Liệu ‘Chuỗi ngọc trai’ của Trung Quốc có trải dài từ Biển Đông đến Đại Tây Dương?
December 30, 2021
Bức ảnh không đề ngày tháng này được chụp vào tháng 04/2018 cho thấy hàng không mẫu hạm đang hoạt động của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh (phía trước), ra khơi cùng các tàu khác trong một cuộc tập trận trên biển. Phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin vào ngày 23/04/2018, một đội chiến hạm hải quân Trung Quốc đã tổ chức “diễn tập chiến đấu trực tiếp” ở Biển Hoa Đông, màn phô diễn lực lượng mới nhất của lực lượng hải quân đang phát triển mạnh mẽ của Bắc Kinh tại vùng biển tranh chấp đã chọc giận các nước láng giềng. (Ảnh: AFP/Getty Images).–
Vào thời điểm mười lăm năm trước, thật là thời thượng khi nói về “chuỗi ngọc trai” mới nổi của Trung Quốc: một chuỗi gồm các căn cứ, các hải cảng cùng các cơ sở hàng hải khác trải dài từ Biển Đông, xuyên qua eo biển Singapore-Malacca, qua Ấn Độ Dương, và vươn đến Biển Đỏ.
Tùy vào mức độ Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát một cách không trực tiếp, mà mạng lưới tiếp cận này sẽ cho phép Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN), lực lượng hải quân của quân đội Trung Quốc, hiện diện với mức độ thường xuyên ít hoặc nhiều ở Ấn Độ Dương. Từ đó, PLAN có thể bảo đảm việc Trung Quốc tiếp cận một số tuyến đường giao thông liên lạc (SLOC) quan trọng nhất trên biển, bảo hộ dòng cung cấp năng lượng quan trọng – đặc biệt là dầu thô – từ Trung Đông và bảo vệ các tuyến đường thương mại của Trung Quốc tới Âu Châu.
Tuy nhiên, đã không có “chuỗi ngọc trai” nào như vậy, cho đến khá gần đây. Thật vậy, đối với nhiều người, toàn bộ ý tưởng này vốn [chỉ] là sự hình dung xa vời của phương Tây.
Dạo gần đây, điều đó đã ít mang tính tưởng tượng hơn rất nhiều. Trong thập niên vừa qua, như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, Trung Quốc đã thực hiện một mạng lưới các dự án hàng hải – các bến cảng nước sâu, các cơ sở vận chuyển container, cùng các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng khác đang mở rộng sự hiện diện kinh tế và thương mại của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Trung Quốc đã tài trợ và xây dựng các cảng ở Colombo và Hambantota, ở Sri Lanka; ở Gwadar và Karachi, ở Pakistan; ở Sittwe, Miến Điện (Myanmar); và Seychelles.
Hơn nữa, các công ty Trung Quốc, đặc biệt là đại công ty vận tải Cosco, đang sở hữu cổ phần tại một số cảng thương mại dọc theo các bờ biển phía đông và phía tây của Phi Châu, cũng như là Maldives.
Dĩ nhiên sự gia tăng hoạt động kinh tế này của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương vốn đã nằm trong KẾ HOẠCH. Như trang tin tức Anh ngữ chính thức của PLA đã nêu, “trách nhiệm của PLA ngày nay đã vượt ra ngoài phạm vi bảo vệ các vùng lãnh thổ của Trung Quốc,” đòi hỏi lực lượng này phải “bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở khắp mọi nơi trên thế giới. Các căn cứ quân sự ở ngoại quốc sẽ hỗ trợ tối đa cho Trung Quốc trong việc bảo vệ các lợi ích ngày càng gia tăng ở ngoại quốc.”
Mặc dù PLAN có thể chưa sở hữu một cụm “căn cứ và địa điểm” nhất quán trải dài trên Ấn Độ Dương, nhưng lực lượng này đang gia tăng hơn bao giờ hết thể hiện qua sự hiện diện và các hoạt động của họ trong khu vực. PLAN đang duy trì các cơ sở giám sát ở Pakistan và Miến Điện, đồng thời các tàu của họ tiếp cận một số cảng và căn cứ hải quân ở Ấn Độ Dương để tiếp tế.
Quan trọng hơn thế, căn cứ ở ngoại quốc đầu tiên của Trung Quốc là cơ sở hải quân của họ đặt tại Djibouti, một quốc gia nhỏ bé ở vùng Sừng Phi Châu, nằm ở lối vào phía nam của Biển Đỏ. Được thành lập cách đây khoảng 5 năm, “cơ sở hỗ trợ hậu cần” này của PLAN sở hữu một bến tàu dài 1,120 foot (đủ lớn cho hàng không mẫu hạm của Trung Quốc) và là nơi cư trú của khoảng 1,000 đến 2,000 quân.
Một cơ sở khác của PLAN trên bờ biển phía tây của Phi Châu có thể sớm gia nhập vào căn cứ tại Djibouti này. Một bài báo mới đây trên Wall Street Journal cho biết cộng đồng tình báo Hoa Kỳ ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc có ý định thiết lập một căn cứ hải quân tại Bata, Equatorial Guinea. Hiện Bata đã sở hữu một cảng nước sâu do một công ty Trung Quốc xây dựng.
Nếu đúng như vậy, thì PLAN có thể có được sự hiện diện quân sự thường trực đầu tiên trên Đại Tây Dương, cho phép các chiến hạm Trung Quốc tiếp cận trực tiếp vùng biển phía đông của Hoa Kỳ.
Với sự nhấn mạnh của Trung Quốc vào không chỉ việc mở rộng hoạt động mậu dịch và thương mại quốc tế, mà còn tăng cường ảnh hưởng chính trị của họ trên toàn cầu, không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh đang cố gắng tăng cường khả năng thể hiện sức mạnh bền vững ngày càng vươn ra khỏi lãnh thổ của họ.
Theo ông James Holmes thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, Trung Quốc đang ngày càng “noi theo chỉ dẫn” từ ông Alfred Thayer Mahan, nhà lý luận kiệt xuất về sức mạnh biển vào cuối thế kỷ 19. Theo ông Mahan, sức mạnh hàng hải dựa trên ba trụ cột: nhà máy nội địa và thị trường ngoại quốc; hải quân và đội tàu thương lái; và các trạm hải quân đóng dọc theo các tuyến đường biển quan trọng để hỗ trợ các đội tàu đó. Nói một cách đơn giản nhất, tầm vóc của nó đó liên quan đến thương mại, tàu thuyền, và các căn cứ.
Từ đó, sự hấp dẫn của Trung Quốc đối với việc mở rộng quyền kiểm soát thương mại toàn cầu, như được thể hiện trong BRI và phân nhánh trên biển của họ, là “Con đường Tơ lụa trên Biển.” Chiến lược này cũng thể hiện các lợi ích của Trung Quốc trong việc mở rộng và hiện đại hóa PLAN và biến lực lượng này thành “hải quân viễn dương” (远洋海军, blue-water navy: một lực lượng hải quân có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhất là ở các vùng đại dương xa đất liền và cảng nhà).
Yếu tố thứ ba của mưu đồ Mahanian đòi hỏi có một chuỗi các căn cứ hải quân, hoặc ít nhất là lối vào tiếp cận căn cứ. Đây là lý do tại sao Djibouti rất quan trọng. Nơi này có vị trí chiến lược gần một số tuyến đường vận chuyển tấp nập nhất thế giới, kiểm soát việc tiếp cận Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Nơi đây cũng đóng vai trò là trung tâm tiếp nhiên liệu và trung chuyển chính, đồng thời là cảng hàng hải chính cho hàng hóa xuất nhập cảng sang nước láng giềng Ethiopia.
Việc mở rộng mạng lưới tiếp cận cảng của PLAN tại các quốc gia thân thiện, cùng với các căn cứ hải quân thực thụ trên cả hai bờ biển của Phi Châu, rất phù hợp với lập luận của thế kỷ 19 là “hạm đội đi theo ngọn cờ,” tức là lực lượng hải quân tiến ra ngoài để bảo vệ thương mại toàn cầu của một quốc gia và hoạt động vận chuyển của quốc gia đó.
Dấu chân quân sự toàn cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc ban đầu có thể là kết quả của việc nước này mở rộng các lợi ích kinh tế và thương mại quốc tế. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tham vọng về địa chiến lược và cường quốc đang vượt xa khỏi phạm trù kinh tế. Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc muốn trở thành một siêu cường toàn cầu, với một sự hiện diện rộng khắp toàn cầu, và những tham vọng này đang thúc đẩy các kế hoạch xây dựng cơ sở chuỗi ngọc trai mới của họ.
Bởi vậy, không nên ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc gắng sức thiết lập các căn cứ quân sự, hoặc ít nhất là các thỏa thuận về khả năng tiếp cận, vượt xa khỏi các bờ biển của họ. Điều này có thể sẽ gồm có cả các pháo đài và phi trường tại khu vực Trung Á, và thuê hoặc cho thuê các căn cứ hải quân dọc theo Ấn Độ Dương. Nghiêm trọng hơn, PLA có thể tìm cách thiết lập thêm căn cứ trên lục địa Phi Châu hoặc thậm chí có thể là cả tại Mỹ Latinh (viễn cảnh này có thể xảy ra với Venezuela).
Trong những tình huống như vậy, các lợi ích kinh tế sẽ không còn là vấn đề chủ đạo cho lắm vì nó [chỉ] củng cố thêm các nỗ lực toàn cầu hóa quân sự của Trung Quốc. Lúc này, một “chuỗi ngọc trai” sẽ biến thành một chuỗi xích sắt.
Nguồn: Richard A. Bitzinger @ ePochTimes, Hạo Văn dịch