Tổ chức WHO: Giai đoạn trầm trọng của đại dịch có thể sắp đi qua
January 24, 2022
Lá cờ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ. (Hình: Fabrice Coffrini/AFP via Getty Images)
Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm Thứ Hai, 24 Tháng Giêng, lên tiếng cảnh cáo rằng tình hình hiện nay vẫn có thể khiến có thêm các biến thể khác của đại dịch COVID-19, và mọi người chớ nên nghĩ rằng Omicron là biến thể cuối cùng hoặc thế giới đang ở vào “giai đoạn cuối” của dịch.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng giai đoạn trầm trọng của đại dịch có thể sẽ chấm dứt vào cuối năm nay, nếu đạt được một số mục tiêu chính yếu, theo bản tin của hãng thông tấn AP.
Ông Tedros nêu lên một loạt các thành quả của tổ chức WHO về các vấn đề y tế thế giới như giảm thiểu hút thuốc lá, chống việc lạm dụng thuốc kháng sinh và nguy hiểm của thay đổi khí hậu với sức khỏe con người. Nhưng ông khẳng định rằng: “Việc chấm dứt giai đoạn trầm trọng của đại dịch COVID-19 phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả chúng ta.”
Ông Tedros nói rằng: “Hiện còn những giả thuyết khác nhau về diễn tiến của đại dịch trong thời gian sắp tới và giai đoạn trầm trọng sẽ chấm dứt như thế nào. Tuy nhiên, nếu nghĩ Omicron là biến thể cuối cùng hoặc chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối của đại dịch thì đây sẽ điều nguy hiểm.”
Ông nói trong cuộc họp của ủy ban điều hành WHO rằng tình hình hiện nay đang tạo điều kiện thuận lợi để có thêm các biến thể khác xuất hiện.
ƯTổng giám đốc tổ chức WHO, Bác Sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Hình: Fabrice Coffrini/AFP via Getty Images)
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh là: “Chúng ta có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế của COVID-19 trong năm nay, bằng cách đạt mục tiêu WHO đề ra là có 70% dân số mỗi quốc gia trên thế giới được chích ngừa vào giữa năm nay, chú trọng vào những người có nguy cơ cao nhất, và cải thiện sự thử nghiệm và phân tích virus để khám phá ra các biến thể mới nhanh chóng hơn.”
Ông Tedros đồng ý với nhận định cho rằng thế giới sẽ phải sống với COVID-19 trong một thời gian nữa và cần phải học cách đương cự với dịch để chuẩn bị đối phó với các đại dịch khác trong tương lai.
Vị tổng giám đốc WHO giải thích rằng: “Học cách sống chung với COVID-19 không có nghĩa là chúng ta để mặc cho virus hoành hành. Sống chung không có nghĩa là chúng ta chấp nhận có gần 50,000 cái chết mỗi tuần từ căn bệnh có thể ngăn ngừa và chữa trị này.”
Nguồn: Nguoi-vie/V Giang