Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 24, 2024

[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tiếp đón các nhà đàm phán Nga và Ukraine trước cuộc hội đàm trực tiếp của họ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 29/03/2022. (Ảnh: Murat Cetinmuhurdar/Văn phòng Báo chí Tổng thống/Phát qua Reuters)–

Nga sẽ ‘giảm mạnh’ hoạt động quân sự gần Kyiv để các cuộc đàm phán được thành công

Hôm thứ Ba (29/03), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Alexander Fomin thông báo Nga đã “giảm mạnh” hoạt động quân sự của mình gần Kyiv và Chernihiv (Nga gọi là Chernigov) khi các cuộc đàm phán với Ukraine bước vào giai đoạn “thực tế”.

Nói chuyện với giới báo chí sau các cuộc hội đàm với phái đoàn Ukraine, ông Fomin cho biết “một quyết định đã được đưa ra để giảm mạnh hoạt động quân sự trên các hướng tiếp cận Kyiv và Chernigov bằng nhiều đợt.”


Vòng đàm phán Nga-Ukraine bắt đầu tại Thổ Nhĩ Kỳ, có sự tham dự của ông Abramovich

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tiếp đón các nhà đàm phán Nga và Ukraine trước cuộc hội đàm trực tiếp của họ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 29/03/2022. (Ảnh: Murat Cetinmuhurdar/Văn phòng Báo chí Tổng thống/Phát qua Reuters)

Hôm thứ Ba (29/03), Nga và Ukraine đã bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên trong hơn hai tuần tại Istanbul, với sự tham dự bất ngờ của tỷ phú người Nga Roman Abramovich, người bị phương Tây trừng phạt vì cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine.

Video feed của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy hai bên ngồi đối diện nhau tại một chiếc bàn dài trong văn phòng tổng thống, với nhà tài phiệt Nga ngồi ở hàng ghế đầu dành cho người xem, mặc bộ đồ màu xanh lam.

Trong một bài diễn văn về eo biển Bosphorus diễn ra trước cuộc hội đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói với các phái đoàn rằng đã đến lúc cần có kết quả cụ thể và tiến trình đó sẽ mở đường cho một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia.

Ông nói: “Việc ngăn chặn thảm kịch này tùy thuộc vào các bên. Vì lợi ích của tất cả mọi người, cần đạt được một lệnh ngừng bắn và hòa bình càng sớm càng tốt. Chúng tôi nghĩ rằng hiện chúng ta đã bước vào một giai đoạn mà cần có những kết quả cụ thể từ các cuộc đàm phán.”

“Quá trình đàm phán mà các vị đang thực hiện theo lệnh của lãnh đạo của các vị đã làm dấy lên hy vọng về hòa bình.”

Truyền hình Ukraine cho biết cuộc họp bắt đầu với một “sự đón tiếp lạnh lùng” và không có cái bắt tay nào giữa các phái đoàn.

Hôm thứ Hai (28/03), Ukraine cho biết mục tiêu tham vọng nhất của họ tại cuộc gặp này là đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn.


Điện Kremlin bác bỏ tin đồn ông Abramovich bị đầu độc, khẳng định vai trò của ông trong các cuộc đàm phán

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ các bản tin cho rằng tỷ phú người Nga Roman Abramovich có thể đã bị đầu độc như một phần của một “cuộc chiến thông tin”.

Hôm thứ Hai (28/03), hãng thông tấn điều tra Bellingcat tuyên bố rằng ông Abramovich và hai đại biểu Ukraine có các triệu chứng bị đầu độc sau khi tham dự các cuộc hội đàm giữa Nga và Ukraine hôm 03/03.

Ông Peskov cho biết hôm thứ Ba (29/03) rằng ông Abramovich đã “bảo đảm một số mối liên hệ nhất định giữa hai bên Nga và Ukraine” nhưng không phải là một thành viên chính thức của phái đoàn Nga. Ông nói rằng vai trò của ông Abramovich đã được cả hai bên chấp thuận.

Về các bản tin nói rằng ông Abramovich có thể đã bị đầu độc, ông nói: “Đó là một phần của cuộc chiến thông tin. Những bản tin này rõ ràng là không đúng với thực tế.”


Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhấn mạnh sự tập trung vào Donbas

Bộ trưởng Quốc phòng Nga nói rằng “giải phóng” vùng Donbas ở miền đông Ukraine là mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự của Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, người mà vì ít xuất hiện trước công chúng trong tháng này khiến người ta đặt nghi vấn về tình trạng sức khỏe và nơi ở của ông, đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức quân sự hàng đầu hôm thứ Ba (29/03), và nói rằng “nhìn chung, các nhiệm vụ chính của giai đoạn đầu tiên của chiến dịch này đã hoàn tất.”

Ông nói rằng “tiềm lực chiến đấu của các lực lượng vũ trang Ukraine đã giảm đáng kể, điều này cho phép chúng ta tập trung sự chú ý chính và những nỗ lực chính vào việc đạt được mục tiêu chính — giải phóng Donbass.”

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng quân đội Nga sẽ tiếp tục chiến dịch này cho đến khi “đạt được các mục tiêu đã đề ra.”

Ông Shoigu cũng đưa ra lời bảo đảm rằng Nga sẽ không gửi lính nghĩa vụ được tuyển dụng trong đợt trưng binh tháng Tư sắp tới đến Ukraine. Đầu tháng này (03/2022), quân đội Nga thừa nhận rằng một số lính nghĩa vụ đã đến Ukraine và thậm chí bị bắt ở đó.


Ukraine: Các cuộc đàm phán tập trung vào các bảo đảm an ninh

Một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc đàm phán với Nga tại Istanbul đang tập trung vào các bảo đảm an ninh cho Ukraine và hy vọng về một lệnh ngừng bắn.

Ông Mykhailo Podolyak nói với giới truyền thông Ukraine hôm thứ Ba (29/03) rằng có “các cuộc tham vấn chuyên sâu đang diễn ra về một số vấn đề quan trọng, vấn đề mấu chốt trong số đó là một thỏa thuận quốc tế về các bảo đảm an ninh cho Ukraine.” Ông nói rằng “chỉ với thỏa thuận này, chúng ta mới có thể kết thúc chiến tranh theo cách mà Ukraine cần.”

Ông cho biết thêm rằng “khối vấn đề thứ hai là ngừng bắn để chúng ta có thể giải quyết tất cả các vấn đề nhân đạo đang chồng chất và đòi hỏi các giải pháp khẩn cấp.”

Ông Podolyak nói thêm rằng hai bên cũng đang thảo luận về các hành vi vi phạm quy tắc chiến tranh.


Bộ Ngoại giao Nga: Hoa Kỳ và các đồng minh tấn công dữ liệu và cơ sở hạ tầng của Nga

Bộ Ngoại giao Nga cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh có liên quan đến việc tấn công dữ liệu và cơ sở hạ tầng của Nga.

Bộ Ngoại giao nước này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba (29/03) rằng “Hoa Kỳ và các nước chư hầu của họ đang thực hiện một chiến dịch mạng lớn chống lại đất nước chúng ta.” Bộ này cũng cho biết Hoa Kỳ và các thành viên NATO khác đã đào tạo các tin tặc Ukraine và đổ lỗi cho những gì họ nói là nỗ lực của Ukraine để chiêu mộ các tin tặc quốc tế.

Bộ này nói rằng các cuộc tấn công đó bao gồm đánh cắp dữ liệu cá nhân của người Nga, gây áp lực lên nền kinh tế, và phát tán “thông tin giả” về quân đội Nga.

Nga cho biết họ đang tăng cường an ninh mạng của riêng mình và sẽ tìm cách đưa các tin tặc ra công lý.


IMF cho biết ‘không có vấn đề gì’ với Moscow, không có kế hoạch loại bỏ Nga khỏi quỹ

Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva trình bày trong cuộc thảo luận của ban hội thảo tại hội nghị thượng đỉnh ở Glasgow, Scotland, hôm 03/11/2021. (Ảnh: Daniel Leal/AFP qua Getty Images)

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết tổ chức cho vay toàn cầu này “không có vấn đề gì với Nga” và hội đồng quản trị của họ chỉ có thể đình chỉ quốc gia này nếu các thành viên của quỹ nói rằng họ không còn công nhận chính phủ Nga.

“Đó là một việc rất khó khăn,” Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết hôm thứ Ba (29/03) trước câu hỏi về những hậu quả đối với Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Bà cho biết thêm rằng “tất cả chúng ta đều biết để cuộc chiến này kết thúc thì cần phải có đối thoại.” Bà Georgieva đã nói như vậy tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới ở Dubai.

IMF đã thông qua khoản tài trợ khẩn cấp 1.4 tỷ USD cho Ukraine hôm 10/03. Khoản tiền này bổ sung thêm vào khoản giải ngân 700 triệu USD dành cho quốc gia này trước cuộc chiến, do Nga phát động vào ngày 24/02.

IMF cho biết họ dự kiến ​​“một đợt suy thoái tồi tệ ở Nga” và tác động lan tỏa sang các nước láng giềng. IMF cho biết văn phòng Moscow của họ đang không hoạt động tích cực.


Lithuania có thể sẽ cấm sử dụng ký hiệu ‘Z’ của quân đội Nga

Các nhà lập pháp ở Lithuania đang tranh luận về một lệnh cấm sử dụng ký hiệu ‘Z’ để thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Quân đội Nga tại Ukraine đã sơn chữ Z lên sườn các phương tiện quân sự và nó đã được một số người ở Nga sử dụng như một biểu tượng ủng hộ những gì Điện Kremlin mô tả là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Lithuania, quốc gia đã cấm các biểu tượng của Liên Xô và Đức Quốc Xã, cũng muốn cấm thêm dải ruy băng màu đen và cam vốn là một giải thưởng quân sự nay được sử dụng để tưởng nhớ chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc Xã.

Nghị viện Lithuania dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu trong tuần này. Nếu lệnh cấm được thông qua, những người vi phạm có thể sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 500 euro (550 USD).


Phần Lan tuyên bố Nga có khả năng thực hiện tấn công mạng nhắm vào nước này

Cơ quan tình báo chính của Phần Lan tuyên bố rằng Nga có khả năng thực hiện các chiến dịch thông tin và mạng chống lại quốc gia Bắc u này trong những tháng tới khi chính phủ và các nhà lập pháp tranh luận về khả năng trở thành thành viên NATO.

Cơ quan Tình báo và An ninh Phần Lan cho biết trong báo cáo thường niên được công bố hôm thứ Ba (29/03) rằng họ coi “các hoạt động tình báo bất hợp pháp của Nga” là một trong những mối đe dọa chính đối với an ninh quốc gia của Phần Lan hiện nay.

Giám đốc Antti Pelttari nói rằng “toàn thể xã hội Phần Lan cần được chuẩn bị các biện pháp khác nhau cho việc Nga tìm cách tác động đến việc hoạch định chính sách ở Phần Lan về vấn đề NATO.”


Thổ Nhĩ Kỳ ‘trong tình trạng báo động’ đối với mìn hải quân trôi nổi trên Biển Đen

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đang “trong tình trạng báo động” đối với mìn hải quân sau khi các nhà chức trách phát hiện và vô hiệu hóa hai thiết bị nổ trôi nổi trên Biển Đen.

Ông Hulusi Akar nói với các ký giả vào cuối ngày thứ Hai (29/03) rằng các nhà chức trách vẫn đang cố gắng xác định xem liệu các quả mìn có trôi khỏi vùng biển Ukraine hay không. Ông không có thông tin về số lượng thiết bị chống hạm có thể trôi nổi trên biển.

Ông Akar cho biết trong các bình luận do bộ của ông công bố hôm thứ Ba (29/03): “Liệu các quả mìn được đặt ở Ukraine đã trôi dạt đến chưa, hay liệu các quả khác đã được kích hoạt hay chưa — sẽ là không đúng để nói bất cứ điều gì khi không chắc chắn về điều đó.”

“Các tàu quét mìn và phi cơ tuần tra hàng hải của chúng tôi đang trong tình trạng báo động,” ông nói. “Các quả mìn được phát hiện sẽ lập tức bị phá hủy một cách an toàn.”

Ông Akar nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang hợp tác với Romania và Bulgaria để dò mìn.

Các nhóm quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã vô hiệu hóa hai quả mìn hải quân trong bốn ngày qua, trong đó có một quả đã khiến eo biển Bosporus bị đóng cửa tạm thời hôm thứ Bảy (26/03). Việc phát hiện mìn diễn ra sau những cảnh báo nói rằng các quả mìn đặt tại lối vào các cảng của Ukraine có thể bị trôi dạt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và đi vào Biển Đen.


Tổng giám đốc IAEA đến Ukraine để thảo luận về hỗ trợ an toàn

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết tổng giám đốc của họ đã đến Ukraine để thảo luận với các quan chức chính phủ cao cấp về việc cung cấp “hỗ trợ kỹ thuật khẩn cấp” nhằm bảo đảm an toàn cho các cơ sở hạt nhân của nước này.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết hôm thứ Ba (29/03) rằng mục đích của ông Rafael Mariano Grossi là “khởi động việc hỗ trợ an ninh và an toàn nhanh chóng” cho các cơ sở hạt nhân của Ukraine. Mục đích đó sẽ bao gồm việc cử các chuyên gia của IAEA đến “các cơ sở được ưu tiên” và gửi “các vật tư thiết yếu về an toàn và an ninh” bao gồm thiết bị giám sát và thiết bị khẩn cấp.

Ông Grossi được cho là sẽ đến một trong những nhà máy điện hạt nhân của Ukraine trong tuần này (28/03-03/04), nhưng không cho biết cụ thể nhà máy nào. Ukraine có 15 lò phản ứng hạt nhân tại bốn nhà máy điện đang hoạt động, và cũng là quê hương của nhà máy Chernobyl đã ngừng hoạt động, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986. Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát Chernobyl và nhà máy điện lớn nhất đang hoạt động tại Zaporizhzhia.

Ông Grossi cho biết trong một tuyên bố rằng “cuộc xung đột quân sự đang đặt các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine và các cơ sở khác có chất phóng xạ vào tình trạng nguy hiểm chưa từng có.”

Ông nói thêm rằng “đã có một số tình huống suýt chút nữa thì nguy hiểm. Chúng ta không thể để mất thêm thời gian nữa.”


Ukraine: Các quốc gia nên cấm sử dụng ký hiệu ‘Z’ của quân đội Nga

Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi các quốc gia cấm sử dụng ký tự “Z” làm một biểu tượng cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Quân đội Nga tại Ukraine đã sơn chữ Z lên sườn các phương tiện quân sự và ký tự này đã được một số người ở Nga sử dụng như một biểu tượng ủng hộ những gì Điện Kremlin mô tả là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia láng giềng của họ.


Đức làm việc hướng tới một lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga

Ngoại trưởng Đức cho biết đất nước của bà đang nỗ lực hướng tới lệnh cấm vận ‘trên thực tế’ đối với dầu mỏ của Nga vì cuộc chiến ở Ukraine.

Đức từ lâu đã phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga và Thủ tướng Olaf Scholz đã cảnh báo rằng việc đột ngột ngừng nhập cảng có thể gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho đất nước ông.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết hôm thứ Ba (29/03) rằng Đức vẫn đang hướng tới một “lối thoát hoàn toàn cho quốc gia khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.”

Bà trích dẫn những nỗ lực gần đây nhằm đa dạng hóa nhập cảng của Đức để chấm dứt việc sử dụng dầu và than của Nga trong năm nay, và khí đốt tự nhiên của Nga vào giữa năm 2024.

“Quý vị có thể (…) gọi đó là một lệnh cấm vận quốc gia, từng bước từng bước một, trên thực tế, đặc biệt là đối với dầu,” bà Baerbock nói tại hội nghị Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin.


Ukraine cho biết họ đang vận hành ba tuyến đường di tản

Chính phủ Ukraine cho biết họ đang vận hành ba hành lang nhân đạo hôm thứ Ba (29/03) để di chuyển thường dân ra khỏi cảng Mariupol bị bao vây và hai thành phố do Nga chiếm đóng ở phía nam.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk nói rằng ngoài Mariupol, các cuộc di tản sẽ tiến hành từ Enerhodar và Melitopol.

Các tuyến đường đều tập trung tại thành phố Zaporizhzhia ở miền nam do Ukraine kiểm soát.


Quan chức Ukraine: Vụ nổ tấn công tòa nhà hành chính ở thành phố cảng Mykolaiv

Một quan chức Ukraine cho biết một vụ nổ đã tấn công tòa nhà hành chính cao chín tầng ở thành phố cảng chiến lược Mykolaiv vào sáng thứ Ba (29/03) khi cuộc đàm phán giữa các phái đoàn Ukraine và Nga tại Istanbul bắt đầu.

Kênh Telegram của thống đốc khu vực Vitaliy Kim cho thấy một lỗ hổng lớn ở trung tâm tòa nhà này. Ông Kim cho biết hầu hết mọi người đã thoát khỏi tòa nhà và lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm một số người mất tích.


Bloomberg News cho biết đã đình chỉ hoạt động tại Nga và Belarus

Bloomberg News cho biết họ đã đình chỉ hoạt động tại Nga và Belarus, vì sự lên án của quốc tế và các lệnh trừng phạt đối với Nga do nước này xâm lược Ukraine.

Hãng tin tài chính này cho biết các khách hàng ở cả Nga và Belarus sẽ không thể truy cập bất kỳ sản phẩm tài chính nào của Bloomberg bao gồm thiết bị đầu cuối, giấy phép dữ liệu, nguồn cấp dữ liệu, và các nền tảng giao dịch điện tử.

Hãng cho biết các chức năng giao dịch đối với chứng khoán của Nga đã bị vô hiệu hóa do các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trước đó, Bloomberg đã đình chỉ công việc của các ký giả tại Nga và loại bỏ chứng khoán Nga khỏi chỉ số chứng khoán toàn cầu của mình. Công ty cho biết trong một tuyên bố rằng trái phiếu Nga sẽ bị loại bỏ khi tái cơ cấu danh mục đầu tư vào cuối tháng.

Họ cho biết quỹ từ thiện Bloomberg Philanthropies đã cam kết đóng góp 40 triệu USD cho Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) và Bếp ăn Trung tâm Thế giới (WCK) để giúp đỡ những người Ukraine và người tị nạn trong khu vực và ở những nơi khác.


Tình báo Anh cho biết Tập đoàn Wagner của Nga đã khai triển tới miền đông Ukraine

Tình báo quân sự Anh cho biết hôm thứ Hai (29/03) rằng công ty quân sự tư nhân của Nga, Tập đoàn Wagner, đã được khai triển tới miền đông Ukraine.

“Họ dự kiến ​​sẽ khai triển hơn 1,000 lính đánh thuê, bao gồm các lãnh đạo cao cấp của tổ chức này, để thực hiện các hoạt động chiến đấu,” Bộ Quốc phòng Anh cho biết.


Nga sẽ xem xét video về cáo buộc ngược đãi tù nhân, Kyiv chất vấn tính xác thực

Hôm thứ Hai (29/03), Điện Kremlin cho biết các nhà điều tra Nga sẽ xem xét một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội dường như cho thấy quân đội Ukraine đang ngược đãi những người lính Nga bị bắt.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đoạn video chứa “những hình ảnh khủng khiếp” và cần được đánh giá về mặt pháp lý, đồng thời những kẻ tham gia vào hành động mà ông mô tả là tra tấn cần phải chịu trách nhiệm.

Reuters đã không thể kiểm chứng tính xác thực của đoạn video mà Điện Kremlin trích dẫn.

Được hỏi về đoạn video trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Sky News, Tổng công tố Ukraine Iryna Venediktova cho biết không thể tin những gì thể hiện trên bề mặt của đoạn video này.

“Chúng ta cần bằng chứng,” bà nói hôm thứ Hai (28/03). “Nếu quân đội từ phía Ukraine có tội, chúng tôi sẽ điều tra và đưa họ ra tòa.”

Trước đó, các quan chức cao cấp của Ukraine đã tuyên bố rằng đoạn video này là giả.

“Hiện tại, không ai có thể xác nhận hay phủ nhận tính xác thực của đoạn video này. Không ai biết đoạn video này diễn ra ở đâu, hoặc những ai đã có mặt trong đó,” phát ngôn viên quân đội Oleksander Motuzyanyk nói.

Ông đã chỉ cho Reuters tham khảo những nhận xét của ông Valery Zaluzhny, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, trước khi ông Peskov công bố cuộc điều tra của Nga về đoạn video.

Ông Zaluzhny đã nói: “Kẻ địch sản xuất và chia sẻ các video, với cách đối xử vô nhân đạo đối với ‘tù nhân Nga’ được cho là thực hiện bởi ‘binh lính Ukraine’ nhằm làm mất uy tín của Lực lượng Phòng vệ Ukraine.”

Ông Zaluzhny cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine tôn trọng các quy tắc quốc tế, đồng thời cáo buộc Nga sản xuất các video như vậy để làm mất uy tín của quân đội Ukraine. Ông không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ cho cáo buộc của mình.

Ông Sergii Nykyforov, Tham vụ Báo chí của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết đoạn video phải được đánh giá “trong bối cảnh cả chiến tranh thông tin và chiến tranh ngoài đời thực.” Ông không giải thích thêm.


Vòng đàm phán mới nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine

Một vòng đàm phán khác nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Ba (29/08) khi tình trạng giao tranh dường như ngày càng lâm vào bế tắc, với việc hai bên đổi quyền kiểm soát một thị trấn ở phía đông và một vùng ngoại ô của thủ đô.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các lực lượng Ukraine đã chiếm lại Irpin, phía tây bắc Kyiv, từ quân đội Nga, lực lượng vốn đang tái tập hợp để chiếm lại khu vực này, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết vào cuối ngày thứ Hai (28/03) khi ông tìm cách kêu gọi đất nước.

“Chúng ta vẫn phải chiến đấu, chúng ta phải chịu đựng,” ông Zelensky nói trong bài diễn văn hàng đêm trước quốc dân. “Chúng ta không thể diễn tả cảm xúc của mình lúc này. Chúng ta không thể nâng cao kỳ vọng, chỉ đơn giản là để chúng ta không bị kiệt sức.”

Trước cuộc hội đàm sẽ được tổ chức tại Istanbul, Tổng thống Ukraine cho biết đất nước ông đã sẵn sàng tuyên bố trung lập như Moscow yêu cầu và sẵn sàng thỏa hiệp về số phận của Donbas, khu vực đang tranh chấp ở phía đông của đất nước.


Tổng thống Zelensky: Quân đội Nga vẫn tấn công Kyiv

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vào cuối ngày thứ Hai (28/03) rằng các lực lượng Nga vẫn đang tấn công Kyiv, mặc dù đã bị đánh đuổi khỏi Irpin, một vùng ngoại ô phía tây bắc thủ đô đã chứng kiến ​​giao tranh ác liệt.

Ông cho biết người Nga vẫn nắm quyền kiểm soát các vùng ngoại ô phía bắc và đang cố gắng tập hợp lại sau khi mất Irpin hôm thứ Hai (28/03). Ông kêu gọi người dân Ukraine không từ bỏ cuộc chiến.

Ông cho biết tình hình vẫn căng thẳng ở phía đông bắc, xung quanh Chernihiv, Sumy, Kharkhiv, và cả khu vực phía đông Donbas và ở phía nam xung quanh Mariupol, nơi vẫn bị quân đội Nga phong tỏa.

Tổng thống cho biết không có hành lang nhân đạo nào có thể được mở hôm thứ Hai (28/03) để rời khỏi thành phố bị bao vây này.

Hôm thứ Hai (28/03), ông Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của Azerbaijan, Anh, Canada và Đức, kêu gọi họ tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.


Quan chức Ukraine: Hỏa tiễn bắn trúng kho dầu ở miền tây Ukraine 

Một quân nhân của lực lượng vũ trang Ukraine tham gia các cuộc diễn tập quân sự chiến thuật tại một bãi tập ở vùng Rivne, Ukraine, hôm 16/02/2022. (Ảnh: Cơ quan Báo chí của Tổng thống Ukraine/Phát qua Reuters)

Thống đốc khu vực Rivne cho biết, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã nhắm trúng một kho dầu ở miền tây Ukraine vào cuối hôm thứ Hai (28/03), đánh dấu cuộc tấn công thứ hai nhằm vào các cơ sở dầu trong khu vực này và là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công như vậy trong những ngày gần đây.

Miền tây Ukraine chưa chứng kiến ​​các cuộc giao tranh trên bộ, nhưng hỏa tiễn đã tấn công các kho dầu và một nhà máy quân sự ở Lviv, một thành phố lớn gần Ba Lan, nơi hàng trăm ngàn người Ukraine đã chạy khỏi các cuộc giao tranh ở những nơi khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với các ký giả Nga được công bố hôm Chủ Nhật, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gợi ý rằng các cuộc tấn công vào các kho dầu là nhằm mục đích làm gián đoạn mùa gieo trồng ở Ukraine, một quốc gia sản xuất ngũ cốc lớn.


Tổng thống Biden cho biết ‘sẽ không rút lại’ bình luận về ông Putin

Hôm 28/03, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông “sẽ không rút lại” các bình luận hôm 26/03 của mình khi ông nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “không nên tiếp tục nắm quyền.”

Tổng thống Biden đã đưa ra nhận xét ban đầu về nhà lãnh đạo Nga khi kết thúc bài diễn văn ở Warsaw, Ba Lan, khi ông nói: “Chúa ơi, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền.” Trước đó cùng ngày, ông Biden đã gọi ông Putin là “đồ tể”.

Trong khi trả lời các câu hỏi từ các phóng viên hôm 28/03, Tổng thống Biden nói rằng ông “sẽ không rút lại bất cứ điều gì”, nói thêm rằng ông đang nói về sự phẫn nộ của mình trước các hành động của ông Putin ở Ukraine chứ không nói về một sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ.

Tổng thống Biden nói, “Điều cuối cùng tôi muốn làm là tham gia vào một cuộc chiến tranh trên bộ hoặc chiến tranh hạt nhân với Nga. Đó không phải là một phần của bình luận đó. Tôi đang bày tỏ sự phẫn nộ của mình về hành vi của người đàn ông này.”

“Thật là thái quá. Điều đó thật là thái quá, và bình luận đó, đó là một mong ước hơn là bất cứ điều gì khác rằng ông ấy không nên nắm quyền. Ý tôi là không, những người như thế này không nên thống trị quốc gia, nhưng họ đang làm vậy. Thực tế là họ đang thống trị, nhưng không có nghĩa là tôi không thể bày tỏ sự phẫn nộ của mình về điều đó.”

Sau đó, khi được hỏi liệu ông có lo ngại những bình luận của mình sẽ làm leo thang căng thẳng với Nga hay không, Tổng thống Biden nói rằng Tổng thống Putin “sẽ làm những gì ông ấy sẽ làm thôi.”

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Nga gán nhãn đài truyền hình quốc gia Đức là ‘đại diện ngoại quốc’

Đài truyền hình do chính phủ tài trợ của Đức Deutsche Welle (DW) hiện được coi là “đại diện ngoại quốc” theo luật của Nga sau khi Bộ Tư pháp nước này ở Moscow đưa họ vào danh sách đăng ký vào hôm thứ Hai (28/03).

Việc gán nhãn cho Deutsche Welle như một đại diện ngoại quốc sẽ buộc hãng thông tấn Đức này phải đưa ra tuyên bố từ chối trách nhiệm tương ứng đối với tất cả các nội dung của họ. Quyết định này cũng yêu cầu đài truyền hình công bố đầy đủ thông tin liên quan đến nguồn tài trợ của mình — và các nhà chức trách Nga hiện sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động của DW tại quốc gia này.


EU xác nhận ngày độc lập năng lượng khỏi Nga

Hôm thứ Hai (28/03), hãng thông tấn TASS đưa tin rằng Ủy ban Âu Châu đã xác nhận họ dự đoán EU sẽ tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng nhập cảng từ Nga trong ít nhất năm năm nữa.

Phát ngôn viên của Ủy ban Âu Châu về Hành động Khí hậu và Năng lượng Tim McPhie cho biết khối sẽ “phụ thuộc vào nhiên liệu carbon từ Nga cho đến năm 2027.” Ông McPhie cho biết EU đã ước tính có thể giảm ⅔ sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm nay và kế hoạch chi tiết về cách thức đạt được điều này sẽ được trình bày vào cuối tháng Năm.


Moscow chuẩn bị áp đặt các hạn chế thị thực đối với hầu hết các quốc gia ‘không thân thiện’

Hôm thứ Hai (28/03), Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết các biện pháp thị thực trả đũa đang được tiến hành ở Nga khi một quan chức hàng đầu khác của Điện Kremlin cho biết những bình luận gần đây của Tổng thống Joe Biden là một “tác nhân gây lo ngại.”

Trong các bình luận công khai, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng các biện pháp thị thực mới sẽ hạn chế việc nhập cảnh đối với công dân từ các quốc gia “không thân thiện”. Ông không cung cấp thông tin chi tiết về các quốc gia sẽ bị nhắm đến, nhưng ông đã nêu ra Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này.

“Ngoài ra, một dự thảo sắc lệnh của tổng thống hiện đang được soạn ra về các biện pháp thị thực trả đũa liên quan đến các hành động không thân thiện của một số quốc gia ngoại quốc,” ông nói trong một cuộc họp ở Moscow, theo truyền thông nhà nước. “Đạo luật này sẽ đưa ra một số hạn chế đối với việc nhập cảnh vào lãnh thổ Nga.”


Thủ tướng Đức Olaf Scholz: Nga sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất vì tấn công vào Ukraine 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Moscow đã phá vỡ mọi quy tắc trật tự quốc tế bằng cách sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới và vì thế Nga sẽ là nước phải gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất.

Ông Scholz nói trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson rằng sự cần thiết phải bảo đảm an ninh ở Âu Châu là một trong những nhận thức cốt lõi về thời kỳ hậu chiến mà tất cả các nước kể cả Nga đều đồng ý sau năm 1990.

“Chỉ có thể có một câu trả lời cho điều đó. Đầu tiên, chúng tôi kêu gọi Nga chấm dứt chiến tranh. Thứ hai, chúng tôi tự khiến mình trở nên mạnh mẽ đến mức không thể xảy ra một cuộc tấn công vào các quốc gia EU hoặc NATO, bởi vì chúng tôi đủ mạnh để đáp trả điều đó,” ông Scholz nói.


G-7 từ chối thanh toán cho năng lượng cho Nga bằng đồng rúp

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck trình bày trong một phiên họp bất thường, sau khi Nga phát động một chiến dịch quân sự lớn chống lại Ukraine, tại Hạ viện của Bundestag ở Berlin, Đức, hôm 27/02/2022. (Ảnh: Michele Tantussi/Reuters)

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức cho biết Nhóm Bảy (G-7) nền kinh tế lớn đã đồng thuận từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán cho năng lượng nhập cảng từ Nga bằng đồng rúp.

Ông Robert Habeck nói với các phóng viên hôm thứ Hai (28/03) rằng “tất cả các bộ trưởng G-7 hoàn toàn đồng ý rằng đây [sẽ là] sự vi phạm rõ ràng và đơn phương đối với các hợp đồng hiện hữu.”

Ông Habeck cho biết sau một cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng năng lượng G-7 rằng “thanh toán bằng đồng rúp là không thể chấp nhận được và chúng tôi sẽ thúc giục các công ty bị ảnh hưởng không tuân theo yêu cầu của [Tổng thống Nga Vladimir] Putin.”

Khi được các phóng viên hỏi hôm thứ Hai rằng liệu Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các khách hàng Âu Châu nếu họ từ chối yêu cầu thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp hay không, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng “rõ ràng là chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt miễn phí.”


Gần 4 triệu người chạy khỏi Ukraine, nhưng tốc độ đang chậm lại

Số người tị nạn tràn ra khỏi Ukraine đã gần đạt mốc 4 triệu người, nhưng dữ liệu cho thấy có ít người vượt biên hơn trong những ngày gần đây.

Lực lượng biên phòng, các cơ quan cứu trợ và những người tị nạn cho biết cuộc chiến không thể đoán trước của Nga vào Ukraine đưa ra rất ít dấu hiệu cho thấy liệu đây chỉ là sự tạm dừng hay giảm vĩnh viễn.

Trong hai tuần đầu sau cuộc xâm lược của Nga hôm 24/02, khoảng 2.5 triệu người trong dân số 44 triệu người của Ukraine (dân số trước chiến tranh) đã rời khỏi đất nước. Trong hai tuần tiếp theo, số người tị nạn đã gần bằng một nửa con số đó.

Tính đến Chủ Nhật, tổng số người di cư hiện là 3.87 triệu người, theo kết quả kiểm đếm mới nhất được công bố hôm thứ Hai (28/03) từ UNHCR, cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc. Trong 24 giờ trước, chỉ có 45,000 người vượt qua biên giới Ukraine để tìm kiếm sự an toàn, con số ít nhất trong vòng một ngày.

Bà Anna Michalska, phát ngôn viên của lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết: “Những người quyết định rời đi khi chiến tranh nổ ra đã chạy nạn trong những ngày đầu của cuộc chiến.”


Thụy Điển sẽ tiếp nhận ít người Ukraine hơn so với số lượng trong năm 2015

Thủ tướng Thụy Điển cho biết đất nước của bà sẽ giúp đỡ những người tị nạn chạy khỏi cuộc chiến ở Ukraine nhưng sẽ không nhận nhiều như họ đã làm trong năm 2015.

Bà Magdalena Andersson nói với các phóng viên ở Berlin hôm thứ Hai (28/03) rằng “chúng tôi sẽ làm phần việc của mình trong việc giúp đỡ những người tị nạn Ukraine, nhưng chúng tôi không thể quay lại tình trạng như năm 2015 khi Thụy Điển nhận một phần không cân xứng những người xin tị nạn.”

Bà Andersson, một thành viên của Đảng Dân Chủ Xã Hội, cho biết Thụy Điển đã tiếp nhận khoảng 12% tổng số người tị nạn đến Liên minh Âu Châu trong năm 2015, mặc dù dân số nước này chỉ chiếm 2% dân số của khối.

“Chúng tôi không thể quay lại với loại giải pháp đó, nhưng tất nhiên chúng tôi sẽ làm phần việc của mình và tất nhiên, ngay bây giờ chúng tôi cũng chào đón những người Ukraine sẽ đến Thụy Điển hôm nay, hôm qua và trong những tuần cuối cùng,” bà nói sau một cuộc họp ​​với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.


Tội phạm thù hận người Nga ở Đức tăng mạnh

Những người nói tiếng Nga ở Đức đang bị tấn công hàng ngày vì tội phạm liên quan đến sự thù hận đối với người gốc Nga và gốc Ukraine đã tăng mạnh ở nước này, lên tới con số đáng kinh ngạc là 200 vụ mỗi tuần, theo người đứng đầu cảnh sát Đức.


Tổng thống Zelensky đề ra cầu chính cho cuộc gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Putin

(Bên trái) Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 20/03/2022. (Ảnh: Văn phòng báo chí của Tổng thống Ukraine/AP). (Bên phải) Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/02/2022. (Ảnh: Sergei Guneyev/Sputnik/AF/Getty Images)

Hôm thứ Hai (28/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin cần gặp mặt trực tiếp với ông để đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.

Trong các phát ngôn được các hãng thông tấn Nga đăng tải, ông Zelensky dường như gợi ý rằng ông Putin cần đến gặp ông ở một địa điểm bên ngoài nước Nga.

“Chúng tôi phải đạt được một thỏa thuận với tổng thống Liên bang Nga, và để đạt được một thỏa thuận, ông ấy cần phải ra khỏi nơi đó bằng chính đôi chân của mình … và đến gặp tôi,” ông nói, theo một bản dịch của The Associated Press về những bình luận của ông.

Mặc dù các nhà đàm phán Ukraine và Nga đã tổ chức nhiều vòng đàm phán, nhưng thu được rất ít kết quả.

Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.


Thị trưởng tuyên bố: Quân đội Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát thị trấn then chốt bên ngoài Kyiv

Quân đội Ukraine đã giành lại một thị trấn ở ngoại ô thủ đô Ukraine, thị trưởng thành phố cho biết. 

“Hôm nay chúng tôi có tin tốt — Irpin đã được giải phóng” thị trưởng Irpin Oleksandr Markushyn cho biết trong một bài đăng video trên Telegram. “Chúng tôi hiểu rằng sẽ có nhiều cuộc tấn công hơn vào thị trấn của chúng tôi và chúng tôi sẽ dũng mãnh bảo vệ nó.”

Irpin là một thị trấn dành cho người đi làm xa gần Kyiv nằm trên Sông Irpin ở tỉnh Kyiv, ngay bên cạnh thủ đô của đất nước.

The Epoch Times không thể xác minh tính chính xác của tuyên bố trên.

Quân đội Nga đã cố gắng chiếm Kyiv trong gần một tháng. Nhưng các vấn đề về hậu cần và duy trì cũng như sự kháng cự từ các lực lượng Ukraine đã làm chậm quá trình này, và các binh sĩ Nga đã không thể chiếm được Kyiv khi cuộc chiến bước sang ngày thứ 35.

Irpin đã trở thành một chiến trường quan trọng trong cuộc chiến giành Kyiv.


Điện Kremlin: Tuyên bố của Tổng thống Biden ‘chắc chắn đáng báo động’

Điện Kremlin đã bày tỏ lo ngại về bình luận của Tổng thống Joe Biden về Tổng thống Nga Vladimir Putin và cho biết sẽ thận trọng theo dõi ngôn từ của ông.

Kết thúc chuyến đi bốn ngày tới Âu Châu hôm thứ Bảy (26/03), Tổng thống Biden đã nói về ông Putin như sau, “Chúa ơi, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền,” những lời mà Tòa Bạch Ốc ngay lập tức tìm cách nói giảm.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Hai (28/03) rằng tuyên bố của ông Biden “chắc chắn đáng báo động.” Ông nói thêm rằng Điện Kremlin sẽ thận trọng theo dõi các tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ.

Trước đây, ông Peskov đã nói rằng “việc quyết định ai sẽ tiếp tục nắm quyền ở Nga không phụ thuộc vào tổng thống Mỹ và không phụ thuộc vào người Mỹ.”


Bộ Quốc phòng: Ukraine không thấy dấu hiệu nào cho thấy quân đội Nga rút khỏi Kyiv 

Hôm thứ Hai (28/03), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksander Motuzyanyk cho biết Ukraine không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga từ bỏ kế hoạch bao vây thủ đô Kyiv của Ukraine.

“Theo thông tin của chúng tôi, Liên bang Nga đã không từ bỏ các nỗ lực của mình, nếu không phải là đánh chiếm, thì cũng là bao vây Kyiv. Hiện tại, chúng tôi không thấy sự di chuyển của các lực lượng của đối phương ra khỏi Kyiv,” ông nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình.


Đức có thể khởi tố việc sử dụng ký hiệu ‘Z’ ủng hộ Nga

Các nhà chức trách Đức đang xem xét việc truy tố những người sử dụng ký hiệu “Z” để thể hiện sự ủng hộ đối với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Quân đội Nga tại Ukraine đã sơn chữ Z trên sườn các phương tiện quân sự và ký tự này đã được một số người ở Nga sử dụng như một biểu tượng ủng hộ những gì Điện Kremlin mô tả là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia láng giềng.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức cho biết hôm thứ Hai (28/03) rằng các cơ quan an ninh biết rằng biểu tượng này cũng đang được sử dụng tại các cuộc biểu tình ở Đức.

Phát ngôn viên Marek Wede nói với các phóng viên ở Berlin rằng trong một số trường hợp nhất định, chữ cái này có thể được coi là một dấu hiệu ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine.

Ông Wede nói: “Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là một tội ác và bất cứ ai công khai ủng hộ cuộc chiến này đều có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Ông nói thêm rằng các nhà chức trách liên bang hoan nghênh các thông báo của một số tiểu bang của Đức để điều tra xem các trường hợp riêng lẻ của chữ “Z” có cấu thành hành vi phạm tội hay không.


Ukraine điều tra video cho thấy binh lính tra tấn lính Nga

Hôm Chủ Nhật (27/03), một quan chức Ukraine đã hứa sẽ tiến hành “điều tra ngay lập tức” sau khi các video đăng trên mạng xã hội được cho là cho thấy quân đội Ukraine bắn vào chân và đầu gối của các binh sĩ Nga bị bắt giữ, làm dấy lên cáo buộc rằng tội ác chiến tranh đang được thực hiện.

“Chính phủ đang rất coi trọng việc này và sẽ có một cuộc điều tra ngay lập tức,” cố vấn cao cấp của Tổng thống Ukraine Oleksiy Arestovych cho biết. “Chúng tôi là một đội quân Âu Châu, và chúng tôi không chế nhạo các tù nhân của mình. Nếu điều này hóa ra là thật thì đây là hành vi tuyệt đối không thể chấp nhận được.”

Trong một bài diễn văn trên truyền hình, ông Arestovych cũng nói rằng “tra tấn một người bị giam cầm là một tội ác chiến tranh,” đề cập đến đoạn video nói trên. “Tôi muốn nhắc nhở tất cả các lực lượng quân sự, dân sự, và quốc phòng của chúng ta một lần nữa rằng lạm dụng tù nhân là một tội ác chiến tranh không được ân xá theo luật quân sự và không có pháp quy về thời hạn truy tố,” ông nói thêm trong một tuyên bố trên Telegram.

Ủy ban điều tra của Nga cho biết thông qua các phương tiện truyền thông nhà nước rằng Moscow đã mở một cuộc điều tra về vấn đề này.


Đức: Người tị nạn Ukraine nên được phân bổ trên khắp EU 

Hôm thứ Hai (28/03), Đức kêu gọi phân bổ đều hơn những người tị nạn Ukraine trong Liên minh Âu Châu sau khi hàng triệu người chạy sang khối 27 quốc gia này kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hôm 24/02.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói với các phóng viên: “Chúng ta cần tích cực phân bổ người tị nạn trong EU hơn nữa và thể hiện tình đoàn kết bằng cách tiếp nhận người tị nạn.”

Bà Faeser nói thêm Berlin không có mục tiêu đề ra hạn ngạch cố định mà là một chỉ số liên quan đến số lượng người tị nạn đã được tiếp nhận so với quy mô dân số của mỗi quốc gia.


Tags: ,

Click to listen highlighted text!