Sự đối xử bất bình đẳng của Nhà nước dẫn đến xung đột đất đai
January 14, 2022
Những phụ nữ bị mất đất cầm biểu ngữ kêu cứu tại Hà Nội hôm 31/1/2013.–
Quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu” và những đối xử bất bình đẳng của Nhà nước với người dân và doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột liên quan đến đất đai ở Việt Nam lâu nay.
Hôm 13 tháng 1, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á có trụ sở ở Singapore tổ chức buổi toạ đàm với tiêu đề “Xung đột đất đai ở khu vực ngoại ô Việt Nam: nguyên nhân và hệ quả”.
Diễn giả chính của buổi tọa đàm là bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chích sách của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) ở Việt Nam.
Theo vị chuyên gia này thì kể từ năm 2004, làn sóng công nghiệp hoá và đô thị hoá đã kéo theo làn sóng thương mại hoá đất đai.
Với sự bùng nổ nhu cầu về đất để xây dựng nhà xưởng và khu đô thị đã dẫn đến xung đột đất đai, khi đất nông nghiệp được thu gom với số lượng lớn. Những cuộc xung đột liên quan đến đất nổi tiếng trong giai đoạn này phải kể đến Tiên Lãng, Văn Giang, Đồng Tâm, hay Thủ Thiêm.
“Nghiên cứu của Quỹ Châu Á thực hiện năm 2013 cho thấy có rất nhiều kiểu xung đột liên quan đến đất đai. Chúng tôi ghi nhận rằng các cuộc xung đột thường xoay quanh vấn đề mua bán đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều khiếu nại và tố cáo từ người sử dụng đất.
Và sự xung đột điển hình, đồng thời khó giải quyết nhất là xung đột giữa người sử dụng đất với cơ quan Nhà nước. Bởi vì cơ quan Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất, nhưng lại có sự đối xử rất khác với người sử dụng đất, giữa người sử dụng đất là công dân bình thường và người sử dụng đất là doanh nghiệp.”
Chiếu theo luật, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai, tức phải đóng vai trung gian và đảm bảo quyền lợi của các bên, tuy nhiên, thực tế cho thấy Nhà nước đang tỏ ra ưu ái doanh nghiệp dẫn đến việc dân chúng bất bình.
Theo bà Đỗ Thanh Huyền thì nghiên cứu cho thấy các cuộc biểu tình hay đụng độ bạo lực giữa người dân với Nhà nước chỉ là phần nổi của tảng băng chìm xung quanh vấn đề đất đai.
Còn những vấn đề khác lớn hơn phải kể đến như thái độ ưu tiên phát triển kinh tế và ưu ái doanh nghiệp của Nhà nước dẫn đến sự mất lòng tin và bất mãn trong nhân dân. Hoặc nạn tham nhũng, quy định quản lý bất cập, thông tin không cân xứng dẫn đến tình trạng khiếu kiện trên diện rộng.
Tham nhũng và bất cập về quy định quản lý thì đã rõ, nhưng vấn đề thông tin không cân xứng, đặc biệt là thông tin về giá đất, là một trong những vấn đề nhức nhối dẫn đến xung đột về đất đai ở Việt Nam trong thời gian gần đây, mà Thủ Thiêm là sự vụ điển hình.
Thực trạng này dẫn đến việc nông dân đang là nhóm người được thụ hưởng ít nhất, theo bà Đỗ Thanh Huyền. Bà cũng cho biết nếu xung đột đất đai không được giải quyết sẽ gây ra hậu quả về mặt chính trị, thể chế, kinh tế và văn hoá về mặt lâu dài.
Nguồn: RFA