Biển Đông: Phải chăng Philippines đã bạo dạn hơn trước Trung Quốc?
July 27, 2021
Ảnh minh họa : Tàu tuần duyên Philippines tuần tra ở khu vực Đá Ba Đầu ( Whitsun Reef ), Biển Đông. Ảnh do lực lượng tuần duyên Philippines cung cấp ngày 15/04/2021. via REUTERS – PHILIPPINE COAST GUARD.–
Sự cố xẩy ra từ hơn một tuần trước đó, nhưng mãi đến ngày 19/07/2021 vừa qua mới được tiết lộ công khai. Trong một thông báo, lực lượng tuần duyên Philippines cho biết: Một chiếc tàu tuần tra của họ hôm 13/07, sau khi phát hiện một chiến hạm Trung Quốc trong vùng quần đảo Trường Sa thuộc hải phận Philippines, đã dùng vô tuyến điện cảnh báo và đuổi được tàu Trung Quốc ra khỏi hiện trường.
Sự kiện khá hiếm hoi này đặt ra câu hỏi là phải chăng tình hình đã đến mức “tức nước vỡ bờ”, và Manila đã không còn nhẫn nhịn chịu trận trước các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh trên Biển Đông?
Báo Úc: Philippines đã thay đổi chiến lược
Trong một bài phân tích công bố ngày 25/07/2021, trang thông tin bảo thủ Úc News.com.au, đã không ngần ngại cho rằng hành động bạo dạn của tuần duyên Philippines, đã dám đuổi chiến hạm Trung Quốc ra khỏi vùng biển của minh là dấu hiệu phản ánh việc Manila đã “thay đổi hoàn toàn chiến lược” của mình ở Biển Đông, “không còn tìm cách xoa dịu Bắc Kinh với hy vọng đạt được một thỏa thuận công bằng”.
Theo báo chí Philippines, vụ chạm trán xẩy ra tại khu vực gần đá Đồng Thạnh (Marie Louise Bank) vùng quần đảo Trường Sa, nằm bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, giữa tàu tuần duyên Philippines BRP Cabra và một chiến hạm treo cờ Trung Quốc có tên bằng tiếng Hoa và số hiệu 189.
Sau khi phát hiện tàu Trung Quốc, phía Philippines đã lập tức đưa ra cảnh báo qua vô tuyến điện, nhưng tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hành trình mà không phản hồi, buộc tàu Philippines phải tiến lại gần hơn để nhắc lại cảnh báo bằng loa phóng thanh.
Chỉ đến lúc đó thì chiến hạm Trung Quốc mới đổi hướng và rời khỏi khu vực trong sự theo dõi tiếp tục của tàu Philippines. Theo Tuần Duyên Philippines, phía Trung Quốc chỉ lên tiếng sau khi tàu BRP Cabra ở cách xa 0,25-0,3 hải lý, nội dung yêu cầu tàu Philippines “giữ khoảng cách 2 hải lý”.
Theo giới quan sát, việc tàu tuần duyên Philippines “đuổi” chiến hạm Trung Quốc, và nhất là loan báo công khai về vụ việc đánh dấu một thay đổi đáng kể trong cách hành xử của Manila đối với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Lần đầu tiên chiến hạm Trung Quốc bị đuổi?
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi ông Rodrigo Duterte môt nhân vật bị cho là nhũn nhặn trước Trung Quốc, lên làm tổng thống Philippines, chính quyền Manila thường tìm cách giảm nhẹ các vụ xâm nhập cũng như yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, để tránh làm phật lòng Bắc Kinh với hy vọng nhận được trợ giúp kinh tế.
Vụ tàu tuần tra Philippines đuổi tàu Trung Quốc là sự cố mới nhất trong một loạt những động thái có dấu hiệu cứng rắn của Manila đối với Bắc Kinh trên Biển Đông, đồng thời là một sự cố có thể nói là nghiêm trọng vì liên quan đến một chiến hạm Trung Quốc.
Kể từ tháng Ba vừa qua, khi nổ ra vụ hàng trăm tàu Trung Quốc bị Manila tố cáo là tàu dân quân biển tràn ngập vùng Đá Ba Đầu ở Trường Sa, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, chính quyền quốc gia Đông Nam Á này đã có nhiều động thái cứng rắn hơn nhằm khẳng định chủ quyền của mình, như gởi công hàm phản đối Bắc Kinh, điều phi cơ hay tàu tuần tra đển hiện trường giám sát và theo dõi, tổ chức thao diễn trong khu vực…
Trong những tuần lễ gần đây, theo lực lượng tuần duyên Philippines, họ đã có những động thái cứng rắn hơn như xua đuổi 5 tàu cá Trung Quốc và 2 tàu cá Việt Nam đánh bắt bên trong vùng biển Philippines vào tháng 6, hoặc là đuổi 7 tàu Trung Quốc ra khỏi vùng Bãi Sa Bin (Sabina Shoal) ở Trường Sa vào tháng Tư trước đó.
Tuy nhiên lần này, tàu Trung Quốc bị mời rời khỏi vùng biển Philippines lại là tàu chiến của Hải Quân Trung Quốc. Khi được hãng tin Mỹ Benarnews đặt câu hỏi sau khi thông tin về vụ đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi khu vực Đá Đồng Thạnh được tiết lộ, các quan chức Philippines vẫn từ chối xác nhận là phải chăng đây là lần đầu tiên mà vụ đuổi tàu Trung Quốc liên quan đến một chiến hạm.
Phán quyết quốc tế về Biển Đông được ủng hộ mạnh mẽ hơn
Giải thích về lý do khiến Manila có dấu hiệu cứng rắn đối với Bắc Kinh, giới phân tích nêu bật sự mất kiên nhẫn của Philippines trước việc bị Trung Quốc phớt lờ thái độ nhẫn nhịn. Bên cạnh đó, càng lúc càng có thêm nhiều cường quốc thế giới lên tiếng, đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc, công khai ủng hộ phán quyết Biển Đông có lợi cho Philippines, trong lúc nhiều nước Đông Nam Á bị Bắc Kinh chèn ép cũng không giấu nỗi bất bình.
Phải nói là từ hơn một năm nay, dưới tác động của Mỹ, phán quyết Biển Đông đã nổi lên thành một cơ sở để các cường quốc phương Tây chĩa “mũi dùi” vào các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Những quốc gia như Úc, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, và Đức đã gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật lệ quốc tế và hạn chế những hành vi phi pháp tại Biển Đông.
Thân thiện trở lại với chính quyền Hoa Kỳ của Biden
Sau một thời gian xa lánh Hoa Kỳ để chạy theo Bắc Kinh, với những tuyên bố sốc đòi chia tay với Mỹ, tổng thống Philippines Duterte trong thời gian gần đây đã thay đổi thái độ, đặc biệt là từ khi ông Joe Biden lên cầm quyền tại Washington.
Một ví dụ điển hình là Hiệp ước về Các Lực Lượng Thăm Viếng, tên tắt tiếng Anh là VFA đã ký với Hoa Kỳ. Trong phần lớn nhiệm kỳ của ông cho đến gần đây, tổng thống Duterte thường tỏ ra nghi ngờ tương lai của hiệp ước phòng thủ quan trọng đó, quy định việc quân đội Mỹ hiện diện tại Philippines.
Sau khi bị đe dọa xóa bỏ, tương lai của hiệp ước này có dấu hiệu được đảm bảo với việc ngày 21/07 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana thông báo việc VFA sẽ được điều chỉnh thay vì bị hủy bỏ, do các hành vi khiêu khích liên tục của Trung Quốc.
Tuyên bố trên đã tạo ra một bầu không khí thuận lợi, chuẩn bị cho chuyến công du của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin khuôn khổ chuyến thăm Đông Nam Á bắt đầu vào hôm nay tại Singapore, và sẽ đưa ông đến Việt Nam và Philippines, ba nước Đông Nam Á có quan hệ quốc phòng tốt với Mỹ.
Trong một tuyên bố, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định rằng tại Đông Nam Á, ông sẽ nhấn mạnh quyền tự do trên biển và bác bỏ “các đòi hỏi vô ích và vô căn cứ” của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Một chi tiết có thể khiến Manila phấn khởi: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 11/07 vừa qua từng nhắc nhở Trung Quốc: Một vụ tấn công vào lực lượng võ trang Philippines trên Biển Đông sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines ký kết vào năm 1951.
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa