Bộ Quốc Phòng Mỹ báo động Trung Quốc tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân
October 20, 2023
Từ 2015, 2016, Trung Quốc triển khai tên lửa DF-26 có thể mang đầu đạn hạt nhân, hoặc quy ước, có tầm bắn từ 3.000 đến 4.000 km. DF-26 được coi là vũ khí đối phó hiệu quả với các cuộc tấn công từ biển. Ảnh : Wikipedia
Theo bản báo cáo hơn 400 trang mà Lầu Năm Góc công bố hôm 19/10/2023, Bắc Kinh hiện đã có trong tay hơn 500 đầu đạn hạt nhân và từ nay đến năm 2030, kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc có khả năng vượt ngưỡng 1.000 đầu đạn. Tốc độ phát triển như vậy là nhanh hơn so với dự báo của Hoa Kỳ.
Hãng tin Anh Reuters ghi nhận, tính đến tháng 5/2023, với khoảng 500 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc vẫn bị Nga và Mỹ bỏ xa. Hoa Kỳ hiện có khoảng 3.700 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.419 là « đầu đạn nguyên tử chiến lược đã được triển khai », con số này của Nga là khoảng 1.550 trên tổng số gần 4.500 đầu đạn hạt nhân. Nhưng so với 2 năm trước đây, kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Kinh chỉ có chừng 400 đầu đạn nguyên tử. Do vậy, tài liệu của Lầu Năm Góc báo động : « Trung Quốc tiếp tục và nhanh chóng hiện đại hóa, đa dạng hóa và gia tăng khả năng hạt nhân ».
Hơn nữa, vũ khí hủy diệt hàng loạt của Trung Quốc ngày nay « quy mô, tinh vi và phức tạp hơn nhiều so với một thập niên trước ». Một cách gián tiếp, bộ Quốc Phòng Mỹ báo động về nguy cơ Hoa Kỳ bị Trung Quốc bắt kịp.
Ngoài vấn đề vũ khí hạt nhân, báo cáo của Lầu Năm Góc còn ghi nhận trong một năm, Hải Quân Trung Quốc đã được trang bị thêm 30 tàu chiến và tàu ngầm. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Tập Cận Bình dành ưu tiên cho khả năng phòng thủ trên biển, một yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển sức mạnh quân sự mà chủ tịch Trung Quốc đề xuất.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, trong cuộc họp báo sáng nay đã không phủ nhận những con số trong báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, mà chỉ nhấn mạnh Bắc Kinh « mạnh mẽ phản đối » tài liệu nói trên. Bà khẳng định vũ khí hạt nhân là một công cụ để răn đe, « tự vệ », « không nhắm vào bất kỳ một quốc gia nào » và Trung Quốc chủ trương « không là phía đầu tiên sử dụng » loại vũ khí này.
Nguồn: Thanh Hà @ RFI