« Khủng hoảng tầu ngầm » tạo cớ để Bắc Kinh chạy đua vũ trang
September 22, 2021
Cuộc diễu binh phô ương sức mạnh quân sự nhân quốc khánh lần thứ 60 của Trung Quốc, ngày 01/10/2009, Bắc Kinh. REUTERS – David Gray.–
Ngày 15/09/2021, liên minh AUKUS Mỹ-Anh–Úc ra mắt. Sáng kiến gây ấn tượng đầu tiên của AUKUS, việc Mỹ và Anh sẽ « hỗ trợ » Úc để Canberra có tàu ngầm hạt nhân, gây phấn chấn cho những người lo ngại tham vọng bành trướng nguy hiểm của Trung Quốc. Nhưng cũng có nhiều cảnh báo là hợp tác này có thể bị Bắc Kinh sử dụng như một cái cớ để gia tăng chạy đua vũ trang. Châu Á – Thái Bình Dương và Biển Đông sẽ ngày càng trở nên nguy hiểm trong bối cảnh này.
Với việc cam kết trang bị cho Úc các tầu ngầm chiến đấu chạy bằng năng lượng hạt nhân, Mỹ và Anh vừa phá vỡ một điều cấm kỵ vốn tồn tại trong nội bộ 5 quốc gia thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An ( Anh, Nga, Mỹ, Pháp và Trung Quốc): Không bao giờ chuyển giao công nghệ và nguyên liệu hạt nhân của mình cho một quốc gia bên ngoài. Quyết định nói trên của Mỹ và Anh là một thay đổi mang tính chiến lược quan trọng. Theo chuyên gia về chính trị quốc tế Pháp Renaud Girard, ngoài việc phá vỡ nguyên tắc « không phổ biến hạt nhân », quyết định của Mỹ và Anh trên thực tế đã xác lập một tình thế hoàn toàn mới tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương (Le Figaro, 21/09/2021).
“Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương thứ hai đã bắt đầu”
Chuyên gia Renaud Girard gọi đây là sự khởi đầu của một « cuộc chiến tranh thứ hai tại khu vực Thái Bình Dương ». Lần này, đối thủ của khối Anh – Mỹ không phải là nước Nhật đế quốc thời đệ nhị thế chiến, mà là Trung Quốc, siêu cường đang lên, có tham vọng đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ khỏi khu vực từ vịnh Bengale đến quần đảo Hawai, tây Thái Bình Dương. Đây là một cuộc « chiến tranh » tạm thời không có giao tranh trên chiến trường, mà là cuộc đọ sức với tương quan sức mạnh, các đòn hù dọa, các phương tiện tấn công phi truyền thống, như tin tặc…
Theo Ali Wyne, nhà phân tích chính của Eurasia Group, viện tư vấn về nguy cơ chính trị có trụ sở tại New York, thì « thế cân bằng sức mạnh quân sự hiện nay (tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương) chắc chắn sẽ ngày càng bị phản bác » (phát biểu ngày 20/09/2021 trên CNBC). Trước « thỏa thuận tầu ngầm hạt nhân Úc », « cán cân quân sự trong vùng đang được thu hẹp lại theo hướng có lợi cho Bắc Kinh », theo nhận định của chuyên gia viện Eurasia Group. Nay, với thỏa thuận này, « thế cân bằng sẽ nghiêng về phía bất lợi hơn cho Trung Quốc ».
Biển Đông – tâm điểm của thế đối đầu
Ông Ali Wyne lưu ý, cho dù hạm đội tầu ngầm nguyên tử sẽ chỉ được Mỹ – Anh cấp cho Úc trong thập niên 2030, nhưng trong khoảng thời gian từ nay đến đó, Bắc Kinh sẽ phải tăng cường hiện đại hóa quân đội, để bù lấp khoảng cách trong tương lai. Phát biểu trên CNBC, chuyên gia về chính trị và an ninh quốc tế Michael Klare, giáo sư trường Hampshire College, Hoa Kỳ, dự báo các căng thẳng của xu thế chạy đua vũ trang này sẽ thêm vào các căng thẳng quân sự vốn có hiện nay tại châu Á, đặc biệt tại khu vực Biển Đông và hai bên bờ eo biển Đài Loan. Bắc Kinh dứt khoát sẽ có những biện pháp đã đáp trả quyết định của Mỹ-Anh-Úc với liên minh AUKUS.
Trong lúc nhà phân tích của Eurasia Group lưu ý đến nguy cơ bùng phát xung đột do tính toán sai lầm tăng cao trong bối cảnh chạy đua vũ trang, chuyên gia Michael Klare khẳng định hiệp ước an ninh Mỹ – Anh – Úc có thể không phải là « một con đường hướng đến hòa bình và ổn định » tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Thái độ của các quốc gia ASEAN ven Biển Đông về Liên minh AUKUS có thể cho thấy tính chất cực kỳ nhạy cảm của hợp đồng tầu ngầm hạt nhân Úc nói riêng và liên minh đối đầu với Trung Quốc nói chung. Theo nhà phân tích chính trị khu vực Sebastian Strangio trên báo mạng The Diplomat (ngày 17/09/2021), có khả năng « những quốc gia đang đối mặt với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ âm thầm ủng hộ động thái này, bởi điều này sẽ khiến người Trung Quốc phải trả giá cao hơn cho bất kỳ hoạt động phiêu lưu quân sự nào của Trung Quốc ». Tuy nhiên, « mặc dù AUKUS có thể giúp ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc và giảm khả năng xảy ra xung đột, nhưng liên minh này cũng đảm bảo rằng một cuộc xung đột như vậy, nếu nổ ra, sẽ tàn khốc hơn nhiều. Và khu vực Đông Nam Á, vốn nằm ở trung tâm của vùng ‘‘Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’’, có thể hình dung được sẽ nằm ở tiền tuyến của cuộc đọ sức ».
Ẩn số quan hệ Liên Âu – Hoa Kỳ
Làm thế nào để việc phát triển các phương tiện an ninh – quốc phòng nhằm đối phó và răn đe các tham vọng sử dụng vũ lực của Trung Quốc, nhưng không trở thành cái cớ để thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm tại khu vực, mà ngày càng nhiều chuyên gia lo ngại có thể trở thành nơi bùng phát Thế chiến thứ Ba ? Đây là một thách thức hàng đầu đối với khối các quốc gia dân chủ hiện nay.
Một ngày sau khi Mỹ – Anh – Úc lập liên minh mới tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương lấy mặt quân sự làm chủ đạo, lấy đối đầu với Trung Quốc làm trọng tâm, Liên Hiệp Châu Âu công bố chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, lấy hợp tác làm nền tảng, hợp tác kinh tế đi kèm với việc cổ vũ cho các giá trị dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền. Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Liên Hiệp Châu Âu, nhà đầu tư bên ngoài số một tại khu vực, cho thấy khối 27 nước đang tìm kiếm một cách tiếp cận riêng, không trùng khớp với chiến lược của Mỹ. Theo nhiều nhà quan sát, khả năng phối hợp giữa các liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo với Liên Âu tại Ấn Độ – Thái Bình Dương là ẩn số lớn có ý nghĩa hàng đầu đối với những xu thế chiến tranh – hòa bình trong tương lai của khu vực.
Nguồn: RFI/Trọng Thành