Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 25, 2024

Việt Nam sẽ làm gì nếu Philippines cải tạo Thị Tứ


Đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.

Sau những căng thẳng và ồn ào giữa Trung Quốc và Philippines, Manila lại một lần nữa tuyên bố muốn biến đảo Thị Tứ thành một trung tâm logistics – căn cứ hậu cần tại khu vực Trường Sa, biển Đông (1). Quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila thời gian gần đây trở nên căng thẳng hơn do việc hồi đầu tháng 3 năm nay, khoảng 300 tàu Trung Quốc đã hiện diện tại Đá Ba Đầu thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Trong đợt căng thẳng này, Philippines cũng cho triển khai tàu chiến và tàu tuần duyên tăng cường tuần tra tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Những căng thẳng tại khu vực Đá Ba Đầu chưa kịp lắng dịu thì ngày 29/5/2021, Bộ Ngoại giao Philippines đã lại gửi công hàm phản đối việc Trung Quốc tiếp tục “hiện diện và có các hoạt động bất hợp pháp” tại khu vực lân cận Đảo Thị Tứ, nơi Philippines khẳng định mình có chủ quyền.

000_98P4RT.jpg
Hình chụp của Tuần duyên Philippines hôm 25/4/2021 cho thấy tuần duyên Philippines đang tập trận gần đảo Thị Tứ ở quần đảo Trường Sa. AFP

Bộ Ngoại giao Philippines yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ các tàu cá và tàu hải cảnh khỏi khu vực mà Manila khẳng định là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Philippines, nơi nước này có quyền chủ quyền và quyền tài phán”. Reuters cho biết đây là lần thứ 84 kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền, Philippines đã gửi công hàm phản đối các hoạt động của Trung Quốc trong vùng biển Đông.

Về phản ứng của Trung Quốc thì ngày 27/5 người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi nhấn mạnh trong cuộc họp giao ban hàng tháng rằng Trung Quốc phản đối mọi hoạt động triển khai của Philippines tại đảo Thị Tứ, “kiên quyết bảo vệ lãnh thổ quốc gia, chủ quyền và các quyền hàng hải, đồng thời kiên quyết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. (2)

Theo thông tin từ Philippines, đảo Thị Tứ rộng khoảng 56.000 m2, còn được gọi là Pag-asa tại Philippines, cách thành phố Puerto Princessa, tỉnh Palawan 480 km, là hòn đảo lớn thứ nhì trong các đảo ở Trường Sa. Hiện nay Philippines đang chiếm giữ đảo này. Phía Philippines cũng cho biết là ngoài quân đội và cảnh sát Philippines, còn có một cộng đồng ngư dân khoảng 200 người hiện diện trên đảo Thị Tứ (3). Chính phủ Philippines đã xây dựng một đoạn đường trên bãi biển cho phép tàu hải quân và tàu hàng cập cảng, dỡ vật liệu xây dựng và thiết bị hạng nặng cho các dự án mới, bao gồm sửa chữa và kéo dài đường băng sân bay bị xói mòn do nước biển, nhà máy nước đá cho ngư dân và một số doanh trại quân đội.

Mục tiêu kiểm soát Thị Tứ của Philippines và Trung Quốc

Tướng Cirilito Sobejana – Người đứng đầu Lực lượng Vũ trang PLP nói rằng “Nếu chúng tôi biến nó thành một trung tâm hậu cần, tàu thuyền của chúng tôi sẽ [đi] xa hơn và cuộc tuần tra chủ quyền của chúng tôi ở Biển Tây Philippines sẽ tiếp tục”, “Chúng tôi đang tuần tra nơi ngư dân của chúng tôi đi cũng như nơi tàu Trung Quốc đang ở để đảm bảo rằng đồng bào của chúng tôi sẽ không bị đe dọa”. (4)

Trong nhiều năm, Philippines đã tìm cách để mở rộng vùng biển của Thị Tứ, cũng như bảo vệ quyền tiếp cận khu vực này của ngư dân Philippines. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang tìm cách tiếp cận các ngư trường ở vùng biển xung quanh Thị Tứ.

000_Hkg10241953.jpg
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 31/12/2015: trẻ em Philippines xếp hình “Trung Quốc cút khỏi” để phản đối Trung Quốc trên đảo Thị Tứ. AFP

Từ năm 2019, các tàu cá Trung Quốc đã bao vây xung quanh Thị Tứ, và trong sự căng thẳng đó, Philippines cũng đã tỏ ý định sẽ biến Thị Tứ thành một trung tâm du lịch, tuy nhiên, điều đó mới chỉ dừng lại việc tuyên bố. Với việc sử dụng tàu cá bao vây Thị Tứ trong suốt một thời gian dài, Trung Quốc muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới Philippines và các quốc gia tranh chấp khác rằng Trung Quốc có thể dễ dàng phá vỡ và cắt đứt các đường tiếp tế cũng như quyền tiếp cận của họ với các thực thể tranh chấp tại Trường Sa.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn thể hiện việc giám sát các hoạt động bảo dưỡng và nâng cấp đang diễn ra của Philippines trên đảo Thị Tứ, khi chính quyền Duterte tìm cách nâng cấp các cơ sở quân sự và dân sự đã xuống cấp.

Điều quan trọng, cũng là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc đó là nhằm ngăn chặn Philippines chiếm đóng và xây dựng các công trình trên Sandy Cay, là một bãi lúc chìm lúc nổi nằm trong lãnh hải của Thị Tứ. Trung Quốc cũng đang dòm ngó Sandy Cay.

Thực tế hiện nay cho thấy hải quân Philippines có thể coi là yếu nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á có hiện diện tại Trường Sa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng lực lượng quân đội Philippines chỉ tập trung vào lực lượng bộ binh, trong khi Philippines lại là một quốc gia quần đảo. Thực chất quân đội Philippines chỉ lo phục vụ các mục tiêu chính trị nội bộ nhiều hơn chứ không phải lo bảo vệ đất nước. Chính vì vậy, trước việc Trung Quốc gia tăng các tàu cá xung quanh khu vực Thị Tứ, Philippines lo ngại Trung Quốc sẽ lặp lại sự kiện Scarborough năm 2012.

Chính vì vậy, quân đội Philippines muốn xây dựng Thị Tứ trở thành một trung tâm hậu cần và logistic để có thể lôi kéo quân đội Mỹ tăng cường hiện diện tại nơi đây, tạo thế kiềm chế đe doạ từ Trung Quốc.

Sự kiện Đá Ba Đầu vừa qua có liên hệ chặt chẽ với nội bộ chính trường Philippines, với các phe nhóm khác nhau. Đặc biệt, sự kiện Đá Ba Đầu có thể được coi như một chiến thắng của nhóm chính trị đối lập với Duterte. Mặc dù Duterte luôn duy trì quan hệ thân Trung Quốc, muốn xoá bỏ các Hiệp ước quân sự đã ký kết với Mỹ, nhưng qua sự kiện Đá Ba Đầu, quân đội Philippines đã khẳng định tầm quan trọng của các Hiệp ước quân sự với Mỹ.

Liệu Philippines sẽ xây dựng Thị Tứ

Với tầm quan trọng của Thị Tứ, nên Trung Quốc đã luôn muốn có thể chiếm đoạt đảo này.

Đây không phải lần đầu Philippines tuyên bố xây dựng và nâng cấp Thị Tứ. Năm 2019, trước sự đe doạ từ đội tàu cá Trung Quốc bao vây Thị Tứ, Philippines cũng đã tuyên bố sẽ xây dựng Thị Tứ thành một trung tâm du lịch. Tuy nhiên, với chính sách thân Trung Quốc của Duterte và đây là năm cuối trong nhiệm kỳ tổng thống duy nhất của ông ta, khả năng xây dựng Thị Tứ sẽ khó trở thành hiện thực, bởi vì Philippines đang cần sự trợ giúp, đặc biệt là vaccine từ Trung Quốc. Và Trung Quốc luôn rất giỏi trong việc sử dụng chính sách “ngoại giao vaccine” cho nên không dễ gì mà Trung Quốc không phản đối và ngăn chặn việc Philippines nâng cấp và xây dựng Thị Tứ.

AP17111205333663.jpg
Hình minh hoạ. Quân đội Philippines kéo cờ ở đảo Thị Tứ nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana ra đảo hôm 21/4/2017. AP

Chính vì vậy, theo các chuyên gia dự đoán thì Philippines từ nay cho tới năm 2022, khả năng nâng cấp và xây dựng Thị Tứ khó trở thành hiện thực.

Nếu sau cuộc bầu cử tháng 5/2022, một trong các ứng viên trong nhóm đối lập mà nắm quyền tổng thống, thì xu hướng thân Mỹ sẽ thay thế xu hướng thân Trung, và khả năng nâng cấp và xây dựng Thị Tứ mới khả thi.

Việt Nam có phản đối?

Thị Tứ là đảo nổi lớn thứ nhì ở quần đảo Trường Sa (Đảo lớn nhất là Ba Bình, do Đài Loan đang kiểm soát), nên tầm quan trọng của nó khá lớn về nhiều mặt.

Về lý thuyết, Việt Nam tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa, cho nên việc Philippines nâng cấp và cải tạo Thị Tứ sẽ ảnh hưởng đến yêu sách của Việt Nam. Tuy nhiên, khó mà thay đổi được thực tế khi mà Philippines vẫn đang kiểm soát Thị Tứ. Quan điểm dù không chính thức nhưng được thể hiện từ phía chính phủ Việt Nam đó là “giữ nguyên hiện trạng”. Chưa kể Việt Nam rất cần phải hợp tác với Philippines để thoả thuận các vùng đánh cá chồng lấn giữa hai nước, theo tinh thần của Phán quyết Trọng tài năm 2016.

Mặt khác, nếu Thị Tứ được nâng cấp và cải tạo, và sự xuất hiện thường xuyên của quân đội Mỹ tại đây, cũng sẽ là một sức mạnh để đối trọng với lực lượng và tham vọng của Trung Quốc tại đây.

Chính vì vậy, nếu Philippines tiến hành việc cải tạo và nâng cấp Thị Tứ thành một trung tâm logistic và hậu cần, với sự xuất hiện thường xuyên của quân đội Mỹ thì điều đó ít nhiều cũng sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam. Về mặt ngoại giao, có lẽ Việt Nam sẽ lên tiếng phản đối, nhưng trong thực tế thì có thể Việt Nam sẽ không làm gì nhiều hơn ngoài việc phản đối ngoại giao.

Nguồn: RFA/Hoàng Thế Liên

Tags: , ,

Click to listen highlighted text!