Tù chính trị bị phân biệt đối xử trong lao động và đặc xá
September 3, 2022
Công an đứng canh giữa những người tù vỗ tay trong lễ công bố lệnh đặc xá của chủ tịch nước tại một nhà tù ở ngoại thành Hà Nội hôm 31/8/2015
Tin RFA – Chủ tịch nước mới ký quyết định đặc xá cho hơn 2.400 phạm nhân trong dịp Quốc khánh năm nay, không ai trong số đó là tù chính trị, Nghị quyết của Quốc hội vừa có hiệu lực về thí điểm đưa tù nhân ra lao động ngoài trại giam cũng loại trừ những tù nhân lương tâm.
Nghị quyết số 54 do Quốc hội thông qua hồi tháng 6 và có hiệu lực năm năm kể từ ngày 01/9/2022, quy định không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những tù nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình,…
Luật Đặc xá có hiệu lực từ năm 2018 cũng quy định những người bị kết tội xâm phạm an ninh quốc gia đều không là đối tượng được xét đặc xá.
Các Facebooker và nhà hoạt động bị tuyên án theo tội danh quy định tại Điều 331 của Bộ luật hình sự 2015 “lợi dụng tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước…” nằm trong chương về các Tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cũng bị phân biệt đối xử như vậy.
Bà Đỗ Lê Na viết trên Facebook cá nhân trong ngày 2/9 đặt câu hỏi, “Quyền tự do mà Hồ Chí Minh nhắc đến có bao gồm quyền tự do ngôn luận và quyền tự ứng cử vào Quốc hội không?
Nếu phải thì cớ sao: Bố mẹ phải xa con, vợ phải xa chồng và các con phải xa cha chỉ vì người thân của chúng tôi đã nghiêm túc thực hiện các quyền của công dân được nhắc đến trong bản tuyên ngôn này, cũng như trong bản Hiến pháp hiện hành của nước Việt Nam?”
Bà Na là một người bị khiếm thị, vợ của nhà báo công dân Lê Trọng Hùng- người đã bị xử năm năm tù với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” và đang thụ án tại Trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An. Bà nhận xét với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Ở Việt Nam, nhiều người bị khép vào tội liên quan đến an ninh quốc gia chỉ vì họ là những người lên tiếng vạch ra sai trái của nhà cầm quyền, họ là những người bất đồng chính kiến, do vậy, việc họ không được xét đặc xá là bất công và phi nhân đạo.
Việc không cho người tù chính trị đi lao động ở ngoài trại giam là con đường ngắn nhất và tàn bạo nhất nhằm huỷ diệt tinh thần và thể chất của người bất đồng chính kiến, không cho người tù tiếp xúc với thiên nhiên mà nhốt họ trong bốn bức tường trong nhiều năm tù.”
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từng bị kết án bảy năm tù với tội danh “gián điệp” sau nhiều bài viết kêu gọi dân chủ, nhân quyền. Từ Hà Nội, ông nói nghị quyết mới của quốc hội tước đi niềm vui của tù nhân chính trị đang ở trong trại giam:
“Đúng là một sự phân biệt đối xử, bởi vì khi được ra khỏi trại thì tâm lý rất là khác, được thay đổi môi trường không khí. Nếu tù nhân lương tâm không được hưởng quyền đó mà tù thường phạm được thì đó là sự thiệt thòi.”
Ông Bình cho biết tù nhân lương tâm không bị bắt buộc lao động, nhưng nhiều người cũng muốn làm việc để có sự vận động với công việc phù hợp, nhưng nếu quá nặng nhọc thì cũng không ai thích.
Cựu tù nhân Trần Thanh Phương, người mãn hạn tù đầu tháng ba năm nay, cho chúng tôi biết việc đưa tù nhân đi lao động ngoài trại giam đã được thực hiện từ lâu ở Trại giam An Phước (Bình Dương).
Theo ông Phương, tù nhân chính trị chỉ được lao động ở trong một không gian kín trong phạm vi hạn chế của trại giam trong khi người tù thường phạm thì có thể được đưa đi lao động ở ngoài trại giam. Ông chia sẻ:
“Lao động bên chỗ anh em tù nhân chính trị nằm trong khuôn viên của cái cổng đó thôi, không ra ngoài bức tường đó. Còn lao động của anh em bên án xã hội thì ở ngoài xưởng, đi xa lắm, có khi xa 1-2 cây số.”
Ông Phương cho rằng cán bộ trại giam bóc lột sức lao động của tù nhân, chỉ trả tiền công bằng 1/10 so với giá trị thực tế của công lao động.
Một người có sức khoẻ như ông mà lao động chăm chỉ cũng chỉ có thể được trả công 300.000-350.000 đồng/tháng còn một người tù thường phạm khoẻ mạnh chỉ được trả công 60.000 đồng/ngày khi đi làm việc ở ngoài trại giam.
Trong khi người tù mang án chính trị được nhận tiền công này bằng hình thức cộng vào sổ để sử dụng mua hàng trong căng-tin của trại giam thì tù thường phạm không được nhận mà chỉ được tính vào điểm thi đua để có thể được giảm án, ông Phương cho biết.
Về vấn đề đặc xá, cựu tù nhân lương tâm, luật sư Lê Công Định chia sẻ qua tin nhắn cho rằng, tù nhân tư tưởng (tên gọi thông dụng trong ngành an ninh) chỉ được đặc xá đặc biệt theo quyết định của Chủ tịch nước căn cứ vào tình hình chính trị và đối ngoại, không thuộc diện đặc xá bình thường.
Cử nhân luật Bùi Quang Thắng từ Hà Nội cho rằng nếu xem xét theo khía cạnh pháp luật thì quy định về lao động ở ngoài trại giam và đặc xá không có gì sai.
Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh: “Việc toà án kết tội một người có tội về xâm phạm an ninh quốc gia có đúng hay không là một vấn đề khác.”
Theo các tổ chức nhân quyền ở trong nước và quốc tế, Việt Nam hiện đang giam giữ hàng trăm tù nhân lương tâm, những người bị kết tội vì các hoạt động ôn hòa của mình như viết báo, hay chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội…
Nhiều tổ chức quốc tế kêu gọi Việt Nam xoá bỏ những điều khoản mơ hồ trên hoặc sửa đổi Bộ luật Hình sự để bảo đảm luật Việt Nam tương đồng với các luật nhân quyền quốc tế mà Hà Nội đã ký kết.
Theo một báo cáo của tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) công bố hồi tháng ba năm nay, Việt Nam hiện giam giữ hơn 150 tù chính trị là những người đã thực hiện các quyền cơ bản của mình theo Hiến pháp.
Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam không có tù chinh trị.