Quan hệ với Trung Quốc: ‘Chính phủ Việt Nam phải nghe dân, bằng không sẽ mất hết quyền lợi dân tộc’
March 1, 2021
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Thượng Tướng Ngụy Phượng Hòa tại Trụ sở Bộ Quốc phòng ở Hà Nội ngày 27/05/19.
Vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp
Mặc dù bên cạnh sự kiện tranh chấp tại Bãi Tư Chính do Trung Quốc có động thái lấn át Việt Nam ngày càng gia tăng căng thẳng suốt hơn 4 tháng dài trong năm 2019, tuy nhiên truyền thông quốc nội luôn đăng tải những thông tin về mối quan hệ Việt-Trung được duy trì trên tinh thần hữu hảo qua các hoạt động liên quan ngoại giao, quốc phòng và thương mại.
Trong lĩnh vực thương mại, Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết tính đến hết tháng 11 năm 2019, thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc vượt con số 100 tỷ đô la Mỹ (USD). Trước đó, vào năm 2018, thương mại song phương giữa hai nước cũng đạt con số tương tự đồng thời Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với vốn đăng ký lên đến 13,4 tỷ USD cho hơn 2.000 dự án.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 10 năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hơn 62 tỷ USD, tăng mạnh gần 9 tỷ so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt gần 33 tỷ USD, giảm khỏang 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước đó và được ghi nhận là thâm hụt lớn trong quan hệ ngoại thương với Trung Quốc đang bị nới rộng.
Trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng, các chuyến viếng thăm của giới chức cấp cao hai nước như Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc-Thượng Tướng Ngụy Phượng Hòa, dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Trung Quốc sang thăm Việt Nam hồi hạ tuần tháng 5 hay bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng phái đoàn Việt Nam sang thăm Trung Quốc vào trung tuần tháng 7 được truyền thông loan báo năm 2019 là năm “bản lề mang tính đột phá” trong quan hệ quân đội cũng như tiếp tục đưa mối quan hệ Việt-Trung “phát triển lành mạnh và ổn định”.
Những hệ lụy xấu Việt Nam gánh chịu
Nhà văn Phạm Viết Đào, người vừa cho ra mắt bản thảo bút ký-tiểu luận-điều tra có nhan đề “Vị Xuyên và thế sự Việt-Trung”, vào tối ngày 2/1 lên tiếng với RFA rằng những thông tin tốt đẹp về quan hệ Việt-Trung như thế không phản ảnh trung thực được tinh thần và cảm nhận của người dân Việt Nam đối với Trung Quốc.
Qua ghi nhận của Nhà văn Phạm Viết Đào, ông nói rằng dân chúng tại Việt Nam rất “căm ghét” các nhà đầu tư đến từ Hoa Lục và những con số hàng trăm tỷ USD trong thương mại và đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam không thể nào so sánh được với những hậu quả nghiêm trọng mà người dân Việt Nam đang gánh chịu. Nhà văn Phạm Viết Đào lý giải:
Quan trọng nhất, tiêu cực nhất là Trung Quốc ép ba mặt trận: là phải công nhận chủ quyền của họ ở Biển Đông (vấn đề đó là họ rất nhất quán trong việc độc chiếm Biển Đông thông qua tuyên bố về đường 9 đoạn); không được khai thác ở đây và không được tập trận chúng với các nước ở xung quanh. Thế thì Việt Nam phản đối lại bằng cách vẫn tiếp tục với các nước ở bên ngoài khu vực cùng khai thác dầu mỏ, đặc biệt là Nga. Thứ hai nữa là Việt Nam không chấp nhận đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của Trung Quốc…
-Tiến sĩ Hà Hòang Hợp
“Rõ ràng là chưa bao giờ như năm nay mà môi trường của Việt Nam, chẳng hạn ở Hà Nội lại ngột ngạt đến như thế. Nhiều nhà khoa học cho rằng đấy là do nguyên nhân từ các nhà máy nhiệt điện của Trung Quốc tống sang Việt Nam. Thứ hai nữa là những đồng tiền đầu tư của Trung Quốc uy hiếp đến nền kinh tế, có thể nói đấy là những đồng tiền đầu tư làm phá hoại nền kinh tế, làm mất ổn định và khiến Việt Nam thành con nợ.
Ví dụ, hàng chục dự án mà báo chí đã nói nhiều rằng những dự án đấy không mang lại lợi ích gì cho Việt Nam cả, mà lại làm hỏng tất cả kết cấu hạ tầng trong đó có hai dự án gần đây báo chí nêu rất rõ. Đấy là dự án về Gang-Thép Thái Nguyên. Dự án này lúc đầu phê duyệt khỏang 4 nghìn tỷ đồng, vào khoảng 200 triệu USD. Thế bây giờ vọt lên đến 8 nghìn tỷ, tức là tăng thêm lên 400 triệu USD. Nếu như tăng đầu tư mà tạo ra sản phẩm thì cũng được, nhưng lại thành đống sắt gỉ. Đấy là dự án lớn, còn những dự án tầm 50-70 triệu USD giống như thế thì rất nhiều. Hay dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông, khởi đầu có trên 8 nghìn tỷ đồng còn bây giờ lên 18 nghìn tỷ mà không biết bao giờ dự án này vận hành trong khi tiền tăng lên như thế. Có một nguồn tin nói rằng tiền lãi trả hàng năm cho dự án này là 5-6 nghìn tỷ đồng. Thế thì bây giờ trở thành một con nợ như thế thì người dân rất sốt ruột và không chịu được.”
Nhà văn Phạm Viết Đào cùng một vài nhà quan sát tình hình Việt Nam khác mà Đài Á Châu Tự Do trao đổi còn nhấn mạnh trong năm 2019, Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, qua tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6 rằng “Việt Nam đang lạm dụng thương mại với Mỹ còn tệ hơn Trung Quốc” và kéo theo nhiều sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị tăng thuế chống bán phá giá như mặt hàng thép hơn 450%.
Bên cạnh đó, giới quan sát tình hình Việt Nam khẳng định tác động từ Trung Quốc lên Việt Nam qua vấn đề xung đột ở Biển Đông và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị hủy hoại sẽ càng thêm nhiều rủi ro và phức tạp.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập làm việc tại Singapore, cho biết thông tin liên quan vấn đề sông Mekong mà Việt Nam nằm ở khu vực hạ lưu của dòng sông này:
“Về vấn đề Mekong, Trung Quốc dự kiến xây dựng 91 nhà máy thủy điện ở Lào và đã xây được 46 cái. Đồng thời Trung Quốc sẽ xây một loạt các đâp thủy điện giữa Lào và Campuhica, đã được 4 cái. Việc xây dựng này gây ra ảnh hưởng rất lớn đến sinh thái, sinh quyển, đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt đời sống ở Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Bây giờ đã có tác hại rất lớn rồi chứ không phải chờ tới những 30 năm sau nữa. Chuyện này là chuyện Việt Nam chắc chắn không bỏ qua.”
Về vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Việt Nam và Trung Quốc trong năm 2019, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu lên nhận định của ông:
“Quan trọng nhất, tiêu cực nhất là Trung Quốc ép ba mặt trận: là phải công nhận chủ quyền của họ ở Biển Đông (vấn đề đó là họ rất nhất quán trong việc độc chiếm Biển Đông thông qua tuyên bố về đường 9 đoạn); không được khai thác ở đây và không được tập trận chúng với các nước ở xung quanh. Thế thì Việt Nam phản đối lại bằng cách vẫn tiếp tục với các nước ở bên ngoài khu vực cùng khai thác dầu mỏ, đặc biệt là Nga. Thứ hai nữa là Việt Nam không chấp nhận đường lưỡi bò thuộc chủ quyền của Trung Quốc là do Việt Nam dựa theo một nền pháp lý thống nhất gồm Công ước và Luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và trật tự quốc tế đã được thiết lập từ năm 1947 bởi tất cả các nước dưới ngọn cờ của LHQ.
Đấy là các điểm tiêu cực từ phía Trung Quốc, tuy nhiên lại là điểm mạnh cho Việt Nam. Mặc dù Việt Nam không nói nặng lời, không nói mạnh nhưng rõ ràng là Việt Nam cương quyết. Tựu trung lại năm 2019 có những điểm lớn không tốt như thế gây ra ảnh hưởng đến mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam phản ứng như thế rất phù hợp. Nhưng phải đợi đến năm 2020 xem sẽ như thế nào vì tình hình sẽ bộc lộ rõ hơn nữa.”
Việt Nam-Trung Quốc năm 2020
Tình hình bộc lộ rõ hơn mà Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp vừa đề cập là có thể sẽ xảy ra đụng độ quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới. Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, ba nhà quan sát tình hình Việt Nam gồm nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan-Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông-Thạc sĩ Hoàng Việt và Nhà báo Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, trong một cuộc hội luận mới đây với RFA cũng nhận định rằng tình hình căng thẳng ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp diễn và Việt Nam ở vị thế bị áp đảo.
Nhà văn Phạm Viết Đào khẳng định với Đài Á Châu Tự Do rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ ý muốn áp đảo đối với Việt Nam ở Biển Đông, mà còn ở mọi lĩnh vực khi Việt Nam là một quốc gia nhỏ bé bên cạnh đất nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc:
“Tôi nghĩ những xung đột lợi ích ấy là xung đột sống còn của Việt Nam. Nếu như Trung Quốc bị mất vị thế nước lớn thì họ sẽ cà khịa và gây sự đến cùng. Về phía Việt Nam thì rõ ràng xưa nay vẫn duy trì chính sách hòa hoãn, tức là thương lượng, nhường nhịn họ nhưng nhường nhịn thế nào nữa, đã nhường nhịn đến cùng rồi mà Trung Quốc cũng đâu có dừng lại. Hay là bây giờ Việt Nam thông qua Luật Đặc khu hay chấp nhận đường sắt cao tốc Bắc-Nam thì đó gần như là đầu hàng và bán nước, chứ không còn là nhân nhượng nữa.”
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan-Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng lưu ý rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến, mà trước mắt trong năm 2020 Việt Nam gặp phải tình cảnh gay go trong mối quan hệ tay ba Việt-Trung-Mỹ. Do đó, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam phải thận thận trọng trong các quyết sách chiến lược của quốc gia.
“Năm nay là năm Việt Nam chuẩn bị Đại hội Đảng. Vấn đề Đại hội sẽ chiếm nhiều thời gian và năng lượng của Việt Nam đối với cả lãnh đạo lẫn các nhà hoạch định chính sách. Vậy thì Việt Nam sẽ phân bổ quỹ thời gian như thế nào giữa ứng phó trong quan hệ tay ba Việt-Mỹ-Trung với ASEAN-Mỹ-Trung (do Việt Nam đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN 2020) bởi vì các tương tác này sẽ là một phép tổng – tích hợp giữa nội trị với ngoại giao của Việt Nam và sự cộng hưởng của hai ‘tay ba’ này sẽ có ảnh hưởng lớn đến đường lối ở Đại hội Đảng sắp tới.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, ở Na-Uy phân tích rằng từ năm 2020, thương chiến Mỹ-Trung tiếp diễn như thế nào đều là những dự đoán và không ai biết được một cách chắc chắn điều gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng Chính quyền Trump sẽ chủ trương chính sách của Hoa Kỳ luôn ở thế mạnh “làm chủ cuộc chơi” và muốn nền kinh tế Mỹ tiếp tục đà tăng trưởng trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị bầu cử tổng thống nên rất có thể chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ không đi quá xa để đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực khủng hoảng. Và do đó, các nhà đầu tư sẽ có quyết định đa dạng hóa đất nước đầu tư, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề giải bài toán Trung Quốc như thế nào là vấn đề mà chính quyền nghe dân và theo lòng dân thì có cách. Còn nếu họ vẫn theo nếp cũ thì cứ để cho Đảng và Nhà nước lo thì họ sẽ dẫn đến chỗ mất hết quyền lợi dân tộc
-Nhà văn Phạm Viết Đào
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lập luận rằng có thể nói Việt Nam được hưởng lợi trong khía cạnh vừa nêu trong năm 2020. Tuy nhiên:
“Vấn đề của Việt Nam là thiếu lực lượng lao động có tay nghề và thiếu một mạng lưới cung cấp hậu cần cho các nhà sản xuất. Vì vậy mà một số nhà sản xuất sẽ không chọn Việt Nam mà chuyển sang các nước khác như Malaysia hay Thái Lan.”
Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh có cái nhìn lạc quan rằng với vị thế là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021, đồng thời Việt Nam đang có mối quan hệ tốt với Hoa Kỳ và thế giới phương Tây trong lúc tạm gọi là Trung Quốc ngày càng tỏ ra dã tâm muốn Việt Nam phải bị “thần phục” nên Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cần thực hiện chính sách đại đoàn kết quốc gia để có đủ nội lực cũng như cần phải xây dựng những giá trị chung đối với thế giới, đặc biệt trong việc bảo vệ và gìn giữ sự ổn định, hòa bình trong khu vực, nhất là tại Biển Đông.
Còn Nhà văn Phạm Viết Đào thì cho rằng nội lực của quốc gia chính là lòng dân, nhất là:
“Vấn đề giải bài toán Trung Quốc như thế nào là vấn đề mà chính quyền nghe dân và theo lòng dân thì có cách. Còn nếu họ vẫn theo nếp cũ, cứ để cho Đảng và Nhà nước lo thì họ sẽ dẫn đến chỗ mất hết quyền lợi dân tộc.”
Nhà văn Phạm Viết Đào khẳng định “Đừng bao giờ tin vào lời phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Quốc hội Việt Nam là ‘Lợi ích chung trong quan hệ hai nước lớn hơn bất đồng…’ vì đó chỉ là lời ru nguy hiểm để Việt Nam chịu nằm im trong cái vòng kim cô của Trung Quốc.”
Nguồn: RFA