Trung Quốc với ý định ‘răn đe hạt nhân’ trên biển?
June 1, 2021
Tên lửa của Trung Quốc trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh TQ ở quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10/2019.
Truyền thông Trung Quốc xuất hiện lời kêu gọi nước này cần gia tăng tên lửa đầu đạn hạt nhân được phóng từ tàu ngầm làm nền tảng răn đe chiến lược trước áp lực quân sự ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ trên biển Đông.
Thông điệp được đưa ra từ Tổng biên tập Hoàn cầu Thời báo hôm 27/5, ông Hồ Tích Tiến nói: “Tôi muốn nhắc lại rằng chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ cấp bách, nhưng trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất là tăng nhanh số lượng đầu đạn hạt nhân được đưa vào sử dụng, và tên lửa chiến lược DF- 41 có khả năng tấn công tầm xa trong kho vũ khí của Trung Quốc. Đây là nền tảng của khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ.”
Người đứng đầu tờ báo của Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định: “Trong kịch bản đó, một số lượng lớn tên lửa đạn đạo Dongfeng-41, JL-2 và JL-3 sẽ tạo thành trụ cột cho ý chí chiến lược của chúng ta. Số lượng đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc phải đạt đến mức khiến giới tinh hoa Mỹ rùng mình nếu họ có ý định tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc”.
Hưởng ứng theo lời kêu gọi, tờ báo hiếu chiến này đăng ý kiến của chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho hay, “việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân chiến lược trên biển cũng là một hướng quan trọng cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc, vì những vũ khí này có khả năng tàng hình và tấn công hạt nhân thứ cấp tốt hơn”.
Cũng theo nguồn tin trên, Trung Quốc vừa đưa ba tàu chiến vào hoạt động tại một cảng hải quân ở tỉnh Hải Nam, trong đó Changzheng 18 có khả năng là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chiến lược chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Trước đó, hôm 19/5, báo Al Jazeera đưa tin, Trung Quốc đang xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân bí mật trên đảo Changbiao, dự kiến bắt đầu hoạt động lần lượt vào năm 2023 và 2026. Nguồn tin nói rằng, hai lò lò phản ứng hạt nhân này hoạt động theo chu trình nhiên liệu khép kín, sản xuất plutonium. Plutonium có thể được sử dụng để sản xuất rất nhiều đầu đạn hạt nhân và sản xuất chúng rất nhanh.
Trung Quốc đã ngừng báo cáo về chương trình plutonium dân sự của mình cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế kể từ năm 2017. Bắc Kinh cũng từ chối đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Những lời kêu gọi gia tăng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc dường như được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của đề xuất ngân sách quốc phòng của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào hôm thứ sáu, ngày 28/5. Trong đó, Nhà Trắng công bố sẽ cấp khoảng một tỷ đô la cho phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos để hoạt động nghiên cứu plutonium cho nỗ lực sản xuất 30 lõi bom hạt nhân vào năm 2026.
Giới chuyên gia nhận định, đây là một tín hiệu rõ ràng của Tổng thống Biden lặp lại lời kêu gọi của những người tiền nhiệm nhằm hiện đại hóa kho dự trữ hạt nhân nhằm răn đe Trung Quốc, Nga, Iran và Bắc Triều Tiên.
Theo báo cáo vào tháng 3/2021 của Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân từ Washington, “bằng cách khai thác plutonium, uranium và tritium được làm giàu cao độ mà Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận hoặc chế tạo, đến năm 2030, Bắc Kinh có thể tập hợp một cách thận trọng kho vũ khí gồm 1.270 đầu đạn (gần bằng số lượng mà Hoa Kỳ hiện đã triển khai trên các tên lửa xuyên lục địa của mình)”.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters: “Tốc độ và cách thức mà chính phủ Trung Quốc đang hiện đại hóa kho dự trữ của mình là đáng lo ngại, gây mất ổn định và cho thấy lý do tại sao nên đưa Trung Quốc vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí toàn cầu”.
Nguồn: RFA