Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 23, 2024

Tết


Ở mọi thời mọi nơi, dân tộc nào thì họ cũng có lễ tết, và lễ tết là sự bộc lộ thuần nhiên tâm hồn của con người.–

Theo truyền thống dân Việt, Tết là ngày mừng thời tiết ấm áp, mừng vận hành đều hòa trong sự luân lưu của đất trời, hay mừng nắng thuận mưa hòa trong năm. Sở dĩ dân Việt chúng ta mừng mặt trời mặt trăng, vì hai thiên thể đó có ảnh hưởng trực tiếp và chi phối đời sống nông nghiệp quanh năm.

Và trước thềm Năm Mới, người viết xin kính chúc quý vị và các bạn luôn an khang và thịnh vượng, trong câu Chúc Mừng Năm Mới!

Chúc Mừng Năm Mới – khởi đầu của bài viết mới, khởi đầu của hành trang mới, khởi đầu của hy vọng mới, tuần hoàn mới, thời tiết mới… Tất cả đều mới, mới từ vạn vật cho chí mới tới con người, như lời người xưa thường nói: Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân (Đổi mới, mỗi ngày một mới, phải luôn đổi mới) mà trong đó con người của chúng ta được nhận là chính, là gốc của vũ trụ vạn vật.

Chúc Mừng Năm Mới – còn là ngày mừng sinh nhật chung của mọi người trong chúng ta. Mọi người mừng cho nhau thêm một tuổi, thêm sống lâu, thêm nhân đức, thêm kinh nghiệm, thêm Ơn Trời! Tết còn là ngày đoàn tụ của con cháu với tổ tiên ông bà, với bạn hữu và thân bằng quyến thuộc để mỗi người chúng ta được sống trọn vẹn chính mình, và đã thể hiện hay bộc lộ qua những điều kiêng cữ nhằm tránh những bận rộn rắc rối hay phiền toái có thể làm cho mình buồn lòng.

1. Lễ Tết

Ở mọi thời mọi nơi, dân tộc nào thì họ cũng có lễ tết, và lễ tết là sự bộc lộ thuần nhiên tâm hồn của con người. Nhưng sự bộc lộ này, lại được văn hóa Việt đặt vào đúng vị trí quan trọng và thích đáng, trong đời sống của dân tộc Việt Nam.

Theo niềm tin dân Việt, chúng ta có bốn ngày đại lễ, và Tết là một trong bốn ngày đại lễ dân tộc. Sở dĩ được gọi là đại lễ, vì đó là những ngày đặc biệt để chúng ta thờ kính tổ tiên của mỗi người, của dòng tộc, của dân tộc. Thờ kính các vị Thần Linh trực tiếp làm ơn ích cho chúng ta, trong đó phải kể tới Ông Trời (Thiên Chúa) là đấng nguồn sống của toàn thể vũ trụ.

Nhưng niềm tin Việt lại chỉ ngừng ở dấu hiệu hiển linh, chớ tổ tiên ta không bàn tán, không đi sâu vào cuộc sống tâm linh, thế giới vĩnh hằng, hay bản tính của các đối tượng thuộc về thế giới siêu linh như các tôn giáo. Do đó, Tổ Tiên Việt luôn nhắc nhở con cháu rằng “Chỉ thấy con người, và chỉ lấy con người làm tiêu chuẩn căn bản trong đời sống!”

Thờ kính Tổ Tiên trở thành niềm tin nền tảng sâu xa, và là tâm linh vững chắc nhất của người dân Việt. Dầu còn sống hay đã khuất, Tổ Tiên của chúng ta luôn là những vị chẳng những đã trực tiếp cho chúng ta diễm phúc làm người, mà còn luôn yêu thương bảo bọc, che chở phù trợ, chia sẻ cuộc sống với từng người trong chúng ta.

Thờ kính Tổ Tiên còn nhắc nhở cho những người đang sống cần phải luôn ý thức về những ơn ích mà mình được thừa hưởng; đồng thời, thúc đẩy người ấy phát huy sự nghiệp ân đức của dòng họ, của gia tộc, của dân tộc. Do đó, Tết là ngày đoàn tụ gia đình, chẳng những, giữa những người đang sống mà còn đoàn tụ với Tổ Tiên, với sự hiện diện trong cách sống linh thiêng và hướng về con cháu dân tộc tương lai mai sau.

Đại lễ kính Tổ Tiên lại tăng thêm ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc lễ, khi được kết chung với Tết, với ngày đầu Xuân. Bởi thế, phong tục dân Việt dành suốt hai tuần lễ, từ 23 tháng chạp tới mùng 7 tháng giêng, để vừa kính nhớ Tổ Tiên, vừa đoàn tụ gia đình, mà cũng vừa mừng năm mới, mừng tuổi mới của từng người, và để mở đầu cho đời sống mới của dân tộc Việt.

2. Ý Nghĩa Lễ Tết

Ngay từ nghìn xưa dân tộc ta đã đặt Tết vào một địa vị chính yếu trong nếp sống Việt, và mọi sinh hoạt xã hội cũng được tính theo lễ tết. Đại chúng Việt luôn lấy Tết làm mốc thời gian để sắp xếp cho mọi công việc dự liệu trong năm.

Tết chẳng những là sinh hoạt đoàn tụ cho gia đình, cho làng xã, cho đất nước, mà còn là dịp tổ chức long trọng, và mang ý nghĩa nhất trong đời sống con người. Ngày lễ tết là những dịp họp mặt, ăn uống, vui chơi… mà còn để thực hiện một số công tác nhằm nâng cao đời sống xã hội Việt.

Tết thắt chặt thêm tình đồng bào, gắn bó với nhau, giúp nhau cảm thông, hoặc cùng nhau giải quyết những khó khăn trong cuộc sống chung việc làng, việc nước, nhằm tạo cho đời sống cộng đồng thêm hạnh phúc, an vui.

Tết giúp mọi người cùng nhau ôn lại công đức, gương sáng của Tổ Tiên. Tết là dịp nhắc nhở, sống thực những nguyên tắc nền tảng của cuộc sống, và những điểm chính yếu của Nếp Sống Việt. Tết giúp mỗi người chúng ta nhận định và điều chỉnh cuộc sống, để sống trọn vẹn cuộc sống làm người.

Tết cũng là dịp chúng ta giúp nhau tỏa rộng cuộc sống. Trong Tết, chúng ta lãnh nhận từ quá khứ, sống cho hiện tại, và lưu lại hậu thế mai sau. Chúng ta cũng thừa hưởng công đức của Tổ Tiên, và đóng góp thêm phần tài trí của mình, nhằm trao lại cho con cháu, chẳng những sản nghiệp, gương sáng, lời dạy dỗ, mà còn phúc đức, sự phù trợ, và nếp sống hạnh phúc toàn vẹn.

Tết là phương thức trực tiếp nung đúc tinh thần, củng cố niềm tin, sống thực Hồn Việt. Tết còn là dịp giúp chúng ta tạo thêm công phúc cho chính mình, cho dòng tộc, cho mọi người. Tết Dân Tộc là một phần trọng yếu trong cuộc sống của Con Người và Xã Hội Loài Người.

Bởi thế bất cứ loại giặc nào… nội xâm/ ngoại xâm… đều tìm và làm đủ cách để dân tộc Việt phải lãnh đạm mà từ bỏ Tết. Việc ngăn cấm Tết, chẳng những giặc đã thực hiện bằng luật pháp, bằng phương tiện truyền thông, mà còn bằng giáo dục qua những sinh hoạt xã hội đặt nền tảng trên thú vật/ máy móc, hay trên quyền lực/ tôn thờ lãnh tụ mà thay thế di ảnh Tổ Tiên nhằm tiến tới vô thức vô thần.

3. Đối Tượng Lễ Tết

a. Văn hóa Việt nhận diện con người qua cuộc sống và Lễ Tết Dân Tộc, tập trung quanh cuộc sống con người. Và như thế, đối tượng niềm tin dân tộc là tự giới hạn nơi cuộc sống con người.

Trong cuộc sống thường ngày, niền tin dân Việt bộc lộ qua đạo sống Làm Việc Phúc Đức, với tiêu chuẩn thẩm định giá trị cuộc sống con người là dung độ đức hưởng, tức là tầm độ đem hạnh phúc đến cho người khác.

Trong văn hóa Việt, giá trị cuộc sống của con người không được quy định bằng quyền lực, bằng chức tước, bằng giàu sang uy thế… cũng không bằng tài năng, nghề nghiệp, dòng họ, khoa bảng bằng cấp, hay bất cứ gì ngoài con người, mà trên việc con người thể hiện chính mình một cách trọn vẹn.

Điểm quan trọng nhất là chính sách quyền chức của Việt Nam đã không có nhóm đặc quyền. Từ thời Vua Hùng, và qua suốt dòng lịch sử, vua quan ta không dựa vào quyền chức mà chiếm hữu tài sản. Đối với vua quan Việt, chức tước không mang lại đặc quyền vật chất. Dù cho quyền chức có cao trọng tột bậc tới đâu chăng nữa, thì cũng không được chia đất phong tước truyền đời. Tất cả các vị hoàng đế đương triều của dân Việt cũng không có tài sản riêng. Tất cả là của dân nước, đều được điều hành theo quy chế tài sản quốc gia. Vua quan ta chỉ được quyền sử dụng để làm phương tiện mà chu toàn nhiệm vụ. Chính sách quyền chức của Việt Nam xưa nay đã thể hiện việc tạo hạnh phúc làm người, vừa cho chính mình, vừa cho những người khác, trong cuộc sống cá nhân cũng như xã hội, quê hương dân nước.

Giá trị cuộc sống của con người, chính là ảnh hưởng hạnh phúc của người đó đối với những người xung quanh. Trong cuộc sống, ai làm cho người cùng hưởng hạnh phúc làm người với mình, qua chính mình, thì người đó càng được quý trọng hơn. Và xã hội ta lại được biểu trưng bằng Một Bọc Trăm Con, nên cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng là một cái bọc chứa những người anh em khác. Rồi tùy theo sức chứa ấy, tức là tùy theo tầm độ hữu ích mà người ấy thể hiện được chính mình, đáng quý đáng trọng.

Bất cứ ai, cũng có thể được tôn quý tùy theo sức chứa những người khác trong ảnh hưởng phúc đức của mình, tức tùy thuộc dung độ đức hưởng.

b. Niềm tin phổ quát và sâu xa nhất của người dân Việt là niềm tin vào Ông Trời, Đấng Tạo Hóa, Đấng Sáng Tạo vũ trụ, mà cũng là Đấng trực tiếp liên hệ với cuộc sống của con người. Bởi đó nếp sống Việt bộc lộ niềm tin này như một sự hiển nhiên.

Cũng trong niềm tin nền tảng của văn hóa Việt, là niềm tin vào sự trường cửu của Hồn Thiêng con người, đặc biệt vào sự vĩnh tồn linh thiêng, và độ trì gần gũi của Tổ Tiên. Linh thiêng và cao cả hơn hết, là Hai Vị Khởi Tổ (Tộc Tổ: Mẹ Tiên Cha Rồng) vì luôn luôn độ trì cho Tộc Việt, cho con cháu.

Niềm tin này, đặc biệt tôn quý những Vị đã có cuộc sống cống hiến và giúp ích cho nhiều người. Tuy với tầm độ khác nhau, nhiều Vị đã được thờ làm Thành Hoàng, được nhiều người thờ kính, và tỏ hiển linh qua việc phù trợ cho dân chúng.

Cùng với Thành Hoàng, và cũng được quan niệm như Thành Hoàng, là một số Thiên Thần hiển linh tại Núi Thiêng Sông Linh. Tổ Tiên cũng phân biệt rõ ràng Vị Thần đang hiển linh trên cái núi, cái sông, cái biển… Cũng như những dân tộc khác, Tộc Việt lấy mặt trời làm tâm điểm cho mọi diễn biến của cuộc sống. Nhưng văn hóa Việt không hề có dấu vết phụng tự trái đất, hay mặt trời như những vị thần trong các văn hóa khác. Bởi vì quý, trọng, mừng thì khác nghĩa với phụng tự.

Có khuynh hướng cho rằng, niềm tin nêu trên là tin vơ thờ quấy? Xin thưa, trong bộ Tân Ước hay sách Khải Huyền (Apoc) của Thiên Chúa Giáo đã xác quyết là những thành phố có những Thiên Thần đặc trách… Và rồi Sách Phúc Âm cũng nhấn mạnh là mỗi người có một Thiên Thần Giữ Mình/ Thiên Thần Bản Mệnh và có lễ kính hàng năm vào ngày 2 tháng 10. Nhiều thánh đường và giáo xứ khắp nơi trên thế giới đều có Thiên Thần hoặc Nhân Thần, tức là Thánh làm Quan Thày, làm Thành Hoàng… Niềm tin Việt cũng đã có thời làm cho các nhà truyền giáo Tây phương phải kinh ngạc, sửng sốt, vì căn bản của Thiên Chúa giáo, tức là tôn giáo thờ Trời (Ông Trời, Chúa Trời, Chủ Trời).

Và rồi Hồn Thiêng Dân Tộc, Hồn Thiêng của Tổ Tiên, Các Ngài đã qua đi, nhưng Hồn Thiêng của Các Ngài vẫn vĩnh tồn ở thế giới bên kia và phù trợ cho con cháu. Bởi đó, Hồn Nước là tinh thần dân tộc, là truyền thống dân tộc, hướng dẫn mọi người trong nước hành động hữu hiệu cho lợi ích chung của toàn dân.

4. Diễn Đạt Lễ Tết

a. Văn hóa Việt là kết tinh của nhận diện cuộc sống con người qua bộc lộ hiện thực trong cuộc sống.

Do đó cách diễn tả sự liên lạc giữa con người với mọi hiện hữu, kể cả với thế giới siêu linh, thế giới bên kia, cũng đều căn cứ và khuôn rập theo cách bộc lộ của cuộc sống hiện tại. Người đang sống cứ theo cách tốt đẹp nhất của dương gian này mà kính nhớ vị khuất mặt, vị khuất núi… Dương sao âm vậy!

Niềm tin được bộc lộ qua sinh hoạt thường ngày của người dân Việt, qua việc mừng Lễ Tết, và đặc biệt qua Nghi Thức Lễ Tế.

Trong ngôn ngữ Việt, chữ thờ và chữ kính được dùng lẫn lộn nhau, và có cùng một nghĩa. Ca dao Việt Nam: “Tu đâu cho bằng tu nhà, Thờ cha kính mẹ cũng là đi tu.” Hay “Một lòng thờ mẹ kính cha”… Tuy nhiên, ý nghĩa và tầm độ của việc thờ kính này lại thay đổi tùy theo đối tượng. Không ai trong chúng ta lại lẫn lộn các tầm độ cao quý, tâm thành và thiết yếu, giữa thờ trời và thờ tổ tiên, thờ cha mẹ… Và không người Việt nào lại dám coi tổ tiên là đấng tạo hóa toàn năng.

b. Nền tảng của Tết là lòng thành, tức là lòng tin tưởng, ngưỡng mộ, và sùng bái của con người. Nghi thức lễ tế cũng là phương tiện diễn đạt và tăng triển lòng thành. Vì vậy các dạng thức diễn tả bên ngoài của nghi thức cũng là phần thiết yếu để bộc lộ niềm tin.

Nghi thức đã đi vào cuộc sống hằng ngày. Dân Việt chúng ta thường bày tỏ lòng kính quý, yêu mến, úy phục bằng cách cúi đầu, cất nón… và dùng những từ ngữ thanh tao, hay những kiêng cữ đặc biệt.

5. Mùng 5 Tết: Ngày Đại Lễ Kính Trời

a. Thờ Trời, đấng sáng tạo vũ trụ, là niềm tin nền tảng của người dân Việt. Qua mọi thời đại, văn hóa Việt đã lấy trời, mệnh trời, ý trời… làm nguồn gốc, làm mẫu mực cho mọi sinh hoạt con người. Cuộc sống của mỗi người, của mỗi nhà, của mỗi làng, và của cả nước đều lấy ơn trời làm gốc.

Sân trước mỗi nhà đều có bàn Ông Thiên, để thờ Trời. Trong nước, hàng năm đều có cử hành Lễ Tế Trời rất trọng thể, do vua tế tại thủ đô và quan tế tại các tỉnh.

Lễ Tế Trời được tổ chức đặc biệt quan trọng vào ngày mùng 5 Tết, để mọi người cùng nhau cử hành một đại lễ của dân tộc, đúng truyền thống tổ tiên, đúng phẩm giá và trọn vẹn con người.

b. Vấn đề hiện nay của người dân Việt chúng ta, chẳng những là loại bỏ những gán ghép thừa thãi của giặc nhằm tiêu diệt tinh hoa tư tưởng dân tộc, mà còn cần phải diễn giải ý nghĩa và giá trị đích thực của Tết theo ngôn ngữ và cách diễn đạt hợp thời.

Cần nhiều sáng kiến thích đáng, và xử dụng những tuyệt kỹ của các bộ môn nghệ thuật, kỹ thuật, và phương tiện truyền thông, để luôn biến đổi dạng thức trình bày sao cho thích hợp, chẳng những với từng lứa tuổi, với từng hạng người, mà còn với cảm nhận, và hoàn cảnh sinh hoạt thời đại.

Trong nếp sống thời trước, ngày Hội thường có các cuộc thi và trò vui như: thi đồ xôi, nấu cơm, làm bánh, dọn tiệc, dệt vải, may quần áo… đốt pháo, rước đuốc, bơi thuyền, sáo diều, treo đèn, kéo chữ… làm thơ, hát chèo, hát đúm, hát quan họ, hát trống quân… ca múa, múa xòe, múa rối… đánh vật, đánh phất, đánh côn, leo giây, lao cầu, leo phao, đu tiên… chọi gà, chọi trâu, chém gà, chém lợn, đánh cá, bắt trạch, thả chim… đánh cờ, đánh bạc, xóc đĩa, tổ tôm, bài chòi…

Ngày nay, chúng ta lại cần nhiều sáng tạo đặc biệt hấp dẫn, ứng hợp với cuộc sống tràn ngập kỹ thuật tốc độ, điện tử, truyền thông… Chúng ta cần luôn sống động hiện thực, vì khi nào trở thành chiếu lệ, lập lại khuôn thức cũ… là thiếu sức sống, lỗi thời và lạc hậu.

Kết Luận

Hành trang mới, có như thế Tết mới trở thành một hệ thống giáo dục hữu hiệu, giúp cho toàn thể mọi người học hỏi và sống thực với tâm hồn, phát triển tâm tuệ, đem tinh hoa văn hóa dân tộc vào cuộc sống thường ngày của từng cá nhân, cũng như của toàn dân và của mọi người.

Một lần nữa: Chúc Mừng Năm Mới!

Tác giả: Phạm Văn Bàn @ VOA Tiêng Việt

Tags:

Click to listen highlighted text!