Trung Quốc làm suy yếu Hoa Kỳ nhờ thu hút được giới tinh hoa
February 8, 2022
Các binh sĩ Trung Quốc thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân mang khẩu trang bảo hộ khi diễn hành sau buổi lễ kỷ niệm đánh dấu 70 năm Trung Cộng tham gia Chiến tranh Triều Tiên, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 23/10/2020 (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images).–
Tác giả Peter Schweizer cảnh báo hiện Hoa Kỳ đang đi xuống một con đường dẫn đến thất bại trong trận chiến chống lại Trung Quốc vì nhà cầm quyền cộng sản này đã dụ dỗ lôi kéo được nhiều người trong giới tinh hoa ở Hoa Thịnh Đốn, Wall Street, doanh nghiệp Mỹ, và trong lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ.
Gần đây, ông Schweizer đã phát hành cuốn sách mới có nhan đề “Red-Handed: How American Elites Get Rich Helping China Win” (tạm dịch: Bàn Tay Nhuốm Đỏ: Cách Giới Tinh Hoa Mỹ Vừa Làm Giàu Vừa Giúp Trung Quốc Giành Chiến Thắng). Ông cho biết cuốn sách của ông đã phơi bày rõ mức độ kinh hãi về việc một số người trong giới tinh hoa đang sẵn sàng “quỳ gối phục tùng trước nhà cầm quyền này” chỉ đơn giản muốn đổi lấy quyền tiến nhập vào thị trường Trung Quốc.
“Đáng ra họ phải cảm thấy hổ thẹn,” ông nói thêm. “Khi nói đến chính trị Mỹ, có vẻ như tất cả những người đó đều đang hả hê thỏa mãn khi được tuân theo mệnh lệnh của Bắc Kinh.”
Ông Schweizer đưa ra những lời nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “China Insider” của EpochTV. Ông Schweizer cũng là chủ tịch của Viện nghiên cứu về Trách nhiệm của Chính phủ, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Ông Schweizer giãi bày, “Tôi nghĩ mọi người phải ghi nhớ điều quan trọng này ở trong đầu, đó là Bắc Kinh không cần phải đi vận động hành lang cho lợi ích của bản thân mình, bởi vì có rất nhiều nhóm lợi ích có thế lực ở Hoa Kỳ, sẽ đi vận động hành lang thay cho họ.”
Theo ông Schweizer, con đường hiện tại [mà Hoa Kỳ đang đi] sẽ có một hướng duy nhất là Trung Quốc sẽ thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cường hàng đầu thế giới.
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta sẽ thua trừ khi chúng ta bắt tay vào hành động quyết liệt,” ông Schweizer nhận xét. “Chúng ta sẽ thua bởi vì những tinh anh của chúng ta sẽ rất vui mừng khi bán hết sạch hàng, thu tiền về túi, và để lại một chỗ của họ ở những vị trí cao quý cho các thế hệ sau đến [tiếp nối].”
Ông Schweizer nói thêm rằng kết quả đó không nhất thiết có nghĩa là Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ chiếm lĩnh [vị trí của] Hoa Kỳ, nhưng Mỹ quốc như mọi người biết, sẽ rất khác trước.
“Đối với những người nói rằng, ‘Thôi mà, tôi không quan tâm đến điều đó đâu,’ thì cái đó đáng ra phải là mối bận tâm của họ,” ông Schweizer nói. “Cuộc sống ở đây sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi những gì nhà cầm quyền ở Bắc Kinh mong muốn.”
Hoa Thịnh Đốn
Một trong những quan chức chính phủ Hoa Kỳ được nêu tên trong cuốn sách này là Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Dân Chủ-California), và cách mà vị thượng nghị sĩ lâu năm này ủng hộ ĐCSTQ trong khi chồng bà, ông Richard Blum, hưởng lợi bằng cách ký kết các hợp đồng làm ăn với các công ty Trung Quốc có liên hệ mật thiết với nhà cầm quyền của nước này.
Theo cuốn sách của ông Schweizer, trong một hành động bênh vực nhà cầm quyền Trung Quốc, bà Feinstein đã ví vụ Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 — nơi có ít nhất 10,000 người bị xe tăng và quân lính Trung Cộng sát hại — với vụ xả súng Kent State năm 1970 và cuộc vây hãm Waco năm 1993 ở Texas.
Trong một phiên điều trần tại Thượng viện, bà Feinstein tuyên bố, “Về những chiếc xe tăng ở Quảng trường [Thiên An Môn], tôi cũng thấy kinh hãi như mọi người thôi, nhưng ba chiếc xe tăng của chính phủ [Hoa Kỳ] ấy đã tiến vào Waco và làm 29 đứa trẻ thiệt mạng. Bây giờ hai việc đó là không giống nhau; đây là hai tình huống khác nhau. Một cái là sai lầm của chính phủ chúng ta, và một cái là sai lầm của chính quyền Trung Quốc.”
Năm 1994, khi Thượng viện Hoa Kỳ dự tính hủy bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc với Trung Quốc, bà Feinstein đã phản đối, và tuyên bố rằng nước đi như vậy sẽ “phản tác dụng” và sẽ “kích khởi những nỗi lo sợ bất an của Bắc Kinh.”
Cuốn sách nói trên cũng phát hiện ra mối liên hệ giữa bà Feinstein và cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, quay trở lại những ngày tháng mà một người là thị trưởng San Francisco còn người kia là thị trưởng Thượng Hải. Cuốn sách trích dẫn tờ Los Angeles Times, nói rằng mối liên hệ này đã giúp ông Blum “có quyền tiếp cận vào hệ thống chính trị Bắc Kinh, vốn dĩ là bất khả xâm phạm.”
Năm 2000, tờ SFGate đã trích dẫn tuyên bố của ông Kam Kuwata, người từng là phát ngôn viên của bà Feinstein, rằng ông Blum “có quyền kinh doanh và ông ấy chưa từng làm điều gì sai trái cả.”
Thung lũng Silicon
“Bắc Kinh rất tinh vi trong việc thu hút không chỉ hầu bao của những nhân vật này, mà còn cả cái tôi của họ,” ông Schweizer nói và dẫn chứng đến trường hợp của người sáng lập Microsoft Bill Gates như một ví dụ về vế thứ hai.
Năm 2006, Mạng Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc, đã vinh danh ông Gates là một trong 50 người ngoại quốc định hình “sự phát triển hiện đại của Trung Quốc”. Theo cuốn sách của ông Schweizer, Bill Gates là nhà công nghệ đích thực duy nhất trong bản danh sách này.
Ông Schweizer cho hay, “Ông ấy là một thành viên của cái gọi là Học viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE), nghe có vẻ thân thiện và phi chính trị. Mà thật ra đó là một tổ chức do Đảng Cộng sản [Trung Quốc] điều hành, và mục tiêu của học viện này là tư vấn cho chính quyền Trung Quốc về chính sách công nghệ.”
Theo Mạng Nhân Dân Nhật báo, trong năm 2017, Bill Gates là một trong 18 người ngoại quốc được CAE chọn làm một trong những thành viên trọn đời của tổ chức này. Cơ quan truyền thông này giải thích rằng những người ngoại quốc ấy sẽ “giúp đưa vị thế của CAE lên cao trong lĩnh vực kỹ thuật.”
CAE ủng hộ các chính sách của nhà cầm quyền Trung Quốc. Trong một bài báo năm 2018 được xuất bản trên trang web của mình, chi bộ đảng của CAE tuyên bố rằng họ đã cung cấp “hỗ trợ khoa học quan trọng” cho bản kế hoạch công nghiệp của chế độ là “Made in China 2025”, đồng thời hậu thuẫn cho chiến lược “Kết hợp Quân sự-Dân sự” cũng như sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ.
Hồi tháng Sáu năm ngoái, Microsoft đã đứng giữa tâm điểm của cuộc tranh cãi khi công cụ tìm kiếm Bing của họ không đưa ra kết quả tìm kiếm nào khi người dùng ở một số quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ nhập vào từ khóa tìm kiếm “tank man” (người chặn xe tăng), là người đàn ông không rõ danh tính, được chụp hình khi đứng trước một hàng xe tăng đang rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Lời giải thích của Microsoft về việc không có kết quả tìm kiếm [cho cụm từ này], đó là “lỗi vô tình của con người”. Lời biện minh đó đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền.
Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ông Schweizer khẳng định, nói tóm lại, nhà cầm quyền Trung Quốc không quan tâm đến việc các chính trị gia Mỹ là theo Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ, miễn là họ sẵn sàng thực hiện những yêu cầu của Bắc Kinh.
“Họ không bận tâm nếu các chính trị gia Mỹ thỉnh thoảng nói về người Duy Ngô Nhĩ, hoặc nói rằng chúng ta nên có một cuộc tẩy chay ngoại giao. Họ thấy như thế cũng chẳng sao,” ông Schweizer cho biết.
“Miễn là các ông giúp họ đạt được những mục tiêu chính mà họ muốn, đó là khả năng tiếp cận [thị trường] tài chính Mỹ, rồi là tiếp cận công nghệ Mỹ, và một số thứ khác.”
Ông Schweizer nói thêm: “Đó là chiến lược mà họ đang sử dụng.”
Ủy ban về Trộm cắp Tài sản Trí tuệ của Mỹ ước tính vào năm 2017 (pdf) rằng nền kinh tế Hoa Kỳ bị thiệt hại hàng năm từ 225 tỷ đến 600 tỷ USD do hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Cộng mỗi năm.
Năm ngoái, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết cứ mỗi 10 giờ cơ quan này lại mở một vụ phản gián mới liên quan đến Trung Quốc, và có khoảng 2,500 cuộc điều tra đang được tiến hành trên khắp Hoa Kỳ.
“Quan điểm của tôi về những gì mọi người phải sáng tỏ là bản chất của nhà cầm quyền Trung Quốc là một thứ mà không thể nào tin cậy được,” ông Schweizer nói. “Và tôi không nghĩ rằng họ có thể đáng tin cậy trong mối liên hệ của họ với chúng ta và chúng ta cần phải ghi nhớ điều đó trong tất cả mọi lĩnh vực.”
Quỹ Bill và Melinda Gates cũng như văn phòng của bà Feinstein đã không phúc đáp ngay các yêu cầu bình luận.
Nguồn: David Zhang @ ePochTimes