Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 21, 2024

Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết cải tổ quyền phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc


Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.–

Việt Nam hôm 26/4 đã hòa cùng 192 thành viên khác của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an phải biện minh cho sự phủ quyết của họ.

Nghị quyết này, vốn được đề xuất lần đầu tiên cách nay hơn hai năm, quy định Đại hội đồng sẽ được triệu tập trong vòng 10 ngày làm việc sau khi xảy ra phủ quyết ở Hội đồng Bảo an ‘để tranh luận về hoàn cảnh mà quyền phủ quyết được đưa ra’, theo nội dung nghị quyết được AFP dẫn lại.

Nghị quyết này được thông qua trong bối cảnh Nga, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đã bị chỉ trích vì sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn Hội đồng Bảo an ra nghị quyết yêu cầu Moscow rút quân khỏi Ukraine.

Biện pháp này nhằm để khiến những nước có quyền phủ quyết là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp và Anh ‘phải trả giá chính trị cao hơn’ khi họ sử dụng quyền phủ quyết để phong tỏa một nghị quyết nào đó của Hội đồng Bảo an, một vị đại sứ yêu cầu được giấu tên nói với AFP.

Đại hội đồng không bắt buộc thực hiện hay xem xét bất kỳ hành động nào, nhưng việc thảo luận có thể đưa những nước đã phủ quyết ra ánh sáng và cho phép nhiều nước khác vốn không có quyền phủ quyết được cất tiếng nói.

Nghị quyết do công quốc Liechtenstein đề xuất và được gần 100 nước đồng bảo trợ, trong đó có ba nước nắm quyền phủ quyết là Mỹ, Anh và Pháp, một sự tập hợp ủng hộ nhanh chóng vốn khiến nhiều nhà ngoại giao ở Liên Hợp Quốc ngạc nhiên, theo AFP.

Đại sứ Liechtenstein, ông Christian Wenaweser, cho biết nghị quyết này nhằm ‘thúc đẩy vai trò của Liên Hợp Quốc, thúc đẩy cơ chế đa phương và thúc đẩy tiếng nói của tất cả chúng ta, những người không có quyền phủ quyết và những người không có chân trong Hội đồng Bảo an về các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế’.

Văn bản này không mang tính ràng buộc pháp lý và không có gì ngăn cản một nước đã sử dụng quyền phủ quyết từ chối giải trình trước Đại hội đồng.

Nhưng nó sẽ giúp ‘làm sáng tỏ’ việc sử dụng quyền phủ quyết và ‘sự tê liệt’ trong Hội đồng Bảo an, một đại sứ giấu tên nói với AFP.

Trong số các nước đồng bảo trợ của nghị quyết có Ukraine, Nhật Bản và Đức, những nước hy vọng trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an một khi nó được mở rộng.

Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều không tham gia bảo trợ nghị quyết. Một nhà ngoại giao từ một trong hai nước này, vốn yêu cầu giấu tên, đã chỉ trích nghị quyết này với Al Jazeera, nói rằng nó sẽ càng ‘chia rẽ’ Liên Hợp Quốc.

Không rõ Việt Nam có tham gia bảo trợ cho nghị quyết này hay không. Tuy nhiên, trong ba lần Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu gần đây nhất về cuộc chiến ở Ukraine, Hà Nội đã bỏ phiếu hoàn toàn theo lập trường của Bắc Kinh, trong đó có hai lần bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết đòi Nga rút quân khỏi Ukraine và nghị quyết lên án Nga gây ra thảm họa nhân đạo ở Ukraine, và một lần bỏ phiếu chống lại việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

‘Phải giải trình’

Không rõ liệu nghị quyết này có khiến năm thành viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết ít hơn hay không – vì các nước muốn phủ quyết sẽ phải công khai giải thích lập trường của họ.

Từ quan điểm của Mỹ, Nga đã lạm dụng quyền phủ quyết trong hai thập kỷ và nghị quyết này được đề xuất nhằm khắc phục tình hình.

Nhưng cả Brazil và Ấn Độ, hai ứng cử viên tiềm năng cho vị trí thành viên thường trực, đều không nằm trong danh sách đồng bảo trợ mà AFP có được.

Khi trình bày nghị quyết trước Đại Hội đồng vào sáng ngày 26/4, ông Wenaweser đã ám chỉ đến cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào ngày 24/2 và việc Hội đồng Bảo an không thể hành động do sự phủ quyết của Nga: “Chưa bao giờ cần phải có cơ chế đa phương hiệu quả như ngày nay, và chưa bao giờ cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn để đảm bảo vai trò trung tâm và tiếng nói của Liên Hợp Quốc như hiện nay.”

Phó đại sứ Mỹ Richard Mills phát biểu sau cuộc bỏ phiếu rằng Washington ‘cực kỳ lo ngại trước xu hướng lạm dụng quyền phủ quyết của Nga trong thập kỷ qua’, và dẫn ra các nghị quyết mà Moscow đã phủ quyết, từ đưa Syria ra Tòa án Hình sự Quốc tế cho đến phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và yêu cầu Nga ngay lập tức ngừng cuộc xâm lược Ukraine.

Đại sứ Barbara Woodward của Anh vốn đã không sử dụng quyền phủ quyết kể từ năm 1989, gọi nghị quyết này là ‘một bước theo đuổi duy trì hòa bình và an ninh quốc tế’, và nói thêm: “Chúng tôi thích giành được thêm phiếu hơn là sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn hành động của hội đồng”.

Pháp cũng đồng tài trợ cho nghị quyết nhưng phó Đại sứ Nathalie Broadhurst cho biết họ không tin Đại hội đồng có thể trở thành bên phán xét Hội đồng Bảo an.

Bà nói rằng đó là lý do tại sao Pháp và Mexico đã thúc đẩy sáng kiến về quyền phủ quyết trong nhiều năm. Sáng kiến này yêu cầu năm thành viên thường trực hội đồng tự nguyện ngưng dùng quyền phủ quyết trong trường hợp xảy ra tội ác hàng loạt. Bà cho biết đề xuất này đã được 105 nước ủng hộ và kêu gọi ‘tất cả các quốc gia, nhất là bốn thành viên thường trực khác, tham gia’.

Phó đại sứ Nga Gennady Kuzmin gọi quyền phủ quyết là ‘nền tảng của cấu trúc Liên Hợp Quốc’ và cảnh báo “nếu không có nó, Hội đồng Bảo an sẽ trở thành cơ quan bù nhìn chỉ có việc thông qua các quyết định đáng nghi vấn vốn được đa số các nước thành viên Liên Hiệp Quốc áp đặt và khó lòng thực hiện’.

“Một Hội đồng Bảo an mang tính đại diện phản ánh hệ thống quốc tế hiện tại là trung tâm của việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và cho tương lai của tổ chức này,” Đại sứ Brazil Ronaldo Costa Filho phát biểu trước Đại hội đồng.

Phó đại sứ Ấn Độ Ravindra Raguttahalli nói rằng ‘một thiểu số mạnh miệng những người phản đối’ vốn ủng hộ hiện trạng trong Hội đồng Bảo an đã bắt nỗ lực cải cách làm con tin. Ông nói rằng nghị quyết này bỏ qua nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là tái cấu trúc Hội đồng Bảo an để phản ánh ‘thực tế địa chính trị đương đại’.

Dậm chân tại chỗ

Cải cách Hội đồng Bảo an, cơ quan được giao trách nhiệm theo Hiến chương Liên Hợp Quốc là đảm bảo hòa bình và an ninh quốc tế, đã được bàn thảo và tranh luận trong hơn 40 năm.

Nhưng tất cả các nỗ lực cải cách trước đây, bắt đầu từ năm 1979, đã thất bại vì sự cạnh tranh giữa các nước và các khu vực đã ngăn chặn đạt đồng thuận về quy mô, thành phần và quyền hạn của hội đồng mở rộng.

Đến nay, đã có hơn 200 dự thảo nghị quyết khác nhau đã bị phủ quyết ở Hội đồng Bảo an, theo hồ sơ của Liên Hợp Quốc. Các chủ đề từng bị phủ quyết bao gồm từ Chiến tranh Triều Tiên và cuộc xung đột Israel-Palestine đến biến đổi khí hậu, báo cáo về kho vũ khí…

Liên Xô cũ và người kế nhiệm Nga đã phủ quyết nhiều nhất cho đến nay, tiếp theo là Mỹ.

Kể từ năm 1946 đến nay, Liên Xô và sau này là Nga đã dùng quyền phủ quyết nhiều nhất, đến 143 lần. Đứng thứ hai là Mỹ với 86 lần, bỏ xa ba thành viên thường trực còn lại là Anh với 30 lần và Trung Quốc và Pháp với đồng 18 lần.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

Tags:

Click to listen highlighted text!