50 năm mất Hoàng Sa: Việt Nam không dễ kiện Trung Quốc
January 25, 2024
Các thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), 2021. (Ảnh minh họa).
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lúc đó, quần đảo này do Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Ngày 19 tháng 1 năm 2024 là tròn 50 năm Trung Quốc xâm lược và đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Nhân dịp này, RFA có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Tp. HCM về các khả năng kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế. Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, do một số đặc điểm riêng của tòa án quốc tế, việc đưa được Trung Quốc ra tòa là điều vô cùng khó khăn.
RFA. Hiện có bảy toà án quốc tế. Trong đó, loại trừ một số tòa có tính khu vực, không liên quan đến Việt Nam và Biển Đông, chúng ta còn có các tòa án có thể liên quan đến Hoàng Sa là Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Trong các tòa án quốc tế này, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra toà án nào để đòi lại Hoàng Sa? Tại sao?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Thứ nhất là chúng ta sẽ loại trừ Tòa án Quốc tế về Luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea). Tòa án này chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến Luật biển Quốc tế. Mà trong Luật biển Quốc tế thì không có vấn đề nào liên quan đến chủ quyền đối với các thực thể địa lý mà chỉ liên quan đến các vấn đề về biển như lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế… Tòa án này cũng yêu cầu phải có tất cả các bên cùng chấp nhận ra tòa.
Tòa án thứ hai là Tòa án Hình sự Quốc tế (International Court of Criminal). Đây là tòa đã truy tố tổng thống Nga Putin năm 2022 vì cuộc xâm lược Ukraine, dựa trên đơn đề nghị của khoảng 40 quốc gia. Tòa này không giải quyết các vấn đề biên giới và lãnh thổ.
Cơ bản nhất có hai tòa giải quyết các vấn đề về tranh chấp lãnh thổ. Tòa thứ nhất là tòa PCA, tức “The Permanent Court of Arbitration” (Tòa Trọng tài Thường trực). Tòa này là tòa lâu đời nhất, ra đời từ 1911 đến nay. Tòa PCA đã mở văn phòng ở Hà Nội. Đây không phải là tòa thông thường mà là tòa trọng tài.
Tòa thứ hai là Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice.) Đây là một cơ quan tư pháp của Liên Hiệp Quốc. Nó là được quy định trong Hiến chương Liên Hiệp quốc, là một cơ quan chính thống của Liên Hiệp Quốc.
Tòa này đã giải quyết rất nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ, biên giới gữa các quốc gia. Nó là một những tòa quốc tế quan trọng nhất hiện nay. Nếu Việt Nam muốn kiện Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa thì cũng sẽ đưa ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về Luật biển hoặc Tòa Trọng tài Thường trực.
Nhưng điều quan trọng nhất là các tòa án quốc tế này đòi hỏi tất cả các quốc gia liên quan đều phải cùng đưa ra tòa. Một trong những vấn đề quan trọng nhất của quan hệ quốc tế theo LHQ là chủ quyền quốc gia.
Tòa không thể vượt quá chủ quyền quốc gia. Khi mà một quốc gia nào đó không chấp thuận thì tòa không được đem vụ kiện đó ra xét xử. Liên Hiệp quốc thiết kế cơ chế như vậy để yêu cầu tất cả các bên tranh chấp một thực thể địa lý nào đó phải cùng đồng thuận ra tòa giải quyết.
RFA. Có phải vì Liên Hiệp Quốc muốn tránh trường hợp một quốc gia bị một quốc gia khác đơn phương đưa ra tòa án quốc tế, trái với ý chí của quốc gia đó?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Cũng có thể là như vậy. Điều quan trọng nhất là nguyên tắc của Liên Hiệp quốc tôn trọng chủ quyền quốc gia. Đây là nguyên tắc tối thượng. Không ai có thể áp đặt một quốc gia ở một tòa án quốc tế khi mà quốc gia đó không chấp nhận giải quyết bằng phương án đó.
Điều khó khăn nhất khi muốn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa chính là phải có sự chấp thuận của Trung Quốc đối với việc ra tòa.
RFA. Tòa Trọng tài thì khác gì với các tòa khác? Nếu Việt Nam sử dụng tòa trọng tài thì vụ việc có thể tiến triển như thế nào?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Ví dụ trong vụ Philippines kiện TQ, người ta sẽ lập một hội đồng trọng tài. Các trọng tài phân xử sẽ được tuyển chọn từ các trọng tài viên của tòa ITLOS (Tòa án Quốc tế về Luật biển.) Tức đó là một cơ chế mềm dẻo.
Tòa trọng tài (Tribunal) là tòa chỉ lập ra khi có một vụ án, chỉ để xét xử vụ kiện đó. Khi xét xử xong thì nó giải tán. Còn tòa án (Court) là luôn luôn có sẵn, luôn tồn tại.
Trong quá khứ, có một số vụ kiện để chúng ta hiểu nếu áp dụng kiểu tòa án này thì vụ kiện có thể xảy ra như thế nào.
Ví dụ như vụ án Yukos của Nga. Khi chính phủ Nga quốc hữu hóa tập đoàn Yukos thì đã quốc hữu hóa cả số vốn đầu tư của một số chủ đầu tư nước ngoài. Các chủ đầu tư nước ngoài này đã kiện chính phủ Nga ra tòa án quốc tế. Đó sẽ là một tòa trọng tài để phân xử đúng sai giữa hai bên.
Trong vụ án này, chính phủ Nga đã phản đòn bằng một bước đi hoàn toàn hợp pháp và hiệu quả.
Hội đồng tòa trọng tài phán quyết Nga thua cuộc, phải đền bù hơn 50 tỷ USD. Phía Nga đã tìm kiếm một tòa thường trực tại Hà Lan nằm ở nơi có trụ sở của PCA. Tòa này có quyền xét lại phán quyết của PCA. Trong khi đó, PCA không được xem xét phán quyết đó.
RFA. Nếu Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì đã đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực chứ không phải bằng thương thuyết và thỏa ước thì có thể kiện như thế nào? Diễn biến có thể ra sao?
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt: Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974 thì đã trái Hiến chương Liên Hiệp quốc. Điều 2 của Hiến chương đã quy định rằng tất cả các quốc gia phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Năm 1970, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc ra Nghị quyết 2625, khẳng định rằng kể từ đó về sau, mọi vùng lãnh thổ được thụ đắc bằng vũ lực sẽ không được công nhận.
Chính vì vậy, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực năm 1974, khi Nghị quyết 2625 đã có hiệu lực, nên quốc tế vẫn chưa công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối quần đảo Hoàng Sa.
Vấn đề khó khăn nhất của Việt Nam khi muốn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là Trung Quốc cũng phải đồng ý ra tòa. Nhưng Trung Quốc không bao giờ đồng ý ra tòa. Họ khẳng định chỉ đàm phán song phương, không chấp nhận giải quyết với một bên thứ ba, bao gồm cả tòa án. Vì vậy, việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế là bất khả thi.
RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, nhà nghiên cứu Hoàng Việt sẽ trao đổi những điều Việt Nam có thể làm ngay cả khi Trung Quốc không chấp nhận ra tòa án quốc tế.
Nguồn