Welcome to   Click to listen highlighted text! Welcome to
Go to ...

ĐUỐC VIỆT

RSS Feed

November 24, 2024

Vì bất an nên nhìn đâu cũng thấy kẻ thù!


Vì bất an nên họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, kể cả những người yêu nước chân chính. Nhưng nghịch lý là, nhìn kẻ thù lại tưởng bạn. Từ đó, chúng ta có thể rút ra vài nét chính về tư duy “Chiến tranh Lạnh”, qua cách hành xử của Moscow, Bắc Kinh và Hà Nội.

Nói đến Chiến tranh Lạnh, chúng ta nghĩ ngay đến chiến tranh ý thức hệ, giữa chủ nghĩa cộng sản/toàn trị và chủ nghĩa cấp tiến/dân chủ.

Về chiến tranh ý thức hệ, nước Nga của Putin đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, mặc dầu văn hóa chính trị vẫn còn đậm nét độc tài cá nhân như thời Stalin. Khác với Nga, Trung Quốc vẫn tiếp tục đề cao chủ nghĩa cộng sản, và xem chủ nghĩa cấp tiến (liberalism) là kẻ thù đối nghịch với Trung Quốc. Tuy có khác, Putin và Tập đều có những điểm giống nhau. Một, cả hai muốn đưa quốc gia mình trở lại thời vàng son trước đây, thời đế chế về biên cương, sức mạnh quân sự/vật chất và chính trị vùng/quốc tế. Hai, cả hai coi tất cả nguồn lực quốc gia, kể cả nhân phẩm và quyền làm người, cũng như kinh tế hay thiết chế và luật pháp, chỉ là phương tiện để đạt mục đích; hay nói cách khác, cứu cánh là trên hết, biện minh cho phương tiện. Ba, cả hai đều có tham vọng cá nhân không giới hạn về quyền lực và thời hạn, nên sẵn sàng thanh trừng hay bịt miệng những ai cản trở đường đi của họ. Với chiêu bài phục vụ cho mục tiêu xây dựng một quốc gia hùng mạnh hàng đầu thế giới, họ cũng đã khai dụng tinh thần quốc gia và nỗi nhục dân tộc để người dân ủng hộ mục tiêu của mình, và chống lại tất cả những quốc gia thù nghịch từng bắt nạt mình.

Putin và Tập cùng với bộ máy tuyên truyền của họ đã phần nào thành công thuyết phục được dân chúng hay phe phái trong đảng tiếp tục ủng hộ họ trong vị trí lãnh đạo lâu dài.

Cả hai, tóm lại, đều có nguồn gốc hành vi độc tài toàn trị như thời Joseph Stalin và Mao Trạch Đông, mà đã dẫn đến Chiến tranh Lạnh trước đây.

Điều lạ lùng là Bắc Kinh và Tập liên tục lên án nước Mỹ là có tư duy “Chiến tranh Lạnh” mỗi khi Mỹ và đồng minh có những quyết định chiến lược kiểm soát và cân bằng quyền lực của Trung Quốc, như qua QUAD hay AUKUS. Cuối năm 2017, Bắc Kinh tố cáo Mỹ vẫn giữ tư duy ‘Chiến tranh Lạnh’ khi bị chính quyền Mỹ tăng thuế quan. Từ đó đến nay, Bắc Kinh đã lập lại quan niệm này nhiều lần, nhất là sau hiệp ước quốc phòng giữa Úc Anh Mỹ (AUKUS) vào giữa tháng 9 năm 2021. Thật ra Bắc Kinh đã bắt đầu sử dụng quan niệm này kể từ tháng Giêng năm 1998 trong cuộc hội thảo giữa hai phái đoàn Canada và Trung Quốc tại Toronto. Họ sử dụng cụm từ này thường xuyên hơn khi bị các nước khác nhận diện và tố cáo các hành vi xâm nhập của họ.

Bị mất mặt, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ đối với Mỹ, Úc và những nước khác. Chính sách ngoại giao của họ kể từ khi Tập Cận Bình lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc được chuyển từ thụ động, bảo thủ và nhẹ nhàng sang quyết đoán, chủ động và hung hăng. Họ yêu cầu chính phủ của các nền dân chủ can thiệp để truyền thông độc lập đừng đưa những thông tin không cùng quan điểm hay bất lợi cho họ. Nghĩa là giới ngoại giao của Bắc Kinh không được đào tạo ngay cả những điều căn bản nhất về ngoại giao và pháp luật, của các nước sở tại.

Hai từ tiếng Anh diễn tả thái độ ngoại giao này của Bắc Kinh là “ngoại giao giận lẫy” (tantrum diplomacy) và “ngoại giao chiến binh sói” (wolf warrior diplomacy). Hành xử quen như thế trong quốc gia của mình, khi bất đồng quan điểm hoặc khi người khác làm không theo ý mình, những kẻ quyền uy từ Trung Quốc dở trò bắt nạt, uy hiếp và khống chế, thay vì trao đổi, giải thích và thuyết phục. Giới ngoại giao Bắc Kinh hoàn toàn không quen cung cách văn minh như vậy, dù đã được phục vụ ngoài nước một thời gian.

Nếu đó là hành xử của giới ngoại giao, thì không biết trong quân đội cách hành xử kiểu diều hâu, chó sói sẽ đến mức độ nào!

Trung Quốc của Tập Cận Bình sợ gì mà hành xử như thế?

Frances Adamson, người từng đứng đầu Bộ Ngoại giao và Thương mại của Úc (Department of Foreign Affairs and Trade, không phải Ngoại Trưởng), trước khi rời nhiệm sở vào cuối tháng 6 năm 2021, đã thẳng thắn chia sẻ ý kiến của mình về Trung Quốc. Adamson nhận định Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh của mình, nhưng thực tế thì rất khác. Trung Quốc thật ra là bất an và chống chế. Điều này có nghĩa là họ nhận thức được các mối đe dọa ở những nơi không có. Adamson nói tiếp: “Ít ai thực sự hiểu rằng cường quốc này vẫn bị che đậy bởi sự bất an cũng như bị thúc đẩy bởi tham vọng. Rằng họ có một tư duy phòng thủ sâu sắc – nhận thức được các mối đe dọa bên ngoài ngay cả khi họ đẩy lợi ích của mình lên trên lợi ích của những nước khác”, và “Họ đã quá sẵn sàng để nghi ngờ việc ngăn chặn thay vì đánh giá các vấn đề dựa trên giá trị đích thực của chúng.” Tóm lại, tham vọng nhưng lo sợ và bất an chứ không phải là tự tin.

Còn Việt Nam thì sao?

Việt Nam đã quyết định không tham dự bỏ phiếu (phiếu trắng) đối với Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lăng Ukraine.

Hành động này đã làm cho 22 đại sứ châu Âu quan ngại nên đã cùng nhau chính thức lên tiếng kêu gọi Việt Nam sát cánh cùng Ukraine vào ngày 8 tháng 3. Các nhà ngoại giao Âu châu tỏ vẻ thất vọng với lãnh đạo Việt Nam. Nhưng nếu họ hiểu bản chất của những thành phần đang nắm quyền lực cao nhất trong ĐCSVN thì chắc họ ít thất vọng hơn. Tư duy và cung cách hành xử của thành phần này đâu khác gì với Bắc Kinh hay Moscow. Họ chưa bao giờ công nhận đường lối họ trước đây sai lầm, dù đã giết hại tổng cộng cả trăm triệu người trên thế giới, và đưa tất cả những nơi mình cai trị xuống vực thẳm. Không những thế, qua vụ này giới ngoại giao Âu châu chưa chắc đã biết rằng có một thành phần trong Đảng đang ủng hộ cuộc chiến của Putin, và nguyền rủa đất nước Ukraine, nhưng Đảng vẫn mặc nhiên cho họ thooải mái tuyên truyền cho chủ nghĩa Phát-xít, theo Trân VănBài viết của Hoàng Trường nói về Đại tá Lê Thế Mẫu phát ngôn một cách chính thức về tình hình chiến sự tại Ukraine càng chứng minh rằng một phần trong ĐCSVN vẫn còn tư duy “Chiến tranh Lạnh”. Chính thiểu số này đã và đang chỉ đạo Đảng bấy lâu nay.

Thêm vào đó, theo thông tin của đài Á châu Tự Do thì vào ngày 7 tháng 3 năm 2022, cơ quan quản lý ngành giáo dục của thành phố Hải Phòng ban hành công văn với tựa đề “định hướng, tuyên truyền, theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội về tình hình Nga – Ukraine”. Bản tin này cho biết “Công văn do Đảng bộ thành phố đưa ra gồm ba điểm, trong đó yêu cầu không chỉ trích, phê phán một phía, ca ngợi đường lối của Đảng Cộng sản, và đối phó với các bình luận chỉ trích Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.”

Đọc, tưởng như lãnh đạo ĐCSVN vẫn còn đang ở trong hang Pác Bó chứ.

Từ đó, chúng ta có thể rút ra vài nét chính về tư duy “Chiến tranh Lạnh”, qua cách hành xử của Moscow, Bắc Kinh và Hà Nội. Một, tham vọng nắm quyền tuyệt đối, lâu dài và không chấp nhận bất cứ sự thách thức hay phê bình nào. Hai, hung hăng và sẵn sàng dùng bạo lực để hiếp đáp nước nhỏ, hoặc những người bất đồng chính kiến trong nước, để duy trì sự độc tôn, độc tài và độc quyền, kể cả độc quyền diễn giải thế nào là sự thật. Ba, văn hóa lo sợ, nghi kỵ, bất an v.v… vẫn chiếm ngự trong giới lãnh đạo chính trị của ba nước. Tóm lại, tham vọng quyền lực tuyệt đối và lâu dài, nhưng hung hăng bắt nạt người khác, chỉ vì nỗi sợ triền miên rằng đa số người dân biết được cái đuôi, con bài tẩy của mình. Họ sợ khi bị đưa ra tòa công lý thì làm sao họ có thể bào chữa trước ánh sáng và sự thật!

Vì bất an nên họ nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, kể cả những người yêu nước chân chính. Nhưng nghịch lý là, nhìn kẻ thù lại tưởng bạn.

Ảo tưởng đến thế là cùng!

Nguồn: blog Phạm Phú Khải @ VOA Tiếng Việt

Tags: , ,

Click to listen highlighted text!