Liên minh AUKUS: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
September 21, 2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson ở Nhà Trắng hôm 15/9/2021.–
Thiết lập AUKUS để chống Trung Quốc
Mới đây, một sự kiện đã khiến dư luận thế giới chấn động, đó là việc Mỹ, Anh và Australia vừa công bố hình thành Hiệp ước an ninh đặc biệt “Đối tác an ninh ba bên” (AUKUS) gắn liền với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng hầu như tất cả mọi người đều nghĩ rằng, những diễn biến dẫn đến việc hình thành AUKUS phần lớn là do Trung Quốc. Chính sức ép mà Trung Quốc đã tạo ra đối với Australia, ví dụ nổi bật nhất gần đây là cú đáp trả của Bắc Kinh trước lời kêu gọi của Australia tiến hành cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19. Cách thức Bắc Kinh “đánh đòn” Canberra đã khiến Australia nhận thấy nhu cầu cấp thiết trong việc tìm cách đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc.
AUKUS là khuôn khổ hợp tác đa phương mới nhất mà chính quyền Biden đang thúc đẩy trong bối cảnh Mỹ ngày càng cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc trong các lĩnh vực từ quân sự, kinh tế đến công nghệ.
Nội dung thoả thuận trong AUKUS gồm những gì?
Thỏa thuận liên quan việc chia sẻ thông tin và công nghệ trong một số lĩnh vực, trong đó gồm cả tin tức tình báo và công nghệ lượng tử, cũng như việc mua bán tên lửa. Nhưng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là điểm then chốt. Điểm cần lưu ý đây là các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chứ không sử dụng vũ khí hạt nhân. Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định: “Tôi cần phải làm rõ rằng Australia không tìm cách có vũ khí hạt nhân hoặc thiết lập năng lực hạt nhân phục vụ mục đích dân sự”.
Nhưng tại sao lại là tàu ngầm hạt nhân? Nói một cách đơn giản, vấn đề ở đây liên quan đến phạm vi hoạt động, khả năng tàng hình và sức mạnh. Một tàu ngầm diesel không có đủ phạm vi hoạt động hoặc sức bền để đi từ Australia đến một nơi nào đó như Biển Đông hoặc eo biển Malacca và ở duy trì trên biển lâu dài, nhưng một tàu ngầm hạt nhân thì có đủ những khả năng đó. Tàu ngầm hạt nhân có khả năng tàng hình tốt hơn, khó bị phát hiện hơn vì không phải chạy gần bề mặt để sạc lại pin và có tốc độ tránh nguy hiểm nếu nguy cơ bị phát hiện ở mức cao. Michael Shoebridge, Giám đốc Quốc phòng, Chiến lược và An ninh Quốc gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói: “Một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có năng lực phòng vệ ghê gớm và do vậy có thể bao quát được cả khu vực. Chỉ có 6 quốc gia trên thế giới có thể có tàu ngầm hạt nhân. Thực sự, chúng có khả năng ngăn chặn cực kỳ mạnh mẽ mà không cần dùng vũ khí hạt nhân”.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2020 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang vận hành 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 50 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel. https://www.youtube.com/embed/foWUFhvphZM
Ý nghĩa của việc thành lập AUKUS
Thứ nhất, AUKUS sẽ có những ý nghĩa về mặt địa chiến lược vì nó củng cố một cách hữu hình các mối quan hệ đồng minh gần gũi nhất mà Mỹ chia sẻ với các đồng minh ở cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu – đặc biệt là Anh và Australia. một đồng minh châu Âu của Mỹ đang cùng một đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ hợp tác để cùng nhau phát triển các năng lực dưới biển và tuần tra các vùng biển ở Thái Bình Dương. Điều này báo hiệu cho Trung Quốc rằng, cũng giống như các đồng minh của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng đang nghiêm túc nhìn nhận các hoạt động quân sự mang tính cưỡng ép của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương (ví dụ như chống lại Đài Loan và các hoạt động quân sự ở Biển Đông).
Thứ hai, AUKUS sẽ có ý nghĩa quân sự quan trọng, giúp tăng cường khả năng của các liên minh do Mỹ dẫn đầu trong việc ngăn chặn các hành động cưỡng ép quân sự của Trung Quốc ngay cả khi các năng lực của Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng.
Thứ ba, Peter J. Dean – thành viên cấp cao tại Trung tâm Scowcroft, Giám đốc Viện Quốc phòng và An ninh của trường Đại học Tây Australia- cho rằng AUKUS là một bước tiến lớn đối với tất cả các bên. Ông cho rằng mặc dù Australia là nước sẽ được hỗ trợ phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng quyết định này còn thể hiện chính quyền Biden sẵn sàng trao quyền cho các đồng minh chủ chốt bằng công nghệ quân sự tiên tiến mà cho đến nay Mỹ vẫn chưa sẵn sàng chia sẻ. Đây là lần thứ hai Mỹ chia sẻ công nghệ hạt nhân với một quốc gia khác sau lần đầu là với Anh vào năm 1958. Một quan chức Mỹ cho biết việc chuyển giao công nghệ như vậy khó có thể xảy ra một lần thứ ba. Họ giải thích: “Đây là công nghệ cực kỳ nhạy cảm. Có thể nói nói, đây là một ngoại lệ đối với chính sách của Mỹ ở nhiều khía cạnh”, đồng thời nhấn mạnh rằng quá trình trang bị cho Lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) các tàu ngầm hạt nhân sẽ vừa là thách thức vừa là điểm nhấn quan trọng. Tuy nhiên, Australia hiện không có cơ sở hạ tầng hạt nhân nội địa. Dù chính phủ Australia đã cam kết sẽ phát triển cơ sở hạt nhân trong nước theo hướng này nhưng đây sẽ phải là một nỗ lực bền bỉ trong nhiều năm.
Thời điểm ký thỏa thuận AUKUS cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thỏa thuận được đưa ra chỉ một tháng sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, khiến cho có những nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với châu Á. Anh cũng sốt sắng muốn tham gia nhiều hơn vào châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt sau khi nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn Australia thì ngày càng lo ngại về mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc.
Guy Boekenstein, Giám đốc cấp cao của bộ phận quốc phòng và an ninh quốc gia của chính quyền Vùng lãnh thổ Bắc Australia, nói: “Đây là một ‘chuyện lớn’ bởi nó thực sự cho thấy cả 3 quốc gia này đang vạch ra ranh giới nhằm bắt đầu đối phó với những hoạt động hung hăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nó cũng công khai cho thấy quan điểm chung của chúng tôi về vấn đề này và sự cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và an toàn, điều trong vòng 70 năm qua đã đem lại sự thịnh vượng cho toàn khu vực, bao gồm cả sự phát triển kinh tế của Trung Quốc”.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ben Sasse cho biết thỏa thuận này “gửi đi một thông điệp rõ ràng về sức mạnh tới Chủ tịch Tập Cận Bình”. Ông nói: “Tôi sẽ luôn hoan nghênh những bước đi cụ thể để chống lại Bắc Kinh và đây là một trong số đó”.
AUKUS tác động gì đến biển Đông và Việt Nam?
Thỏa thuận AUKUS cho thấy Mỹ, Australia và Anh coi Biển Đông là địa điểm chính cho cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd lưu ý chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cần làm rõ xem liệu Mỹ có yêu cầu các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia sẽ được triển khai để hỗ trợ Mỹ trong bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến Đài Loan hoặc Biển Đông hay không. Về câu hỏi này, ngày 17/9 Mỹ khẳng định không đưa ra yêu cầu “có đi có lại”.
Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á khá khác nhau trước vấn đề này. Các quốc gia có quan điểm tích cực về vấn đề biển Đông như Việt Nam, Philippines, Singapore cảm thấy việc ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc là điều đáng mừng, cho dù họ không công khai bày tỏ như vậy.
Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á khác lo ngại rằng thỏa thuận AUKUS là một tín hiệu rõ ràng cho thấy phương Tây sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc bằng cách kết nạp Australia vào “câu lạc bộ hạt nhân”.
Cả Indonesia (nhà lãnh đạo không chính thức của ASEAN) và Malaysia đều lo ngại AUKUS cũng sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Đây cũng sẽ là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam, quốc gia luôn khẳng định việc không chọn bên nào giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam đang cố gắng cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Mối quan hệ giữa hai Đảng cộng sản, hai chính quyền Việt – Trung đã được thiết lập từ lâu, còn Mỹ đã từng là cựu thù. Tuy vậy, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã nhanh chóng phát triển. Đặc biệt, người dân Việt Nam tỏ rõ thái độ “thích Mỹ, ghét Trung”. Điều này cũng phần nào tác động lên chính sách đối ngoại của Việt Nam. Một quan chức Mỹ đã phát biểu rằng, AUKUS sẽ sớm thúc đẩy quan hệ với các đối tác tiềm năng, mà Việt Nam sẽ là một đối tác như vậy. Những tác động mà AUKUS mang lại sẽ khiến có những dịch chuyển trong trật tự toàn cầu. Trong một thế giới phức tạp như hiện nay, điều duy nhất đảm bảo Việt Nam duy trì được vị thế của mình, ngoài việc cân bằng giữa các cường quốc, thì điểm then chốt phải là nâng cao sức mạnh của chính mình.
Cựu Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc mới đây có chia sẻ trên Facebook của ông ta về một kỷ niệm hồi năm 1993 với Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Ông Lý Quang Diệu đã nói với ông Phúc năm đó là: “Bao giờ mà các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản giữ vị trí là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam thì các ông mới thành công! Muốn thế thì các ông phải có một môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch!..Muốn vậy các ông phải có một chính quyền mạnh từ cấp lãnh đạo cho đến người thực thi! Muốn vậy thì chính quyền của các ông phải gồm những người giỏi và sạch sẽ nhất.”
Cho đến giờ, những nhận định của ông Lý Quang Diệu vẫn đúng cho Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn chưa làm được những gì ông Lý Quang Diệu đã góp ý.
Nguồn: RFA/Nguyễn Ngọc Phương Đoan