Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 23, 2024

Cáo giác ép cung, nhục hình thậm chí gây chết người không được xem xét vì “không có bằng chứng”


Tù nhân tại một trại giam tỉnh Hải Dương.–

Tố cáo của bị can trước toà rằng họ bị ép cung, tra tấn nhận tội nhưng không hề được điều tra, làm rõ vì cơ quan tố tụng cho không có đủ căn cứ. Tình trạng này vẫn còn xảy ra trong thời gian qua tại Việt Nam, mặc dù các tổ chức Quốc tế đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích. Một luật sư cho rằng nếu không thay đổi cơ chế làm việc thì thực trạng ‘vô pháp’ đó sẽ còn tiếp diễn.

Nhiều vụ án bị tố dùng nhục hình

Người dân bị đánh, thậm chí đến chết ở trụ sở công an, hoặc nghi can, nghi phạm bị tra tấn, nhục hình trong trại tạm giam chờ xét xử, là điều xảy ra không ít ở Việt Nam từ nhiều năm nay.

Bà Đỗ Thị Thu, vợ của ông Trịnh Bá Phương, một nông dân mất đất ở Dương Nội, Hà Nội cho biết, trong phiên toà sở thẩm xét xử chồng mình diễn ra vào hôm 15/12/2021, ông Phương đã tố cáo bị công an, cán bộ điều tra nhiều lần đe doạ, đánh đập, tra tấn, ép cung… nhưng toà không giải quyết vì lời tố cáo “không có căn cứ”:

Chồng tôi có tố cáo ngay tại tòa rằng trong quá trình điều tra, họ (điều tra viên – PV) đã đánh đập chồng của tôi. Bốn tên công an thay phiên nhau đánh liên tục vào bộ phận sinh dục của chồng tôi.

Họ liên tục đe dọa chồng tôi là sẽ đưa chồng tôi vào trại bệnh viện tâm thần. Vào ngày 1/3/2021 thì họ cũng đã đưa chồng tôi vào bệnh viện tâm thần. Họ nhốt trong một cái buồng rất là nhỏ, chồng tôi bảo là uống nước thôi cũng đã rất khó khăn rồi.

Theo tôi được biết thì tòa lấy lý do là không có nhân chứng, không có bằng chứng để xác thực rằng chồng tôi bị đánh.”

Cựu đại uý công an Lê Chí Thành hôm 14/1 bị toà án thành phố Thủ Đức kết án hai năm tù giam vì tội “chống người thi hành công vụ”. Qua hình ảnh của các tờ báo trong nước đưa tin về phiên toà này cho thấy ông Thành đi không nổi, không thể đứng thẳng lưng, các đầu ngón tay đều bị thâm đen.

Bà Phú, mẹ của ông Lê Chí Thành cho RFA biết, trong phiên toà, ông Thành cũng thẳng thắn tố cáo rằng mình đã bị dùng nhục hình như thể nào trong quá trình tạm giam, điều tra án:

Con tôi không sai. Chẳng qua đây là quy chụp để bắt con tôi thôi. Nó (điều tra viên – PV) tra tấn bắt thằng Thành nhà tôi nhận tội theo ý của chúng nó, thì thằng Thành nhà tôi nó không nhận.

Cái hôm phiên tòa lần trước thì thằng Thành có nói là trong thời gian tôi giam giữ, điều tra viên Nguyễn Đức Nghĩa đã dùng nhục hình để bắt ép tôi nhận tội, nhưng tôi không có tội thì tôi không nhận. Sau đó bắt đầu đưa con tôi vào hầm tối.

Chúng nó (điều tra viên – PV) cùm chân cùm tay nó (ông Thành – PV) dẫn vào hầm phân. Cho nên hôm phiên tòa đấy nó yếu đâu có đứng được đâu, nên mới cho ngồi đó.”

Trả lời RFA ngay sau phiên toà hôm đó, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, sau lời tố cáo của bị tra tấn của ông Thành, Hội đồng Xét xử cùng Viện Kiểm sát cho rằng do ông Thành xưng hô không đúng chuẩn mực với cán bộ quản giáo nên bị kỷ luật. Lý do thứ hai là anh ta tự làm mình bị thương nên phải cách ly.

Một vụ việc tương tự được báo chí nhà nước đưa tin về phiên toà xét xử vụ án “Cướp tài sản” diễn ra vào ngày 26/11/2021 tại huyện Bình Tân, Vĩnh Long. Các bị cáo bao gồm H . (19 tuổi), D. (15 tuổi) và N. (17 tuổi).

Trong phiên toà này, có H. và N. không thể tự đi đứng được bình thường, phải nhờ công an dìu đỡ. Trong khi đó, bị cáo N. được cho biết là dưới tuổi thành niên, nhưng trong suốt quá trình điều tra, không có sự chứng kiến của người giám hộ hoặc luật sư.

Theo kết luận điều tra, N. có viết tường trình nhận tội trong khi lấy lời khai, nhưng người này liên tục kêu oan trước toà.

Phải thay đổi cơ chế

Một luật sư yêu cầu không nêu danh tính vì lý do an toàn cho RFA biết khi bị can, bị cáo tố cáo ngay trước toà rằng mình bị bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra thì toà phải xác minh, hoặc có thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung thêm về lời khai này:

Nhưng mà thường theo tôi thấy là chủ toạ sẽ nói rằng không có căn cứ. Những lời tố cáo của bị cáo, bị can là không có căn cứ. Nhưng mà làm sao bị cáo có căn cứ được, khi mà họ trong bốn bức tường. Họ đâu có thể sử dụng camera hình ảnh được, và họ cũng đâu thể nhờ những người khác khai làm nhân chứng giúp cho họ được.

Những người bạn cũng buồng giam cũng bị quản lý bởi cơ quan công an, thì liệu rằng họ có dám đứng lên để đấu tranh không. Rất khó để chứng minh khi một mình mình phải ở trong bốn bức tường

Theo kinh nghiệm của tôi thì phải đến 90% các nghi can, nghi phạm ở bất cứ tội nào, bằng cách này hay cách khác bị ép cung và khi họ phản ứng thì liền lập tức bị đe dọa về thân thể và tinh thần.”

Đối với các trường hợp nghi can chết trong trại tạm giam, luật sư này cho biết theo quy định tại điều 26, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, về “Giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết”, nói rằng:

“Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết… Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.”

Từ trước đến nay, rất nhiều trường hợp người chết trong các trại tạm giam được xác định là do bị can tự tử. Luật sư giấu tên nói với trực giác và kinh nghiệm tham gia vào nhiều vụ án hình sự thì ông không thể tin nổi rằng các vụ bị can chết trong quá trình điều tra là do tự tử. Và nếu Việt Nam không thay đổi cơ chế thì thực trạng đáng buồn này vẫn còn tiếp diễn trong tương lai:

Với trực giác và kinh nghiệm nghề nghiệp thì tôi không hề tin những câu chuyện đó. Nếu mà họ muốn tự tử thì họ đã tự tử ở bên ngoài rồi, tại sao họ lại vào đồn công an hoặc nơi tạm giam tạm giữ để tự tử. Chỉ có một trường hợp duy nhất là họ bị khủng bố, dùng nhục hình thôi.

Tôi biết được rằng là có rất nhiều vụ cơ quan điều tra họ sẽ tìm cách ém nhẹm đi hoặc làm đủ mọi áp lực để người nhà phải chôn cất mà không tiến hành khám nghiệm để xem xét nguyên nhân cái chết là gì.

Nếu cứ giữ cái cơ chế này làm việc như vậy thì rất khó để cho nghi can, nghi phạm có thể tự bảo vệ mình, và tình trạng này sẽ còn xảy ra.”

“Tra tấn bởi các cơ quan nhà nước” là một trong trong những vấn đề nổi bậc được nêu ra trong bản báo cáo của Bộ ngoại giao Mỹ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam năm 2020.

Báo cáo có đoạn: “Các nghi phạm thường bị cảnh sát, an ninh thường phục và cán bộ trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc ngược đãi, tra tấn trong khi bị giam giữ, thẩm vấn. Cảnh sát, công tố viên và các cơ quan giám sát của Chính phủ hiếm khi điều tra các báo cáo cụ thể về việc ngược đãi.

Nguồn: RFA

Tags:

Click to listen highlighted text!