Trung Quốc gia tăng “chiến thuật vùng xám” ở Biển Đông
August 31, 2021
Ngày 29/8, trong một động thái có thể ảnh hưởng đến hoạt động tự do đi lại của các tàu quân sự và thương mại trên Biển Đông, giới chức Trung Quốc cho biết sẽ yêu cầu các tàu “báo cáo thông tin” khi đi qua khu vực mà Trung Quốc coi là “lãnh hải” của nước này, bắt đầu từ ngày 1/9/2021 (1).
Dù vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có kế hoạch thực thi quy định mới này không và thực thi như thế nào và ở đâu, nhưng Cục An toàn hàng hải Trung Quốc vẫn thông báo “các nhà khai thác tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác phải báo cáo thông tin chi tiết khi đến lãnh hải Trung Quốc.”
Theo thông báo, ngoài các tàu trên, bất kỳ tàu nào bị xem là “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc” cũng sẽ phải báo cáo thông tin, bao gồm tên, biển báo, vị trí hiện tại, cảng đến kế tiếp và thời gian đến dự kiến. Các tàu cũng sẽ phải cung cấp thông tin về hàng hóa và trọng tải tịnh của tàu. Thông báo cho biết: “Sau khi đi vào lãnh hải của Trung Quốc, nếu hệ thống nhận dạng tự động của tàu hoạt động tốt thì không cần phải báo cáo. Tuy nhiên, nếu hệ thống nhận dạng tự động không hoạt động tốt thì tàu đó phải báo cáo hai giờ một lần cho đến khi rời khỏi lãnh hải Trung Quốc”.
Báo chí Trung Quốc lưu ý rằng Cục An toàn hàng hải Trung Quốc “có quyền xua đuổi hoặc từ chối cho phép tàu tiến hành vào vùng biển của Trung Quốc nếu tàu đó bị cho là đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc”.
Trên Facebook cá nhân của nhà nghiên cứu Phạm Thắng Nam có thông tin cho biết, có bốn tàu khảo sát hay là nghiên cứu (trá hình) của Trung Quốc đã liên tục xâm phạm vùng biển của Việt Nam trong tháng 8 (2).
Hồi đầu năm nay, khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, đồng thời sử dụng nhiều tàu cá bao vây Đá Ba Đầu, các nhà nghiên cứu đã nhận định đây là chỉ dấu cho việc Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng áp dụng “chiến thuật vùng xám” tại Biển Đông trong thời gian tới.
Từ 2009 trở lại đây, Trung Quốc đã ngày càng gia tăng các hành động hung hăng trên biển Đông. Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc vẫn là độc chiếm biển Đông. Tuy nhiên, để tránh sự công kích từ Mỹ và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã sử dụng “chiến thuật vùng xám” để vẫn đạt được mục đích mà không bị coi là “xâm chiếm bằng vũ lực.”
Đặc biệt, Mỹ và các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông đang gặp khó khăn trong việc đối phó với chiến thuật “vùng xám” của Bắc Kinh.
Các vấn đề chính trị, pháp lý và ngoại giao đã hạn chế khả năng đối phó của Hải quân và các tàu tuần duyên Mỹ đối với các chiến thuật này của Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền hầu như không có đủ lực lượng hàng hải để chống lại các chiến thuật này. Các tổ chức khu vực như ASEAN gần như chắc chắn sẽ không bao giờ đối phó được với việc Trung Quốc sử dụng đội tàu đánh cá vũ trang tại Biển Đông vì một số thành viên ASEAN “thân” với Bắc Kinh.
Chiến lược phản ứng lại chiến thuật vùng xám
Là một quốc gia nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều, tiềm lực trên biển của Việt Nam cũng khó có thể so sánh với Trung Quốc được. Chính vì vậy, để bảo vệ các lợi ích biển của mình trước chiến thuật vùng xám của Trung Quốc, Việt Nam cần phải sử dụng một biện pháp tổng hợp cả về ngoại giao, pháp lý và trên thực địa.
Trong sự kiện giàn khoan năm 2014, Việt Nam đã áp dụng thành công các biện pháp: Một mặt, Việt Nam duy trì lực lượng cảnh sát biển đeo bám quyết liệt Giàn khoan, không cho thực hiện các hành vi như khoan thăm dò tại đây, nhưng cũng không tạo cớ cho Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng Hải quân của họ để đe doạ như họ đã làm với Philippines trong Sự kiện Scarborough năm 2012. Mặt khác, Việt Nam mời tất cả báo chí quốc tế ra tận thực địa để họ có thể đưa thông tin rộng rãi ra khắp thế giới, đồng thời, Việt Nam tích cực yêu cầu sự lên tiếng từ công luận thế giới. Nhờ vậy, Việt Nam đã giữ vững được vùng biển của mình trước sự đe doạ xâm chiếm bằng “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc năm 2014.
Chính vì vậy, chiến lược sắp tới của Việt Nam trong việc chống lại “chiến thuật vùng xám”, đó là:
Về ngoại giao, Việt Nam cần tiếp tục thể hiện rõ vai trò tích cực trong khối ASEAN để thúc đẩy quá trình đàm phán COC, hướng tới một COC hiệu quả, thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế. COC phải có sự ràng buộc về mặt pháp lý, trong đó cần nêu rõ các nước không được xây dựng đảo nhân tạo; không được quân sự hóa các thực thể; không chặn các tàu chở hàng tiếp tế hoặc luân chuyển nhân sự; không thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ); không đe dọa sử dụng vũ lực khi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các cường quốc trong khu vực và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo, cung cấp phương tiện, trang bị bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lực lượng hải quân nên mở rộng tham gia diễn tập quốc tế (RIMPAC) để hội nhập sâu hơn cũng như xây dựng các mạng lưới đối tác ở khu vực.
Cụ thể, Việt Nam cần tăng cường các chuyến thăm và tập trận chung với các tàu chiến của Mỹ, Nga, Ấn Độ, Canada, Nhật Bản… tại khu vực biển của mình.
Ngoài ra, Việt nam cần tranh thủ các diễn đàn quốc tế, khu vực để đấu tranh bảo vệ các lợi ích biển của mình, phân tích rõ ý đồ trong “chiến thuật vùng xám”, làm rõ những nguy cơ của Luật Hải cảnh Trung Quốc ra sao.
Về pháp lý, mặc dù Việt Nam luôn chủ trương thỏa thuận giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, nhưng trong các biện pháp hoà bình có biện pháp khởi kiện Trung Quốc ta Toà án Quốc tế như Philippines đã làm. Đây cũng là một biện pháp quan trọng khiến Trung Quốc phải chùn bước phần nào.
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, dân quân biển cần được đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để hiện đại hóa trang thiết bị. Đơn cử, để đối phó với “chiến thuật vùng xám” và các tàu hải cảnh Trung Quốc thì Việt Nam cần đóng mới, mua sắm các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư lớn hơn, trang bị hiện đại hơn. Đồng thời, các lực lượng phải luôn chuẩn bị, không để xảy ra bị động, bất ngờ trên Biển Đông.
Việt Nam cần luôn luôn duy trì sự có mặt của các lực lượng lao động hòa bình trên biển, để khẳng định chủ quyền một cách vững chắc. Các lực lượng chấp pháp luôn sẵn sàng có mặt để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân khi cần thiết.
Về lâu dài, chiến lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo vững chắc nhất là phát triển thành quốc gia có kinh tế biển giàu mạnh, với những hạm đội tàu thương mại và quân sự hùng mạnh.
Nguồn: RFAhttps://www.youtube.com/embed/GMn76e3xsLk