Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 21, 2024

Bảy nhược điểm của Mỹ nếu phải đối dầu với Trung Quốc


Tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. © Alex Brandon / AP

Quyền lực là gì, thế nào là một cường quốc ? Nhờ đâu Hoa Kỳ đã trở thành một siêu cường của thế giới ? Ngày nay Mỹ có còn có thể thực thi quyền lực với phần còn lại của thế giới hay đang đánh mất 7 lá bài quan trọng vào lúc đang phải lao vào cuộc tranh hùng với Trung Quốc ? Nhà sử học Niall Ferguson, đại học Standford California, liệt kê « 7 nhược điểm lớn » của Uncle Sam. Bài viết được đăng trên trang mạng tạp chí Pháp L’Express hôm 28/01/2024.

Trong phần mở đầu tác giả viết : Sức mạnh nào lay chuyển được cả một dân tộc ? Đó là câu hỏi văn hào Nga Leon Tolstoi từng nêu ra trong tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình. Nhà chính trị học người Mỹ Robert Dahl như đã tìm cách trả lời. Theo ông, người ta nói « A có quyền lực với B khi cưỡng ép B làm điều gì đó mà nhẽ ra hắn ta không làm ». Trong lĩnh vực địa chính trị, khi nói đến một cường quốc, thông thường đó là khả năng của một quốc gia « khuyến khích hay bắt buộc một nước khác hành động để phục vụ lợi ích cho chính mình. Đồng thời một cường quốc có khả năng cưỡng lại những áp lực phải đối mặt».

Mỹ không còn là một siêu cường

Thực tế phũ phàng của ngày hôm nay là Hoa Kỳ không còn trong tư thế của A để bắt buộc B phải làm theo ý muốn. Giờ đây có mấy ai còn đoái hoài đến số phận của Afghanistan đã bị Mỹ bỏ rơi hồi 2021 ? Ukraina vẫn phải gồng mình chống trả quân Nga xâm lược, nhưng chiến tranh Ukraina đang bị đẩy vào bóng tối, viện trợ của Washington cho Kiev đang mai một dần. Xung đột ở Gaza được thảo luận ráo riết, nhưng lại ít ai đả động đến trường hợp những cánh tay nối dài của Iran đang lộng hành gây hỗn loạn ở Trung Đông. Cử tri Đài Loan đã bầu ra một vị tổng thống mới, nhưng nếu như Bắc Kinh không hài lòng với kết quả đó và quyết định phong tỏa hòn đảo này thì Mỹ sẽ tính sao ?

Ngần ấy tiêu điểm thời sự khiến sử gia Ferguson đề nghị có lẽ thay vì ca tụng những « nguồn gốc của sức mạnh Hoa Kỳ hiện đại », thì nên chăng đi tìm những « căn nguyên dẫn đến sự suy nhược của nước Mỹ ngày nay ? ».

Trước khi đưa ra danh sách 7 nhược điểm của Mỹ, giáo sư lịch sử trường Stanford bắt độc giả phải kiên nhẫn thêm một chút. Ông nhắc lại rằng : Khi trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới, từ năm 1872 theo đánh giá của nhà kinh tế học người Anh Angus Maddison, hơn bất kỳ một quốc gia nào khác, Hoa Kỳ đã nắm giữ trong tay những phương tiện dồi dào cho quân đội, hải quân và sau đó là rất nhiều các cơ quan an ninh quốc gia khác nữa… Nhưng cho đến tận năm 1940, Washington không hề sử dụng đến những công cụ đó để thể hiện quyền lực, cho dù ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ đã « ngang bằng, rồi vượt qua hẳn so với ngân sách phòng thủ của các cường quốc châu Âu » thời đó.

Hoài nghi về sức mạnh kinh tế của Mỹ

Câu hỏi giờ đây, liệu Mỹ có còn là cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới hay không ? Câu trả lời sẽ là có nếu như chúng ta đo lường bằng đồng đô la, nhưng câu trả lời ấy cũng sẽ là không nếu như thước đo là sức mua tương đương (PPP).

Trong giả thuyết thứ, Trung Quốc đã đuổi kịp Mỹ từ 2016 và từ năm 2023 tính theo PPP, « kinh tế của Trung Quốc lớn gấp 5 lần » của Hoa Kỳ. Mấu chốt của tất cả vấn đề thu gọn trong ba nhữ PPP đó, bởi như giáo sư Niall Ferguson giải thích : Thí dụ như để trang bị vũ khí, hàng của Trung Quốc rẻ hơn nhiều so với vũ khí của Mỹ, cho dù chất lượng không bằng. Song ngoại trừ lĩnh vực khá đặc biệt là trang thiết bị quân sự, phần còn lại, giao dịch thương mại vẫn được thanh toán bằng đô la. Do vậy Mỹ vẫn còn chiếm thế thượng phong nhờ vào « sức mạnh của đô la và nhất là trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc lại yếu kém » như hiện nay.

Có điều « từ nhiều năm nay, dưới những hình thức khác nhau, Hoa Kỳ tự hủy hoại những lợi thế đang có » và đã để lộ ít nhất 7 điểm yếu quan trọng. Những nhược điểm đó là gì ? Nhà sử học Ferguson, đại học Standford lần lượt đưa ra danh sách với nhiều phân tích kèm theo.

Chính sách đón nhận người nước ngoài, khung pháp luật đáng tin cậy

Trước hết, theo ông, sức mạnh của nước Mỹ là « người nhập cư nước ngoài » : Chỉ nơi này mới có khả năng thu hút những nhân tài trên thế giới và đó là một sức mạnh mà chỉ Hoa Kỳ mới có được. Bằng chứng là ngày nay, hơn một nửa trong số các công ty khởi nghiệp của Mỹ trị giá hơn một tỷ đô la trên các sàn chứng khoán là do người nước ngoài lập ra hay đồng sáng lập. Trung Quốc không có phép lạ để những nhà tỷ phú tương lai như Elon Musk (chủ nhân Tesla) hay Apoorva Mehta (sáng lập viên Instacart, ông vua dịch vụ giao hàng tận nhà) đến định cư. Thế nhưng rồi chính sách đón nhận người nhập cư của Hoa Kỳ trong thời gian gần đây đã làm « mai một nguồn nhân sự » quý giá từ nước ngoài đem vào Mỹ.

Lợi thế thứ nhì của Uncle Sam so với Trung Quốc -và nhiều nơi khác trên thế giới – là nền tảng của một nhà nước pháp quyền. Đó là điều đã « thu hút nhân lực và đầu tư quốc tế », vì người ta tin tưởng vào hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ. Tiếc rằng trong những năm gần đây, uy tín đó của nước Mỹ cũng đang bị xói mòn. Trong bảng xếp hạng của tổ chức World Justice Project, Mỹ trượt 26 hạng.

Y tế – giáo dục

Một lợi thế thứ ba của Mỹ từng cho phép quốc gia này trở thành nền kinh tế thứ nhất toàn cầu là hệ thống giáo dục : Trong thế kỷ XIX và XX, Hoa Kỳ là nơi có hệ thống giáo dục tốt nhất. Giờ đây chỉ cần nhìn vào bảng xếp hạng PISA, người ta chỉ còn ngậm ngùi nhìn thấy khoảng cách quá lớn giữa trình độ của các học sinh Mỹ so với học sinh ở Hồng Kông hay Singapore. Riêng về toán và khoa học, trẻ em Mỹ bị bỏ lại xa ở phía sau so với học sinh ở Estonia hay Ireland.

Về y tế, vào thế kỷ trước, người Mỹ tự hào là được nuôi dưỡng tốt và sống lâu hơn so với những dân tộc khác. Thực tế đó không còn nữa. Quân đội càng lúc càng khó tuyển lính, bởi thanh niên nếu không nghiện ngập thì cũng bị béo phì : chưa đầy 25 % công dân Mỹ có lí lịch trong sạch và lành lặn để đi lính ! Điểm yếu thứ tư này như vậy liên quan đến cả từ vấn đề xã hội đến nguồn lực lao động của nước Mỹ. Những tác động kèm theo ảnh hưởng đến kinh tế và quốc phòng.

Trung Quốc đang bắt kịp Hoa Kỳ

Tác giả bài viết trên trang mạng của L’Express chẳng lẽ không quan tâm đến những điểm mạnh của Mỹ hiện nay, như khả năng sáng tạo, đầu óc cởi mở đón nhận những kiến thức mới, và nhất là túi tiền gần như không đáy của Hoa Kỳ?

Giáo sư Niall Ferguson không phủ nhận nhờ giàu có mà Hoa Kỳ đã và còn đang thống lĩnh công nghệ cao. Washington có những phương tiện « có một không hai » từ vũ khí đến khả năng thu thập thông tin tình báo, các công cụ phản gián … để đối phó với mọi cuộc xung đột dù là «nóng» hay «lạnh».

Có điều Trung Quốc đang «mon men tiến đến gần» và thậm chí là thách thức trong một số lĩnh vực như khai thác trí thông minh nhân tạo, chiến tranh thông tin hay phát triển tên lửa siêu thanh …. Khác biệt giữa Mỹ với Trung Quốc ở đây là ông khổng lồ châu Á này «thừa sức sản xuất đại trà tất cả những công nghệ mới, từ chế tạo drone đến tên lửa siêu thanh». Có thể xem đây là nhược điểm số 5 của Mỹ so với Trung Quốc.

Người Mỹ thờ ơ với quyền lực mềm của nước Mỹ

Hai điểm cuối cùng khiến tác giả bài viết băn khoan liên quan đến chính sách chi tiêu quá trớn của Mỹ và sức thu hút của Hoa Kỳ đối với công luận Mỹ cũng như với công luận quốc tế.

Giáo sư Ferguson ghi nhận : ngân sách liên bang Hoa Kỳ luôn thiếu hụt trầm trọng. Hiếm ai trên thế giới mang nợ nhiều như nước Mỹ mà phần lớn là nợ nước ngoài. Điều may mắn là thế giới phải dung đồng đô la Mỹ và Hoa Kỳ dù có mang nợ nhưng vẫn rất dễ đi vay. Thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như Mỹ bại trận trong một cuộc chiến quyết liệt nào đó ? Mối lo ngại này giải thích vì sao từ trên dưới 50 năm qua, Washington thiên về các cuộc chiến kinh tế hơn là các cuộc xung đột vũ trang. Hiệu quả của các đòn chiến tranh kinh tế đến đâu, đấy lại là chuyện khác.

Cuối cùng về hình ảnh của nước Mỹ với công luận trong nước và thế giới, giáo sư trường đại học Stanford, Hoa Kỳ nhắc lại rằng : Hiện tại quyền lực mềm của Mỹ « vẫn còn lớn ». Hình ảnh của nước Mỹ có sức lôi cuốn hơn hẳn so với của Trung Quốc. Nhưng tình cảm của chính những người Mỹ, của thanh niên Mỹ đối với Hoa Kỳ thì đang có nhiều « chuyển biến ». Giáo sư Niall Ferguson cho rằng đây là một yếu tố quan trọng khi mà Hoa Kỳ cần động viên những người trai trẻ đó cầm súng chiến đấu. Nước Mỹ tự hào là một nền dân chủ trên tuyến đầu thế giới tự do … Công luận đồng lòng khi Hoa Kỳ phải can thiệp quân sự trong hai cuộc Thế Chiến, khi phải can thiệp trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hay trong chiến tranh vùng Vịnh (1991). Thế nhưng rồi những cuộc chiến kéo dài như chiến tranh Việt Nam hay 20 năm chiến tranh Afghanistan đã khiến người Mỹ có một cái nhìn khác …

Mỹ nên chờ Trung Quốc tự sụp đổ từ bên trong?

Vậy có thể rút ra được kết luận nào ở đây ? Nhà sử học Ferguson so sánh : Hoàn cảnh của nước Mỹ hiện tại tương tự như « cái thế của Vương quốc Anh giữa hai cuộc Đại Chiến Thế Giới (…) đặc biệt là khi mà cử tri và thành phần ưu tú trong xã hội không sẵn sàng chấp nhận trang bị cho nước Mỹ những khả năng răn đe ».

Trong kịch bản đó, sớm muộn gì một cuộc đối đầu quân sự cũng sẽ xảy ra và khi đó « thì ngay cả trong trường hợp giành được thắng lợi thì quốc gia liên quan cũng sẽ bị suy yếu ». Cuối cùng trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung Quốc, lời khuyên nào cho Hoa Kỳ ? Sử gia Fergusson đại học Standford trả lời : « Có lẽ giải pháp thích hợp hơn cả là nên hoãn lại cuộc đối đầu (…) đợi cho đến lúc sức mạnh kinh tế của đối phương bị xói mòn, bị một căn bệnh nào đó làm suy yếu. Đây là kinh nghiệm bản thân với Liên Xô trước kia và rất có thể là điều sẽ xảy ra với Trung Quốc trước những yếu kém của nước này về mặt dân số và về những khó khăn tài chính đang lớn dần»

Nguồn: Thanh Hà @ RFI

Tags: ,

Click to listen highlighted text!