Trung Quốc, động cơ thúc đẩy Nhật đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực
July 21, 2021
Ảnh minh họa : Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cùng các chiến hạm Nhật Bản và Úc cùng diễn tập trên biển Philippines ngày 21/07/2020. © Hải quân Mỹ U.S. Navy.
Sách trắng về quốc phòng của Nhật Bản được công bố vào tuần trước cho thấy Tokyo đang tăng cường năng lực quốc phòng và muốn đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực. Động cơ thúc đẩy Nhật Bản đi theo con đường đó chính là Trung Quốc, quốc gia mà Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều về kinh tế, nhưng cũng bị xem là mối đe dọa lớn nhất về an ninh đối với Tokyo.
Nhật báo Financial Times hôm nay trích dẫn giáo sư Bates Gill, chuyên gia về an ninh châu Á – Thái Bình Dương tại đại học Macquarie, Úc, nhận định: Cách thức mà Trung Quốc giải quyết các tranh chấp an ninh khu vực (Ấn Độ, Biển Đông, Đài Loan và biển Hoa Đông) giống như đang «đổ thêm dầu vào lửa».
Tờ nhật báo Anh ghi nhận là ngay trong 5 dòng đầu tiên của Sách trắng, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Nobuo Kishi đã tố cáo Trung Quốc mưu toan làm thay đổi nguyên trạng của các vùng biển trong khu vực. Tài liệu này cũng đánh giá «việc bình ổn tình hình chung quanh Đài Loan là rất quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và đối với sự ổn định của cộng đồng quốc tế». Trong thời gian gần đây, Tokyo thường xuyên nêu bật tình hình Đài Loan, mà Bắc Kinh vẫn xem là lãnh thổ của Trung Quốc, sớm muộn gì cũng sẽ được thống nhất với Hoa lục, kể cả bằng vũ lực.
Không những thế, Sách trắng quốc phòng còn nhấn mạnh đến sự cần thiết phát triển các công nghệ tiên tiến, như trí thông minh nhân tạo, những công nghệ mang tính sống còn cho hệ thống vũ khí tương lai và bảo vệ Nhật Bản chống hiểm họa Trung Quốc.
Theo nhận định của Financial Times, việc Nhật Bản báo động về nguy cơ Trung Quốc không phải là điều mới mẻ, nhưng Sách trắng quốc phòng vừa được công bố phản ánh sự thay đổi lớn nhất trong quan điểm của Tokyo về an ninh trong vòng hơn 70 năm qua.
Kể từ khi thua trận trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản vẫn giữ một bản Hiến Pháp với nội dung từ bỏ hoàn toàn việc sử dụng lực lượng quân sự.
Nhưng đến năm 2014, thủ tướng lúc đó là Shinzo Abe đã diễn giải lại điều khoản liên quan đến vấn đề này, để có thể cho phép triển khai lực lượng quân sự ra bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản trong khuôn khổ cái gọi là «phòng vệ tập thể». Từ đó cho đến nay, Tokyo đã đóng vai trò ngày càng tích cực hơn trong việc kiến tạo nền an ninh khu vực. Cũng chính ông Abe đã là lãnh đạo đầu tiên ra lời kêu gọi những quốc gia có cùng tư tưởng hợp lực với nhau để bảo vệ tự do và an ninh ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, một khái niệm mà sau này trở thành nền tảng cho chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực.
Cũng chính Nhật Bản đã đóng vai trò hàng đầu trong việc duy trì hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (sau này được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định này.
Theo nhận định của Robert Ward, nhà nghiên cứu về Nhật Bản tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS), được Financial Times trích dẫn, «Nhật Bản biết là họ không thể một mình kềm chế Trung Quốc, cho nên cố xây dựng một mạng lưới các quốc gia có cùng tư tưởng để bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp».
Trong thời gian gần đây, Tokyo đã gia tăng hợp tác quân sự với những nước bạn có chung mục đích đó. Chẳng hạn như năm nay, quân đội Nhật đã cùng với quân đội Pháp, Mỹ mở cuộc tập trận chung đầu tiên trên lãnh thổ Nhật, với kịch bản là bảo vệ đảo quốc này chống một cuộc xâm lăng của quốc gia kẻ thù, mà ai cũng biết đó là Trung Quốc.
Tokyo cũng đang thương lượng với Úc một thỏa thuận về thăm viếng lẫn nhau giữa quân đội hai nước. Theo các chuyên gia, một trong những mục tiêu của thỏa thuận này là cho phép lực lượng quân sự Nhật Bản tham gia bảo vệ các cơ sở quân sự của Úc. Tokyo cũng đang giúp các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á tăng cường khả năng phòng thủ chống lại những hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt yêu sách chủ quyền của họ ở vùng Biển Đông. Cụ thể là Nhật Bản đã trang bị tàu tuần tra cho hai nước Việt Nam và Philippines.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn những hạn chế về mặt quân sự trong chiến lược an ninh khu vực của Nhật Bản. Theo lời Brad Glosserman, phó giám đốc một trung tâm tư vấn thuộc Đại học Tama, Nhật Bản, người dân Nhật vẫn rất « dị ứng » với việc đưa quân ra nước ngoài, họ muốn quân đội Nhật vẫn là một cái « khiên » hơn là trở thành một cái «giáo».
Nguồn: RFI/Thanh Phương