Trung Quốc và các kế hoạch thôn tính lãnh thổ trong tương lai
January 26, 2022
Hình minh hoạ: Lính Trung Quốc đi tuần ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam..–
Trung Quốc đe doạ hầu hết các quốc gia láng giềng
Trong thập kỷ qua, các bên tranh chấp ở Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, ngày càng cảm thấy lo ngại với Trung Quốc, khi Bắc Kinh tăng cường các hành động hung hăng trên Biển Đông và xây dựng đảo nhân tạo trên các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa.
Tháng 11 năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tìm cách trấn an các nước láng giềng Đông Nam Á bằng một lời hứa rằng ông “tuyệt đối sẽ không tìm kiếm bá quyền hoặc bắt nạt những quốc gia nhỏ”. Ngay sau đó, các tàu tuần duyên của Trung Quốc lại làm điều hoàn toàn ngược lại. Trung Quốc ra sức quấy rối các tàu thăm dò dầu khí của Indonesia và Malaysia, để chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh đối với Biển Đông.
Bắc Kinh đã “can thiệp” vào các nỗ lực khảo sát vùng biển Malaysia để tìm khí đốt và dầu mỏ khiến Kuala Lumpur triệu tập phái viên Trung Quốc hai lần trong năm ngoái để phản đối. Bắc Kinh cũng đã ra lệnh cho Jakarta ngừng khoan gần quần đảo Natuna với lý do quần đảo này nằm trong “lãnh thổ Trung Quốc”. Bắc Kinh đã cử một tàu khảo sát, đi cùng với các tàu tuần duyên và hải quân, để quấy rối hoạt động thăm dò này.
Việt Nam, Malaysia, Philippines và khu vực Đài Loan từ lâu đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các tàu cá bán quân sự để thực thi các yêu sách của mình. Tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên đều gặp phải sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc khi thực hiện các hoạt động khai thác dầu và khí đốt trong vùng biển của họ.
Tranh chấp Biển Đông chỉ là một trong nhiều tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia láng giềng khác của Trung Quốc. Ấn Độ cũng cáo buộc Trung Quốc chiếm đóng tới 38.000km2 diện tích vùng Aksai Chin (1). Bắc Kinh cũng ra yêu sách với bang Arunachal Pradesh (2) và vùng lãnh thổ Ladakh. Hai nước từng xung đột tại thung lũng Galwan phía Đông Ladakh (3) hồi năm 2020.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang vướng vào các tranh cãi về biên giới với Nepal tại 3 khu vực quan trọng tại Dolakha, và 2 địa điểm gần dãy Everest. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép 10 khu vực chiến lược trên khắp Nepal và ra yêu sách với một phần lãnh thổ quốc gia này viện cớ chứng cứ lịch sử từ chiến tranh Trung Hoa-Nepal (1788-1792) (4). Thậm chí, Bắc Kinh còn tuyên bố một số vùng đất của Nepal thuộc về Tây Tạng, và vì vậy đương nhiên phải thuộc về Trung Quốc.
Trung Quốc cũng nhiều lần đưa ra những chứng cứ lịch sử để tuyên bố chủ quyền với các khu vực thuộc Mông Cổ, Hàn Quốc và Triều Tiên. Bắc Kinh cũng đòi hỏi quyền kiểm soát một phần lãnh thổ của Lào, Campuchia, Kyrgyzstan, Kazakhstan, và Tajikistan với luận điệu tương tự. Bhutan, Nga, Singapore, Thái Lan và Nhật Bản cũng có các tranh cãi với Trung Quốc về một số vùng lãnh thổ (5).
Các tham vọng lãnh thổ ẩn giấu
Có nhiều lý do dẫn đến nhiều tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc như vậy. Thứ nhất, đó là thời xa xưa, Trung Quốc đã xâm chiếm và cai trị nhiều quốc gia láng giềng. Sau này, nhiều quốc gia đã nổi dậy, giành độc lập nhưng vấn đề lãnh thổ không được giải quyết thấu đáo.
Ngoài ra, tư duy luật pháp để xây dựng đường biên giới bắt đầu từ phương Tây, sau này mới lan sang Trung Quốc. Chính vì vậy, có nhiều bất đồng về các hiệp định biên giới mà Trung Quốc cho rằng họ đã bị các nước phương Tây ép buộc ký kết các hiệp ước biên giới bất lợi cho họ.
Tuy nhiên, cũng có lý do Trung Quốc lợi dụng những điều không rõ ràng này, cộng với sức mạnh của mình, để nhằm chiếm đoạt lãnh thổ của các quốc gia khác, mà Biển Đông là ví dụ tiêu biểu. Nhà nghiên cứu Helena Legarda từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho biết phần lớn đường biên giới trên đất liền của Trung Quốc được vẽ khi quốc gia này thành lập thực sự rất mơ hồ và thậm chí không được phân định rõ ràng ở một số nơi (6).
Thêm nữa, “cơn khát” tài nguyên và tham vọng trở thành bá chủ khu vực là lý do tiềm ẩn đằng sau những tranh chấp lãnh thổ lâu năm của Trung Quốc. Quần đảo Trường Sa và các khu vực lân cận ở Biển Đông giàu tài nguyên và việc chiếm quyền kiểm soát khu vực này sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Trung Quốc, một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, cùng tinh thần tự hào dân tộc và lịch sử gắn liền với các triều đại thành công trị vì đất nước trong quá khứ đã tồn tại từ lâu. Cách đây khoảng 8 năm, một bài báo được đăng tải trên cổng thông tin trực tuyến Sohu (có trụ sở tại Bắc Kinh), đã liệt kê sáu cuộc chiến tranh “không thể tránh khỏi” mà Trung Quốc phải thực hiện trong giai đoạn 2020-2050 (7). Theo tác giả bài viết, đó là cuộc chiến thống nhất Đài Loan vào năm 2025, tiếp theo là việc đánh chiếm quần đảo Trường Sa trước năm 2030, sáp nhập Nam Tây Tạng (Arunachal Pradesh) từ Ấn Độ vào năm 2040 và giành lại quần đảo Senkaku từ Nhật Bản vào năm 2050, hợp nhất vùng Ngoại Mông và lấy lại những vùng đất đã mất từ Nga. Tác giả bài viết trên Sohu cũng cho rằng những bước đi này sẽ là những cột mốc quan trọng trước khi Trung Quốc giành được vị thế bá chủ toàn cầu.
Đây chính là chỉ báo khá rõ ràng về tư duy của người Trung Quốc cũng như tham vọng và tư tưởng dân tộc mà họ đã dung dưỡng suốt nhiều năm.
000_HT5O9.jpg
Tàu hải cảnh của Trung Quốc đi vào vùng nước gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát ở biển Hoa Đông hồi năm 2016. AFP
Làm sao để chống lại các đe doạ này từ Trung Quốc?
Sự gia tăng sức mạnh quân sự một cách nhanh chóng cùng với các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc đã gây ra quan ngại lớn cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. Chính vì vậy, Mỹ đã phát động một cuộc cạnh tranh nhiều mặt để nhằm “kiềm chế” các hành động hung hăng, phá huỷ “trật tự thế giới dựa trên luật lệ” mà Mỹ và và các nước phương Tây đã tạo dựng ra từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.
Trong bối cảnh đó, thách thức rất lớn đối với các nước nhỏ như Việt Nam là phải tạo thế “cân bằng” tương đối trong quan hệ với các nước lớn, không quá thiên về bất kỳ nước lớn nào để trở thành đối đầu với cường quốc khác, hứng chịu xung đột vũ trang và chiến tranh.
Mặc dù Việt Nam đang cố gắng tận dụng thời cơ này khi tăng cường quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, không nghiêng hẳn về bên nào, không để bị biến thành lệ thuộc vào nước lớn nào. Tuy nhiên, với các tham vọng lãnh thổ và cách hành xử hung hăng của Trung Quốc, sớm hay muộn, Việt Nam cũng sẽ bị Trung Quốc uy hiếp.
Thực tế hiện nay, sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc cũng đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong việc tập hợp lực lượng. Các nước không còn chú trọng gắn kết với nhau theo ý thức hệ như trước, mà dựa trên những lợi ích đan xen về kinh tế, chính trị, an ninh với mục tiêu chính là phục vụ cho lợi ích quốc gia, đồng thời bảo vệ lợi ích của mình trên thế giới. Đây chính là tư duy quan trọng để Việt Nam cần tỉnh táo trước những “cám dỗ” của Trung Quốc như cùng nhau xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”, trong đó Trung Quốc luôn đưa ra ý tưởng lừa mị như cùng nhau xây dựng “Chủ nghĩa xã hội”.
Việt Nam cần phải một mặt xây dựng sức mạnh quốc phòng đủ mạnh để đáp trả và gây thiệt hại đáng kể nếu Trung Quốc có hành vi xâm lấn lãnh thổ. Đồng thời, Việt Nam cũng cần đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy một “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”, mà ở đó, những nước nhỏ như Việt Nam sẽ được hưởng lợi trước sự đe doạ của cường quốc như Trung Quốc.
Nguồn: Võ Sa Hà @ RFA
_____________
Tham khảo:
1. https://www.indiatoday.in/india/story/how-china-captured-aksai-chin-1691562-2020-06-22
2. https://economictimes.indiatimes.com/news/india/china-says-arunachal-pradesh-part-of-it-since-ancient-times/articleshow/88618947.cms
3. https://carnegieendowment.org/2020/06/04/hustling-in-himalayas-sino-indian-border-confrontation-pub-81979
4. https://www.southasiamonitor.org/china-watch/survey-document-shows-chinese-encroachment-seven-districts-nepal
5. ttps://eurasiantimes.com/19-territorial-disputes-china-aims-to-settle-scores-with-all-neighbours/
6. https://www.dw.com/en/whats-behind-chinas-border-disputes/av-54332051
7. https://eurasiantimes.com/china-will-conquer-taiwan-by-2025-indias-arunachal-pradesh-by-2040/