Úc tăng tốc mua vũ khí quốc phòng trong bối cảnh đe dọa từ Trung Quốc
December 27, 2021
Một bức ảnh chụp xe tăng M1A1 Abrams của Quân đội Úc bắn vào các mục tiêu trong cuộc tập trận Chong Ju tại khu huấn luyện Puckapunyal, Victoria, Úc, vào ngày 17/05/2018. (Ảnh: AAP Image/Được cung cấp bởi Bộ Quốc phòng Úc).–
Úc đang nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ mua sắm thiết bị và công nghệ quốc phòng mới trong bối cảnh môi trường chiến lược đang xấu đi trên toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ Melissa Price đã dẫn đầu những thay đổi, trong đó sẽ liên quan đến việc cắt bỏ các thủ tục hành chính mà trước đây đã kéo dài các cuộc thương lượng của dự án thêm vài năm.
Bà Price nói: “Đối với một dự án mà trước đây phải mất bốn năm, hoặc thậm chí có thể lâu hơn để đạt được sự ký kết hợp đồng, những thay đổi này sẽ giảm thời hạn đó lên đến 12 tháng.”
Việc cung cấp năng lực được cải thiện cho Lực lượng Phòng vệ Úc ( ADF ) được thực hiện sau đợt đánh giá vào tháng 09/2020 đối với quy trình trước đó, với các biện pháp mới hứa hẹn cắt giảm cả thời gian và chi phí tài chính cho các dự án được đánh giá ước lượng trên 20 triệu USD.
Một trong những hợp đồng quan trọng và gần đây nhất của Úc bao gồm thỏa thuận vũ khí trị giá 1 tỷ USD với công ty Hanwha của Hàn Quốc, một hành động sẽ củng cố sức mạnh phòng thủ của Úc với 30 xe pháo tự hành mới và 15 xe cung cấp đạn bọc thép.
Bà Price nói: “Việc thực hiện các khuyến nghị của cuộc đánh giá sẽ cải thiện đáng kể cách thức kinh doanh của quốc phòng.”
Bà Price nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp lý hóa việc mua vũ khí và thiết bị mới trong bối cảnh căng thẳng đang âm ỉ trên quy mô toàn cầu.
“Môi trường chiến lược của chúng tôi đang xấu đi và tạo ra những thách thức mới để chúng tôi vượt qua, vì vậy chúng tôi phải có một hệ thống mua sắm nhanh nhẹn hơn để cung cấp năng lực cho ADF của chúng tôi nhanh hơn và coi ngành như một đối tác căn bản trong việc cung cấp năng lực này.”
Bà nói: “Sự thay đổi này, và các sáng kiến khác được đưa ra tiếp nối bản đánh giá này sẽ giúp ngành công nghiệp [quốc phòng] chuẩn bị tốt hơn và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của quốc phòng và chính phủ.”
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các nền dân chủ trên toàn thế giới.
Bắc Kinh trước đó đã cố gắng trừng phạt Úc bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đối với than đá, rượu vang, lúa mạch, thịt bò, tôm hùm, gỗ, và bông của quốc gia này — một quyết định có động cơ chính trị được đưa ra sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Trung Cộng
Nhưng Úc đã không ngừng đẩy lùi sự chèn ép của ĐCSTQ, với Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton trước đó đã cáo buộc ĐCSTQ tung ra những ngôn luận sáo rỗng về hòa bình.
Ông Dutton nói: “Đến giờ, tất cả chúng ta đều quen thuộc với những tuyên bố thường xuyên của Chính quyền Trung Quốc rằng họ cam kết vì hòa bình, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, chúng ta đều thấy được sự khác biệt đáng kể giữa lời nói và hành động, giữa luận điệu và thực tế.”
Ông Dutton cũng đã nhận xét về các sự kiện gây hấn đã diễn ra trên toàn thế giới.
Ông Dutton nói: “Chúng ta đang đối mặt với những thách thức bao gồm hiện đại hóa quân sự nhanh chóng, căng thẳng về yêu sách lãnh thổ, chèn ép kinh tế, phá hoại luật pháp quốc tế, … tăng cường thông tin sai lệch, can thiệp ngoại quốc, và các mối đe dọa qua mạng.”
Cụ thể, ông Dutton cho thấy việc vi phạm các thỏa thuận quốc tế của Bắc Kinh sau khi nước này xây dựng 20 tiền đồn trên đảo nhân tạo ở Biển Đông (South China Sea), điều phản lực cơ quân sự vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, sử dụng tàu đánh cá của lực lượng dân quân trong vùng biển của Philippines, và leo thang căng thẳng biên giới giữa cả Ấn Độ lẫn Nhật Bản.”
Ông cũng chỉ trích công khai Bắc Kinh vì quyết định tước bỏ các thể chế dân chủ của Hồng Kông, các hoạt động không gian mạng nhằm vào các chính phủ và thể chế thương mại ngoại quốc, cũng như tuyên truyền chống Úc xoay quanh sứ mệnh gìn giữ hòa bình của quân đội Úc ở Afghanistan.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng cũng nhận thức được rằng Úc phải tránh can dự vào xung đột với ĐCSTQ.
Ông Dutton nói: “Mọi thành phố lớn ở Úc, bao gồm cả Hobart, đều nằm trong tầm bắn của hỏa tiễn Trung Quốc. Lập trường của Úc rất rõ ràng: phải tránh xung đột.”
Ông Daniel Khmelev là một phóng viên người Úc có trụ sở tại Perth về năng lượng, công nghệ và chính trị. Ông có bằng cử nhân toán, vật lý và khoa học máy tính.
Nguồn:
Daniel Khmelev@ePochTimes, Bình Hòa biên dịch