bình tĩnh” tiếp tục chiến dịch quân sự và đạt được các mục tiêu của mình.
Các văn phòng của bốn tổng thống đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về chuyến thăm vì lý do an ninh.
Ukraine yêu cầu Nga trả lại tù nhân nếu muốn lấy lại đồng minh hàng đầu
Ukraine yêu cầu Nga trả tự do cho các tù nhân chiến tranh nếu muốn đồng minh cao cấp nhất của Điện Kremlin ở nước này được trả tự do, trong bối cảnh Hoa Kỳ dự kiến sẽ gửi thêm vũ khí sau khi Nga phát đi tín hiệu mạnh mẽ nhất rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục kéo dài.
Hôm thứ Ba (12/04), Ukraine thông báo rằng ông Viktor Medvedchuk, lãnh đạo của Đảng Cương lĩnh Đối lập–Vì Sự sống, đã bị bắt. Hồi tháng Hai, các nhà chức trách cho biết ông này đã trốn thoát khỏi sự quản thúc tại gia sau khi một vụ án phản quốc được mở ra.
Nhân vật thân Nga này, người nói rằng Tổng thống Vladimir Putin là cha đỡ đầu của con gái ông, đã phủ nhận hành vi sai trái. Hiện chưa có bình luận từ phát ngôn viên.
“Tôi đề nghị với Liên bang Nga: đổi người này của các vị lấy những người đàn ông và phụ nữ của chúng tôi hiện đang bị giam cầm ở Nga,” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài diễn văn vào sáng sớm hôm thứ Tư (13/04).
Cơ quan mật vụ Ukraine cho biết đã bắt giữ đồng minh hàng đầu của Tổng thống Putin
Hôm thứ Ba (12/04), Ukraine cho biết họ đã bắt giữ đồng minh nổi bật nhất của Điện Kremlin tại nước này.
Hồi tháng Hai, Ukraine cho biết ông Viktor Medvedchuk, lãnh đạo của Đảng Cương lĩnh Đối lập–Vì sự sống, đã trốn thoát khỏi vòng quản thúc tại gia sau khi nhà chức trách mở một vụ án phản quốc chống lại ông ta.
Nhân vật thân Nga này, người nói rằng ông Putin là cha đỡ đầu của con gái ông, đã phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái. Hiện chưa có bình luận nào về vụ việc từ một phát ngôn viên tính đến hôm thứ Ba.
“Những kẻ phản bội thân Nga và đặc vụ của cơ quan tình báo Nga, hãy nhớ rằng — tội ác của các vị không có thời hạn hiệu lực,” cơ quan an ninh của Ukraine đăng trên Facebook cùng với bức ảnh ông Medvedchuk bị còng tay.
Người đứng đầu cơ quan này, ông Ivan Bakanov cho biết các đặc vụ “đã tiến hành chiến dịch đặc biệt nhiều cấp độ nguy hiểm và nhanh như chớp này.”
Một phát ngôn viên của Điện Kremlin được hãng thông tấn TASS dẫn lời nói rằng ông đã xem bức ảnh và không thể nói liệu nó có phải là thật hay không.
Quân đội Ukraine sẽ huấn luyện ở Anh
Hôm thứ Ba (12/04), Bộ trưởng các Lực lượng vũ trang Anh James Heappey đã xác nhận rằng quân đội nước này sẽ huấn luyện binh sĩ Ukraine trên đất Anh. Một số quân nhân không xác định dự kiến sẽ đến trong “vài ngày tới” để học cách vận hành các phương tiện bọc thép mà Anh đã cam kết cung cấp cho Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga đang diễn ra.
Ông Heappey nói với Đài LBC: “Có 120 xe bọc thép đang trong quá trình chuẩn bị sẵn sàng.”
“Và các binh sĩ Ukraine sẽ vận hành chúng sẽ đến Vương quốc Anh trong vài ngày tới để học cách lái và điều khiển những chiếc xe đó.”