Lễ Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa lần thứ 48 tại Little Saigon
January 19, 2022
Lễ Truy Điệu tại Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt).–
Đông đảo đồng hương, đại diện nhiều hội đoàn, đoàn thể đến dự Lễ Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa lần thứ 48 do Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long Nam California và Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Nam California đồng tổ chức tại Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa trong khuôn viên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, thành phố Westminster, vào sáng Chủ Nhật, 16 Tháng Giêng.
Theo ban tổ chức, 48 năm trước đây, những chiến sĩ Hải Quân VNCH thuộc bốn chiến hạm, gồm khu trục hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), khu trục hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), hộ tống hạm Nhựt Tảo (HQ-10), và Liên Đoàn Người Nhái đã tử chiến với Hải Quân Trung Quốc khi quần đảo Hoàng Sa bị xâm lăng. Trận hải chiến này đã đi vào lịch sử, nhưng nỗi uất hận bị địch quân cướp đất, cướp biển do tổ tiên để lại, sẽ mãi là vết thương lòng của dân tộc Việt Nam.
Chủ tọa buổi lễ là niên trưởng Hải Quân Trịnh Xuân Tụng, phó chủ tịch Hội Đồng Giám Sát Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long Nam California.
Lễ đặt vòng hoa tưởng niệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và Đài Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ban tổ chức trang trọng đặt vòng hoa tưởng niệm trước Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa.
Sau nghi thức khai mạc, Hải Quân Vũ Đình Thọ, thành viên trong ban tổ chức, nói: “Mục đích của buổi tổ chức là: Thứ nhất, để tưởng nhớ và ghi ơn sâu xa 74 tử sĩ Hoàng Sa anh hùng, mà thân xác và con tàu của họ đã nằm sâu trong lòng biển Hoàng Sa, như để thêm một chứng tích lịch sử của chủ quyền Quốc Gia Việt Nam trên vùng đảo này. Thứ hai, để vinh danh những chiến sĩ Hải Quân, những quân, cán, chính VNCH đã tham dự trận hải chiến Hoàng Sa. Thứ ba, để nhắc cho thế hệ trẻ gương bất khuất chống ngoại xâm của cha anh họ trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc. Thứ tư, để tố cáo trước công luận quốc tế và cảnh báo với đồng bào trong cũng như ngoài nước rằng, Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam, và Trung Cộng chính là kẻ xâm lăng với đủ mọi thủ đoạn thâm độc, kể cả mua chuộc tập đoàn tay sai bán nước Việt Nam.”
Nghi thức Tế Lễ Anh Hùng Tử Sĩ Hoàng Sa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Nghi thức Tế Lễ Anh Hùng Tử Sĩ Hoàng Sa do Ban Tế Lễ Hội Đền Hùng thực hiện.
Trong diễn văn khai mạc, Hải Quân Lâm Ngọc Thạch, hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, nói: “Hôm nay, chúng ta có mặt nơi đây để cùng nhau cử hành Lễ Tưởng Niệm 74 Tử Sĩ Hoàng Sa anh hùng, và cùng để nêu cao tinh thần bất khuất chống xâm lăng của ông cha từ ngàn năm qua với giặc thù Trung Cộng. Đài tưởng niệm còn đây, anh linh của tử sĩ sẽ vẫn về đây, để nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên nhiệm vụ của người còn ở lại. Đó là phải đoàn kết, bảo vệ tinh thần quốc gia để mong một ngày về cùng tạo dựng lại đất nước Việt Nam không Cộng Sản, được tự do và nhân bản.”
Các cựu Hải Quân VNCH và hậu duệ trước Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Hoàng Sa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Niên trưởng Hải Quân Trịnh Xuân Tụng nhấn mạnh: “Theo dòng lịch sử, chúng ta đã biết kẻ thù phương Bắc hàng ngàn năm qua, họ không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính nước ta. Vì thế, chúng ta cần duy trì những buổi tưởng niệm anh hùng tử sĩ tại nơi đây, cũng như khắp mọi nơi, nhất là ở trong nước. Chúng ta mong có sự đổi thay để toàn diện quốc nội được tự do tưởng niệm, để nhắc nhở con dân mai sau luôn luôn mang tâm niệm lấy lại mảnh sơn hà đã mất.”
Chiến hữu Tần Nam, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California, tâm tình: “Trong trận hải chiến Hoàng Sa, mặc dù địch quân đông và mạnh hơn gấp đôi Hải Quân VNCH. Nhưng, các chiến sĩ Hải Quân VNCH đã dũng cảm chiến đấu với Hải Quân Trung Cộng để bảo vệ biển đảo trên quê hương mình. Cuối cùng, có một số chiến sĩ Hải Quân đã hy sinh. Là những cựu quân của QLVNCH, lúc nào chúng tôi vẫn luôn tôn trọng và vinh danh 74 tử sĩ Hoàng Sa, các anh rất xứng đáng là những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam.”
Đại diện các quân, binh chủng QLVNCH đến dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Kể lại trận hải chiến Hoàng Sa, ông Nguyễn Văn Thành, cựu Hải Quân Hải Kích (Người Nhái), đã từng tham chiến nhớ lại: “Ngày 10 Tháng Giêng, 1974, chúng tôi được lệnh đến cảng Sơn Trà xuống chiếc HQ-16 để tiến về Hoàng Sa, cùng xuất quân với chúng tôi có những chiếc HQ-4, HQ-5 và HQ-10. Một ngày rưỡi sau, chúng tôi đến vòng đai của Hoàng Sa. Lúc đó, tàu của Hải Quân Trung Cộng cũng đã có mặt từ lúc nào chúng tôi không biết. Bốn chiếc tàu Hải Quân VNCH cứ chạy vòng quần đảo Hoàng Sa. Chiếc HQ-16 đi kèm với HQ-10 trong lòng chảo của nhiều quần đảo Hoàng Sa, còn hai chiếc HQ-4 và HQ-5 chạy vòng ngoài. Chiếc HQ-16 của chúng tôi bị tàu địch đụng vào để khiêu chiến. Nhưng chúng tôi được lệnh không nổ súng trước. Sau đó, tàu Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng cứ chạy vòng trên biển Hoàng Sa.”
Chủ tọa niên trưởng Hải Quân Trịnh Xuân Tụng phát biểu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Buổi sáng, 19 Tháng Giêng, 1974, đơn vị Người Nhái và Biệt Hải được lệnh đổ bộ ban ngày bằng xuồng cao su. Khi cách đảo không xa, thì từ trên đảo địch nổ súng bắn vào chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu khai hỏa bắn lại chúng. Anh em chúng tôi, một số bị tử thương, trong số đó có Trung Úy Lê Văn Đơn. Vì trên đảo địch chiếm đóng quá nhiều, nên chúng tôi không thể nào tiến quân lên đảo được, và rút quân về tàu đang đậu ngoài khơi Hoàng Sa. Khi lên được tàu, thì chúng tôi được lệnh tấn công tàu Hải Quân Trung Cộng. Lúc đó, tôi thủ cây Đại Liên 81. Tàu Trung Cộng bị chúng tôi tấn công bất thần, nên hai chiếc 271 và 273 của Trung Cộng bị bốc cháy liền, vì chúng không ngờ là chúng tôi tấn công tàu của chúng. Lúc đó, tàu của địch khoảng hơn 10 chiếc mà tàu của Hải Quân VNCH chỉ có bốn chiếc thôi. Trận hải chiến Hoàng Sa bắt đầu kịch liệt ngay lúc này,” ông kể tiếp.
Hải Quân Lâm Ngọc Thạch (trái), hội trưởng Hội Ái Hữu Hải Quân Cửu Long, và chiến hữu Tần Nam, chủ tịch Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
Ông kể thêm: “Vài phút sau, tôi bị thương nặng tại chân phải. Anh em trên HQ-16 đưa tôi xuống tàu cao su để nằm chờ quân ta đến giải cứu, chứ để tôi nằm trên tàu thì trước sau gì cũng chết cùng với anh em trên tàu đang tử chiến với địch. Sau đó, chiếc HQ-16 bị trúng đạn nặng, bị nghiêng 45 độ và đang bị cháy, nhưng không chìm, vì anh em trên tàu còn sống sót đã lấy nệm bịt những lỗ tàu bị trúng đạn của địch. Sau khi chữa cháy xong, chiếc HQ-16 vẫn còn chạy được, thì chúng tôi thấy chiếc HQ-10 bị địch bắn cháy, nhưng chúng tôi cũng không đến cứu được, vì tàu của chúng tôi cũng đã bị trúng đạn của địch rồi.”
Hai Hải Kích (Người Nhái) Nguyễn Văn Thành (trái) và Nguyễn Văn Sĩ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)
“Sau đó, tôi được anh em đưa tôi lên chiếc HQ-16 đang bị tổn thất nặng cố chạy vào bờ. Cũng nhờ Bộ Tư Lệnh Hải Quân đã lệnh cho hai chiếc tàu ra yểm trợ tàu chúng tôi, nên trong vòng 20 tiếng sau thì chiếc HQ-16 về đến cảng Sơn Trà, Đà Nẵng. Tôi được sống xót cho đến hôm nay. Nhưng, chiếc HQ-10 của cố Thiếu Tá Ngụy Văn Thà bị chìm dưới lòng biển, và 74 chiến hữu Hải Quân đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa,” ông bùi ngùi kể. [qd]
Nguồn: báo Người Việt online