«Cách mạng» cộng sản Cuba đang tàn hơi
July 28, 2021
Biểu tình phản đối chính phủ Cuba tại công viên Lafayette trước cửa Nhà Trắng, Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 26/07/2021. AP – Jacquelyn Martin.–
Trong bài «Cuba, một cuộc cách mạng đang hụt hơi» đăng trên Le Monde, nhà báo mang bút danh Thérésa Bond nhận định, tuy các cuộc biểu tình vô tiền khoáng hậu gần đây không dẫn đến sự sụp đổ chính quyền, nhưng sự phẫn nộ của người dân cho thấy những huyền thoại xung quanh bình đẳng xã hội ở Cuba đã sụp đổ.
Đối với hàng triệu du khách nhất là người Pháp, cái tên Cuba gợi lên ánh nắng mặt trời, điệu nhảy salsa, cocktail mojito, những chiếc xe cổ lỗ sỉ từ thế kỷ trước…Từ ngày 11/07, một loạt các cuộc biểu tình ở khắp nơi trên đảo quốc đã làm lộ ra một bộ mặt khác, đó là một cuộc cách mạng đang hấp hối. Phải chăng sau 62 năm ngự trị, đây là khởi đầu cho hồi kết của chế độ cộng sản kiểu Castro ? Fidel đã chết, nhưng những huyền thoại bao quanh vẫn tồn tại.
Các huyền thoại đã chết
Trước hết là huyền thoại về bình đẳng xã hội. Trong khi giới cầm quyền có chế độ đặc biệt, thì đại đa số người dân Cuba khẳng định đang phải đối mặt với ba vấn đề : tìm cho được cái ăn buổi sáng, buổi trưa và buổi tối, tuy đã có tiêu chuẩn trong sổ mua hàng. Từ tờ mờ sáng, mỗi lần tin đồn có hàng phân phối về là đám đông lại tụ tập. Những hàng dài người chờ đợi trước các cửa hàng nhà nước ở thủ đô và các tỉnh tạo điều kiện cho con virus corona sinh sôi. Mỗi tối phải nghe những lời tuyên truyền nổ như pháo trên truyền hình, nhưng sáng ra người Cuba lại thấy những cửa hàng với quầy kệ trống rỗng. Đó là «chiến thắng của tủ lạnh đối với tivi» – theo như câu nói thời Liên Xô cũ vào thập niên 80.
Một huyền thoại khác bị sụp đổ, là hệ thống y tế Cuba thường được cho là tuyệt vời. Lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, ông Jean-Luc Mélenchon ngưỡng mộ vac-xin Cuba, tuy không được công nhận và hiệu quả chưa biết rõ. Các trường hợp lây nhiễm và tử vong do Covid tăng vọt, nhất là tại tỉnh Matanzas, nơi có các bãi biển thu hút nhiều khách Nga. Khẩu trang và các sản phẩm vệ sinh không thể nào tìm mua được, các bác sĩ giỏi nhất đã được gởi ra nước ngoài để duy trì hình ảnh và để kiếm ngoại hối…
Chỉ còn lại huyền thoại «cách mạng», một từ ngữ chung chung mang lại hy vọng. Tại Cuba từ năm 1959, từ này được dùng để chỉ một chế độ độc đảng với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đã thất bại ở khắp nơi trên thế giới. Sự rút lui của các nhà lãnh đạo lão thành không làm thay đổi được gì, tân chủ tịch Miguel Diaz-Canel lặp lại những câu khẩu hiệu đã sáo mòn.
Nhân dân đã xuống đường, nỗi sợ đang ở phía chế độ
Dưới thời Fidel Castro, từ 1980 đến 1994, các cuộc biểu tình đã dẫn đến làn sóng vượt biên ồ ạt, thường được chế độ tạo điều kiện. Nhưng phong trào biểu tình mới đây mang một tính cách khác. Ngày 11/07, đám đông không mong sang Mỹ hay các nước khác tị nạn, mà họ hô vang «Tự do !», «Đả đảo cộng sản!», «Chúng tôi không còn sợ hãi», những câu khẩu hiệu mang nặng ý nghĩa trong một xã hội nổi tiếng là «ngoan ngoãn». Hiện thời chính quyền huy động đông đảo lực lượng an ninh để lập lại trật tự, nhưng những bất mãn chồng chất khiến biểu tình rồi sẽ tái diễn. Bởi vì tất cả những khuôn mặt xã hội dân sự có thể đối thoại đều đã bị chính quyền thường xuyên gạt ra bên lề.
Các nhà đấu tranh nhân quyền trong thập niên 80-90 hy vọng perestroika theo kiểu xô-viết? Fidel Castro đã tống giam họ hoặc buộc phải lưu vong. Năm 2003, các nhà báo độc lập có cùng số phận: 75 người phải lãnh những bản án tù nặng nề. Tháng 11/2020, khi một nhóm nghệ sĩ cố gắng đối thoại với bộ trưởng Văn Hóa, họ đã bị cáo buộc hoạt động phản cách mạng. Những ai không đi tị nạn nay đã bị quản thúc tại gia. Đối mặt với chế độ, nay chỉ còn sót lại vài ca sĩ nhạc rap hoặc «người có ảnh hưởng» trên các mạng xã hội, những người kế thừa thảm hại so với Nelson Mandela, Vaclav Havel hay Andrei Sakharov.
Cách đây đúng 70 năm, Fidel Castro, đặt cộp khẩu súng trên bàn Thư viện Quốc gia, tuyên bố : «Đi với cách mạng thì có tất cả, chống lại cách mạng sẽ không có gì cả». Vào thời đó, nhà thơ phản kháng Virgilio Pinera đã phản ứng : «Tôi sợ, rất sợ hãi». Ngày nay nhân dân đã xuống đường. Và chính là chế độ đang phải «sợ, rất sợ».
Đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc : Giao số phận cho đảng Cộng Sản
Tại châu Á, Les Echos chú ý đến các thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chao đảo sau một loạt tấn công của chính quyền. Thị trường Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến từ thứ Sáu tuần trước đã bốc hơi trên 7% giá trị. Chỉ trong một sớm một chiều, Bắc Kinh đã biến lãnh vực giáo dục tư nhân thành con số không, sau khi đánh vào các nền tảng internet và công ty niêm yết ở nước ngoài. Không còn lãnh vực nào là chắc chắn.
Đối với các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những tháng gần đây, mang theo 35 tỉ đô la cho Hoa lục, đây là một sự tỉnh thức đau đớn. Những chỉ số lần lượt lao dốc cho thấy số phận của họ nằm trong tay Bắc Kinh. Các cổ phiếu Trung Quốc trên thị trường Wall Street cũng cùng chung số phận, giá trị vốn hóa của các công ty Trung Quốc đã bị mất đến 2.500 tỉ đô la so với mức đỉnh vào giữa tháng Hai.
Alibaba, Tencent, Didi đã là nạn nhân, nhưng vụ tấn công vào lãnh vực giáo dục tư nhân cuối tuần qua là một ngạc nhiên lớn cho các nhà chuyên môn. Những cổ phiếu ít được công chúng châu Âu biết đến, nhưng có tổng giá trị trên 100 tỉ đô la vào đầu năm, đã bị chôn vùi: Gaotu Techedu, TAL Education, New Oriental Education sụt giá ít nhất 70% kể từ thứ Sáu 23/07. Đầu tư nước ngoài giờ đây bị cấm, và những công ty này còn phải chuyển thành các tổ chức phi lợi nhuận.
Một đòn nặng cho các nhà đầu tư nước ngoài trên ngách thị trường đầy hứa hẹn này. Haiyan Li-Labbé, quản lý cổ phiếu của Carmignac nhấn mạnh: «Nếu một lãnh vực lên đến 100 tỉ đô la bỗng biến mất trong ngày một ngày hai, các nhà đầu tư tất nhiên phải tự đặt câu hỏi về nguy cơ trước Trung Quốc». Bà giải thích: «Trung Quốc không phải là một thị trường như những thị trường khác, không thể chống lại được chính quyền. Cần phải hiểu được những ưu tiên của đảng Cộng Sản trước khi bỏ tiền vào đầu tư».
Bắc Kinh tấn công vào lãnh vực giáo dục tư nhân
Về việc cải cách thị trường giáo dục tư ở Trung Quốc, thông tín viên Le Monde tại Thượng Hải cho biết các start-up nhắm vào nỗi lo của phụ huynh gần 200 triệu học sinh Hoa lục khi con em họ phải cạnh tranh khốc liệt.
Có đến 7/10 học sinh phải học thêm ngoài giờ, từ mẫu giáo cho đến tú tài tại các thành phố lớn. Bất bình đẳng đào sâu giữa các gia đình khá giả sẵn sàng bỏ ra những món tiền lớn và giới bình dân. Theo một nghiên cứu năm 2019, trung bình một gia đình Trung Quốc phải dành 20% đến 30% thu nhập cho việc học hành của con cái. Nhiều người phải đầu tư cho nhà cửa ở gần các trường điểm, và cho con học thêm. Một khẩu hiệu được nhiều lò luyện thi sử dụng: «Nếu bạn đến đây, chúng tôi sẽ đào tạo con cái bạn, còn nếu không, chúng tôi đào tạo những người cạnh tranh với con em bạn».
Trong lúc mức sinh đang giảm, chính quyền tìm cách giảm bớt chi phí giáo dục – một trong những lý do khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con. Thứ Bảy 24/07, Bắc Kinh thông báo không cho đăng ký các trường dạy thêm mới, còn những trường đã có phải chuyển thành cơ sở phi lợi nhuận. Quy định mới còn cấm dạy thêm vào cuối tuần và các kỳ nghỉ đối với các môn được dạy ở trường công.
Tấn công vào các doanh nghiệp có phải là giải pháp tốt ? Ether Yin thuộc đơn vị tư vấn Trivium China cho rằng chiến dịch này mới đánh vào cung, nhưng về cầu, phụ huynh vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm ưu thế cho con mình trong các kỳ thi. Tốt nhất là nỗ lực hài hòa chất lượng các trường công để các em không phải đấu tranh cật lực chạy đua vào trường điểm. Trong thập niên 70, Hàn Quốc còn cực đoan hơn khi biến việc dạy thêm thành bất hợp pháp. Kết quả là phụ huynh cho con em học «chui». Theo Rui Ma, người lập ra podcast Techbuzzchina, mặt tốt của quy định mới là làm nhẹ bớt gánh nặng cho các công dân «trung bình», còn mặt xấu là dạy thêm sẽ chuyển thành hoạt động ngầm như Hàn Quốc.
Nguồn: RFI/Thụy My