Dân Sài Gòn bị cản trở khi tổ chức tưởng niệm Hoàng Sa
January 19, 2022
Cuộc tưởng niệm các chiến sĩ Hải Quân VNCH hy sinh khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa 48 năm trước đã bị công an cản trở ở Sài Gòn.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi cho hay trên trang Facebook cá nhân là bà và một nhóm bằng hữu tổ chức một buổi tưởng niệm giản dị tại một nhà hàng ở Sài Gòn ngày 19 Tháng Giêng. Tuy nhiên, bà cho hay “nhân viên nhà hàng đã vào đề nghị dẹp vì công an không cho phép.”
Một nhóm người ở Sài Gòn tổ chức tưởng niệm các chiến sĩ Hải Quân VNCH hy sinh khi bảo vệ Hoàng Sa bị công an cản trở. (Hình: Facebook Kim Chi)
Dù bị áp lực, buổi lễ tưởng niệm vẫn điễn ra dù ngắn gọn. Bà phổ biến trên trang Facebook cá nhân clip của buổi lễ và viết: “Chúng tôi thật sự đau lòng vì sự cấm đoán phi lý này. Tôi luôn hỏi: Vì sao? Vì lẽ gì?”
Đây không phải lần đầu tiên nhà cầm quyền CSVN cấm cản quần chúng tổ chức tưởng niệm các người lính đã hy sinh khi bảo vệ quê hương đất nước. Bà kể rằng bà cùng một số người tổ chức một buổi tưởng niệm bốn năm trước tại Bến Bạch Đằng Sài Gòn và cũng đã từng bị nhà cầm quyền cấm cản.
“Tôi vẫn chưa quên ngày 19 Tháng Giêng năm 2017, khi chúng tôi tới bến Bạch Đằng dâng hoa lên tượng đài Trần Hưng Đạo để làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thì liền bị công an tới xốc nách tôi cùng hai nhà thơ Hoàng Hưng, Phan Đắc Lữ tống lên xe buýt đưa về đồn công an Bình Tân,” bà Kim Chi viết trên Facebook.
Bà phẫn nộ khi đặt câu hỏi “Vì lẽ gì mà người ta cấm đoán chúng tôi tưởng nhớ những người có công với đất nước? Chẳng phải tất cả chúng ta đều ước mong một sự hòa hợp dân tộc để cùng xây dựng, kiến tạo đất nước đẹp giàu, văn minh? Tại sao cho đến giờ phút này những người lãnh đạo không chịu hiểu rằng bằng mọi cách chúng ta phải xóa đi tất cả hận thù của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn để kiến tạo một đất nước VIỆT NAM phồn vinh, hạnh phúc.”
Bốn năm về trước, dân chúng tại Hà Nội tổ chức thắp nhang tưởng niệm các chiến sĩ Hải Quân VNCH hy sinh trong trận hải chiến ở quần đảo Hoàng Sa tại tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm bất chấp sự cản trở của công an. Từ đó về sau, công an dùng nhiều cách để ngăn chận dân chúng tụ họp từ canh giữ người ta ngay tại nhà cho đến quây kín các khu vực người ta có thể làm lễ tưởng niệm.
Bất cứ cuộc tụ tập nào của dân chúng không do nhà cầm quyền CSVN tổ chức để tuyên truyền có lợi cho chế độ đều bị cấm đoán, thậm chí có thể bị bắt giữ và bỏ tù. Đó là việc đã từng xảy ra trong những năm qua.
Ngày 19 Tháng Giêng, 2017, dân Hà Nội tưởng niệm các người lính đã bỏ mình vì nước tại hai quần đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) tại tượng đài Lý Thái Tổ. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
Tháng Ba, 2015, khi tin tức hàng trăm người dân ở Hà Nội dự tính tưởng niệm các người lính Việt Nam hy sinh tại bãi Gạc Ma (Tháng Ba, 1988) bị công an nghe lén điện thoại biết được. Nhà cầm quyền thành phố đã đưa một đoàn thanh niên mặc áo cờ đỏ sao vàng tới giăng cờ búa liềm quanh khu vực tượng đài Lý Thái Tổ để ngăn chặn dân chúng “tự phát” tới dâng hương. Một số người đó còn la hét, gây hấn với các người đến dâng hương.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm ngày 19 Tháng Giêng, 1974. Một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, trong số đó có bãi Gạc Ma bị Trung Quốc đánh chiếm giữa Tháng Ba, 1988. Hiện những bãi đá san hô ngầm này đã bị Trung Quốc bồi đắp thành các đảo nhân tạo khổng lồ với các căn cứ quân sự quy mô để khống chế khu vực Biển Đông. (TN) [qd]