Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông: hợp tác với các cường quốc mà không chọn Trung Quốc
April 5, 2024
Giàn khoan Tam Đảo 01 của Việt Nam trên Biển Đông (ảnh minh họa)
Hôm 28 tháng 3, 2024, tập đoàn Mitsui của Nhật Bản ra thông báo họ đã thông qua quyết định cuối cùng đầu tư với Việt Nam vào một dự án khai thác một mỏ khí đốt ở Biển Đông. Khoản đầu tư của Mitsui cho dự án, chủ yếu bao gồm lắp đặt thiết bị ngoài khơi và xây dựng tuyến đường ống, sẽ là khoảng 740 triệu USD. Theo các chuyên gia, dự án hợp tác Việt Nhật này nằm trong bối cảnh sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương của Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như chiến lược quốc tế hóa vấn đề biển Đông của Việt Nam.
Tại sao Việt Nam chọn Nhật Bản?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM cho rằng dự án hợp tác này giữa Nhật Bản và Việt Nam chắc chắn nằm trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn của hai nước. Ông nói:
“Dự án này có liên hệ tới bối cảnh chung. Gần đây nhất, Việt và Nhật Bản đã nâng cấp tầm quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện. Nhật cũng là nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực trên biển của Việt Nam. Nhật đã giúp một số tàu cho Cảnh sát biển và giúp đào tạo nhân lực cho Cảnh sát biển. Điều này cũng nằm trong chiến lược ngoại giao chung của hai nước. Thứ hai là mối quan hệ này cũng nằm trong sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ và Nhật Bản đưa ra. Ít nhất là Việt Nam và Nhật tìm thấy những điểm chung là chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc và hợp tác để bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về luật biển.”
Một tàu vận tải của hãng Mitsui chạy bằng khí, không phát thải carbon (ảnh minh họa). Ảnh: Hãng Mitsui.
Tin cho hay, năm 2020, Việt Nam đã phải hủy bỏ dự án hợp tác với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha và Rosneft của Nga, phải đền bù một số tiền khá lớn, vì sức ép của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu có phải lần này Việt Nam chọn đối tác Nhật Bản cho một dự án khai thác khí đốt trên Biển Đông vì Nhật Bản mạnh hơn và đáng tin cậy hơn?
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, câu chuyện hợp tác với Nhật Bản không phải từ bây giờ. Còn đối với Repsol thì không phải Việt Nam ngay từ đầu hợp tác với Repsol mà ký với đối tác khác. Các đối tác bán qua bán lại rồi cuối cùng đến tay Repsol.
Về việc chọn đối tác là Nhật Bản chứ không phải nước nào khác, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng lý do thứ nhất là Việt Nam rất tin tưởng Nhật Bản, một quốc gia có tiềm lực lớn về kinh tế, kỹ thuật và quốc phòng. Lý do thứ hai là Nhật Bản là đồng minh thân thiết bậc nhất của Mỹ tại châu Á. Đó là lý do Việt Nam tin tưởng Nhật Bản và hi vọng có thể thúc đẩy trở lại hoạt động thăm dò khai thác trên Biển Đông. Đây cũng là hành động thăm dò phản ứng của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng đương nhiên Việt Nam sẽ phải khai thác vì không khai thác thì bỏ mất lợi ích quốc gia của mình trong vùng biển này.
Ông Hoàng Việt cho rằng một trong những chủ trương từ lâu của Việt Nam là quốc tế hóa khu vực này. Một trong những cách để quốc tế hóa là mời các cường quốc khác đến cùng khai thác. Ông chỉ ra một thực tế thú vị trong chiến lược quốc tế của Việt Nam ở Biển Đông:
“Việt Nam đã ký với tập đoàn của Mỹ là Exxol Mobil để khai thác mỏ Cá Voi Xanh, hay mỏ Lạc Đà Vàng với tập đoàn Murphy của Mỹ. Ngoài ra Việt Nam còn hợp tác với hàng loạt cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga mà không có Trung Quốc.
Nhật Bản cách đây mấy năm cũng đã tham gia một loạt lô dầu khí. Mitsubishi đã tham gia rồi. Nói chung, chính sách đó thì Việt Nam đã làm từ lâu rồi, bây giờ chỉ làm mạnh hơn.
Có rất nhiều vấn đề trên Biển Đông khiến cho Việt Nam muốn khai thác nhưng chưa làm được do một loạt sự kiện xảy ra. Như mỏ Cá Rồng Đỏ thì Việt Nam phải ngưng lại nhưng thực tế vẫn muốn tiếp tục làm.”
Việt Nam tránh hợp tác quân sự
Sắp tới, ngày 11 tháng 4, 2024, hải quân Philippines sẽ cùng Nhật Bản, Hoa Kỳ tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. Trong khi Philippines đẩy mạnh hơn về hợp tác với Nhật Bản về quân sự trên Biển Đông, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản về kinh tế. Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam lựa chọn hợp tác về kinh tế thay vì hợp tác về quân sự mạnh mẽ như Philippines với các đối tác khác?
Trao đổi với RFA, ông Hồ Như Ý, nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc ở Ba Lan, cho rằng Việt Nam tránh để cho nguy cơ đối đầu quân sự lên cao, bởi vì về lực lượng hải quân, “vài ba chiếc tàu Việt Nam mua về chỉ để cho vui chứ không có ý nghĩa gì” trong việc đối phó với sức mạnh hải quân của Trung Quốc.
“Chính sách quốc phòng của Việt Nam là “mất bò mới lo làm chuồng” mà chuồng bây giờ cũng chẳng có. Đầu tư nhỏ giọt, không hiệu quả. Mỗi năm Trung Quốc ra được mấy chục tàu có tải trọng hai ba nghìn tấn trở lên. Họ dùng chiến lược sử dụng những tàu hải quân tải trọng ba đến năm nghìn tấn khoảng mười năm rồi chuyển sang cho Hải cảnh sử dụng. Họ dùng những con tàu đó để chèn ép Việt Nam, Philippines, Malaysia.
Các con tàu cảnh sát biển này do đó có trang bị còn mạnh hơn tàu hải quân chính quy của Việt Nam, Philippines. Ngay cả so sánh với hải quân Việt Nam thì những tàu có tải trọng lớn nhất vẫn là hai tàu lớp Hamilton do Mỹ viện trợ. Còn tàu mua của Nga, Pháp có tải trọng hai ngàn tấn thì Việt Nam chỉ có vài chiếc. Trong khi đó, Trung Quốc mỗi năm đóng vài chục chiếc như vậy. Họ đã đóng tàu với công suất như vậy hơn chục năm nay rồi, nghĩa là bây giờ họ có cả trăm chiếc, thì Việt Nam không thể so sánh được. Sự so sánh ở đây chỉ là khập khiễng.
Trước một chiến lược phát triển bài bản như vậy, lại có ưu thế vượt trội về ngân sách của Trung Quốc thì Việt Nam hoàn toàn không đỡ được.”
Nguồn: RFA