Vì sao quan chức thời nay không dám “đột phá”?
February 15, 2022
Thực trạng tha hoá quyền lực trầm trọng, như một hậu quả, của quan chức trong bộ máy “đặc quyền đặc lợi” không phù hợp với quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
Đảng Cộng sản Việt Nam (CS) đặt cược cải cách chính trị vào công tác cán bộ, trong đó cần có những cán bộ “đột phá” trong bối cảnh bế tắc về hoạch định, thực thi chính sách và bộ máy vận hành đang ở trong tình trạng trì trệ. Vào ngày 24/9/2021, Bộ Chính trị Đảng CS đã ban hành Kết luận số 14 về Đề án “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Đảng đã ‘bật đèn xanh’ cho quan chức “đột phá”, nhưng đây sẽ là chính sách khó khả thi nếu nhìn nhận từ thực tế tha hoá quyền lực qua các thế hệ trong quá trình chuyển đổi kinh tế sang thị trường và chính sách cải cách hiện hành, trong đó chống tham nhũng chỉ giải quyết hậu quả.
Ngày 11/2/2022 báo chí Nhà nước đồng loạt đưa tin “hai cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cùng ba cựu lãnh đạo cấp sở đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015…” Sau đó một ngày, Thanh tra Chính phủ (TTCP) “kết luận” về một loạt yếu kém, sai phạm xảy ra tại Bộ Y tế, từ công tác tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, văn bản quy phạm pháp luật cho đến công tác quản lý về TTBYT, VTYT, nhập khẩu thuốc… Và vụ việc được chuyển sang Cơ quan điều tra Bộ Công an, điều đó cho thấy loạt cán bộ lãnh đạo tiếp theo sẽ bị trừng phạt… Một tâm lý lo sợ liệu có “đến lượt mình” phải giải trình trước pháp luật khi chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm” ngày càng căng thẳng bao trùm lên bộ máy vận hành khiến nó trở nên trì trệ, “trên nóng dưới lạnh”…
Tha hoá quyền lực của quan chức là một quá trình diễn ra đồng thời với chuyển đổi sang kinh tế thị trường, nhưng vẫn duy trì bộ máy đặc quyền đặc lợi không phù hợp và, hậu quả là những cán bộ lãnh đạo đầy khát vọng vì dân, vì nước “tự chuyển hoá” thành quan chức cơ hội, tham nhũng, xấu xa.
Kết luận 14 nêu trên của Bộ Chính trị khiến ta liên tưởng đến thế hệ các bậc “công thần khai chế độ”, trong đó có các lãnh đạo dám “đột phá” điển hình như cố Bí thư Tỉnh Vĩnh Phúc Kim Ngọc (1917-1979) được mệnh danh là “cha đẻ của khoán hộ”, tạo tiền đề cho chính sách “Đổi mới trong nông nghiệp” và cố Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Nguyễn Văn Chính (1924-2016), biệt danh Chín Cần, được coi là “phá rào” ngăn sông cấm chợ để cải thiện đời sống người dân trong tỉnh, tạo tiền đề cơ chế một giá thị trường nói riêng và xoá bỏ cơ chế quản lý bao cấp nói chung…
Họ là những lãnh đạo liền trước và sau Đổi mới năm 1986, những người “có khát vọng”, được cách mạng thử thách và biết chuẩn bị một thế hệ kế tục “con đường” của mình… Những nỗ lực và “sự hy sinh” của họ được thúc đẩy vì lợi ích chung, vì người dân hay dân tộc, xuất phát từ tình yêu, tình đoàn kết, hay những biểu hiện của lòng vị tha. Động cơ thúc đẩy này trong công cuộc giải phóng dân tộc và trong những hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo đóng vai trò thiết yếu đến mức mà những phẩm chất trên được coi là cao quý và họ đã xứng đáng với sự thừa nhận của xã hội và thường được ca ngợi bởi uy tín.
Áp phích cổ động cho Đảng Cộng sản Việt Nam trên đường phố Hà Nội hôm 31/1/2021. AFP.
Loại động cơ thúc đẩy nêu trên, vốn rất phù hợp trong những nhóm nhỏ như gia đình, bạn bè, doanh nghiệp hay cộng đồng xóm thôn… nhờ hiểu biết về nhau như về sở thích hay mối quan hệ, sự thấu cảm và khả năng kiểm soát lẫn nhau, nhưng lại không thể chuyển sang phạm vi toàn xã hội hiện đại với nền kinh tế phức tạp và hệ thống thông tin liên lạc đại chúng. Đây chắc chắn là lý do không ít người tiếc nuối “bao giờ cho đến ngày xưa” khi họ phải tương tác với “người lạ” trong hoàn cảnh nhiều bất chắc mà họ chưa được trang bị đủ về kiến thức và kỹ năng. Hơn thế, ý thức hệ xã hội chủ nghĩa dựa trên nền tảng tập thể, sự sẻ chia chung “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” và chủ nghĩa bình quân đã triệt tiêu động lực làm việc và, vì thế mức sống nghèo nàn. Hệ quả là mọi người phải làm việc theo tiêu chuẩn, định mức kế hoạch như một công cụ giám sát. Lúc này, sự cưỡng bức và nỗi sợ hãi là động cơ chính để người ta sản xuất ra cái gì đấy vì lợi ích của người khác…
Chuyển nền kinh tế sang thị trường là bắt buộc để tránh sự sụp đổ của chế độ XHCN, như từng diễn ra với Liên Xô và Đông Âu năm 1989 -1991. Tuy nhiên, việc vẫn duy trì bộ máy đặc quyền đặc lợi, không có đối trọng chính trị và dựa trên sự giáo dục khiến giới lãnh đạo phải áp dụng “tư tưởng thực dụng” trong chính sách “thử – sai”, trước hết, cho lĩnh vực kinh tế. Một thế hệ “kế tục sự nghiệp” được lựa chọn này có thể tính từ thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nhiệm kỳ (1997 – 2006), cầm quyền khi khi Liên Xô sụp đổ, họ đã nhận thấy “lỗi hệ thống” của mô hình Xô-viết, nhưng vẫn giữ được “khí chất kẻ sĩ”, biết sử dụng “Ban Nghiên cứu của Thủ tướng” để “mềm dẻo” đưa các ý tưởng thị trường vào chính sách của Đảng và nỗ lực thể chế hoá trong Hiến pháp 1992, Luật Đất Đai 1993, Luật Doanh Nghiệp 1999… Thế hệ “chuyển tiếp” nêu trên đã có nhiều cống hiến cho cải cách thị trường, họ nghiêng về kỹ trị hơn là chính trị. Có lẽ, chính vì vậy họ “thua” ngay những người liền sau mình trong nhiệm kỳ nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành chính phủ (2006-2016).
“Thế hệ thứ ba” này được sản sinh bởi “chính sách thực dụng” trong môi trường thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực cần thiết và hiệu quả. Họ bị chỉ trích là những lãnh đạo “quyết liệt” đến mức có thể ngay lập tức giải thể “Ban Nghiên cứu của Thủ tướng” (1996-2006) mặc dù “hiểu mù mờ về kinh tế thị trường”, “nói những lời có cánh về chủ nghĩa xã hội” nhưng “tự tha hoá mình về mặt con người”, họ “cầm quyền vào thời điểm quyền lực rất có màu”, “tăng trưởng nhanh” và tích luỹ tài sản cho cá nhân, gia đình và thân hữu để hình thành nên một tầng lớp thống trị “hữu sản” giàu có… Và, về thực chất, đây là các quan chức tha hoá về quyền lực biến chất thành những kẻ cơ hội chính trị. Hậu quả là sự tranh giành quyền lực đã xảy ra căng thẳng trong nội bộ, giữa Đảng và Chính phủ, giữa Tổng Bí thư và Thủ tướng…
Đặc điểm này chi phối các chính sách cải cách hiện nay của Đảng khi nhận định bộ phận quan chức nêu trên là “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống”, chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng, tiêu cực, chỉnh đốn và xây dựng đảng… dựa trên việc tập trung quyền lực Đảng mạnh mẽ. Chính sách như vậy có xu hướng khôi phục mô hình chuyên chế hơn là thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị theo hướng dân chủ.
Bị níu kéo bởi ý thức hệ CNXH giáo điều các nhà lãnh đạo Đảng đã “bỏ qua” một tiên đề cơ bản về cách ứng xử của con người là bản năng thường hành động vì tư lợi. Động cơ này được thúc đẩy bởi thị trường, con người có thể trông chờ được trả công đầy đủ về những gì mà họ làm cho người khác như một hiệu ứng phụ từ chính “sự ích kỷ” của họ. Tuy nhiên, mãnh lực thị trường cũng khiến mặt trái như chủ nghĩa cơ hội phát tác. Vì vậy, vấn đề ở đây là quyền lực quan chức cần phải bị ràng buộc như thế nào để tham nhũng, tiêu cực nằm trong vòng kiểm soát. Đó chính là chức năng cơ bản của thể chế.
Rõ ràng, để quan chức dám “đột phá”, Kết luận 14 của Bộ Chính trị mới chỉ ‘bật đèn xanh’ cho cơ chế giải toả phần nào sức ép tâm lý sợ hãi bị trừng phạt, nhưng để có những ý tưởng và hành động đột phá cần thiết phải có môi trường nuôi dưỡng ý chí tự do táo bạo và sáng tạo và tính tự chủ cho người dân nói chung và cho quan chức nói riêng, được thể chế hoá để thúc đẩy động cơ thị trường đồng thời với việc kiểm soát quyền lực có hiệu quả, như cơ chế trách nhiệm giải trình công vụ minh bạch, dân chủ và hơn thế, là đối trọng chính trị. Bởi vậy, thiết nghĩ, cần một quyết sách đột phá từ “bên trên”, từ Trung ương thay vì chỉ gợi ý cơ chế có điều kiện cho thử nghiệm ở cấp địa phương.
Nguồn: TS. Phạm Quý Thọ @ RFA