Nhân quyền: HRW kêu gọi quốc tế tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022
January 13, 2022
Ảnh minh họa: Sân vận động quốc gia tại Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi diễn ra lễ khai mạc và bế mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Ảnh chụp ngày 10/01/2022. REUTERS – FABRIZIO BENSCH.–
Hôm nay 13/01/2022, nhân dịp báo cáo nhân quyền thế giới thường niên của Human Rights Watch (HRW) được công bố, lãnh đạo tổ chức này đã lên án Trung Quốc dùng Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 để che giấu bản tổng kết « khủng khiếp » về nhân quyền. Tổ chức nhân quyền của Mỹ kêu gọi các quốc gia tham gia vào phong trào tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh do Washington khởi xướng.
Trao đổi với hãng tin Pháp AFP trước khi báo cáo thường niên về tình trạng vi phạm nhân quyền trên thế giới được công bố, Kenneth Roth, người đứng đầu HRW tố cáo: « Chính phủ Trung Quốc rõ ràng sử dụng Thế Vận Hội Bắc Kinh để tẩy trắng hoặc che giấu các hành vi đàn áp kinh khủng dưới vỏ bọc của các thành tích thể thao ».
Đối với lãnh đạo HRW, cần có thêm nhiều nước nữa từ chối việc cử đại diện chính phủ đến dự Olympic Bắc Kinh 2022, giống như Mỹ, Úc, Canada và Anh Quốc. Kenneth Roth lưu ý các nước « không thể chỉ coi như mọi việc vẫn bình thường » và nhấn mạnh « ít nhất thì cộng đồng quốc tế cũng phải gia nhập phong trào tẩy chay ngoại giao » Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh, theo dự kiến diễn ra vào tháng 02/2022.
Nhắm tới giới tài trợ Olympic, lãnh đạo HRW khuyến nghị là thay vì giúp đỡ Bắc Kinh « tẩy trắng » hoạt động đàn áp, các nhà tài trợ « cần nhấn mạnh điều gì đang diễn ra ở Tân Cương », ý nói tới việc chế độ Cộng Sản Trung Quốc đàn áp, giam giữ hàng triệu người thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo ở Tân Cương.
Kenneth Roth còn chỉ trích đích danh tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteress, người theo dự kiến sẽ đến dự Olympic mùa đông 2022, là đã « hoàn toàn im lặng và từ chối lên án chính phủ Trung Quốc ».
Nhiều lãnh đạo quốc tế bị chỉ trích
Nhìn rộng ra thế giới, HRW chỉ trích nhiều lãnh đạo quốc tế, trong đó có cả tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, vì sự yếu kém trong việc bảo vệ nền dân chủ cũng như về thất bại trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng khí hậu và y tế. HRW cũng kêu gọi lãnh đạo các nước dân chủ phải cứng rắn hơn để đối phó với các chế độ chuyên quyền.
Nguồn: RFI/Thùy Dương