TT Mỹ không cung cấp cho Ukraina pháo phản lực có thể bắn tới Nga
May 31, 2022
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khi đi thăm nhà máy chế tạo vũ khí Lockheed Martin, ở Troy, Alabama, Hoa Kỳ, ngày 03/05/2022. REUTERS – JONATHAN ERNST.–
Mặc dù có những lời kêu gọi ngày càng khẩn thiết của Ukraina, tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30/05/2022 đã loại trừ khả năng chuyển giao cho Ukraina các hệ thống phóng pháo phản lực tầm xa có thể bắn tới lãnh thổ Nga.
Phát biểu với các phóng viên vào sáng hôm qua, tổng thống Mỹ cho biết là Hoa Kỳ “sẽ không gửi sang Ukraina các hệ thống pháo phản lực có thể tấn công sâu vào bên trong nước Nga”.
Tuyên bố được ông Joe Biden đưa ra trong bối cảnh truyền thông Mỹ trong những ngày gần đây cho rằng Washington đang chuẩn bị chuyển giao các hệ thống pháo phản lực hàng loạt tầm xa (MLRS) cho chính quyền Kiev, sau khi Quốc Hội Mỹ thông qua khoản viện trợ bổ sung 40 tỷ đô la cho Ukraina.
Một loại hệ thống phóng pháo phản lực thứ hai cũng đã được nhắc đến: Hệ thống Himars, với tầm bắn từ 70 đến 150 km, xa hơn nhiều so với các khẩu đội pháo M777 – chỉ có tầm bắn hiệu quả không quá 40km – hiện đang được chuyển giao cho Kiev.
Về các thông tin trên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby không xác nhận việc viện trợ cho Ukraina hệ thống pháo phản lực MLRS M270 – phương tiện hiện đại cơ động cao với tầm bắn 300 km. Một quan chức Mỹ hôm qua cho biết là Washington vẫn đang cân nhắc việc cung cấp các hệ thống pháo phản lực MLRS, nhưng là loại không có khả năng tấn công tầm xa.
Phía đảng Cộng Hòa đã lập tức chỉ trích tổng thống Mỹ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Lindsey Graham đã gọi quyết định của tổng thống Joe Biden là “hành vi phản bội Ukraina và bản thân nền dân chủ.” Theo ông Graham, “chính quyền Biden một lần nữa lại bị lời lẽ hung hăng của Nga đe dọa”.
Trong thời gian gần đây, các quan chức Ukraina đã nhiều lần yêu cầu được phương Tây cung cấp thêm vũ khí hạng nặng. Trên Twitter, ông Mykhaïlo Podoliak, cố vấn của tổng thống Ukraina, không ngần ngại chỉ trích: “Một số đối tác tránh giao vũ khí cần thiết vì sợ leo thang. Có thật là leo thang không, khi Nga đang dùng đến loại vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất, thiêu cháy những người còn sống. Có lẽ đã đến lúc (…) cung cấp cho chúng ta các loại MLRS (giàn phóng tên lửa hàng loạt)?”
Vào tuần trước tại Davos, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba cũng cảnh báo rằng: “Các quốc gia đang chùn chân trong việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina phải hiểu rằng mỗi ngày mà họ bỏ ra để quyết định, cân nhắc các lập luận khác nhau, là mỗi ngày có thêm người bị giết”.
Paris sẽ “tăng cường” giao vũ khí cho Ukraina
Cũng về viện trợ quân sự cho Ukraina, tân ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ngày 30/05 đã khẳng định tại Kiev là Paris sẽ “tiếp tục và tăng cường” các hoạt động chuyển giao vũ khí cho Ukraina.
Trong một cuộc họp báo với đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kouleba, ngoại trưởng Pháp cho biết là chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron “đã thông báo quyết định của mình cho tổng thống Zelensky về việc tiếp tục và thậm chí tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraina”.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Macron đã thông báo việc gửi thiết bị quân sự tới Kiev, đặc biệt là đại pháo tự hành Caesar, loại vũ khí mà chính ngoại trưởng Ukraina đánh giá là “đáng tin cậy và hiệu quả”.
Bà Colonna cho biết rằng các chuyến giao thiết bị quân sự khác có thể diễn ra trong “những tuần tới”. Ước tính tổng số tiền viện trợ mà Pháp cấp cho Ukraina đã lên đến hai tỷ đô la, cả quân sự lẫn nhân đạo.
Đối với ngoại trưởng Colonna,“Pháp không lâm chiến với Nga, nhưng rất quyết tâm trong việc cung cấp thiết bị quốc phòng cho Ukraina”. Mục tiêu, theo bà Colonna, là “làm cho cái giá của việc tiếp tục chiến tranh trở thành không thể chịu đựng được đối với Nga”.
Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa