TNS Cruz: Chính quyền Biden vội vàng ‘bám chặt’ vào Bắc Kinh
February 6, 2021
Chính quyền Biden đang vội vàng bám chặt vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một chính sách mà Thượng nghị sĩ (TNS) Cộng hòa Ted Cruz (bang Texas) gọi là “nguy hiểm” trong một video ông đăng tải trên mạng xã hội gần đây. Qua video này, TNS Cruz muốn thu hút sự chú ý tới phát biểu gần đây của những người được ông Biden chọn vào Nội các mới.
Mối quan hệ ấm lên giữa chính quyền Biden và chế độ Trung Quốc đã nổi lên trong những tuần đầu sau ngày nhậm chức 20/1. Điều này dấy lên quan ngại của ngoại giới cho rằng ông Biden sẽ đảo ngược lại nhiều năm nỗ lực đối phó với ĐCSTQ của chính quyền tiền nhiệm. Dưới chính quyền Trump, Hoa Kỳ đã bắt đầu phản ứng với chiến lược “chiến tranh không giới hạn” của Bắc Kinh thông qua việc tăng cường khẩu chiến và leo thang các biện pháp đối phó.
Ông Cruz đã nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng Trung Quốc “đặt ra mối đe dọa địa chính trị đơn lẻ lớn nhất đối với Hoa Kỳ trong thế kỷ tới”.
“Chúng ta cần những nhà lập pháp nghiêm túc, có nhãn quan tinh tường để đối phó với mối đe dọa đó”, ông Cruz nói thêm. “Một trong những dạng thức đáng lo lắng mà chúng ta đã đang nhìn thấy ở hết người chỉ định này của ông Biden đến người chỉ định khác của ông ta là sự vội vàng của họ trong việc bám chắc vào những nhân tố tồi tệ nhất của ĐCSTQ. Tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng nghiệp của mình để bảo vệ an ninh quốc gia của đất nước chúng ta”.
The Epoch Times đã liên lạc với chính quyền Biden để yêu cầu bình luận về các phát biểu của TNS Cruz, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Về nhận định của ông Ted Cruz, The Epoch Times đã tìm hiểu về một số thành viên Nội các của ông Biden và có thông tin như sau:
Ngoại trưởng Antony Blinken, trong ngày đầu tiên chính thức được Thượng viện xác nhận chức vụ, đã nói với báo giới rằng mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc “có thể nói là mối quan hệ quan trong nhất mà chúng ta có trên thế giới”.
Ông Blinken đã nói ông ưu tiên hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu và các vấn đề khác mà hai nước cùng có cách nhìn chung, đồng thời ông cũng công nhận việc chính quyền tiền nhiệm đã liệt Trung Quốc phạm tội diệt chủng người Hồi giáo tại Tân Cương.
Thống đốc Gina Raimondo, đề cử của ông Biden cho vị trí Bộ trưởng Thương mại đã lên tiếng từ chối tiếp tục liệt Tập đoàn Huawei Trung Quốc trong Danh sách Thực thể của Bộ Thương mại. Các doanh nghiệp bị liệt vào danh sách này sẽ không được mua công nghệ của Mỹ.
Một đề cử khác của ông Biden, bà Linda Thomas-Greenfield với vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đang bị chỉ trích về các phát biểu từ năm 2019 tại một sự kiện của Viện Khổng Tử Trung Quốc.
Tại sự kiện của Viện Khổng Tử năm 2019, bà Greenfield đã phát biểu tích cực về Trung Quốc. Bà nói với những người tham dự rằng Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi theo nhiều cách khác nhau, bao gồm các dự án đường sắt và phát triển cơ sở hạ tầng khác. Bà nói thêm rằng châu Phi sẽ không thể thu được lợi ích nếu có sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bà cũng nói Hoa Kỳ nên “học hỏi Trung Quốc và thành công của nước này tại châu Phi”.
Ông Alejandro Mayorkas, hiện đã được Thượng viện chuẩn thuận làm Bộ trưởng An ninh Nội địa “đã bị cáo buộc lạm dụng quyền lực để đem đến những ưu tiên chính phủ đặc biệt đối với những thành viên Đảng Dân chủ có quan hệ lợi ích tốt, từ đó dẫn tới việc một quan chức cấp cao của Huawei lấy được thị thực EB-5”, The Epoch Times lấy thông tin từ văn phòng của TNS Cruz.
The Epoch Times cũng chỉ ra một số hành động của chính quyền Biden gần đây sẽ mang lại lợi ích cho ĐCSTQ.
Dưới trào Biden, Hoa Kỳ sẽ tái gia nhập thỏa thuận Khí hậu Paris. Trung Quốc là nhà tài phiệt tài chính lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia xây dựng cả cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo trên khắp thế giới, theo Climate Action Tracker. Trung Quốc cũng là nước phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới.
Hoa Kỳ bây giờ cũng sẽ tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cựu Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc WHO từ chối thực hiện cải cách theo khuyến nghị của Washington, trong đó có việc cung cấp bằng chứng về sự độc lập của WHO với ĐCSTQ. Từ khi đại dịch virus corona bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán – Trung Quốc, WHO đã lặp lại những tuyên bố của chế độ Trung Quốc. WHO ban đầu đã nói lại y nguyên những tuyên bố chính thức của chế độ Trung Quốc, trong đó có nhận định virus corona có ít hoặc không có rủi ro truyền nhiễm từ người sang người.
Chính quyền Biden cũng đang trì hoãn lệnh cấm đầu tư liên quan đến quân đội Trung Quốc. Tại Trung Quốc, một số công ty nhất định có tên giống nhau, nhưng không được xác định chính thức là các công ty của quân đội ĐCSTQ. Dưới chính quyền Biden, Bộ Tài chính đang tạm thời cho phép Mỹ tiếp tục đầu tư vào các công ty Trung Quốc này.
Nguồn: Đức Thiện@TrithucVN (Theo The Epoch Times)