Luật Hải cảnh của Trung Quốc – mũi giáo trong chiến lược bành trướng trên Biển Đông
February 19, 2021
Tàu hải cảnh của Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biên của Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014.
Ngày 22/1/2021, Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc được dùng vũ lực đối với các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền, phá huỷ các cấu trúc xây dựng trên các thực thể còn đang tranh chấp với các nước. Nhưng Đại sứ Philippines tại Trung Quốc mới đây nói luật mới sẽ không áp dụng với Philippines. RFA có cuộc phỏng vấn với Giáo sư môn quan hệ quốc tế Renato Cruz De Castro thuộc đại học De La Salle, Philippines.
RFA: Mới đây Đại sứ Philippines tại Trung Quốc được trang tin Star Global của Philippines trích lời cho biết Trung Quốc hứa sẽ không áp dụng Luật Hải cảnh mới với Philippines. Ông thấy lấy hứa này có đáng tin cậy không?
Renato Cruz De Castro: Không, tôi không tin. Không một ai có thể tin sau những gì mà Trung Quốc đã làm với Philippines. Hãy nghe nó với sự dè dặt. Ngay cả vị Đại sứ cũng tỏ ra nghi ngờ. Không một ai có thể tin về sự cam đoan này của Trung Quốc. Luật sẽ được áp dụng đối với tất cả các quốc gia bao gồm cả Philippines lẫn Việt Nam, Malaysia. Họ sẽ áp dụng nó khi có cơ hội. Không còn nghi ngờ gì về khả năng này.
RFA: Báo chí Philippines khoảng 3 tuần trước có đưa tin về việc một tàu cá của Philippines bị tàu hải cảnh Trung Quốc đe doạ ở gần đảo Thị Tứ mà Philippines gọi là Pag asa. Trung Quốc từ năm ngoái đã điều nhiều tàu đến khu vực này, ngăn cản tàu cá ngư dân Philippines vào đánh bắt cá. Vậy tình hình hiện tại của ngư dân Philippines trong khu vực ra sao? Chính phủ Philippines lo ngại thế nào trước tình hình này?
Renato Cruz De Castro: Điều mà chính phủ Philippines đang làm là cố gắng che đậy thông tin, quân đội Philippines được yêu cầu là phải im lặng. Và thông tin về tình hình này bị che đậy hoàn toàn.
RFA: Vậy các ngư dân Philippines đối phó với tình hình này ra sao? Chính phủ Philippines đã làm gì để giúp họ?
Renato Cruz De Castro: Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana và vị Tổng tham mưu trưởng liên quân mới của Philippines nói rằng họ sẽ điều các tàu hải quân của Philippines và vũ khí của hải quân đến vùng nước này để bảo vệ ngư dân Philippines. Họ nói là họ sẽ không phát động một cuộc chiến tranh với Trung Quốc nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ các tàu cá của chúng tôi. Cho nên chúng tôi đã có những tuyên bố rất mạnh mẽ đến từ Bộ Quốc phòng và từ các lực lượng vũ trang của Philippines rằng tàu hải quân sẽ được điều đến Biển Tây Philippines (Biển Đông) để bảo vệ ngư dân. Tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ làm điều này. Theo tôi, Luật Hải cảnh của Trung Quốc đã thực sự gây sức ép lên Bộ Quốc phòng Philippines. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Philippines đã có phản ứng chính thức. Và tất nhiên trong một diễn biến khác không có liên quan trực tiếp đến luật này là việc chính phủ Philippines sắp tái đàm phán với Mỹ về một thoả thuận thăm viếng quân sự. Đàm phán sẽ diễn ra trong tuần này và tuần tới, trong tháng 2 này.
RFA: Khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền, ông đi theo chính sách mềm dẻo và xích lại gần hơn với Trung Quốc, xa hơn với Mỹ. Nhưng với Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, ông nhận định thế nào về tình hình của Philippines trong quan hệ với Trung Quốc?
Renato Cruz De Castro: Chúng ta phải xem xét vấn đề thực tế là Trung Quốc đã không thực hiện lời hứa của họ với chính quyền của Tổng thống Duterte rằng họ sẽ giúp Phiippines 24 tỷ đô la. Đó là lời hứa mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra khi Tổng thống Duterte sang thăm Trung Quốc hồi tháng 10. Tất nhiên, chính phủ của Tổng thống Duterte cũng mong đợi là Trung Quốc sẽ điều tiết các hành động của họ ở Biển Tây Philippines nhưng Trung Quốc đã không làm như vậy. Ngoài ra thì cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra vào năm tới nên chính phủ Philippines phải tỏ ra dũng cảm trước Trung Quốc vì họ không nhận được gì từ Trung Quốc cả. Các điều tra ở Philippines cho thấy người dân muốn chính phủ có hành động mạnh với Trung Quốc. Cho nên, theo tôi, điều mà họ đang làm là miễn cưỡng thôi. Bởi vì họ không thể đột ngột quay ngoặt 180 độ vì điều này cho thấy rõ ràng là chính sách hoà hoãn với Trung Quốc của họ đã thất bại và chính phủ này sẽ không bao giờ thừa nhận là chính sách của họ đã thất bại.
RFA: Vậy theo ông, chính phủ Philippines đã chuẩn bị như thế nào để đối phó với tình hình mới ở Biển Đông khi Luật Hải cảnh của Trung Quốc được thông qua?
Renato Cruz De Castro: Tất nhiên, bây giờ thì chúng ta sẽ thấy tàu hải quân Philippines được điều ra đó và tất nhiên là họ dựa vào mối quan hệ đồng mình sẽ giúp họ. Ở đây là quan hệ đồng minh với Mỹ. Còn ASEAN thì không thể trông đợi được gì. Như tôi đã từng nói trước kia ASEAN bị chia rẽ. Philippines là nước duy nhất đã có công hàm ngoại giao phản đối (Luật Hải cảnh của Trung Quốc) trong khi Việt Nam thì chỉ lên tiếng vậy thôi mà không có công hàm phản đối chính thức.
RFA: Luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép nước này được quyền phá huỷ các cấu trúc được xây dựng trên các thực thể mà Trung Quốc đòi chủ quyền. Như ông cũng biết là Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, toàn bộ Trường Sa và Hoàng Sa. Vậy ông đánh giá thế nào về khả năng Trung Quốc sẽ phá huỷ các cấu trúc mà Philippines hay Việt Nam xây dựng ở quần đảo Trường Sa?
Renato Cruz De Castro: Nó sẽ xảy ra tuỳ theo việc Trung Quốc cảm thấy sự phối hợp các lực lượng mà họ có được thế nào. Vì vậy tôi nói với mọi người rằng không nên coi nhẹ quy định này trong luật. Bởi vì những điều tương tự đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Trung Quốc thông qua luật về lãnh thổ và lãnh hải vào năm 1993. Vì vậy chúng ta phải cẩn trọng vì giờ đây họ đang thực hiện luật đó. Khi Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn, họ nói họ chỉ lắp đặt nơi trú cho các ngư dân. Nhưng hơn 25 năm sau thì Đá Vành Khăn được xây dựng thành đảo nhân tạo, và tất nhiên có cả cảng và có cả căn cứ không quân. Đây là một cuộc chiến lâu dài của Trung Quốc. Nó bắt đầu từ một cái gì đó đơn giản nhưng cuối cùng bạn phải theo dõi xem họ sẽ phát triển nó ra sao. Cho nên vấn đề chỉ là thời gian khi nào Trung Quốc sẽ tuyên bố bây giờ chúng tôi sẽ thực thi luật này.
RFA: Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng hành động hiếu chiến ở Biển Đông. Theo ông tại sao họ thông qua Luật Hải cảnh vào lúc này?
Renato Cruz De Castro: Đây là một phần của kế hoạch của họ, dần dần xây dựng lực lượng. Họ đã xây dựng lực lượng hải cảnh. Lực lượng này được trang bị các tàu. Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho lực lượng này là mũi nhọn của cái giáo. Điều này có nghĩa là lực lượng hải cảnh Trung Quốc giờ là mũi nhọn của lực lượng Hải quân Trung Quốc được mở rộng. Và Luật Hải cảnh mới giúp mài nhọn mũi giáo này.
RFA: Theo ông, vai trò của Mỹ như thế nào trong tình hình mới ở Biển Đông khi luật này được thông qua? Liệu Mỹ có đứng nhìn nếu Trung Quốc tiếp tục đâm chìm tàu cá các nước khác, thậm chí nổ súng bắn ngư dân hay phá huỷ các cấu trúc trên các thực thể đang tranh chấp?
Renato Cruz De Castro: Theo tôi vào lúc này Luật Hải cảnh nhắm vào các quốc gia đòi chủ quyền trong khu vực. Chúng ta đang nói đến cái gọi là hoạt động Vùng Xám. Nó không phải là hành động chiến tranh. Tuy nhiên, Philippines và Mỹ có hiệp ước phòng thủ chung. Nếu bạn áp dụng hiệp ước này một cách kỹ thuật và đúng về pháp lý thì những hành động đó không được coi là tấn công công khai vào các cơ sở, tàu của chính phủ.
Tôi nghĩ là Tuần duyên Hoa Kỳ sẽ không sớm thì muộn cũng đến hoạt động ở khu vực này. Đó là điều mà tôi nghe được. Trên thực tế, họ đã điều tàu tuần duyên đến đồn trú tại Nhật Bản và rồi vào Biển Đông để tuần tra. Theo tôi, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc. Tôi đoán là các bạn sẽ thấy hoạt động của tàu tuần duyên Mỹ và Nhật Bản trong khu vực vì Nhật Bản đã nói họ có lợi ích ở đây. Nhật Bản nói với chúng tôi rằng các bạn cần phải cứng rắn vì nếu bạn nhượng bộ, họ sẽ áp dụng điều tương tự với quần đảo Senkaku (do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông đang tranh chấp với Trung Quốc). Ví dụ như điều đã xảy ra ở bãi Scaborough Shoal (do Philippines kiểm soát trước kia) vào năm 2012, sau khi họ thành công chiếm Scaborough Shoal, họ liền áp dụng tương tự với Senkaku, chống lại tuần duyên Nhật ở Senkaku. Cho nên Nhật Bản tỏ ra quan tâm đến việc Trung Quốc áp dụng Luật Hải cảnh ở khu vực Đông Nam Á.
RFA: Vậy với sự hợp tác của Mỹ và Nhật và phản ứng của Mỹ và Nhật thì liệu điều này có làm Trung Quốc phải thận trọng hơn khi áp dụng luật mới?
Renato Cruz De Castro: Như tôi đã nói, Trung Quốc quyết tâm thực hiện luật này. Nếu họ cảm thấy có sự kháng cự họ có thể ngưng một thời gian nhưng cuối cùng họ sẽ vẫn thực thi luật này. Mục đích của luật này là áp dụng chiến thuật Vùng Xám. Lực lượng hải cảnh của Trung Quốc là mũi giáo trong chiến lược bành trướng trên biển của Trung Quốc. Chừng nào mũi giáo đó được mài nhọn thì Trung Quốc sẽ dùng nó để đâm vào bất cứ nước nào đòi chủ quyền trong khu vực.
RFA: Theo ông các nước như Việt Nam và Philippines có thể làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng của luật này, liệu ASEAN có thể làm được gì?
Renato Cruz De Castro: Theo tôi thì chúng ta không thể trông đợi gì từ ASEAN vì họ sẽ không có một lập trường chung về Trung Quốc. Bắc Kinh đã chia rẽ ASEAN. Theo tôi thì chúng ta phải chuẩn bị bằng quan hệ đối tác giữa Philippines và Việt Nam, Philippines và Nhật bản trong vấn đề an ninh. Theo tôi, lựa chọn khả thi hơn là sự hợp tác giữa các quốc gia ven biển vốn sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này. Họ phải tư vấn lẫn nhau, với các nước bao gồm Việt Nam, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, đừng trông đợi vào các nước không có lợi ích ở đây. Thậm chí chúng ta phải hợp tác với cả Đài Loan. Trung Quốc giờ đây đang có các hoạt động hút cát, nạo vét ở đảo mà Đài Loan kiểm soát.
RFA: Ông nghĩ thế nào về khả năng một thoả thuận vùng đánh cá chung giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp để bảo vệ ngư dân?
Renato Cruz De Castro: Nếu bạn muốn làm vậy thì bạn phải tham gia đàm phán song phương với Trung Quốc, mà trước khi tiến hành đàm phán song phương như vậy với họ thì chúng tôi phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở vùng nước tranh chấp. Tính khả thi của giải pháp này thì phụ thuộc vào Trung Quốc. Nó giống như một cái hộp kẹo sô cô la có nhiều lựa chọn mà bạn không biết bạn sẽ nhận được gì khi mở hộp ra.
RFA: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Nguồn: RFA