CEO của JPMorgan nói về ‘những đám mây giông tố lớn’ bao phủ nền kinh tế Hoa Kỳ
May 24, 2022
Một trung tâm mua sắm ở Manhattan, Thành phố New York vào hôm 04/04/2022. Một báo cáo gần đây của Bộ Thương mại cho thấy GDP của Hoa Kỳ giảm 1.4% trong quý đầu tiên của năm. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images).–
Hôm thứ Hai (23/05), Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, đã nói chuyện với các nhà đầu tư vào ngày đầu tiên dành cho nhà đầu tư của công ty kể từ khi virus Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) bùng phát, tổng hợp lại các khó khăn đang đe dọa nền kinh tế Hoa Kỳ, đồng thời nêu rõ những lý do để lạc quan về nền kinh tế Hoa Kỳ trong hoàn cảnh đó.
Trong nhận xét của mình, ông Dimon mô tả một “nền kinh tế mạnh mẽ” với “những đám mây giông tố lớn”, lưu ý rằng phép ẩn dụ về thời tiết này chứng tỏ có rất nhiều sự bấp bênh bất ổn về nền kinh tế trong tương lai gần.
“Tôi gọi nó là đám mây giông tố bởi vì chúng là những đám mây đen. Chúng có thể tiêu tan,” ông Dimon nói với các nhà đầu tư.
Ông Dimon đặc biệt không muốn đưa ra các dự báo nhất định về tương lai của nền kinh tế, nhưng thường xuyên thảo luận về các kịch bản và mối lo ngại có thể xảy ra.
Đầu tháng này, JPMorgan Chase đã đánh giá kết quả có thể xảy ra của kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang. Ông Dimon cho biết có “⅓ cơ hội” mà Fed có thể đạt được “hạ cánh mềm”, tăng lãi suất một cách khéo léo đồng thời tránh được suy thoái hoàn toàn.
Tuy nhiên, ông chỉ định xác suất bằng nhau cho hai kết quả ít mong muốn hơn, nói rằng cũng có 1/3 khả năng xảy ra “suy thoái nhẹ”, đồng thời nói rằng cũng có “khả năng là nó sẽ khó hơn thế nhiều.”
Những đánh giá này phản ánh sự lo lắng và sợ hãi của nhiều chuyên gia, khi mà sự bấp bênh bất ổn ẩn hiện trong nền kinh tế hậu đại dịch bị bao trùm bởi lạm phát, những lo ngại về chuỗi cung ứng, và sự suy thoái của thị trường chứng khoán. Nhiều nhà kinh tế nhận định rằng khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ đang tiến tới một cuộc suy thoái ngày càng gia tăng, vì chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang đã gây ra nỗi sợ hãi cho một thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn.
Trong hoàn cảnh đó, ngày càng có nhiều chuyên gia và giám đốc điều hành cảnh báo rằng một cuộc suy thoái có thể xuất hiện trong năm nay. Cựu Giám đốc điều hành Goldman Sachs, ông Lloyd Blankfein đã mô tả nguy cơ xảy ra suy thoái là “rất, rất cao”, trong khi người đứng đầu Wells Fargo, ông Charlie Scharf cho biết khả năng nền kinh tế suy thoái trong tương lai gần là “không phải bàn cãi.”
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke gần đây đã nêu ra những lo ngại về “lạm phát đình trệ” (lạm phát kèm suy thoái), cho thấy rằng những năm sắp tới có thể chứng kiến lạm phát tiếp tục, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tuy nhiên, ông Dimon đã cố gắng truyền hy vọng và sự nhiệt tình cho các nhà đầu tư trong khi thừa nhận những lo lắng của họ về các mối đe dọa đối với nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung và JPMorgan nói riêng.
Ông Dimon đã lãnh đạo JPMorgan Chase từ năm 2005, trong thời gian đó công ty đã trở thành ngân hàng lớn nhất tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, mùa kinh doanh này có thể là một trong những thách thức lớn nhất của nhà điều hành này cho đến nay: cổ phiếu của JPMorgan Chase đã giảm hơn 25% kể từ đầu năm, so với mức giảm chỉ khoảng 19% trong Chỉ số Ngân hàng KBW rộng lớn hơn.
Công ty này đã khiến các nhà đầu tư thất vọng với kế hoạch tăng chi tiêu cho công nghệ và tuyển mộ nhân tài, hiện đang duy trì triển vọng chi phí là 77 tỷ USD, không bao gồm chi phí pháp lý — tổng số đó cao hơn 8.6% so với chi phí của năm ngoái (2021).
Tuy nhiên, bài diễn thuyết của ông Dimon trước các nhà đầu tư dường như đã giúp được phần nào — cổ phiếu của JPMorgan Chase đã tăng 6.14% vào thứ Hai. Bất kể thách thức tương lai nào có thể xảy đến với đại ngân hàng này, ông Dimon có thể sẽ tận hưởng một khoảng thời gian khá dài nữa để chứng kiến kế hoạch của mình thành hiện thực: mặc dù năm nay là một năm đầy thử thách, hội đồng quản trị của JP Morgan Chase đã thông báo rằng họ muốn ông giữ chức Giám đốc điều hành trong năm năm.
Mặc dù kế hoạch chi tiêu của vị giám đốc điều hành này vẫn còn gây tranh cãi giữa các nhà đầu tư, nhưng ông vẫn nhận được sự tín nhiệm của nhiều người trong công ty, và có được mức độ tín nhiệm hiếm có giữa các thành viên trong giới ngân hàng.
Nguồn: Naveen Athrappully, Nicholas Dolinger, Nhật Thăng