Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận khuyết điểm, rồi sao nữa?
August 1, 2021
Xe quân đội phun thuốc khử trùng trên một con phố ở Hà Nội vào ngày 26 tháng 7 năm 2021 như một biện pháp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus Covid-19..–
Thừa nhận khuyết điểm của hệ thống chính trị
Tại hội nghị trực tuyến Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM hôm 25 tháng 7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu: “16 ngày qua chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng cũng còn rất nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được. Đó là niềm đau chung, là khuyết điểm của hệ thống chính trị, khuyết điểm của người đứng đầu các cấp. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ”.
Theo ông Nên, việc thực hiện Chỉ thị 16 thực sự khó khăn. Vì chưa có tiền lệ nên không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế, khuyết điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện. Việc giãn cách của người dân không hoàn toàn nghiêm túc làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch.
Nhà báo tự do Phạm Minh Vũ nêu nhận định của mình với RFA qua ứng dụng Facebook Messenger vào tối 27 tháng 7:
“Tôi cho rằng, ông Nên chỉ thực hiện đúng một việc (hay còn gọi là nhiệm vụ chính trị do Đảng giao) trong cái gọi là “lời xin lỗi” này, đó là xả bớt van của quả bóng phẫn nộ trong toàn Dân đang sắp chạm ngưỡng. Cả xã hội đang cảm thấy bức xúc vì sự yếu kém và thất bại hoàn toàn trong công tác chống dịch, mà lỗi đó do cả hệ thống chính trị chịu trách nhiệm.
Nhưng trong lời xin lỗi lại có mâu thuẫn khi ông Nên cho rằng làm được nhiều việc, cứu nhiều người mà lại viện dẫn thêm cái chưa làm được. Khi đã khẳng định làm được thì làm sao tồn tại ý nghĩa “không làm được” trong đó. Tôi nghĩ lời xin lỗi này nặng nhiệm vụ chính trị hơn là thật tâm xin lỗi. Xin lỗi nghĩa là nhận sai. Nhận sai thì phải sửa sai, đằng này lại duy trì cái sai ấy và nâng mức độ cái sai lên cao hơn thì xin lỗi để làm gì?!
Tôi cho rằng, việc cần làm lúc này là hỗ trợ người Dân khó khăn trong dịch bệnh, xem xét giải tán khu cách ly bỏ phong tỏa để Nhân dân được duy trì cuộc sống. Cứ xong một lệnh phong tỏa thì tình hình lại nghiêm trọng hơn thì phong tỏa, giới nghiêm để làm gì? Thay vì xin lỗi ông Nên hành động thì tốt hơn.”
Lời xin lỗi của ông Nguyễn Văn Nên được coi là một cú gây sốc trong những thông tin giữa lúc người dân đang tức giận và mệt mỏi bởi những bất cập diễn ra trong đại dịch với cách quản lý của Nhà nước. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, lời xin lỗi này không hàm chứa bất kỳ điều gì mang tính thay đổi cho những sai lầm của họ như họ nêu. Nó có vẻ như họ mong dân chúng đừng tức giận.- Blogger Tuấn Khanh
Có lẽ đây là lần đầu tiên người dân thành phố được nghe một vị lãnh đạo thừa nhận khuyết điểm của hệ thống chính trị. Điều tiếp theo người dân chờ đợi là sẽ sửa chữa khuyết điểm như thế nào lại không được ông Nên nói tới. Có người cho rằng lời xin lỗi của ông Nên không thành tâm, mà là một nhiệm vụ chính trị. Có người lại cho rằng, lời xin lỗi của ông Nên là thật lòng, nhưng chỉ từ cá nhân ông Nên chứ không phải từ cả hệ thống, nên ông bất lực trong cách sửa chữa sai lầm.
Cựu chiến binh Võ Minh Đức từ Sài Gòn nêu quan điểm của mình:
“Ông Nên đã dũng cảm đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi dân, nhưng đó chỉ là phát biểu của cá nhân ông Nên chứ về phương pháp, chủ trương thì không phải một mình ông bí thư đưa ra.
Những chủ trương về phòng chống dịch nó sai ngay từ đầu, từ trên xuống dưới, sai cả một hệ thống. Ví dụ ở đâu có một, hai ca bị thì phong tỏa cả khu vực rộng lớn rồi bắt nhốt tất tần tật những người F1, F0 mà điều kiện sinh hoạt và chăm sóc y tế gần như bằng 0.
Cái chuyện làm sai rồi xin lỗi dân thì bình thường họ cũng có làm, chứ không phải chỉ trong thời gian dịch bệnh. Quan trọng là sửa chữa, khắc phục những cái sai như thế nào?
Theo tôi, lãnh đạo cần phải lắng nghe những nhà khoa học, nhưng người làm việc thực tiễn về ngành y góp ý. Phải tiếp thu và phản hồi ngay cho người ta dù có thực hiện hay không. Ngoài ra, phải giải quyết ngay vấn đề an sinh xã hội cho người dân.”
Lãnh đạo có lắng nghe dân?
Khi dịch COVID -19 có nguy cơ mất kiểm soát tại thành phố Hồ Chí Minh với số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày, Chính quyền thành phố đã phải kêu gọi các chuyên gia dịch tễ hiến kế chống dịch.
Hôm 10 tháng 7 năm 2021, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học để nghe các ý kiến độc lập nhằm góp thêm phương pháp vào chiến lược chống dịch COVID-19 của thành phố. Dư luận cho rằng, ông Nên chỉ ghi nhận ý kiến chứ không có những chỉ đạo mạnh mẽ để thay đổi cách chống dịch càng làm càng rối như hiện nay.
Cái mà người dân mong muốn, là những lãnh đạo có quyền ban hành những chính sách phải nhìn vào thực tiễn đang diễn ra, phải lắng nghe dân để đưa ra những quyết sách mang lại kết quả thực tế, chứ không là những văn bản, chỉ thị ngày một siết chặt hơn mà hiệu quả không cao, nếu không muốn nói là sai lầm.
Với lời xin lỗi của ông Nên, trong đó ông dùng từ ‘chúng ta’ để xin nhân dân lượng thứ, blogger Tuấn Khanh nhận định:
“Lời xin lỗi của ông Nguyễn Văn Nên được coi là một cú gây sốc trong những thông tin giữa lúc người dân đang tức giận và mệt mỏi bởi những bất cập diễn ra trong đại dịch với cách quản lý của Nhà nước. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, lời xin lỗi này không hàm chứa bất kỳ điều gì mang tính thay đổi cho những sai lầm của họ như họ nêu. Nó có vẻ như họ mong dân chúng đừng tức giận.
Cách đây không bao lâu, Nguyễn Văn Nên tuyên bố muốn nghe các nhà khoa học, các bác sĩ nói về đại dịch. Nhưng nhóm tư vấn cho ban lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh do ông Nên lập ra có tám người, trong đó chỉ có một bác sĩ Đại học Y dược, còn lại là những người quản lý chính sách hành chính, những người dự đoán và dự báo các con số…
Họ muốn kiểm soát và quản lý bằng mệnh lệnh chứ không phải dùng khoa học đối phó với đại dịch.
Như vậy, họ thực sự chẳng lắng nghe ai cả mà họ chỉ muốn mượn kiến thức của những người quản lý để bổ sung cho cái cách mà hôm nay, ngày thứ ba cho việc phong tỏa thiết quân luật ở Sài Gòn, họ đưa quân đội đến kiểm soát.”
Theo blogger Tuấn Khanh, cho đến giờ phút này, các phương thức của Việt Nam đang làm không dựa theo khoa học. Nó dựa lên phương thức quản lý nhà nước đối phó với tình trạng biến động, chứ không phải là đại dịch. Tức là kiểm soát người dân chứ không phải kiểm soát đại dịch.
Nhiều quan chức từng tuyên bố mạnh mẽ và tự hào là kiểm soát được dịch bệnh, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy sự lúng túng rõ rệt trong công tác điều hành đất nước vượt qua đại dịch.
Nguồn: RFI/Diễm Thi