Chiến tranh Ukraina thách thức quy chế trung lập của Phần Lan
March 22, 2022
Bộ trưởng Quốc Phòng Phần Lan Antti Kaikkonen tại cuộc họp của các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles ngày 21/03/2022. AP – Olivier Matthys.–
Từ khi khủng hoảng Ukraina lên cao độ, nhiều chuyên gia đã gợi ý mô hình trung lập của Phần Lan cho Kiev. Nhưng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina đã làm đảo lộn chính sách đối ngoại mang tính trung lập của Phần Lan. Chưa bao giờ kịch bản Phần Lan gia nhập NATO lại trở thành vấn đề được bàn luận như bây giờ. Giữ quy chế trung lập đang là một thách thức lớn đối với quốc gia Bắc Âu nhỏ bé giữa lúc các đe dọa của Nga đang ngày càng trở nên rõ rệt.
Giới quan sát ghi nhận có sự biến chuyển sâu rộng trong công luận Phần Lan. Theo kết quả một thăm dò dư luận được công bố tuần trước, nay có đến 62% người dân ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO. Trước cuộc chiến tranh Ukraina, một cuộc điều tra khác cho thấy 53% người dân Phần Lan muốn quốc gia này nằm trong liên minh quân sự của phương Tây. Trong bối cảnh lo ngại an ninh hiện nay, trong chính giới, tranh luận về quy chế trung lập của Phần Lan ngày càng sôi động hơn. Ngay khi tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược Ukraina, thủ tướng Phần Lan, bà Sanna Marin, đã thông báo gửi vũ khí cho Ukraina. Đây là một quyết định chưa từng thấy ở đất nước vẫn tôn trọng đường lối không liên minh quân sự, tuy vẫn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France 24, bà Chiara Ruffa, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, lưu ý, « có những cảnh cáo thường xuyên của Nga đối với Thụy Điển và Phần Lan. Tuy không một ai thực sự tin vào giả thuyết một cuộc tấn công sắp xảy ra, nhưng rõ ràng là từ giờ cần phải chuẩn bị cho khả năng này ».
Trên thực tế, sự kiện sáp nhập Crimée vào năm 2014 và việc Nga thường xuyên phô trương sức mạnh trong vùng biển Baltic đã khiến cho Phần Lan càng thêm dè chừng Matxcơva. Nước này đã đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội và liên tiếp có những sáng kiến theo chiều hướng xích lại gần với NATO, tuy vẫn không đặt vấn đề gia nhập liên minh.
Nỗi lo sợ bị Nga tấn công của Phần Lan có những dấu tích của quá khứ lịch sử không phải là xa. Có biên giới dài hơn 1300 km với nước Nga, Phần Lan được độc lập năm 1917 sau hơn một thế kỷ nằm dưới ách thống trị của đế chế Nga. Đất nước Bắc Âu sau đó đã bị Hồng quân Liên Xô xâm lược bằng một « cuộc chiến tranh mùa đông » 1939-1940. Những mất mát của cuộc chiến này vẫn còn trong ký ức của người Phần Lan. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Phần Lan luôn theo đường lối chính trị thận trọng để tránh đối đầu với Matxcơva. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, năm 1948, Helsinki đã ký một « hiệp ước hữu nghị và hợp tác» với Liên Xô.
Theo phân tích của chuyên gia về Phần Lan, Maurice Carrez, thuộc trường Khoa học Chính trị Strasbourg, Pháp, được France 24 trích dẫn, « thực tế, Phần Lan luôn cố gắng chứng tỏ là một nước trung lập. Hiển nhiên tính trung lập buộc phải gắn với hình ảnh của một quốc gia rất mạnh ở biên giới ».
Sau khi Liên Xô sụp đổ, như một tất yếu, Phần Lan ngả sang phương Tây và đến năm 1995 gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, nhưng vẫn lựa chọn đứng ngoài NATO.
Cuộc chiến tranh Ukraina hiện nay đã làm thay đổi hoàn toàn trật tự an ninh châu Âu và cách tính toán của các nước vẫn được coi là trung lập như Thụy Điển và Phần Lan. Nhiều chuyên gia đã nói đến một tiến trình gia nhập tương đối nhanh chóng của Thụy Điển và Phần Lan, vì hai nước này có tiềm lực quân sự khá cao, từng tham gia vài nhiều sứ mệnh chung với NATO.
Về phía Phần Lan, vấn đề gia nhập NATO sẽ còn phải chờ Quốc Hội xem xét vào tháng 4 tới, sau khi có báo cáo về những cái lợi và hại của một sự lựa chọn như vậy. Cái lợi chủ yếu của Phần Lan khi gia nhập NATO là được che chở bằng điều 5 về phòng vệ tập thể trong hiệp ước của liên minh. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là liệu NATO có thực sự bảo vệ được Phần Lan ? Trong cuộc chiến tranh Ukraina, trước một Vladimir Putin không ngần ngại dùng vũ lực, đe dọa phương Tây bằng khả năng răn đe hạt nhân, NATO buộc phải thúc thủ, do lo ngại một cuộc chiến tranh thế giới nổ ra.
Với hy vọng Nga chấm dứt cuộc chiến tranh đã đến độ qua tàn khốc, tổng thống Volodymyr Zelensky đã tỏ ý là Ukraina không còn tha thiết gia nhập NATO. Còn Phần Lan, nơi cũng có một cộng đồng người nói tiếng Nga khá đông, đã xây dựng được một mô hình chính trị xã hội tự do dân chủ, kinh tế phát triển, có lẽ cũng hiểu rằng, trước một Vladimir Putin hiếu chiến như hiện nay, những nước láng giềng của Nga bước qua ngưỡng cửa vào NATO tức là bước qua ranh giới giữa Chiến tranh và Hòa bình.
Nguồn: RFI/Anh Vũ