Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 23, 2024

Sự đàn áp ngày càng gia tăng thổi bùng làn sóng tháo chạy của đầu tư ngoại quốc khỏi chứng khoán Trung Quốc


Các nhà giao dịch chờ đợi cổ phiếu của đại công ty bán lẻ trực tuyến Trung Quốc Alibaba lên sàn tại Sở giao dịch chứng khoán New York tại New York vào ngày 19/09/2014. (Ảnh: Jewel Samad/AFP/Getty Images)

Trung Quốc đã leo thang trong cuộc đàn áp của các cơ quan quản lý đối với khu vực tư nhân của họ, gây ra những làn sóng chấn động trên các thị trường toàn cầu. Hành động này đã quét sạch hơn 765 tỷ USD giá trị [cổ phiếu] khỏi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ trong vài tháng qua, gửi một thông điệp rõ ràng tới hàng chục công ty trong nước đang tìm cách thâm nhập thị trường vốn của Hoa Kỳ.

Cuộc đàn áp của Bắc Kinh đối với các công ty Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, trong đó các công ty giáo dục tư nhân đang trở thành mục tiêu mới nhất. Cuối tuần trước (19-25/07), Trung Quốc đã công bố đợt cải tổ toàn diện trong lĩnh vực công nghệ giáo dục trị giá 100 tỷ USD, cấm các công ty kiếm lợi nhuận, huy động vốn hoặc niêm yết cổ phiếu. Các công ty gia sư trực tuyến phát triển nhanh chóng nằm trong số các mục tiêu nhắm tới.

Giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ – TAL Education, Gaotu Techedu và New Oriental Education – giảm mạnh khi có tin tức này. Mỗi công ty đã mất gần 80% giá trị trong vòng vài ngày trên sàn giao dịch chứng khoán New York.

Thông báo cải tổ được đưa ra sau cuộc đánh giá an ninh mạng của hãng DiDi Chuxing, khiến cổ phiếu của đại công ty dịch vụ gọi xe giảm hơn 40% kể từ khi phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối tháng 06/2021.

Nhiều công ty công nghệ đã phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Trung Cộng trong năm nay. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã chống lại một số công ty nổi tiếng của Trung Quốc, bao gồm cả đại công ty thương mại điện tử Alibaba.

Tập đoàn Alibaba đã đồng ý trả khoản phạt chống độc quyền kỷ lục trị giá 2.8 tỷ USD vào đầu năm nay sau khi các cơ quan quản lý tiến hành một cuộc điều tra vào công ty. Người sáng lập Jack Ma của tập đoàn này đã mất tích vài tháng do hậu quả của cuộc đàn áp.

Theo Bloomberg, chỉ số Nasdaq Golden Dragon China Index, theo dõi 98 công ty lớn nhất của Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ, đã mất hơn 765 tỷ USD giá trị kể từ mức đỉnh điểm hồi tháng 02/2021.

Trung Cộng đã công bố mối lo ngại khác về mặt pháp lý đối với mỗi biện pháp mà họ đã thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cuộc đàn áp này là một dấu hiệu cho thấy tham vọng của Trung Cộng trong việc siết chặt khu vực tư nhân và hạn chế đầu tư ngoại quốc vào các công ty Trung Quốc.

Nhà kinh tế học và chiến lược gia thị trường Milton Ezrati nói với The Epoch Times rằng hành động của Bắc Kinh “liên quan nhiều đến thực tế là Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế tập trung và Trung Cộng không muốn bất kỳ sự phát triển nào mà, tối thiểu là, Trung Cộng không thể gây ảnh hưởng.”

“Đối với tôi, điều đáng kinh ngạc là cách Trung Cộng cản trở những gì dường như là lợi ích của chính họ.”

Sau cuộc Đại suy thoái 2008-2009, Trung Cộng tăng cường nỗ lực thống trị nền kinh tế toàn cầu. Chìa khóa của nỗ lực này là tạo ra các tập đoàn lớn thông qua trợ cấp của chính phủ và tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.

Kể từ những năm 2000, hàng trăm công ty Trung Quốc đã tham gia sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ để hưởng lợi từ các nguồn vốn sâu hơn. Điều này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của các công ty này và nền kinh tế.

Theo dữ liệu của Dealogic, trong nửa đầu năm nay, 34 công ty từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông đã huy động được mức kỷ lục 12.4 tỷ USD khi niêm yết cổ phiếu tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, với đợt bán tháo mạnh gần đây, các nhà đầu tư có thể sẽ lo ngại hơn đến việc đầu tư vào các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và do đó, việc niêm yết ở ngoại quốc của các công ty này sẽ khó khăn hơn.

Ông Ezrati cho biết, “Chắc chắn sẽ rất tốn kém nếu quý vị tiến lên và sau đó bị chính phủ của quý vị chặn lại một cách hữu hiệu. Vì vậy, tôi nghĩ rằng sẽ có một hiệu ứng rúng động đối với điều này.”

Ông lưu ý rằng con đường cho các nhà đầu tư phương Tây tiếp xúc kinh tế với thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới thông qua các công ty này có thể sẽ bị “đóng cửa hoặc cắt giảm đáng kể.”

Chủ sở hữu của TikTok là ByteDance, công ty dữ liệu chăm sóc sức khỏe LinkDoc Technology, và ứng dụng thể dục phổ biến Keep nằm trong số các công ty Trung Quốc đã tạm hoãn kế hoạch IPO của họ tại Hoa Kỳ sau khi Bắc Kinh mở rộng chiến dịch đàn áp.

Ông Robert Johnson, giáo sư thuộc khoa Tài chính tại Đại học Creighton, nói với The Epoch Times rằng, “Tôi tin rằng cuộc đàn áp sẽ còn kéo dài. Đó chắc chắn không phải là tin tốt trong ngắn hạn và dài hạn đối với số lượng các thương vụ IPO sẽ được đưa ra thị trường.”

‘Một tính toán sai lầm lớn’

Trong khi một số người tin rằng giá trị cổ phiếu công nghệ Trung Quốc giảm mạnh có thể là cơ hội mua tốt, thì nhiều nhà quản lý quỹ tỏ ra thận trọng với những tài sản này.

Ông Kyle Bass, người sáng lập và giám đốc đầu tư của Hayman Capital Management nói với CNBC hôm 27/07 rằng những nhà quản lý tài sản lớn trên toàn cầu đang bắt đầu thực sự rút khỏi Trung Quốc và Hồng Kông.

Theo ông Bass, trò chơi cuối cùng của Bắc Kinh là chuyển việc niêm yết của doanh nghiệp Trung Quốc từ New York sang Hồng Kông, và gọi đó là “một tính toán sai lầm lớn” từ phía Bắc Kinh. Hồng Kông đã trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là một điểm đến đầu tư sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho thành phố này vào năm ngoái (2020).

Ông Stoyan Panayotov, người sáng lập Babylon Wealth Management có trụ sở tại California, cho biết, “Tôi dự tính các cổ phiếu niêm yết tại Trung Quốc sẽ vẫn biến động trong tương lai gần.”

Ngay cả trước khi có sự đàn áp của nhà cầm quyền, ông từng nói với The Epoch Times rằng các nhà đầu tư không được bảo vệ thực sự vì hầu hết các công ty niêm yết của Trung Quốc sử dụng cấu trúc lợi ích biến đổi (Variable Interest Entity, VIE) để niêm yết cổ phiếu tại Hoa Kỳ.

Hầu hết mọi công ty Trung Quốc đều được niêm yết thông qua cấu trúc VIE bên ngoài Trung Quốc. Trong hai thập kỷ, cấu trúc này đã giúp lách các quy định Bắc Kinh đối với đầu tư ngoại quốc trong các ngành nhạy cảm như viễn thông, truyền thông và giáo dục.

Để niêm yết ở ngoại quốc, một công ty Trung Quốc thành lập một pháp nhân ở ngoại quốc, kiểm soát hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc thông qua các thỏa thuận hợp đồng, thay vì trực tiếp sở hữu vốn cổ phần. Do đó, không giống như các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ, các nhà đầu tư không sở hữu một công ty thực chất nằm tại Trung Quốc. Thay vào đó, họ sở hữu lợi ích trong các VIE này.

Tuy nhiên, theo luật pháp Trung Quốc, cấu trúc VIE là bất hợp pháp, do đó bất kỳ hợp đồng nào nhằm cung cấp quyền sở hữu cổ đông ngoại quốc trên thực tế đều vô giá trị.

Ông Panayotov cho biết, “Tôi luôn lo ngại về cấu trúc pháp lý này và hầu hết các khách hàng của tôi không trực tiếp sở hữu cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ.”

Nguồn: Emel Akan @ ePochTimes
Lưu Đức biên dịch

Tags: , ,

Click to listen highlighted text!