Nhà báo tự do Lê Mạnh Hà bị bắt với cáo buộc “phát tán tài liệu chống Nhà nước”
January 13, 2022
Một nhà báo tự do sở hữu kênh YouTube và tài khoản Facebook có tên là “Tiếng dân TV – Tiếng nói người dân Việt” chuyên tư vấn pháp lý cho người dân mất đất, vừa bị chính quyền tỉnh Tuyên Quang bắt tạm giam với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”.
Công an mặc thường phục bắt giữ ông Lê Mạnh Hà tại huyện Chiêm Hóa hôm 12/1/2022, sau đó dẫn giải về nhà ở thành phố Tuyên Quang để khám xét, tuy nhiên bên chính quyền chưa giao bất kỳ giấy tờ gì về việc bắt giữ cho gia đình.
Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do vào sáng 13/1, vợ của ông Hà là bà Ma Thị Thơ cho biết diễn biến của sự việc:
“Ngày hôm qua tức là ngày 12 tháng 1, khoảng 8 giờ 30 thì có một người dân người ta thông tin cho là anh Hà bị bắt ở trên Chiêm Hoá. Thế là tôi mới về nhà, tôi đang đưa mẹ tôi đi bệnh viện thì tôi mới vòng về nhà, hơn 9 giờ về đến nhà thì thấy rất nhiều công an, phải đến hai, ba chục người công an vây quanh khu vực nhà tôi ở.
Tôi mới vào nhà thì các đồng chí công an cho tôi ngồi xuống bàn uống nước và không cho đi đâu cả. Đến khoảng hơn 10 giờ, 10 giờ 30 thì người ta áp giải anh Lê Mạnh Hà từ Chiêm Hoá về thành phố Tuyên Quang, về nhà tôi, về đến đây thì người ta đọc lệnh khám xét nhà và đọc lệnh khởi tố bị can luôn.”
Cơ quan Công an thu giữ một số cuốn sách luật và Hiến pháp Việt Nam mà ông Hà mua từ trước để tự mình nghiên cứu, khi bà Thơ chất vấn là chồng bà bị bắt vì tội gì thì được nói lại rằng, chồng bà tuyên truyền chống Nhà nước, và bị khởi tố theo Điều 117 của Bộ Luật Hình sự.
Khi được hỏi vì sao chồng bà bị khép vào tội danh này, bà Ma Thị Thơ nói:
“Nguyên nhân chính là bởi vì anh ấy đi đòi, đấu tranh cho nhân dân. Anh là người đấu tranh rất là kịch liệt. Mà đã lên Facebook rồi YouTube để phản biện, rồi là nói những cái chi tiết về những cái gì thuộc về quyền của người dân. Thì người ta quy chụp thôi, còn theo tôi, chồng tôi, anh Hà không vi phạm cái điều 117 này.”
Bà Thơ cũng cho biết bản thân bà là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam, và bà tin chồng bà là người hiểu biết và tuân thủ pháp luật, nên việc công an nói chồng bà phạm tội tuyên truyền chống là nước, là hành vi quy chụp.
Ông Lê Mạnh Hà (áo trắng, đầu tiên từ phải sang) trong một lần ra tòa hỗ trợ pháp lý cho người dân. Ảnh: FBNV
Luật sư Lê Đình Việt, người được gia đình ngỏ ý ủy quyền bào chữa cho ông Hà nhận xét:
“Bản thân anh ấy nhận mình là dân oan. Quê gốc của anh ấy ở địa bàn huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Trước đây gia đình của anh ấy sống ở huyện Na Hang, nhưng do việc xây dựng nhà máy Na Hang dẫn đến chuyện gia đình anh ấy phải di chuyển nơi sinh sống đến địa bàn thành phố Tuyên Quang để sinh sống.
Trong chuyện di chuyển đấy thì anh ấy cũng có những cái thua thiệt liên quan đến việc ‘thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư’, đến bây giờ thì chính gia đình anh cũng đang đòi hỏi các quyền lợi mà chưa được Nhà nước giải quyết.
Trong quá trình giải quyết công việc của mình thì anh Hà cũng quan tâm đến những người dân khác, cảm thông cho họ vì họ có cùng chung cảnh ngộ với gia đình anh ấy nên anh Hà có tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý như tư vấn cho bà con làm các đơn, thư từ gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.“
Cũng theo vị luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội thì trong thời gian khoảng ba năm biết ông Lê Mạnh Hà, thì ông chỉ thấy nhà báo tự do này làm các công việc đơn thuần hỗ trợ pháp lý cho người dân bị thu hồi đất, không có gì sai trái với pháp luật.
Thủy điện Tuyên Quang, tên gọi trước đây là thủy điện Na Hang xây dựng xong vào năm 2008 hoàn thành, tuy nhiên lời hứa của chính quyền sẽ cấp 16 mét vuông đất ở thành phố Tuyên Quang cho các hộ thuộc diện di dời, chỉ thực hiện được một nửa số đất đã hứa sau 16 năm.
Chính vì vậy, theo lời người thân thì ông Lê Mạnh Hà đã tự nghiên cứu luật và tham gia giúp những người dân khác cùng cảnh ngộ để đấu tranh đòi quyền lợi.
Ông Lê Mạnh Hà, sinh năm 1970, là người thứ sáu bị bắt giam trong những ngày đầu năm 2022 vì các hoạt động ôn hòa của mình.
Năm người trước đó bao gồm ba người tu hành tại gia ở Tịnh Thất Bồng Lai bị cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Người đứng đầu Tịnh Thất Bồng Lai là ông Lê Tùng Vân bị khởi tố cùng tội danh nhưng không bị bắt giam, chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Nguồn: RFA