Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 23, 2024

Đối sách Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc : Phủ nhận triệt để và hù dọa nạn nhân


Người Duy Ngô Nhĩ tại Urumqi, Tân Cương. Ảnh tư liệu 1/05/2014. REUTERS/Petar Kujundzic.

Trong bài “Vấn đề số phận người Duy Ngô Nhĩ được nêu lên tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc”, Le Monde nhắc lại rằng Trung Quốc trong những ngày qua lại liên tiếp bị vạch mặt chỉ tên vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, nhân khóa họp thường kỳ của Hội Đồng Nhân Quyền mà Bắc Kinh là một trong số 47 thành viên.

Trên diễn đàn này, cả hai ngoại trưởng Pháp (ngày 24/02) và Anh (ngày 23/02), đều đã lên tiếng tố cáo các hành vi của Trung Quốc tại Tân Cương với những lời lẽ rất nghiêm khắc. Nhật báo Pháp cũng không quên sự kiện là hôm thứ Hai, 22/02, Nghị Viện Canada đã nhất trí thông qua một nghị quyết không ràng buộc, xem cách hành xử của Bắc Kinh đối với thiểu số người Duy Ngô Nhĩ là tội ác “diệt chủng”.

Lớn tiếng phủ nhận mọi cáo buộc

Đối với Le Monde, vấn đề Duy Ngô Nhĩ như đã trở thành điểm không thể tránh né trong quan hệ phương Tây – Trung Quốc, và Bắc Kinh vẫn làm mọi cách để ngăn chặn những lời chỉ trích.

Trong phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền hôm 22/02, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp tục phủ nhận mọi cáo buộc, xem đấy là “những tuyên bố giật gân bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, thành kiến và ý đồ thổi phồng chính trị hoàn toàn có tính vu khống”. Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc sẵn sàng nghênh đón Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michèle Bachelet, đến tận nơi xem xét tình hình.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Le Monde, Bắc Kinh đã áp đặt đủ loại điều kiện cho chuyến thăm được yêu cầu từ lâu, làm dấy lên lo ngại về một mưu toan dàn dựng, theo kiểu các “học viên thực tập” người Duy Ngô Nhĩ “ca hát và nhảy múa” đón chào hàng trăm nhà ngoại giao và nhà báo từ các nước bạn bè, đã được Trung Quốc mời đến Tân Cương trong hai năm gần đây.

Ngoại giao Trung Quốc trong tình trạng báo động vì Tân Cương

Theo Le Monde, trên vấn đề Tân Cương, ngành ngoại giao Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động, với chỉ thị được đưa ra là phải phản bác mọi chỉ trích một cách có hệ thống.

Một ví dụ được tờ báo Pháp nêu bật là sự kiện đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, ngày 23/02, công bố trên trang web một tuyên bố của phát ngôn viên sứ quán, tố cáo “các thông tin sai sự thật từ các báo Le Monde và Le Figaro” về bà Gulbahar Haitiwaji, một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ tại Pháp, đồng tác giả quyển sách “Người sống sót từ trại cải tạo Trung Quốc” (Rescapée du goulag chinois), vừa được nhà xuất bản Equateurs phát hành vào tháng 01/2021.

Đối với Le Monde, hồi ký của bà Gulbahar Haitiwaji là một minh chứng không thể chối cãi về cỗ máy nghiền nát con người được thiết lập ở Tân Cương. Tác giả đã bị bắt ở đó vào năm 2016, với lý do con gái bà, quốc tịch Pháp, đã tham gia một cuộc biểu tình ở Paris để bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ. Sau ba năm bị giam giữ, và sau các áp lực dữ dội của Pháp, bà đã được thả ra và trở về Paris.

Tuyên bố của sứ quán Trung Quốc tại Paris viết rõ: “Những cảnh ‘tra tấn’ mà Gulbahar Haitiwaji mô tả thực sự ngoài sức tưởng tượng, chỉ được thấy trong các tác phẩm văn học và điện ảnh phương Tây. Trong thực tế, những gì bà ta đã làm chỉ là lập lại lời kể đã được soạn trước và diễn theo các kịch bản mà các thế lực chống Trung Quốc đưa ra”.

“Sách lược hù dọa” các nạn nhân

Trả lời báo Le Monde, bà Gulbahar cho rằng luận điệu nói trên của cơ quan đại diện Trung Quốc tại Pháp cho thấy là Bắc Kinh bị đuối lý, chỉ biết phủ nhận hàng loạt và dùng đến “sách lược hù dọa”. Đối với tác giả, bà không phải là người duy nhất lên tiếng, còn có những nhân chứng khác và “đó là điều quan trọng, để mọi người nhận thức được những gì đang diễn ra ở Tân Cương”.

Tại Bắc Kinh, các phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc tiếp tục tố cáo một số ít người đã thoát khỏi các trại lao cải và đã có thể rời Trung Quốc, như trường hợp bà Haitiwaji, gọi họ là “diễn viên”. Chính quyền không ngần ngại dẫn chứng một cái gọi là phóng sự chính thức, đăng trên YouTube, cho thấy em gái và họ hàng của bà Sayragul Sauytbay – một phụ nữ người Kazakhstan ở Trung Quốc và là một trong những nhân chứng đầu tiên vào năm 2018 – lên tiếng cáo buộc là bà đã bịa đặt công việc phải làm trong một trại và đã đào thoát khỏi Trung Quốc để trốn nợ.

Theo Le Monde, đó là những lời khai mà ai cũng phải cho là đã được dàn dựng, cũng như tất cả những lời thú tội của các tù nhân chính trị – hoặc như cách đây vài năm – “cuộc phỏng vấn” tại Tân Cương của các người con của bà Rebiya Kadeer, cựu chủ tịch Đại Hội Duy Ngô Nhĩ Thế Giới, tổ chức chính trị của cộng đồng hải ngoại, tố cáo mẹ của họ.

La Croix : Người Duy Ngô Nhĩ kiện Nike dùng lao động cưỡng bức

Báo La Croix cũng quan tâm đến thân phận người Duy Ngô Nhĩ trong bài “Con đường công lý để chống lại lao động cưỡng bức ở Trung Quốc” nêu bật sự kiện Hiệp Hội Người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp đệ đơn kiện tập đoàn Mỹ Nike vào ngày 24/02/2021 về “hành vi thương mại lừa đảo và đồng lõa trong việc nhận hàng từ lao động cưỡng bức”.

Câu hỏi là liệu vũ khí công lý có thể hiệu quả trong việc gây áp lực lên các công ty đa quốc gia bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc hay không? Đối với La Croix, dẫu sao đây là vũ khí mà  Hiệp Hội Người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp đã sử dụng, khi đệ đơn kiện Nike trước một tòa án ở Paris.

Mourad Battikh, luật sư tại Paris của hiệp hội, hy vọng rằng người tiêu dùng vì “cảm thấy bị thiệt hại về mặt thương mại sau khi mua một sản phẩm của Nike”, sẽ hưởng ứng vụ kiện này. La Croix nhắc lại rằng vào năm 2020, một số tổ chức phi chính phủ đã xác định là Trung Quốc đã cưỡng bức hàng trăm nghìn công nhân Duy Ngô Nhĩ để hái bông vải. Rất nhanh chóng, các công ty dệt may lớn đã bị vạch mặt chỉ tên vì sử dụng các nhà thầu đặt tại Tân Cương, nơi cung cấp 20% lượng bông trên thế giới.

Trong những tháng gần đây, các mạng xã hội đã chuyển tiếp những lời kêu gọi tẩy chay sản phẩm của các công ty bị nêu tên. Giờ đây, đến lượt vũ khí tư pháp được sử dụng. Khi được hỏi, Nike từ chối bình luận về vụ kiện, chỉ ra một thông cáo phủ nhận việc sử dụng hàng dệt từ Tân Cương, đảm bảo rằng họ không dùng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. La Croix chờ đợi xem tòa án Pháp có tuyên bố có thẩm quyền để thụ lý hồ sơ về hoạt động của một công ty Mỹ mua hàng ở Trung Quốc hay không.

Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Click to listen highlighted text!