Mỹ cho các nhà ngoại giao quay trở lại Ukraina
April 25, 2022
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken (P) và bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin (T) đứng cạnh tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky tại Kiev, Ukraina. 25/04/2022. AP.–
Hôm qua 24/04/2022, ngoại trưởng Antony Blinken và bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin của Hoa Kỳ, đã gặp tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky ở Kiev, Ukraina để thông báo về việc Washington viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraina và các nhà ngoại giao Mỹ sẽ quay trở lại nước này.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết : « Chúng tôi muốn các nhà ngoại giao của mình trở lại đại sứ quán ở Kiev càng sớm càng tốt. »
Mỹ đã phải di dời đại sứ quán từ Kiev đến Lviv hôm 14/02/2022, 10 ngày trước khi Nga phát động tấn công Ukraina. Ông Blinken cũng thông báo về việc bổ nhiệm tân đại sứ Mỹ tại Ukraina trong những ngày tới. Đó là bà Bridget Brink, đương kim đại sứ Hoa Kỳ tại Slovakia.
Ngoài ra, hai bộ trưởng Hoa Kỳ cũng thông báo về việc Washington tiếp tục viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraina. Khoản viện trợ sắp tới có trị giá 713 triệu đô la.
Còn tại Thụy Sĩ, chính quyền nước này đã cùng phương Tây ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga bằng cách đóng băng tài sản các nhà tài phiệt nước này, nhưng chính quyền Bern vẫn kiên quyết từ chối để Đức cung cấp cho Ukraina các loại đạn dược do Thụy Sĩ sản xuất.
Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche cho biết thêm chi tiết :
“Loại đạn bị Thụy Sĩ từ chối được sản xuất ở vùng Zurich, để trang bị cho xe tăng Marder của Đức mà Berlin đang có ý định cấp cho Ukraina. Do đó, Đức đã xin phép nước láng giềng chuyển vũ khí này sang Ukraina. Nhưng Bern đã bác yêu cầu nói trên. Một phần vì tính trung lập của Thụy Sĩ nhưng cũng vì luật của Thụy Sĩ cấm xuất khẩu thiết bị chiến tranh sang các nước có xung đột.
Tuy nhiên, một số dân biểu ở Thụy Sĩ nói rằng họ không hiểu lập trường của chính phủ, bởi chính phủ vốn có quyền cho phép xuất khẩu những thiết bị này nếu vì lợi ích của đất nước. Lãnh đạo đảng trung hữu thậm chí còn nói rằng Thụy Sĩ từ chối giúp đỡ Ukraina. Trên thực tế, vũ khí do Thụy Sĩ sản xuất đã được sử dụng trong cuộc xung đột, điển hình đó là các đầu đạn của hệ thống phòng thủ chống tăng của Ukraina. Nhưng đây chỉ là linh kiện. Việc lắp ráp được thực hiện ở Anh Quốc, do vậy, nước này không cần hỏi ý kiến Thụy Sĩ trước khi gửi vũ khí đến Kiev.”
Nguồn: RFI/Phan Minh