Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 23, 2024

Bài học cho lãnh đạo Trung Quốc từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraina


Áp phích lãnh đạo Trung Quốc ở khu tự trị Tây Tạng Trung Quốc. 01/06/2022. AP – Mark Schiefelbein.–

Chiến tranh Ukraina đã khiến công luận quốc tế xôn xao về vai trò và vị trí của Trung Quốc trong việc giải quyết xung đột hay mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Về phần mình, Trung Quốc cẩn trọng trong từng động thái. Cuộc chiến ở sườn đông châu Âu đưa ra những bài học cho Bắc Kinh về giới lãnh đạo tinh hoa, chính sách đối ngoại hay ngoại giao.

Kể từ khi có những tiếng nổ đầu tiên trên bầu trời Ukraina hôm 24/2, đánh dấu cuộc xâm lược của Nga vào quốc gia Đông Âu, Trung Quốc vẫn luôn cố gắng giữ thái độ trung lập và làm mờ nhạt vai trò của mình trong cuộc xung đột này. Được cho là đối tác gần gũi – người duy nhất có khả năng lay chuyển Vladimir Putin, Tập Cận Bình thẳng thắn từ chối yêu cầu của phương Tây đứng ra làm bên thứ ba giảng hoà, tạo lối thoát cho khủng hoảng Ukraina. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không gọi hành động của Nga tại Ukraina là xâm lược mà chỉ là “chiến dịch quân sự đặc biệt”Giới truyền thông Trung Quốc theo chân tuyên truyền của Nga về cuộc chiến.  

Thay vì lên án tội ác chiến tranh, kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc tố cáo Ukraina dàn dựng hình ảnh về thảm sát ở Bucha. Trong một video dài hơn 3 phút của kênh truyền hình CGTN bản tiếng Phápdo Nhà nước Trung Quốc quản lý, biên tập viên giải thích “hành động tự vệ” của Nga là do những lần thất hứa của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nguy cơ khối này mở rộng ra sườn đông châu Âu, nhất là liên quan đến một nước từng là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Bắc Kinh cho rằng chính Hoa Kỳ và NATO phải chịu trách nhiệm về chiến tranh Ukraina. 

Trừng phạt Nga chỉ đổ thêm dầu vào lửa

Trung Quốc cũng phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây làm tê liệt kinh tế Nga. Trong một cuộc họp báo ngày 06/04, được AP trích dẫn, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho rằng điều này chỉ đổ thêm dầu vào lửa: 

Kể từ khi xung đột giữa Nga và Ukraina nổ ra, Mỹ đã gia tăng các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Nga và ép buộc các nước khác đứng về phía mình. Báo cáo của viện nghiên cứu tài chính Chonyang của Trung Quốc, chỉ ra rằng từ 2014 đến nay, một nhóm các quốc gia mà dẫn đầu là Hoa Kỳ đã áp đặt 8.068 lệnh trừng phạt đối với Nga – vượt qua Iran, Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới. Chiến tranh và các trừng phạt dẫn đến hâụ quả là các dòng người di cư, dòng vốn chảy ra (captial outflow) và thiếu hụt năng lượng ở châu Âu, tuy nhiên Mỹ lại là bên thu lợi, kiếm lời từ đó.”   

Trên thực tế, Trung Quốc rơi vào thế khó xử khi một mặt phải duy trì “tình bạn sắt son” với đối tác chiến lược Nga, mặt khác, lại phải dè dặt trong các phát biểu của mình để không làm phật lòng đối tác thương mại hàng đầu – phương Tây mà Bắc Kinh không thể từ bỏ. Công luận quốc tế cho rằng trước các lệnh trừng phạt, Nga có thể tìm cách cứu vớt nền kinh tế bị tê liệt bằng cách dựa lưng vào thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc.   

Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh dường như chưa tỏ ra sẵn sàng giúp Nga lách các trừng phạt, mà thay vào đó là “bắt cá hay hai tay”, vừa muốn hợp tác kinh doanh bình thường với cả Nga và Ukraina vừa tìm cách tránh suy giảm quan hệ với Mỹ và châu Âu. Một số ngân hàng quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu giảm các giao dịch với Nga, thuận theo các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Trung Quốc muốn duy trì tăng trường kinh tế bằng mọi giá, nhất là khi nước này đang chật vật trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Trong bài phân tích đăng trên trang the Diplomat, mà RFI trích dịch, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại trung tâm tư vấn – Trường Nghiên cứu Quốc tế Singapore (S. Rajaratnam School of International Studies – RSIS, thuộc đại học công nghệ Nam Dương (Nanyang), Singapore, tiến sỹ Dương Tử (Zi Yang) cho rằng việc Nga xâm lược Ukraina đưa ra những bài học đắt giá cho giới lãnh đạo Trung Quốc trong chính sách đối với giới tinh hoa, hay chính sách đối ngoại và ngoại giao, trong bối cảnh Nga đã “vỡ mộng” trên nhiều mặt trận trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình.  

Đầu tiên đó là bài học về chính sách đối phó với giới tinh hoa, tiến sỹ Dương Tử nêu ra mối đe doạ về chủ nghĩa cá nhân. Ông nhận định cách thức cai trị của Trung Quốc phụ thuộc vào những gì xảy ra ở “cấp tinh hoa”.   

Mối đe doạ từ chủ nghĩa cá nhân 

Mặc dù các chính sách tuyên truyền và những người có ảnh hưởng mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc, đã đưa ra những bài tuyên truyền thân Nga để cổ vũ dân chúng chống lại một nước Mỹ được ví như một con quái thú đáng sợ, nhưng điều này không qua mắt được giới tinh hoa – điều hành Trung Quốc, có lẽ đã nhìn nhận rõ ràng tình hình hiện tại. Quyết định xâm lược Ukraina của Putin cho thấy mức độ huỷ diệt của chủ nghĩa cá nhân khi quyền lãnh đạo tập thể bị thay thế bởi cả một hệ thống – xoay quanh một người duy nhất và người này không phải đối mặt với cơ chế kiểm soát và đối trọng (phân lập quyền lực).

Gần đây, tình báo Hoa Kỳ cho biết, vì lo sợ Putin lên cơn thịnh nộ, cấp dưới của ông đã cung cấp thông tin sai lệch, củng cố nhận thức sai lầm của ông về cuộc chiến . Nga bị rơi vào vòng luẩn quẩn, dẫn đến quyết định tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt”.   

Làn sóng phản đối chủ nghĩa cá nhân?  

Trong thập kỷ qua, trước nỗ lực cá nhân hoá nền chính trị Trung Quốc của Tập Cận Bình, việc Nga tấn công Ukraina dường như đã làm tái sinh các phe phái tinh hoa ở Trung Quốc, dám lên tiếng phản đối chủ nghĩa cá nhân. Hôm 28/03,  Bí thư tỉnh uỷ Hồ Bắc Ứng Dũng – một trong những thân tín của Tập Cận Bình – đã bị cách chức và cho về hưu sớm khi dịch Covid-19 bùng phát. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự kháng cự chống lại tình trạng tập trung quyền lực của ông Tập. Vụ việc khiến nhiều người ngạc nhiên vì Ứng Dũng được cho là sẽ đảm nhận những vị trí cao hơn trong hệ thống chính trị và pháp luật Trung Quốc – giám sát một mạng lưới rộng lớn cảnh sát giữ gìn trật tự và mật vụ của Trung Quốc.   

Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20 diễn ra vào cuối năm nay, kết quả thảm hại của chủ nghĩa Putin ở Nga sẽ mang lại thêm động lực và lý do cho đối thủ của ông Tập, để chống lại động thái tương tự đối với chủ nghĩa cá nhân ở Trung Quốc. Trong khi khó có thể làm trật bánh công cuộc củng cố quyền lực của Tập Cận Bình và ông có thể vẫn là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, thì Bộ Chính Trị mới cùng Ban Thường Vụ tiếp tục phản ánh sự đa dạng phe phái, hơn là sự thống trị của những người trung thành với ông Tập.  

Thận trọng hơn là hiếu chiến   

Trong bài phân tích, nhà nghiên cứu Dương Tử cho rằng bài học thứ hai mà Trung Quốc có thể rút ra đó là thận trọng trong chính sách ngoại giao.Trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, chiến lược của Trung Quốclà để phương Tây và Nga suy yếu còn mình trung dung, ở giữa thu lợi nhiều nhất.   

Trung Quốc một mặt nâng cao quan hệ đối tác giữa Nga và Ukraina, mặt khác thì ký kết các thoả thuận với phương Tây và đổi lại là cam kết không trợ giúp Nga trong cuộc chiến này. Các tuyên bố gần đây của các nhà ngoại giao Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh diễn vở khác nhau tuỳ theo ai là khán giả.

Trong cuộc gặp với ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị đưa ra luận điệu về tình hữu nghị “không có giới hạn” giữa hai nước. Tuy nhiên, trước khán giả Hoa Kỳ, trên kênh truyền hình Phoenix TV, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Tần Cương (Qin Gang), nhấn mạnh rằng, quan hệ giữa “Trung Quốc và Nga dẫu sao vẫn có những ranh giới cuối cùng (bottom line) đó là những nguyên tắc được thiết lập trong Hiến Chương của Liên Hiệp Quốc”. Theo đó, Bắc Kinh giữ khoảng cách với các hành động của Matxcơva.  

Trung Quốc sẽ theo đuổi lợi ích riêng hơn là phải chọn phe và tham gia vào cuộc chiến. Điều này có nghĩa là chính sách ngoại giao trong tương lai sẽ thận trọng hơn nữa vì bất cứ động thái phi lý nào có thể khiến Bắc Kinh phải trả giá đắt. Bài học chiến tranh cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc đó là thận trọng thay vì hiếu chiến. Bè phái “chiến binh sói” đang trỗi dậy bên trong bộ Ngoại Giao Trung Quốc, mà hiện thân là phát ngôn bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên – có khả năng sẽ mất đi sức ảnh hưởng do chiến tranh, những người ủng hộ các cách thức ngoại giao truyền thống có thể có được sức mạnh nhờ vào tính nhạy cảm của giai đoạn này.   

Và cuối cùng, ngoại giao là nghệ thuật tính toán, suy tính thiệt hơn và đưa ra thoả hiệp. Trung Quốc phải chèo lái một tình huống phức tạp để tối ưu hoá lợi ích quốc gia trong giai đoạn đầy thử thách. Do đó, Trung Quốc sẽ chủ trương duy trì thận trọng trong chính sách đối ngoại từ giờ tới khi cuộc chiến kết thúc.  

Cải cách quân đội  

Từ cuộc chiến cuối cùng năm 1979, với bài học từ chiến tranh của các quốc gia khác, Quân Giải phóng Nhân Dân Trung Quốc có lẽ bị sốc bởi sự kém cỏi của quân đội Nga. Có vẻ như cỗ máy chiến tranh hùng mạnh đã bị phá hỏng một cách có hệ thống, bao gồm việc binh lính và sĩ quan đào ngũ, nổi loạn, tự bắn giết nhau. Phải nói đến con số gây sốc về tướng lĩnh Nga bị chết hay mạng lưới C4ISR (chỉ huy, kiểm tra, thông tin, máy tính, tình báo, giám sát, do thám) bị đánh sập. Điều này cho thấy quân đội Nga đã mục rữa từ nhiều năm qua và khả năng sẵn sàng chiến đấu còn xa vời. 

Trong khi người ta đổ lỗi cho lãnh đạo, cho chiến lược, hậu cần hay tinh thần, thì cuối cùng, tất cả những thất bại này trở này minh chứng cho quá trình cải cách quân sự nửa vời của Nga. Điều này khiến lãnh đạo quân đội Trung Quốc phải xem xét lại chính các cải cách của mình. Mặc dù các cải cách quân sự của Trung Quốc đi xa hơn các dự án của Nga, nhưng thực lực thật sự của quân đội Trung Quốc, nếu xảy ra chiến tranh, vẫn là một bí ẩn.

Các cuộc tập trận không cho phép kiểm tra khả năng thực sự của quân đội vì thường tuân theo kịch bản có sẵn. Trong khi đó,nhiệm vụ tiên quyết là bảo vệ Nhà nước và Đảng, quân đội phải sẵn sàng cho trường hợp xung đột, đe doạ đến tính hợp pháp của chế độ. Ví dụ như căng thẳng ở eo biển Đài Loan  

Vậy kết quả là, nếu Tập Cận Bình và quân đội rút ra những bài học đúng đắn từ cuộc chiến Ukraina: nâng tầm chuyên nghiệp của các chỉ huy, hơn là chăm lo đến bè phái chính trị của mình, và chú ý đến lãnh đạo quân đội tại Đại hội Đảng sắp tới. Do đó, cần tái thiết quân đội và thiết kế lại các chương trình hiện đại hoá quân sự, nhằm tránh những sai lầm từ những cải cách quân sự của Nga. Nếu như tham nhũng đã phá huỷ quân đội Nga thì chính sách chống tham nhũng của Giải phóng quân có thể gạt bỏ được nhiều cá nhân tham nhũng gây tổn hai đến hiệu quả của quân đội.   

Chuyên gia Dương Tử kết luận rằng những bài học từ chiến tranh Ukraina có thể tác động lâu dài đến lối suy nghĩ, hành động của giới lãnh đạo Bắc Kinh, trước mắt đó là vào Đại hội Đảng lần thứ 20 – định hình nền chính trị Trung Quốc trong 5 năm tới.

Nguồn: RFI/Chi Phương

Tags: , ,

Click to listen highlighted text!